Đọc thử – Nhật ký điều trị ung thư buồng trứng tại Singapore, bước sang năm thứ 8

Giọng đọc:

✽✽✽✽✽✽

Ngày 03 tháng 05 năm 2019

Kinh nghiệm cá nhân trong điều trị ung thư buồng trứng

Mình năm nay 42 tuổi, là hướng dẫn viên du lịch tại phố cổ Hội An, đã chữa trị ung thư buồng trứng giai đoạn 3 từ đầu tháng 02 năm 2018, vừa kết hợp chữa cả trong và ngoài nước, hiện đã tái khám 3 đợt ổn định. Sau này mình được rất nhiều đồng bệnh inbox hỏi về cách thức chữa trị, chế độ ăn uống, vận động như thế nào là phù hợp?… Mình rất hiểu cái cảm giác hoang mang và nhớ rõ những lúc lục tung mạng để tìm hiểu thông tin về bệnh và cách diều trị, may là lúc ấy có em gái hỗ trợ mình rất nhiều. Vậy nên mình sẽ ghi lại những kinh nghiệm cá nhân đã từng trải qua để mọi người tham khảo, thấy nếu hợp lý và tuỳ tình huống có thể áp dụng nhé.

Khoảng tầm 2 tháng trước khi mình phát hiện bệnh thì chỉ cảm thấy căng căng vùng bụng dưới, theo dõi thêm 1 tháng nó vẫn vậy và kèm theo chứng mắc tiểu liên tục. Mình quyết định ra bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng khám thì phát hiện khối u 13-15cm trong ổ bụng nhưng chưa rõ vị trí chính xác, cần làm MRI. Ngay trên giường siêu âm mình nói bác sĩ cứ làm cho em, nhưng bác bảo phí đắt nếu có giấy chuyển tuyến sẽ đỡ rất nhiều. Mình đồng ý và về Hội an xin thủ tục nhưng bác sĩ HA không cho và bảo cứ nhập viện để bác mổ vì với bác trường hợp mình rất đơn giản.

Vì khối u quá to, mình đến bác sĩ Tuấn đường Hải Phòng, Đà Nẵng siêu âm lại và bác bảo nhập viện mổ gấp không được chờ qua Tết. Ngày mình nhập viện 600 giường Đà Nẵng là Chủ nhật, 20 âm lịch, tháng Chạp. Để đúng thủ tục thanh toán bảo hiểm mình nhập cấp cứu. Sau khi làm mọi thủ tục nhưng không CT, MRI, bác sĩ thông báo chỉ số CA125 > 1500. (bình thường 0-35) bác sĩ hội chẩn liên tục rồi gọi 2 vợ chồng giải thích đủ thứ, 2 vợ chồng đồng ý ký giấy mổ vì mình đã nhịn đói từ 22h đêm hôm trước đến 16h chiều hôm sau, và cứ nghĩ được mổ là OK có thể kịp về ăn Tết. Mỗ nội soi cho mình là một bác sĩ lớn tuổi có thâm niên công tác và tay nghề được coi là cao, mổ tầm 1 tiếng. Xem bản tường trình khi mổ mới thấy mình đã sai khi ký giấy, vì khi nội soi bác sĩ đã thấy tình trạng không ổn, toàn bộ phúc mạc thành bụng đã có những node trắng đỏ, kết hợp với kết quả CA125 > 1500 tại sao bác sĩ không đóng ổ bụng để chuyển lên trên xử lý?

Vậy cái sai của mình ở đây là:

– Chủ quan có sức khoẻ tốt nên hoàn toàn không khám sức khoẻ định kỳ.

– Không thăm khám ít nhất thêm bệnh viện thứ 2 để tham khảo ý kiến, khi đã biết có khối u thì nên đến khám lại ở bệnh viện chuyên khoa.

– Không kịp tham khảo thêm ý kiến người thân có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

– Và bác sĩ quyết định mổ nội soi lúc ấy là sai lầm lớn mà mọi người thường hay bảo là đụng dao kéo ấy.

Sau khi mổ 2 ngày mình có kết quả sinh thiết. Đây là khoảng thời gian khó khăn mà bất kỳ ai cũng suy sụp. Với mình, mình trải qua tương đối nhẹ nhàng, đã không rơi một giọt nước mắt cho dù mình là đứa khá nhạy cảm mau nước mắt, vì:

– Việc gì cũng sẽ có cách giải quyết chỉ cần mình cố gắng hết sức.

– Từ xưa khi nghe ai bị bệnh này thì mình đã suy nghĩ nếu đặt trường hợp mình bị vậy mình sẽ chiến đấu đến cùng.

– Sợ nếu mình bi quan thì tế bào ung thư sẽ lấn mình, sẽ phát triển nhanh hơn.

– Sợ nếu mà suy sụp thì người thân sẽ đau lòng và mất bình tĩnh trong việc xử lý những bước tiếp theo.

– Nghĩ mình cũng chưa đến nỗi chết liền như các bệnh đột quỵ hay bị tai nạn chẳng hạn, mà chỉ chết tiền hehe.

Lúc ấy, mình được em gái hỗ trợ tìm trên mạng và tất cả các nguồn để lấy thêm thông tin. Phần mình chỉ kích vào đọc những tấm gương tiêu biểu vượt qua bệnh, đăng ký tham gia các trang về Ung Thư, đọc hết tất cả các bài kể cả bình luận và phân tích lọc ra những ý hay phù hợp cho riêng mình. Luôn đọc những điều tích cực hạn chế những tin tiêu cực. Vì lúc ấy tin mình bị bệnh là cú shock rất lớn với toàn bộ mọi người bởi mình cũng thuộc tuyp người điều độ, sức khoẻ tốt nên mình có dặn các chị đồng nghiệp rằng nếu anh chị em nào cảm thấy dễ xúc động, dễ khóc thì đừng đến thăm. Khi người thân bạn bè đến thăm cũng cần có người nhà nhắc nhở trước, đại loại vào không nên nói những điều tiêu cực, ví dụ mình lúc ấy cực ghét ai đến thăm mà nói ông A chị B cũng bệnh này vừa mất, mọi người nên tế nhị hơn vì lúc ấy tinh thần bệnh nhân rất dễ hoảng loạn. Có lần mình kể chuyện với chồng: – em T (cũng bị K) vừa mua cái kính đẹp, chồng mình nói: Đi đâu nữa mà mua gì. Thấy mình tròn mắt ảnh biết ảnh đã hớ nên từ đó tuyệt nhiên ý tứ. Ủa mắc mớ gì không làm đẹp khi có điều kiện chớ? Có chết cũng phải kiêu sa chớ, đúng hem cả nhà?

Đăng Ký Để Đọc Tiếp

✽✽✽✽✽✽