Đột biến gen kras và hành trình đi tìm lời giải

1. Gen KRAS được tìm thấy lần đầu vào năm 1983. Kể từ khi phát hiện rồi nghiên cứu trong gần 4 thập kỷ, KRAS luôn là cái tên khét tiếng trong giới y khoa. Nó gần như được cộng đồng y khoa mặc định là một gen không thể nhắm đích, một kẻ thù bất khả chiến bại. Bản thân gen KRAS rất đặc biệt – Protein Kras có kích thước rất nhỏ, bề mặt nhẵn thín như một quả bóng nên rất khó để liên kết các phân tử nhỏ vô gen KRAS nhằm phục vụ cho mục đích điều trị (Việc này giống như kiểu bạn muốn nắm đầu một thằng để trừng trị nó ấy, nếu nó có tóc thì nắm rất dễ, nhưng nếu nó bị hói thì nắm đã hơi khó rồi. Còn gặp thằng nào trọc thì ôi thôi, không thể nắm được. Bằng những cố gắng phi thường của các nhà khoa học thì câu chuyện cổ tích đã hoá hiện thực vào ngày 28/5/2021, khi FDA đã thông qua thuốc Sotorasib dành cho những bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn di căn hoặc tiến triển cục bộ có đột biến gen KRAS – G12C, trước đó đã trải qua ít nhất một liệu pháp điều trị toàn thân. Sotoraib là bằng chứng hùng hồn nhất về sức mạnh của khoa học, về khả năng sáng tạo phi thường của con người. Những câu đố thế hệ trước mặc định là không giải được thì đã có thể giải quyết ở thế hệ sau.

2. Để kỷ niệm 40 năm ngày tìm ra gen KRAS và tôn vinh những cá nhân đã có đóng góp lớn trên hành trình tìm ra thuốc Sotorasib trị KRAS – G12C. Hội nghị AACR 2022 diễn ra tại New Orleans, Mỹ đã tổ chức một phiên họp đặc biệt chỉ dành riêng cho gen KRAS. Tại phiên họp đó, các nhà khoa học hàng đầu đã hàn ôn lại lịch sử, hiện tại cũng như tương lai cho cuộc chiến phi thường này. Chuyên gia McCormick nhớ lại: “Hồi đó, tuy chỉ là một tiến sĩ trẻ, nhưng tôi vô cùng hào hứng với KRAS. Tôi ngây thơ nghĩ rằng có thể giải quyết được gen này, và không hề biết rằng mọi chuyện sẽ phải kéo dài tới hơn 30 năm sau “. Kết thúc phiên họp, Giáo sư y học Lo Russo tại Trung tâm ung thư YaLe bày tỏ “Một bài toán phi thường sẽ đòi hỏi những nỗ lực phi thường. Mặc dù Sotorasib là một cột mốc đáng kinh ngạc, nhưng cuộc chiến sẽ không dừng lại ở đây. Những thách thức từ việc kháng thuốc và lời giải hiện vẫn còn bỏ ngỏ đối với các gen khác ngoài G12C sẽ không cho phép chúng ta đứng yên”.

3. Đột biến gen KRAS được tìm thấy trên bệnh nhân chủng tộc da trắng nhiều hơn là chủng tộc Á Đông. Số bệnh nhân ung thư phổi da trắng có đột biến gen KRAS là khoảng từ 25 đến 50%, còn trên bệnh nhân ung thư phổi Á Đông, đột biến gen KRAS chiếm từ 5 đến 15%. Trên bệnh nhân ung thư phổi nói chung, đột biến gen KRAS chiếm từ 15 đến 25%. KRAS cũng xuất hiện ở đàn ông nhiều hơn phụ nữ (P = 0.035). Ngoài thuốc Sotorasib đã được FDA thông qua dùng thương mại hoá thì còn một thuốc trị gen KRAS – G12C nữa, tuy chưa được thương mại hoá nhưng cũng đang được nghiên cứu trên người và cho ra kết quả cực tốt là MRTX849, Adagrasib. Hiện Adagrasib đã được FDA chấp nhận đơn đăng ký thuốc mới. Nếu không có gì thay đổi thì cuối năm nay, thị trường sẽ có thêm Adagrasib là thuốc thứ 2 điều trị đột biến gen KRAS – G12C, ngoài Sotorasib.

4. Đột biến gen EGFR và đột biến gen KRAS từ lâu đã được giới chuyên gia mặc định là 2 đột biến mang tính loại trừ – nghĩa là có thằng này thì sẽ không có thằng kia. Nhưng trong một phân tích trên 1078 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, người ta thấy rằng vẫn có những bệnh nhân sở hữu đồng thời cả 2 đột biến EGFR và KRAS – mặc dù tỷ lệ này là thấp dưới 1%. Điều này đã gây ra tranh cãi trong giới nhà nghề, khi nhiều người tỏ ra vẫn không thay đổi niềm tin loại trừ nhau của 2 đột biến. Cũng trong nghiên cứu trên 1078 bệnh nhân đó, các nhà khoa học khám phá ra rằng đột biến gen KRAS thường sẽ đi cùng với một đột biến gen nữa. Nổi bật nhất trong số những gen đi cùng là gen TP53, khi nó với gen KRAS cùng có mặt trên 557 bệnh nhân (chiếm 39.4%). Trong tương lai, những nghiên cứu quy mô lớn hơn nữa cần được tiến hành nhằm trả lời các câu hỏi còn bỏ ngỏ.

5. Đột biến gen KRAS đã từng là một kẻ thù bất khả chiến bại. Chính vì sự đặc biệt này mà phác đồ điều trị cho nó cũng có những đặc biệt. Khác với gen EGFR,ALK thì KRAS lại tỏ ra có hiệu quả với miễn dịch. Hiện nay, nghiên cứu CODE BREAK 101 đang diễn ra nhằm tìm phương án tối ưu cho thuốc Sotorasib trong các phác đồ gộp khi trị đột biến gen KRAS – G12C. Nổi bật hơn cả trong nghiên cứu này là nhánh gộp Sotorasib và miễn dịch. Một mẹo mực cực hay đã được các chuyên gia phát hiện là thay vì gộp đồng thời thuốc Sotorasib với miễn dịch ngay từ đầu thì nên mồi lửa cho bệnh nhân dùng Sotorasib trước độ 21 đến 42 ngày rồi sau đó mới bắt đầu dùng song hành Sotorasib cùng miễn dịch. Biện pháp này đã giảm đáng kể tác dụng phụ của phác đồ gộp xuống rất nhiều. Mọi thứ vẫn còn đang ở phía trước, nhưng có vẻ Sotorasib cùng miễn dịch sẽ là đôi bạn ăn ý trong việc tăng thời gian sống còn cho bệnh nhân.

6. Vào ngày 30/8/2022 Tập đoàn Amgen đã thông cáo tới báo chí kết quả của phase3 nghiên cứu toàn cầu CODE BREAK 200. Kết quả cho thấy việc dùng đơn độc Sotorasib tỏ ra tốt VƯỢT TRỘI so với hoá trị ở thời gian sống không bệnh tiến triển trên những bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen KRAS – G12C, trước đó đã trải qua ít nhất một liệu pháp điều trị toàn thân. “Lần đầu tiên trong lịch sử – kẻ thù bất khả chiến bại KRAS phải cúi đầu” – Chuyên gia Antonio Calles phấn khích cho biết.

Chiến Thắng Ung Thư

Đọc Thư Viện Ung Thư Online

✽✽✽✽✽✽