Mục tiêu của việc điều trị ung thư

Bệnh nhân vào viện điều trị ung thư chỉ có một yêu cầu: khỏi bệnh, bất kể đó là thứ gì! Điều đó không phải bao giờ cũng đạt được mà ngược lại, vẫn còn rất nhiều bệnh y học không thể trị khỏi mà chỉ có thể giúp bệnh nhân duy trì cuộc sống bình thường. Cao huyết áp, tiểu đường, hen phế quản, COPD, nhiễm HIV, tăng mỡ máu, suy mạch vành… chúng ta giữ bệnh nhân bằng những đơn thuốc kéo dài đến vô tận.

Điều trị ung thư là một lĩnh vực hoàn toàn khác khi kết quả điều trị ít khi chắc chắn và minh bạch. Phẫu thuật thành công, chưa hẳn là khỏi. Hóa trị thành công, không phải là khỏi. Sống 5 năm, chưa hẳn là hết bệnh. Sống được 36 tháng, nhiều khi lại được coi là thành công. Mỗi bệnh án, mỗi phác đồ, ý nghĩa của chúng hoàn toàn khác nhau là vậy.

Khi mới nhận được tin dữ, bạn hoàn toàn lạc hướng, không biết mình phải làm gì. Trong quá trình điều trị ung thư, những diễn tiến bất thường làm bạn không biết mình đang ở đâu. Những thông tin dưới đây phác họa những mục tiêu khác nhau có thể bạn đang nhắm đến. Đọc, nhìn lại mình, tìm lại con đường, hy vọng bài viết có thể giúp bạn phần nào.

1. Mục tiêu thứ nhất: Chiến binh 5 năm

Câu hỏi đầu tiên của mọi bệnh nhân luôn là, bác sĩ ơi – liệu bệnh của tôi có trị khỏi không? Phần lớn bác sĩ sẽ rất dè dặt, không trả lời trực tiếp mà chỉ cho bạn biết một con số: khả năng sống 5 năm trong điều kiện căn bệnh của bạn.

Thật vậy, tế bào ung thư rất hiểm độc, nó có thể nằm yên ngoan ngoãn 5 năm, 10 năm rồi lại bùng lên hung dữ chỉ từ một tế bào sót lại sau điều trị. Tuy vậy, phần lớn bệnh nhân sống sau 5 năm sẽ tiếp tục ổn định nên tỷ lệ này gián tiếp cho bạn biết cơ hội khỏi bệnh của mình lớn hay nhỏ.

Cần chú ý là con số bác sĩ cung cấp thường là từ thống kê chung cho tất cả bệnh nhân. Đối với một cá nhân, con số này còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác như tuổi, giai đoạn, bệnh lý đi kèm. Bất kể con số đó là 95% hay 5%, hãy đặt mục tiêu ban đầu của mình là vượt qua ngưỡng 5 năm. Cho dù con số của bạn rất cao, đừng chủ quan và mất cảnh giác, vì bạn sẽ thua nếu bỏ qua căn bệnh tái phát. Cũng vậy, dù cho bệnh phát hiện trễ, nên nhớ là vẫn có một tỷ lệ qua được 5 năm và hơn nữa. Nếu đặt mục tiêu quá thấp, bạn đã thua từ khi chưa bắt đầu. Mặt khác, nên biết là với các tiến bộ về chẩn đoán và điều trị, tỷ lệ sống sau 5 năm đang không ngừng được cải thiện.

Đối với những ca khó, điều trị ung thư có thể thay đổi liên tục với các phương thức mới, phác đồ mới. Mỗi một lần là một thử thách và bạn không được buông lỏng niềm tin của mình. Nếu phương pháp điều trị đó chỉ giúp 10 % bệnh nhân sống sau 5 năm. Mục tiêu của bạn là phải lọt vào nhóm 10% đó.

2. Mục tiêu thứ hai: Thêm một ngày là một thành công.

Có thể có một vài loại bệnh cực kỳ ác tính, có thể tình trạng bệnh nhân không còn thích hợp với điều trị triệt để. Cũng có thể đánh giá sau điều trị bước đầu quá kém… để bác sĩ buộc phải báo với bạn, bệnh không có cách điều trị khỏi và tất cả những gì y học có thể giúp, chì là kéo dài cuộc sống của bệnh nhân vài tuần, vài tháng hay vài năm. Bạn phải ý thức được điều đó, vì sẽ có nhiều lựa chọn đặt ra trong giai đoạn này.

Có nhiều loại điều trị góp vai trò tích cực trong việc kéo dài thời gian sống sót. Chế độ dinh dưỡng đúng, vận động phù hợp, thuốc bổ hợp lý cũng đóng góp một phần. Các thực phẩm chức năng, nếu có tác dụng, cũng chỉ là một dạng thuốc bổ như các vitamin. Phẫu thuật có thể không giải quyết tận gốc nhưng có thể làm giảm các biến chứng tại chỗ, ngăn ngừa bệnh nhân tử vong sớm – ví dụ, cắt u não để giảm chèn ép và phù não, cắt u đại tràng để giải quyết tắc ruột,v.v… Xạ trị và hóa trị cũng vậy, có thể kìm hãm phần nào tốc độ phát triển của u.

Có nhiều can thiệp khác như dùng x quang can thiệp làm tắc mạch nuôi khối u. Dùng laser hay điện cao tần để đốt bớt u. Đặt các đầu kim phóng xạ tại chỗ v.v…

Ở giai đoạn này, ưu/khuyết điểm hay lợi/hại của một phương pháp điều trị rất tế nhị. Để quyết định, bạn phải trả lời 3 câu hỏi sau đây:

a. Có tác dụng hay không?

b. Bệnh nhân có chịu nổi không?

c. Có khả thi hay không?

Trước hết, việc có tác dụng hay không, phải dựa trên bằng chứng. Hỏi bác sĩ, tra google xem phương pháp điều trị đó thành công bao nhiêu %, kéo dài cuộc sống được bao nhiêu ngày. Những câu chuyện từ Facebook, những góp ý của bạn bè hàng xóm theo kiểu “…thấy ông đó uống rồi, tốt lắm ” không phải là bằng chứng, mà là tin đồn. Ngay cả khi không phải là tin đồn, chúng cũng chỉ là những trải nghiệm cá nhân, phần nhiều không đáng tin cậy.

Thứ hai, việc bệnh nhân có chịu nổi không… cần được xét trên 2 khía cạnh: tổng trạng của bệnh nhân và mức trầm trọng của điều trị, cũng như những tác dụng phụ dự đoán. Cần chú ý là đừng lẫn lộn phẫu thuật với các thủ thuật can thiệp ít xâm lấn của x quang và nội soi. Hai dạng thủ thuật sau tương đối an toàn, nhẹ nhàng, ít biến chứng và có thể dùng rộng rãi trong nhiều trường hợp.

Cuối cùng, tính khả thi của một phương pháp điều trị ung thư xét đến việc phương pháp đó có được áp dụng ở nơi đang điều trị, hay phải đi xa đến tuyến trên, ra nước ngoài. Tay nghề của bác sĩ thế nào, cơ sở vật chất ra sao và quan trọng nhất là khả năng chi trả của bạn nếu như bảo hiểm không thanh toán.

Nếu là người nhà, sau khi bạn xác định một phương pháp điều trị là hợp lý, còn một chọn lựa nữa là có nên cho bệnh nhân biết?

Việc thay đổi mục tiêu điều trị từ khỏi bệnh đến kéo dài cuộc sống là một cú sốc khá lớn. Bệnh nhân cứng rắn sẽ hiểu và vượt qua, bệnh nhân yếu đuối có thể sụp đổ. Quyết định là ở bạn.

3. Mục tiêu thứ ba: Sống trọn vẹn

Có một ngày, bạn hiểu ra rằng, bất chấp những mũi thuốc đắt tiền và những khổ sở bệnh nhân đang chịu, căn bệnh không hề có dấu hiệu ngừng lại. Việc điều trị chỉ làm tăng thêm gánh nặng cả về thể chất và tinh thần. Khám một bác sĩ khác, một bệnh viện khác, tìm một phương pháp khác… là những bước dãy dụa cuối cùng trước khi bạn chấp nhận một thực tế là thời gian của bệnh nhân không còn nhiều. Câu hỏi ở đây là bạn sẽ dùng quãng thời gian đó như thế nào?

Có sự khác biệt khá rõ trong văn hóa của Âu Mỹ và Việt Nam trong vấn đề này. Bạn đã xem phim The bucket list? Hay là Last holiday? Biết là phim ảnh không phải đời thường, nhưng những câu chuyện như thế là rất phổ biến trong xã hội Âu Mỹ. Trong khi người Việt khóc lóc, sầu não, người Mỹ lên danh sách những chuyện cần làm, những chuyện muốn làm. Họ đi du lịch, thăm bạn bè, mở party, ăn nhậu thoải mái…dù cứ vài tiếng lại phải nốc hàng bụm thuốc giảm đau hay cứ vài ngày phải chạy đi cấp cứu vì chuyện này, chuyện nọ.

mục tiêu của điều trị ung thư

Người Việt chúng ta có thể không quá trớn như hai ông già gân rũ nhau đi skydiving, nhưng chuyện nên làm là nhìn thẳng vào sự thật và đương đầu với nó. Bệnh nhân nên biết về tình trạng của mình. Tuy không nói ra, phần lớn bệnh nhân đều có thể cảm thấy. Thăm viếng bạn bè, họ hàng. Con cái về thăm thường xuyên hơn. Buổi tối ra ngoài ăn tiệc. Cuối tuần đi xem kịch, cải lương… Mỗi một phút như thế đáng giá hơn nhiều viên thuốc bổ.

Nói như vậy, bạn hiểu là mục tiêu điều trị ở giai đoạn này nhằm giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng sống, cảm thấy thoải mái cả về thể chất và tinh thần. Thuốc giảm đau, điều trị triệu chứng khác nếu có, vật lý trị liệu, dinh dưỡng và điều trị tâm lý là những phương tiện điều trị chính trong thời gian này.

4. Mục tiêu cuối cùng: Đi bình yên.

Thật khó khăn khi bạn đã đến bước này, khi cái chết cận kề chỉ tính bằng ngày hay bằng tuần. Khi bạn là thân nhân, bạn sẽ muốn níu giữ người bệnh bằng mọi giá, được phút nào hay phút đó. Là bệnh nhân, bạn sẽ không muốn chịu thêm những cơn đau giày vò, bạn không muốn mình ra đi trong một hình hài tiều tụy đáng sợ trong mắt con trẻ. Bạn muốn những đứa con nhớ về mình bằng khuôn mặt đẹp, mái tóc mượt mà chứ không phải là hai hố mắt sâu với mái đầu lưa thưa vài sợi tóc. Đó chính là cơ sở của luật ” Chết với sự kiêu hãnh” ( Death with dignity Act) khá phổ biến ở Mỹ,Canada và nhiều nước khác. Tuy nhiên, vấn đề này khá phức tạp, sẽ phân tích sau.

Không quá mức như yêu cầu cái chết êm ái, bạn chỉ cần hiểu và để cho người bệnh ra đi bình yên. Người bệnh có những hướng dẫn rất rõ ràng về ước muốn của mình. Họ ghi rõ, để cho tôi đi nhẹ nhàng, đừng dùng máy thở, đừng hồi sức khi tim tôi ngừng đập, đừng cố gắng kéo dài cuộc sống của tôi bằng đủ thứ dịch truyền hay đủ thứ ống đặt vào khắp nơi trong cơ thể… Hãy cho tôi ra đi bình yên, vì tôi đã sống trọn vẹn và đã chiến đấu hết sức mình, không hối tiếc.

Là người Việt, trước khi cố níu kéo người thân của mình, hãy tự hỏi nếu chính mình đang nằm đó, mình sẽ muốn gì? Khi hỏi vậy, bạn sẽ có câu trả lời.

Nguồn: BS Quang Vo

Bấm Vào Đây Để Vào Thư Viện

✽✽✽✽✽✽