Ảnh hưởng của COVID-19 đến bệnh ung thư
Sự tàn phá bởi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục gây ra nhiều trở ngại trong cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng này ngày càng sâu rộng và dẫn đến ngày càng nhiều hậu quả cho bệnh nhân ung thư, những người đang cần được điều trị liên tục. Bệnh viện và các cơ sở y tế đã phải phân bổ lại nguồn lực hàng ngày để đương đầu với dòng bệnh nhân nhập viện vì nhiễm COVID-19, điều này buộc các bệnh nhân ung thư phải cân nhắc giữa lợi ích đi khám trực tiếp và điều trị với nguy cơ bị lây nhiễm virus.
Sự trì hoãn các chương trình tầm soát ung thư trong cộng đồng, ví dụ như ung thư vú và ung thư cổ tử cung, đang trở nên phổ biến theo báo cáo của hơn một nửa trong 155 quốc gia tham gia khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới – số bệnh nhân được chuyển viện khẩn cấp vì bệnh ung thư ở Anh trong tháng 4 năm nay giảm 60% so với tháng 4 năm ngoái.
Chẩn đoán chậm trễ có thể dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Dự đoán ở Anh sẽ có 6.270 ca tử vong do ung thư trong năm tới – tăng 20%, và ước tính sẽ có thêm 33.890 ca tử vong ở Hoa Kỳ. Một mô hình dự báo rằng chỉ riêng ở Mỹ, giảm tầm soát ung thư đồng nghĩa với việc chẩn đoán chậm trễ 80.000 trường hợp mắc năm loại bệnh ung thư phổ biến nhất trong vòng ba tháng vừa qua kết thúc vào ngày 5 tháng 6.
Viện Ung thư Quốc gia (NCI) cho biết trong một mô hình “bảo thủ” báo cáo rằng hậu quả của việc chẩn đoán chậm dẫn đến số ca tử vong do ung thư vú và ung thư đại trực tràng, chiếm 1/6 tổng số ca tử vong vì ung thư, có thể tăng 1% hoặc 10.000 người mỗi năm ở Hoa Kỳ trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2030.
Các chuyên gia cảnh báo rằng những con số này sẽ còn được hiệu chỉnh khi đại dịch bùng phát.
“Chúng tôi chỉ đang nói về những trải nghiệm trong 3 hay 4 tháng qua, nhưng chúng tôi không thể đánh giá cụ thể nếu tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp hay làn sóng đại dịch lần thứ 2 nổi lên”.
Những gì chúng ta cần biết rõ là chúng ta đang phải chịu chi phí tổn hại rất lớn, không chỉ do virus corona, mà còn là ảnh hưởng của nó đến bệnh nhân ung thư ở hiện tại và trong tương lai, cũng như cơ hội sống sót của họ.
Viện Ung thư Quốc gia đặc biệt lo lắng một khi căn bệnh ung thư được phát hiện ở các giai đoạn sau, sẽ đòi hỏi việc điều trị phải gắt gao và tốn kém hơn, và kết quả điều trị sẽ tệ hơn.
Phát hiện sớm là vấn đề then chốt trong điều trị ung thư. Ví dụ như đối với ung thư cổ tử cung, tỉ lệ sống sót thêm 5 năm là 92% nếu được chẩn đoán kịp thời trước khi ung thư lan rộng, nhưng tỉ lệ này chỉ còn 17% nếu ung thư được phát hiện vào các giai đoạn nặng hơn.
Trong khoảng thời gian đại dịch COVID-19 diễn ra, việc tầm soát đã giảm đi đáng kể: Ở Mỹ, tỉ lệ tầm soát ung thư cổ tử cung giảm 68% trong 15 tuần đầu năm 2020, trong khi đó tầm soát ung thư vú giảm 17%. Tỉ lệ này cũng giảm nhiều hơn tại những khu vực dịch bùng phát mạnh.
Cân nhắc những rủi ro và lợi ích
Trên cả việc bỏ lỡ cơ hội chẩn đoán các ca ung thư mới, có nhiều câu hỏi cơ bản về điều trị được đặt ra trong một bối cảnh mới và đặc biệt giữa cơn đại dịch. Nhiều bác sĩ phải đưa ra quyết định cân nhắc xem có nên ưu tiên việc ngăn ngừa/điều trị COVID-19 thay vì điều trị ung thư hay không, trong khi bệnh nhân cũng cần quyết định có nên bỏ qua điều trị vì những nguy cơ tiềm ẩn do đại dịch mang đến hay không.
“Tôi đã quen với việc chứng kiến nỗi sợ hãi ban đầu, nhưng tôi chưa bao giờ thấy cộng đồng bệnh nhân của mình hoảng sợ như thế này vì sự xuất hiện của SARS-CoV-2.” – Mark A. Lewis, bác sĩ Chuyên khoa Ung thư tại Utah, trích trong một bài báo trên Tạp chí Y học New England.
“Gần như đây là một quyết định không thể thực hiện được.” Tiến sĩ Devecseri chia sẻ. “Chúng tôi cần suy nghĩ với vai trò của một bác sĩ chuyên khoa ung thư; chúng tôi cần hình dung những gì đang diễn ra trong thực hành lâm sàng, bởi vì không ai có thể thay thế bác sĩ điều trị đang túc trực bên cạnh bệnh nhân.”
“Trách nhiệm của chúng tôi là cung cấp tất cả các thông tin về thuốc, cho phép các bác sĩ xem xét, đánh giá và quyết định về cách thức điều trị nào nên được sử dụng”.
Việc đưa ra quyết định và cân nhắc những hậu quả tiềm ẩn thường gây ra sức ép rất lớn cho bác sĩ điều trị và bệnh nhân, không chỉ về cảm xúc mà còn về tinh thần.
“Thật khó khăn cho bệnh nhân, họ không phải là bác sĩ điều trị do đó không đủ khả năng hiểu hết về căn bệnh ung thư và họ cũng không thể hiểu toàn bộ về COVID-19 – nhưng điều cần làm là bác sĩ phải phối hợp với bệnh nhân của họ để đưa ra những quyết định phù hợp nhất.”
Thích nghi với thực tại mới
Cộng đồng mắc bệnh ung thư – bao gồm những người hiện đang mắc bệnh ung thư, bệnh nhân đã thuyên giảm hoặc được xem đã khỏi bệnh, các bác sĩ, thành viên trong gia đình bệnh nhân, người chăm sóc và nhà nghiên cứu – đều đang thực hiện các bước để thích nghi. Phác đồ điều trị tại nhà đang dần được thay thế bởi các quy trình điều trị trong bệnh viện; thử nghiệm lâm sàng về các loại thuốc mới mà đôi khi chỉ có một lựa chọn điều trị duy nhất, cũng đã được điều chỉnh để tránh lây nhiễm; và việc sử dụng hệ thống giám sát sức khỏe từ xa vốn đã tăng đáng kể trong thời kì bùng dịch đã giúp duy trì mối liên kết thiết yếu giữa bệnh nhân ung thư và bác sĩ điều trị.
Hướng giải quyết những vấn đề do virus corona gây ra có thể can thiệp vào quy trình hiện tại, nhưng những nhà nghiên cứu rất lạc quan và cho rằng những sự thay đổi này có thể đưa vào các công trình nghiên cứu trong tương lai, chẳng hạn như sử dụng chữ ký điện tử hoặc cách vận chuyển thuốc uống trực tiếp đến cho bệnh nhân.
Giải pháp chăm sóc sức khỏe từ xa sẽ cần được cải tiến thêm để đem lại hiệu quả như việc thăm khám trực tiếp, vì các bác sĩ ung thư thường dựa vào các dấu hiệu tinh vi thông qua thị giác như liệu có dấu hiệu đau nhức nào lúc bệnh nhân di chuyển hay không, điều này thường bị bỏ qua trong quá trình khám trực tuyến.
Tiến sĩ Devecseri cho biết: “Với việc ứng dụng công nghệ để điều trị từ xa, bạn cần phải đặt thêm nhiều câu hỏi và đưa ra các đánh giá, bạn cũng cần phải thay đổi cách thức hỏi bệnh nhân – tuy nhiên kiến thức cần thiết và phương pháp thực hiện này vẫn chưa được phát triển. Hầu như lúc nào chúng tôi cũng thường bỏ qua những câu hỏi như những ai đang sống cùng bệnh nhân, cách họ sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày của họ như thế nào, họ có cần ra ngoài không, họ có hay ở nhà không, và những mối quan hệ xã hội xung quanh họ là gì?”
Điều đó như lời nhắc nhở rằng bệnh nhân ung thư không thể chỉ được xác định bởi căn bệnh của họ đang mắc phải.
“Điều COVID-19 đã gợi ý là chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn về môi trường sống của bệnh nhân, đặc biệt là trong cộng đồng bệnh nhân ung thư – các bác sĩ chuyên khoa ung thư không thật sự điều trị ung thư mà là họ điều trị cho chính bệnh nhân. Không chỉ là chữa bệnh, mà các bác sĩ còn giúp bệnh nhân ung thư sống cuộc sống của chính họ.”, Tiến sĩ Devecseri chia sẻ.