Khó nhai trong quá trình điều trị ung thư

Quá trình điều trị ung thư có thể kèm theo tác dụng phụ gây khó khăn cho việc ăn uống một số loại thức ăn nhất định. Các tác dụng phụ có thể bao gồm:

– Đau trong miệng;

– Đau hoặc cứng các cơ hàm;

– Các vấn đề về răng.

Nhóm chăm sóc sức khoẻ có thể giúp bạn kiểm soát sự khó nhai. Bạn cũng có thể tránh vài loại thực phẩm nhất định hay ăn thức ăn cắt nhỏ. Tuy nhiên, lưu ý rằng điều này có thể làm bạn không nhận được đủ calo và chất dinh dưỡng.

Nguyên nhân gây khó nhai

Khó nhai thường là kết quả của sự thay đổi ở miệng, xương hàm hoặc lưỡi. Ung thư, đặc biệt là ung thư miệng và hầu họng có thể gây nên vấn đề này. Khó nhai cũng có thể xảy ra sau khi điều trị ung thư. Những tác dụng phụ của việc điều trị ung thư có thể gây ra khó nhai, bao gồm:

– Viêm niêm mạc miệng, gây đau, nhức hoặc viêm trong miệng.

– Khô miệng, có thể do xạ trị, hóa trị, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc giảm đau.

– Bệnh ở nướu, sâu răng hoặc mất răng, có thể xảy ra do tác dụng phụ dài hạn của khô miệng, xạ trị hoặc hóa trị liều cao.

– Nhiễm trùng miệng sau khi xạ trị hoặc hóa trị.

– Đau và cứng các cơ hàm, có thể xảy ra do tác dụng phụ dài hạn của xạ trị vùng đầu-mặt-cổ hoặc do nghiến răng.

– Đau miệng do một số loại hóa trị liệu có thể làm tổn thương thần kinh kèm cảm giác đau.

– Mất mô và xương hàm, có thể do tác dụng phụ dài hạn của xạ trị.

– Thay đổi cấu trúc ở miệng, hàm, hoặc lưỡi do phẫu thuật.

– Không thể mang hàm giả do đau hoặc sưng trong miệng hoặc nướu.

Xử trí khó nhai

Giảm các tác dụng phụ là một phần quan trọng trong việc chăm sóc và điều trị bệnh ung thư. Đây được gọi là kiểm soát triệu chứng, chăm sóc xoa dịu hay chăm sóc giảm nhẹ. Hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khoẻ của bạn về bất kỳ triệu chứng nào mà bạn gặp phải, bao gồm triệu chứng mới xuất hiện và cả sự thay đổi các triệu chứng.

– Chăm sóc sức khoẻ răng miệng. Nha sĩ có thể giúp chăm sóc răng miệng trước, trong và sau khi điều trị ung thư. Trước khi bắt đầu điều trị ung thư, hãy chắc chắn bạn nhận đủ các điều trị nha khoa cần thiết. Nên hỏi thêm về cách kiểm soát các tác dụng phụ tác động lên răng và miệng. Ví dụ, xạ trị có thể làm tăng nguy cơ sâu răng hoặc bệnh nướu răng. Gel chứa fluoride hoặc nước súc miệng có thể giúp ngăn ngừa những vấn đề này.

– Trị liệu ngôn ngữ. Bác sĩ của bạn có thể giới thiệu bạn đến chuyên gia điều trị các khuyết tật ngôn ngữ. Chuyên gia này sẽ hướng dẫn việc sử dụng các cơ trong miệng, cổ họng và luyện tập nhai. Trị liệu ngôn ngữ sẽ cực kì hữu ích khi phẫu thuật làm thay đổi cấu trúc miệng hoặc lưỡi.

– Vật lý trị liệu. Vật lý trị liệu có thể bao gồm massage, các bài tập vận động hàm, và nhiệt ẩm.

– Thuốc. Bác sĩ của bạn có thể kê đơn nếu bạn đau khi nhai. Một số loại thuốc giúp giảm đau và kháng viêm. Một số thuốc điều trị nhiễm trùng miệng hoặc họng cũng có thể được sử dụng. Thuốc giãn cơ giúp làm giảm đau và cứng hàm.

– Phẫu thuật. Phẫu thuật đôi khi cũng có thể được đề nghị.

Chế độ ăn uống và những lời khuyên

Một số phương án xử trí có thể tốt đối với người này hơn so với người kia, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân của vấn đề khó nhai.

Hãy thử các loại thực phẩm khác nhau với cách ăn uống khác nhau để chọn ra cách tốt nhất. Lưu ý là chế độ ăn uống bổ dưỡng là rất quan trọng và bạn cần ăn thực phẩm cung cấp đủ lượng calo, protein, vitamin và khoáng chất.

Hãy xem xét các gợi ý sau:

– Ăn các loại thực phẩm mềm, mịn như yaourt hay bánh pudding.

– Nghiền hoặc xay thức ăn. Thêm các loại rau hoặc các loại thịt xay vào các món hầm hay súp.

– Nên ăn các loại trái cây hoặc rau yêu thích theo cách khác. Ví dụ, nước ép táo, sinh tố cà rốt, chuối hoặc đậu, hoặc xem xét việc ăn thử thức ăn dành cho trẻ em.

– Làm ẩm thực phẩm khô với nước dùng, nước xốt, bơ hoặc sữa.

– Uống xen kẽ nước hoặc các chất lỏng khác trong khi ăn sẽ giúp miệng và thức ăn ẩm ướt.

– Cắt thức ăn thành những miếng nhỏ, nhai chậm và nhuyễn.

– Chọn thức ăn giàu calo và protein, như thức ăn có trứng, sữa lắc, món ăn đút lò (casseroles) hoặc nutritional shakes nếu bạn đang bị sụt cân.

– Tránh thức ăn khô, thô hoặc cứng.

– Tránh thức ăn cần nhai nhiều và lâu.

– Sử dụng thức ăn, thức uống thay thế để bổ sung dinh dưỡng thay cho việc ăn.

Bạn có thể gặp chuyên gia dinh dưỡng để nhận được lời khuyên về cách ăn uống cân bằng.

Bấm Vào Đây Để Vào Thư Viện

✽✽✽✽✽✽