Chuyện về tác dụng phụ của hóa chất trong điều trị ung thư

Hóa trị liệu có thể điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh ung thư. Nhưng cũng giống như các phương pháp điều trị khác, nó cũng có những tác dụng phụ. Tác dụng phụ của hóa chất thì khác nhau tùy vào bệnh nhân. Chúng phụ thuộc vào loại ung thư, vị trí di căn, loại thuốc và liều dùng, cũng như tình trạng sức khỏe bệnh nhân.

A. Tại sao hóa trị gây ra tác dụng phụ?

Hóa trị tác động vào hoạt động của tế bào. Những hoạt động này bao gồm sự phát triển và phân chia thành nhiều tế bào mới. Một số tế bào lành cũng hoạt động mạnh như tế bào ung thư. Chúng bao gồm tế bào máu, niêm mạc miệng, hệ tiêu hóa và nang lông. Tác dụng phụ xảy ra khi hóa chất tấn công những loại tế bào này.

Tác dụng phụ có thể điều trị được hay không?

Có. Chuyên gia y tế có thể giúp bệnh nhân dự phòng và điều trị các tác dụng phụ của hóa chất. Ngày nay có nhiều thuốc để điều trị tác dụng phụ hơn trước kia. Dự phòng và điều trị tác dụng phụ được gọi là chăm sóc giảm nhẹ hoặc là điều trị nâng đỡ, là một phần quan trọng của điều trị ung thư.

Các bác sĩ và nhà khoa học đang làm việc cật lực để phát triển các loại thuốc, kết hợp các loại thuốc và cách thức điều trị để giảm thiểu tác dụng phụ. Ngày nay có nhiều loại hóa chất ít tác dụng phụ hơn so với các hóa chất trước đây.

B. Tác dụng phụ thường gặp của hóa trị.

Các loại thuốc khác nhau gây ra các tác dụng phụ khác nhau. Một số loại hóa chất thường có các tác dụng phụ cụ thể. Nhưng, trải nghiệm của mỗi người là khác nhau.

Hãy nói với bác sĩ tất cả các tác dụng phụ mà bệnh nhân gặp phải. Trong hầu hết các liệu pháp hóa chất, tác dụng phụ sẽ không phản ánh hiệu quả của việc điều trị. Nhưng chúng có thể đúng đối với một số loại thuốc điều trị nhắm trúng đích.

Tác dụng phụ của hóa trị ung thư

Dưới đây là một số tác dụng phụ của hóa trị truyền thống.

1. Mệt mỏi

Mệt mỏi là luôn cảm thấy mệt và kiệt sức. Đó là tác dụng phụ thường gặp nhất của hóa trị.

2. Đau

Hóa trị thường gây ra đau. Chúng bao gồm:

– Đau đầu

– Đau cơ

– Đau dạ dày

– Đau do thương tổn dây thần kinh, chẳng hạn như cảm giác bỏng rát, tê rần hoặc “Shooting pain”, thường ở ngón tay và ngon chân.

Hầu hết các loại đau liên quan tới hóa chất đều giảm bớt hoặc hết hẳn giữa các lần điều trị. Mặc dù vậy, tổn thương dây thần kinh thường tệ hơn sau mỗi lần điều trị. Thỉnh thoảng nếu điều đó xảy ra, các loại thuốc gây thương tổn dây thần kinh có thể được dừng hẳn. Phải mất hàng tháng tới hàng năm để các thương tổn dây thần kinh do hóa trị có thể phục hồi và hết hẳn. Ở một số bệnh nhân các thương tổn này không bao giờ phục hồi hoàn toàn.

Việc điều trị đau thường khác nhau tùy vào nguyên nhân. Việc bệnh nhân nói với nhân viên y tế về cảm giác đau trong quá trình điều trị hóa chất là rất quan trọng. Có thể có những nguyên nhân gây đau khác ngoài hóa chất, ví dụ như đau do bệnh ung thư gây ra. Nếu đau do hóa chất, bác sĩ có thể điều trị bằng:

– Thuốc giảm đau

– Ngăn chặn tín hiệu đau từ dây thần kinh truyền tới não bộ bằng biện pháp giảm đau thần kinh và tủy sống.

– Điều chỉnh liều hóa chất.

3. Viêm loét họng và miệng

Hóa trị có thể gây tổn thương tế bào bên trong miệng và họng. Đây là nguyên nhân gây đau do viêm loét vùng này, được gọi là viêm niêm mạc.

Viêm khoang miệng thường xảy ra sau 5 tới 14 ngày sau hóa trị. Vết loét có thể bị nhiễm trùng. Ăn kiêng và vệ sinh răng miệng giúp giảm nguy cơ bị viêm loét miệng. Viêm loét miệng có thể khỏi hoàn toàn sau khi kết thúc điều trị.

4. Tiêu chảy

Một số hóa trị liệu gây ra các động tác đi tiêu lỏng hoặc chảy nước. Ngăn ngừa tiêu chảy hoặc điều trị sớm sẽ giúp bạn khỏi bị mất nước (mất quá nhiều dịch cơ thể). Nó cũng giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe khác.

5. Buồn nôn và nôn mửa

Hóa trị có thể gây buồn nôn (cảm giác khó chịu vùng bụng) và nôn mửa (nôn). Tác dụng phụ này phụ thuộc vào loại thuốc và liều dùng. Có những loại thuốc có thể cho trước hoặc sau khi hóa trị để ngăn ngừa buồn nôn và nôn mửa.

6. Táo bón

Hóa trị có thể gây táo bón. Điều này có nghĩa là không đi cầu thường xuyên hoặc đi cầu khó khăn. Các loại thuốc khác, như thuốc giảm đau, cũng có thể gây táo bón. Uống đủ nước, ăn các bữa ăn cân bằng, và tập thể dục đầy đủ có thể làm giảm nguy cơ táo bón.

7. Rối loạn về máu

Tủy xương là mô xốp bên trong xương. Nó tạo ra các tế bào máu mới. Hóa trị ảnh hưởng đến quá trình này, vì vậy bệnh nhân bị tác dụng phụ do có quá ít tế bào máu. Thông thường số lượng tế bào máu trở lại bình thường sau khi hóa trị hoàn tất. Nhưng trong quá trình điều trị, số lượng tế bào máu thấp có thể gây ra một số vấn đề và phải được theo dõi chặt chẽ.

Nhân viên y tế có thể sử dụng các xét nghiệm sau đây để kiểm tra các rối loạn về máu:

Số lượng máu (CBC)

– Một xét nghiệm CBC cho thấy mức độ hồng cầu và bạch cầu trong máu.

– Không đủ hồng cầu được gọi là tình trạng thiếu máu. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, chóng mặt và khó thở.

– Không đủ bạch cầu gọi là giảm bạch cầu. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Khi số lượng bạch cầu xuống thấp có thể rất nguy hiểm. Nếu bị nhiễm trùng, bệnh nhân cần dùng thuốc kháng sinh càng sớm càng tốt.

Số lượng tiểu cầu

– Xét nghiệm này đánh giá số lượng tiểu cầu trong máu. Tiểu cầu là các tế bào có chức năng cầm máu. Chúng gắn vào các mạch máu bị tổn thương và giúp hình thành cục máu đông.

– Không có đủ tiểu cầu gọi là giảm tiểu cầu. Bệnh nhân có thể dễ chảy máu và bầm tím hơn bình thường.

– Liều hóa chất có thể được điều chỉnh để giảm thiểu tác dụng phụ của hóa chất lên các dòng tế bào máu. Có một số thuốc điều trị rối loạn này. Một số thuốc giúp tủy xương tăng sinh các dòng tế bào máu. Chúng có thể giúp ngăn ngừa giảm bạch cầu ở những người có nguy cơ cao.

8. Tác dụng lên hệ thần kinh

Một số loại thuốc gây tổn thương thần kinh. Điều này có thể gây ra các triệu chứng thần kinh hoặc ở cơ như sau:

– Đau

– Bỏng rát

– Yếu hoặc tê ở bàn tay, bàn chân, hoặc cả hai

– Cơ yếu, đau, mệt mỏi hoặc đau nhức

– Mất thăng bằng

– Run

Bệnh nhân có thể bị đau cổ, nhức đầu hoặc gặp khó khăn khi nhìn, nghe hoặc đi bộ. Bệnh nhân có thể cảm thấy vụng về. Những triệu chứng này thường trở nên tốt hơn với liều hóa trị thấp hơn hoặc sau khi điều trị. Nhưng tổn thương đôi khi là vĩnh viễn.

9. Thay đổi suy nghĩ và trí nhớ

Một số người gặp khó khăn khi suy nghĩ rõ ràng và tập trung sau khi hóa trị. Những người khỏi bệnh ung thư nhưng có những triệu chứng này được gọi là bệnh não do hóa chất (chemobrain”). Bác sĩ gọi đó là những thay đổi nhận thức hoặc rối loạn chức năng nhận thức.

10. Các vấn đề tình dục và sinh sản

Hóa trị có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Đối với phụ nữ, đây là khả năng có bầu và mang thai. Đối với nam giới, đây là khả năng thụ thai. Mệt mỏi do bị bệnh ung thư hoặc điều trị cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục. Nói chuyện với bác sĩ về những tác dụng phụ có thể xảy ra này trước khi bắt đầu điều trị. Tìm hiểu thêm về cách quản lý các tác dụng phụ về tình dục và tình dục.

Phụ nữ có thể cần xét nghiệm PAP trước khi bắt đầu hóa trị. Bởi vì hóa trị liệu có thể gây nhiễm xét nghiệm này.

Hóa trị cũng có thể gây hại cho thai nhi. Đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ, khi các cơ quan vẫn đang phát triển. Nếu bệnh nhân có thể có thai trong khi quá trình điều trị, hãy sử dụng biện pháp ngừa thai hiệu quả. Nếu có thai, hãy nói ngay với bác sĩ.

11. Mất cảm giác ngon miệng

Bệnh nhân có thể ăn ít hơn bình thường, không cảm thấy đói, hoặc cảm thấy no sau khi ăn một lượng ít thức ăn. Nếu điều này kéo dài trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể giảm cân và không nhận được dinh dưỡng cần thiết. Bệnh nhân cũng có thể mất khối lượng cơ và sức cơ. Tất cả những điều này làm giảm khả năng phục hồi của bệnh sau hóa trị.

12. Rụng tóc

Một số loại hóa chất gây rụng tóc từ khắp cơ thể. Nó có thể xuất hiện ở một vài thời điểm hoặc suốt qua trình điều trị. Rụng tóc thường bắt đầu vài tuần đầu tiên kể từ khi hóa trị. Nó có xu hướng tăng lên 1 đến 2 tháng trong qua trình điều trị. Bác sĩ có thể dự đoán nguy cơ rụng tóc dựa trên các loại thuốc và liều thuốc đang dùng.

13. Vấn đề tim mạch

Một số loại hóa chất có thể ảnh hưởng đến tim mạch. Cần kiểm tra chức năng tim trước khi điều trị. Bằng cách này, các bác sĩ có thể cho biết liệu việc điều trị có gây ra tác dụng phụ lên tim mạch hay không. Một xét nghiệm thông thường là siêu âm tim (echo). Xét nghiệm này sử dụng sóng siêu âm để đánh giá hình dạng và chức năng của tim.

14. Tác dụng phụ lâu dài

Hầu hết các tác dụng phụ đều biến mất sau khi điều trị. Nhưng một số tiếp tục, tái lại hoặc phát triển sau. Ví dụ, một số loại hóa chất có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho tim, phổi, gan, thận, hoặc hệ thống sinh sản. Và một số người gặp rắc rối với suy nghĩ, tập trung và trí nhớ trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi điều trị.

Thay đổi hệ thần kinh có thể xuất hiện sau khi điều trị. Trẻ em được hóa trị có thể bị các tác dụng phụ xảy ra hàng tháng hoặc nhiều năm sau khi điều trị. Chúng được gọi là tác dụng phụ muộn. Những người khỏi bệnh ung thư cũng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư thứ hai sau này.

C. Chăm sóc sau điều trị ung thư là quan trọng

Chăm sóc sau khi kết thúc điều trị là rất quan trọng. Các nhân viên y tế có thể giúp bệnh nhân điều trị các tác dụng phụ lâu dài và theo dõi các tác dụng phụ muộn. Chăm sóc này được gọi là chăm sóc theo dõi. Chăm sóc theo dõi có thể bao gồm khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm y tế, hoặc cả hai.

BS. Phạm Mai Thủy Tiên

Bấm Vào Đây Để Vào Thư Viện

✽✽✽✽✽✽