Có nên điều trị ung thư ở nước ngoài?

Dạo này được sự tin tưởng và PR nhiệt tình của các bệnh nhân và cộng đồng facebook mà mình được khá nhiều bệnh nhân tìm đến tư vấn đặc biệt là những bệnh nhân đã điều trị ung thư ở nước ngoài. Việc làm này mình vừa giúp bệnh nhân nhưng qua đó cũng giúp mình khá nhiều điều khi tiếp cận với các thực tế điều trị tại các nước tiên tiến, dù mình cũng được đi học hỏi rồi tham quan một số nơi nhưng cũng còn nhiều nơi chưa biết. Nên trước tiên xin cảm ơn các bạn và bệnh nhân đã tin tưởng mình.

Nhưng qua đó mình thấy một số điều khá thú vị, muốn viết ra đây để ai đã đang và sẽ có ý định đi nước ngoài chữa bệnh cân nhắc để nếu có đi thì chuẩn bị thật tốt cho hành trang lên đường (ý mình nước ngoài ở đây là các nước tiên tiến như Sing, Hàn, Nhật, Pháp… chứ không phải là Cambodia nhé).

Đầu tiên xin dẫn ra 4 trường hợp tìm đến mình trong tháng này.

1. Là 1 cô bệnh nhân ban đầu khá giàu có, bị u hắc tố ác tính (Melanom) cô đi điều trị bên USA. Điều trị cũng gồm phẫu, hóa trị, nhắm đích, miễn dịch. Các biện pháp đều tiên tiến nhất, và tất nhiên chẳng có gì sai, về chuyên môn theo mình là tối ưu. Chỉ có điều là cô đã tán gia bại sản, điều tệ hơn là cô đã nghĩ ở Việt Nam không thể làm được như vậy. Và 2 năm nay cô không có chút thời gian nào cho gia đình và con cái mà chỉ loanh quanh chuyện chạy qua chạy lại chữa bệnh, đến khi hết hy vọng trở về thì giờ đã nằm một chỗ thở oxy, muốn đưa con ra ngoài đi ăn một bữa ăn gia đình cũng không thể nữa.

2. Là 1 cô bệnh nhân bị Ung thư phổi, phát hiện bệnh khá sớm, cô đi Pháp mổ 2 năm trước, giờ tái phát lại và di căn xa. Cô đã quay lại Pháp và họ đã có hướng điều trị tiếp. Cô muốn ở Việt Nam nếu có chỗ nào chữa được thì cô sẽ ở Việt Nam chữa cho tiện. Nhưng cô có 1 bài toán cho các bác sĩ Việt Nam. Đó là cô muốn tìm 1 bác sĩ có thể nhận định đúng tình trạng của cô, hơn nữa là cho cô niềm tin và đáp án điều trị như bên Pháp. Cái này thì khá hóc búa khi cô tìm đến 4 bác sĩ và đều không ưng ý. Cô bảo riêng đáp án điều trị thì bác sĩ nào cũng đúng. Mà còn phần niềm tin thì chưa. Chỉ là các bác sĩ cô gặp đều không cho cô nói hết những gì cô muốn nói, vì cô là người hiểu biết nên sau 2 năm điều trị cô có rất nhiều kiến thức cũng như hiểu rất rõ bệnh của mình, và có 1 đặc điểm khá lạ là sau khi phẫu thuật cắt 1 bên phổi cho cô thì bác sĩ bên Pháp có bơm một loại chất dạng keo lỏng gì đó vào bên lồng ngực để cân bằng trung thất, cô biết điều đó. Nhưng khi chụp film người đọc không biết thì hầu hết đều nghĩ là tràn dịch màng phổi, kết quả cũng ghi như thế. Và xui là 4 bác sĩ trước cô gặp cũng theo thói quen nói đó là dịch màng phổi, kết luận cô bị tràn dịch luôn, và không cho cô trình bày. Vậy nên cô không có lòng tin. May mắn sao đến lượt mình thì mình hỏi cô 1 câu có thể liên lạc với bác sĩ bên Pháp xem khi mổ họ có làm gì đặc biệt không. Sau đó cô mới nói ra. Và cô đã quyết định dù ở ngoài Bắc nhưng vẫn đi về để vào TP.HCM xin theo điều trị tại bệnh viện mình. Dù mình khuyên là thuốc đó ở ngoài đó cũng có và khuyên cô nên điều trị ngoài thành phố cô ở cho gần nhà.

3. Một em bệnh nhân 21 tuổi, bị ung thư tinh hoàn, em này đã từng là bệnh nhân của mình. Mình đã lên chương trình điều trị nhưng do nhà rất giàu lại con một, nên gđ quyết định đưa cháu đi nước ngoài cho yên tâm tuyệt đối.

Khi đi mình cũng vui vẻ tóm tắt hồ sơ cung cấp đủ. Gia đình cũng xin lỗi đã làm vậy nhưng mình cũng vui vẻ thật tậm ủng hộ quyết định đó. Vì nếu qua Sing sự chăm sóc hẳn là tốt hơn ở Việt Nam. Mình có trên 50 bệnh nhân mỗi ngày, sự quan tâm không thể bằng được. Qua đó em được hội chẩn và điều trị với phác đồ hóa chất y hệt. Hai bố mẹ đã tranh cãi nhau nên ở hay về, nhưng rồi vẫn ở lại. Nhưng mỗi lần hóa xong lại về Việt Nam nghỉ ngơi đến ngày hóa tiếp lại sang. Và có 1 đặc biệt là cứ truyền dịch ngày nào là bệnh nhân rất mệt mỏi đau ngực, gọi bác sĩ bên đó cũng bảo chỉ là bị tác dụng phụ của hóa chất nhưng thằng bé cứ kêu hoài. Sau truyền thuốc cứ phải 10 ngày sau nó mới hết triệu chứng. Bố mẹ thì nghĩ nó công tử nên mệt tý đã than. Nhưng đến lần truyền thứ 3 về nó rất mệt và lả đi, gọi qua đó họ nghĩ là mệt do hóa chất khuyên đi vào bệnh viện Việt nam truyền thêm dịch thải độc nhanh hơn. Tuy nhiên khi đi truyền dịch thằng nhỏ lả luôn đi và khóc lóc. Bố mẹ nó mới đánh liều nhờ qua sếp mình để bật đèn xanh gọi lại cho bác sĩ Luân vì ngại đã bỏ đi nơi khác. Thế là qua khám xét mình thấy có vấn đề, không giống mệt mỏi thường sau hóa trị. Và kết quả khám ra là em nó bị bệnh tim thông liên nhĩ bẩm sinh. Lỗ thông không quá lớn nên chỉ khi truyền dịch nhiều quá tải tuần hoàn nó mới có triệu chứng. Nên dù trước truyền xét nghiệm kiểm tra tim mạch cũng không thấy gì. Và ngay ngày hôm sau thằng em đã được can thiệp tim mạch, sau 3 ngày can thiệp về bình thường ngay. Nó còn chạy qua mình nói em lạy anh nhờ có anh em mới thoát nạn, em nói mệt không ai tin em.

4. Một cô bệnh nhân đi mổ bên Sing về, người nhà và cô đến mình hỏi chuyện kể: mẹ em bị ung thư cổ tử cung và buồng trứng, mổ rồi nhưng không lấy hết được hạch trên bụng, nên phải hóa xạ trị. Nghe bác sĩ giỏi muốn hỏi thử xem ở Việt Nam làm được không để đỡ phải đi lại. Xem kĩ và hỏi lại thì hóa ra cô ấy không bị bệnh đó và cũng không phải là mổ không lấy được hạch như người nhà nói. Cô ấy bị Ung thư thân tử cung và đã mổ hết, chưa di căn hạch mà chỉ bị xâm lấn mạch bạch huyết. Những nhận định này rất khác nhau liên quan đến quyết định chẩn đoán bệnh, giai đoạn và điều trị. Dù người nhà rất giỏi ngoại ngữ và có thuê người phiên dịch hỗ trợ. Nhưng nhìn vào tờ giấy viết dịch mình đã biết là đã bị dịch sai và hiểu sai.

điều trị ung thư ở nước ngoài

Từ những điều trên mình rút ra mấy điều lợi hại.

1. Lợi

– Nước ngoài họ làm bài bản và tỉ mỉ, sự phối hợp các chuyên khoa phẫu, xạ, hóa, giải phẫu bệnh… quá tốt. Cái gì cũng phải chính xác tuyệt đối. Y như giudeline. Điều này ở Việt Nam các cơ sở chuyên về Ung bướu cũng còn đang từng bước hoàn thiện chứ khó đạt được như vậy.

– Trang bị tốt, hầu hết là tiên tiến nhất. Ở Việt Nam thì tùy bệnh viện có nơi cũng có máy móc tốt, nhưng nhìn chung mặt bằng kém hơn. Nhiều kĩ thuật ở Việt Nam chưa làm được.

– Bệnh nhân được thăm khám kỹ, thời gian đủ cho thăm khám. Hỗ trợ bệnh nhân tối đa. Chỉ là tiền thôi. Khác với ở Việt Nam hầu hết quá tải. Bác sĩ họ khám 1 ngày có trên dưới 10 ca, quá số ca sẽ bị phạt, khác bác sĩ Việt Nam mỗi buổi sáng bước đến với khoảng 50 hồ sơ, nói khám không tận tình thì cũng ko đúng mà nói là tỉ mỉ cũng khó tin được.

– Thấy được sự tin tưởng vì chuyên nghiệp, tận tình trong việc hỗ trợ, tươi cười. Không phải cầm tờ xét nghiệm đi tìm kiếm chờ chực.

– Chế độ chăm sóc quá chu đáo, gọi điều dưỡng hay bác sĩ là có ngay, mặt mũi tươi tắn. Chỉ là gọi họ lần nào thì họ tính tiền lần đó. Gọi cả đêm cũng được. Mình đã từng bước vào 1 phòng bệnh dịch vụ của Sing và thấy khách sạn 5 sao ở Việt Nam cũng chưa tiện nghi bằng chỉ là giá tính bằng ngàn đô mỗi đêm. Ai thích đi bệnh viện để hưởng thụ thì quả là lý tưởng.

2. Hại

– Đi lại xa xôi, thời gian dài lưu lạc đất khách khi bệnh tật không có thân nhân.

– Hạn chế về giao tiếp đặc biệt là vấn đề về từ ngữ y khoa dẫn đến rất nhiều không thể hiểu được, và nhiều khi là hiểu sai. Có những hiểu sai tai hại do bất đồng ngôn ngữ.

– Chi phí thường là gấp nhiều lần (tùy bệnh) cái này nói cho có thôi, chứ các bệnh nhân đã đi được đều ít quan trọng đến chi phí, mình đã thấy có tờ chi phí hóa trị mà tiền thuốc hóa trị chỉ chiếm 1/30 tổng chi phí.

– Thời gian chữa bệnh quá nhiều. Nếu như cô bệnh nhân đầu tiên thì có lẽ lại là một sự tiếc nuối.

Vậy tóm lại có nên đi không?

Theo cá nhân mình thì nếu cần đi và có thể đi thì đi. Có bệnh hay cần phương pháp điều trị mà ở Việt Nam không có hay chưa có thì nên đi. Nhưng trước khi đi nên tìm hiểu cho kĩ những lợi và hại để cân nhắc và tìm cách khắc phục những khó khăn trong đó có một số mình vừa nêu để hành trang lên đường.

PS: Thêm chút cảm nhận cá nhân mình thấy tình cảm của nước người ta tuy tươi cười mà tươi hình thức thôi. Mình đã thấy bên Hàn hay Sing bác sĩ ngồi khóc với bệnh nhân nhưng sau đó khi bệnh nhân bước ra họ lạnh lùng ngay. Như diễn phim ấy. Đồng cảm như là công việc của họ. Khi họ hết giờ làm thì đừng có khi nào gọi cho họ được, đang điều trị cho bạn mà đến ngày phép thì bạn không gặp được. Chứ đâu có như ở Việt Nam đa phần bệnh nhân khi ra viện về nhà vẫn gọi cho bác sĩ hỏi bất kể ngày đêm, nghỉ phép cũng không yên nghỉ được ngày nào. Cái này mình note theo cảm nhận riêng của bản thân, cực kì không đáng tin cậy, và không muốn quy chụp tất cả hay không phê phán chê trách, đó có thể là văn hóa làm việc của người ta thôi. Và cuối cùng xin nhấn mạnh lại là bác sĩ Luân không hề phản đối việc đi điều trị ung thư ở nước ngoài nhé!

BS Nguyễn Thành Luân

Bấm Vào Đây Để Vào Thư Viện

✽✽✽✽✽✽