Đọc thử – Trao đổi kinh nghiệm điều trị ung thư với bạn
✽✽✽✽✽✽
Ngày 18 tháng 04 năm 2019
Trao đổi kinh nghiệm điều trị ung thư với bạn.
Bạn gặp phải hoàn cảnh như tôi, Mẹ bạn bị ung thư phổi moradola (mở ra đóng lại, khi mổ thấy bệnh lan rộng nên không mổ nữa). Tôi xin trao đổi với bạn và các bạn khác có cùng hoàn cảnh khó suy nghĩ như vậy những nội dung sau:
1. Nói cho Mẹ biết bị ung thư như thế nào.
2. Xử trí tâm lý (trong phạm vi lần này chưa nói chuyện điều trị tâm linh).
3. Chọn lựa hướng điều trị cho mẹ bạn.
4. Nên để điều trị ở Việt Nam hay ra nước ngoài điều trị.
A. THÔNG BÁO KẾT QUẢ BỆNH UNG THƯ CHO NGƯỜI BỆNH.
Khi mẹ bạn bị ung thư, để cân nhắc nên nói cho mẹ hay không, và nếu nói thì nói như thế nào, thì bạn cần chia ra làm hai tình huống:
– Bệnh thuộc loại và giai đoạn điều trị được: Nên nói, nhưng nói có nghệ thuật, có đạo đức. (Bây giờ mình tạm chưa đề cập tình huống này).
– Bệnh thuộc loại khó chữa, giai đoạn cuối, bệnh nhân tuổi đã cao (nghỉ hưu, không làm gì cả mà chỉ lo chuyện sinh hoạt gia đình, vui thú điền viên chăm lo con cháu), sống ở Việt Nam thì không nên nói bây giờ. Nói ra không giải quyết được gì mà làm suy sụp tinh thần bệnh nhân, rất khó điều trị tâm linh. Cần ít nhất vài tháng chuẩn bị kỹ tinh thần cho mẹ bạn rồi mới nói trong hoàn cảnh thuận lợi. Hoặc để từ từ mẹ tự nhận ra như tôi đã chăm sóc mẹ tôi. Hoặc không nói luôn, nếu biết tinh thần mẹ mình thuộc týp rất yếu.
Tôi có bệnh nhân từng coi cái chết như không và sẵn sàng hy sinh tính mạng cùng toàn bộ tài sản của mình cho sự nghiệp chung, được tuyên dương là anh hùng tình báo. Bác ấy bị ung thư đại tràng phát hiện ra thì không mổ được, Hoá trị không hiệu quả. Vào bệnh viện Chợ Rẫy, có Bác Sĩ nữ là quen gia đình từng bị ung thư vú nhảy vào khăng khăng phải nói cho bệnh nhân biết, bất chấp các con bác (sau này như anh em kết nghĩa của mình) năn nỉ xin đừng nói. Chị Bác Sĩ ấy cứ lý luận dựa vào kinh nghiệm bản thân là biết bị bệnh sẽ tập trung tinh thần để chiến thắng căn bệnh. Kết quả là người bệnh suy sụp tinh thần hoàn toàn, tôi đã vất vả điều trị tâm linh cho bác. Chị Bác Sĩ này sai lầm ở chỗ bệnh của bản thân chị ấy ở giai đoạn bệnh còn chữa được, còn Bác bệnh nhân thì không. Chị ấy tưởng người anh hùng quân đội thì cũng sẽ chấp nhận với bệnh gây chết dễ như vào cuộc chiến. Không phải vậy, khi vào cuộc chiến dù nguy hiểm đến mấy người ta vẫn có hy vọng mình là người sẽ thắng và sống sót, hơn nữa, tâm lý chung của con người trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh thì chuyện chết chóc thường gặp. Nói gọn là dù lúc nguy hiểm nhất người ta vẫn có hy vọng. Còn nay thời bình, nếu biết bị bệnh không chữa được chắc chắn chết thì chỉ gây tuyệt vọng, dẫu trước kia có là anh hùng.
Tôi biết có những người con cũng là Bác Sĩ, nhưng không có kỹ năng thông báo hung tin của người Bác Sĩ ung thư kinh nghiệm, nên đã gây shock cho cha mẹ mình một cách đáng tiếc. Khi cha mẹ không biết bị ung thư, ta lại không biết cách chuẩn bị tinh thần cho cha mẹ, họ sẽ thắc mắc và lo lắng lắm lời. Người con không chịu được, nói thẳng cho cha mẹ một cách đường đột thô thiển thì chẳng khác gì “Ba (hoặc mẹ) im đi! Bệnh chắc chết đấy nói hoài mệt quá!”. Cha mẹ im liền, shock mà!, con lại thấy nói cho cha mẹ biết ung thư không chữa được là điều nên làm – bởi giúp ổn định sớm tinh thần cho cha mẹ, họ bớt thắc mắc. Thật ra đó là đã làm ác với cha mẹ mà con không biết.
B. XỬ LÝ TÂM LÝ.
Chăm sóc đối xử để mẹ mình có tâm hồn thanh thản về cuộc sống, yên tâm điều trị.
Mẹ Việt Nam rất tuyệt vời, cả đời chi thu vén gia đình, thương lo cho chồng con. Để mẹ có tâm hồn thanh thản cần làm những việc sau:
– Anh em trong nhà hoà thuận: Mấy anh em có mâu thuẫn gì thì bây giờ phải về bên mẹ hoà giải. Người mẹ nào cũng vui khi các con của mình thương yêu nhau.
– Thể hiện tinh thần anh em đùm bọc nhau cho mẹ thấy. Đứa nào kinh tế yếu kém nhất, hoàn cảnh khó khăn nhất được mọi người dồn vào lo. Như thế mẹ sẽ rất yên tâm.
– Hãy thể hiện cho mẹ biết chắc rằng vợ con mình đang sống với đời sống vững vàng, gia đình hạnh phúc để mẹ yên tâm về phần mình. Nhắc các anh chị em cùng thể hiện điều tương tự.
– Mình đã lo lắng cho các em của mẹ mình (các cậu và dì cùng các con của họ) giống hệt như lo cho cha mẹ và các em ruột mình. Đó là xuất phát từ nhận thức người con gái Việt Nam luôn có hiếu với cha mẹ, nhưng mẹ mình từ khi lập gia đình chỉ lo cho đàn con trong hoàn cảnh đất nước hết sức khó khăn nên không chăm lo được gì cho ông bà ngoại và các cậu, dì. Mình quyết định âm thầm thay mẹ mình báo hiếu từ khi mới ra trường làm Bác Sĩ. Đến khi mẹ bệnh mình mới nói cho mẹ biết. Điều đó làm mẹ vô cùng tự hào về thằng con trai của mình. Ít người làm được chuyện đó, mình không kể ra đây.
– Thăm dò dàn xếp mọi món nợ tinh thần hay nợ vật chất của cha mẹ. Bàn với mẹ xoá nợ cho những người mắc nợ gia đình mình nếu họ khó khăn.
– Thăm dò mọi ước muốn của mẹ, nhất là những ước muốn thầm kín và làm những việc đáp ứng hoàn thành những ước muốn ấy.
– Luôn gần gũi mẹ, có dịp là về bên mẹ. Chăm sóc việc ăn uống cho mẹ (việc này tôi sẽ nói sau). Nếu hoàn cảnh ở xa thì phải luôn gọi điện thoại về nói chuyện với mẹ, nhắc nhở anh chị em ở gần về quây quần bên mẹ.
– Khéo léo hoàn tất những công việc pháp lý liên quan đến mẹ (di chúc, giấy tờ nhà cửa, tài khoản ngân hàng…). Hãy nói cho Mẹ biết làm như vậy là để mẹ hoàn toàn thoải mái, không phải lo lắng chịu tránh nhiệm việc gì cho khổ. Chỉ vui sống và yên tâm điều trị thì mới tốt cho phục hồi sức khoẻ.
– Cả đời mẹ mình cực khổ, em gái mình hay tin mẹ bị như vậy, vợ chồng em đã gửi tiền về cho mình mua căn nhà lầu mới khang trang cho mẹ ở được ngày nào hay ngày đó.
– Bạn hãy nghĩ thêm nhưng hành động thiết thực khác, phù hợp với hoàn cảnh gia đình bạn, tâm lý riêng của mẹ bạn để mẹ bạn có được tâm hồn yên tâm, thanh thản, hạnh phúc.
C. CHỌN LỰA HƯỚNG ĐIỀU TRỊ.
Có một bạn nêu ra chủ đề rất thực tế “LỰA CHỌN GIẢI PHÁP ĐIỀU TRỊ… THẬT LÀ KHÓ! CÁC BÁC SĨ NÓI SAO?”. Tôi xin trả lời tổng quát trong phần này luôn.
✽✽✽✽✽✽