Giới thiệu sách Người bệnh ung thư đi tìm ý nghĩa cuộc sống
Hạnh phúc lớn nhất của con người không phải là tiền tài, của cải, mà là tìm được ý nghĩa cuộc sống. Nó không nằm đâu xa mà trong những nhiệm vụ nhỏ nhoi, trong mối quan hệ giữa người với người, đặc biệt trong tình yêu và trách nhiệm đối với người thân.
Nhưng trong sự bận rộn của đời thường, nhiều người lại không tìm ra nó, có người còn tuyệt vọng và muốn chấm dứt cuộc đời. Trái lại, khi đau khổ tột cùng, hay gần kề với cái chết thì cuộc sống lại đầy ý nghĩa và quá trình tìm ý nghĩa này chính là động lực chủ yếu của cuộc sống con người.
Chị Phạm Thị Oanh, một nữ tu Thiên Chúa giáo thuộc Hội dòng Đaminh Tam Hiệp, đang chuẩn bị tốt nghiệp cử nhân xã hội học (chuyên ngành phụ nữ học, Đại học Mở Bán công) đột nhiên khám phá ra mình bị ung thư. Ta thử tưởng tượng tâm trạng của một phụ nữ mới ngoài 40 tuổi, đang khoẻ mạnh và ôm ấp bao nhiêu ước mơ phục vụ khi ra trường. May thay, chị đang học môn Tâm lý trị liệu với Ts. Tô Thị Ánh và được giới thiệu về nhà tâm lý trị liệu nổi tiếng Viktor Frankl, người đã tìm ra ý nghĩa cuộc sống trong sự tột cùng đau khổ tại nhà tù phát xít. Khi ra tù ông đã trị liệu cho vô số bệnh nhân bằng cách giúp họ tìm ra ý nghĩa của cuộc sống.
Trong thời gian điều trị bệnh, chị Phạm Thị Oanh đã lao vào công cuộc tìm hiểu qúa trình tâm lý của bệnh nhân ung thư, và chị đã phát hiện ra chân lý sâu sắc rằng: tình yêu là ý nghĩa cao đẹp nhất giúp người bệnh ung thư có được sự bình an để hoàn thành trách nhiệm làm người. Qua đó chị cũng tìm ra được niềm vui và ý nghĩa cuộc sống của chính bản thân chị. Với sự hướng dẫn của TS. Tô Thị Ánh và một số giảng viên khác, chị đã hoàn thành luận văn tốt nghiệp về đề tài này và đạt loại xuất sắc.
Cuốn sách này hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối vì nó liên quan mật thiết đến mỗi người chúng ta. Nó cho thấy: điều an ủi to lớn là con người cho dù thuộc tầng lớp nào, có trình độ học vấn cao hay thấp, ở giai đoạn cuối đời cũng sẽ ra đi bình an sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ làm người trong tình yêu thương. Nó nhắc nhở người mạnh khoẻ, người còn sống rằng: cuộc sống thực sự đáng yêu nếu ta biết tìm kiếm ý nghĩa của nó, và hạnh phúc, động lực sống nằm ngay trong quá trình tìm tòi này. Đây còn là một tài liệu quý giá về tâm lý bệnh nhân cho nhân viên y tế, tâm lý, xã hội, nhắc cho những nhân viên này và thân nhân người bệnh rằng thái độ ân cần, tình thương của họ vô cùng cần thiết cho hành trình tìm ý nghĩa sống của bệnh nhân. Đây cũng là nguồn an ủi, là sức mạnh tinh thần cho những người đang đau khổ và nhắc các bạn trẻ đang chán sống hãy tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống ngay trong đời thường, trong sự đau khổ và nhất là trong tình thương của người xung quanh.
Hiện nay với niềm lạc quan yêu người, yêu đời, chị Oanh đang làm công tác tư vấn tâm lý giáo dục và tình yêu hôn nhân gia đình; và chị vẫn thường dành thời gian tới thăm bệnh nhân ung thư ở Trung tâm Ung bướu.
✽✽✽✽✽✽
Khi chị tôi còn học Y, tôi đã từng được đến Trung tâm Ung bướu, chỗ chị thực tập. Tôi cũng có đến Trung tâm Huyết học; tại đấy, có khá nhiều bệnh nhân ung thư máu được điều trị.
Những người bệnh ung thư, tôi vẫn nhìn người ta thương cảm; vừa thương vừa sợ có ngày cái bệnh ấy vận vào mình, không biết khi ấy mình sẽ đối phó ra sao. Mình có còn làm việc không? Mình có còn đi học thêm không? Hay là mình tự tử?…
Rồi ông tôi mất vì bệnh ung thư. Tôi đã biết không khí của một gia đình có người bệnh nặng là thế nào, dù rằng người bệnh vẫn làm việc cho đến phút chót, cho đến khi ông mất ý thức và sống như một em bé trong nhiều tháng. Tôi nhớ khi đó, thỉnh thoảng có một ma xơ vẫn đến thăm. Cô giúp đỡ gia đình tôi cả về vật chất lẫn tinh thần. Cô tặng ông tôi cuốn sách về Thiền, cô nói với ông tôi những câu chuyện để ông tôi thấy cái chết là nhẹ nhàng.
Làm sao để thấy cái chết là nhẹ nhàng đây? Tôi cũng có một thời gian đến những lớp học thêm của các xơ. Có một lần, xơ nói, chúng ta là những đứa con xa nhà, đi học nội trú ở trên đời. Khi nào chết là học xong, về với cha mẹ. Nhưng mà, tôi không thích cái thuyết này, vì thấy có những người sống rất dài mà có vẻ chẳng đi học gì cả, còn có những người đang là học trò giỏi mà sao lại phải về nhà sớm?
Lại có người nói, khi mình chết, mình như rơi xuống một cái ống rất to và sâu. Trên đường rơi, cả cuộc đời sẽ hiện lại, những lúc mình đau khổ, những khi mình vui sướng… Rồi rơi phịch xuống một cánh đồng. Ðồng mênh mông đầy hoa và cỏ. Ðồng giống như trong các phim về cõi tiên, nhưng ở đây không thấy tiên, mà đón mình là những người thân đã mất. Nhưng gặp lại người thân đâu có nghĩa là có lại tất cả!
Có lý thuyết nào thực sự làm người ta nguôi được nỗi buồn, khi đến một cái hạn cận kề mà mình đã biết, mọi thứ sẽ mất hết, sẽ tuột khỏi tay mình hết, và cái cuộc đời là duy nhất này, thế là xong, mọi nỗ lực từ trước tới nay chẳng để làm gì nữa. Từ đây cho đến mãi mãi, chẳng bao giờ được quay trở lại, để bước đi trên đường, để vuốt ve một con chó, để ngồi uống cà phê vào những sáng chẳng đi làm…
Chị Phạm Thị Oanh khi ấy đang theo học một lớp Tâm lý. Một ngày kia, chị phát hiện ra mình bị ung thư. Và thế là chị trở thành bệnh nhân của Trung tâm Ung bướu. Ở trong bệnh viện, chị không quên làm công việc an ủi tinh thần cho những người đồng bệnh. Ra viện rồi, chị vẫn quay lại với họ, gặp nhau mỗi tuần. Họ ngồi một vòng với nhau, và nói.
Những người bệnh này, họ nói gì với nhau? Họ nói gì về cái chết? Họ tìm ra cách gì để biến những ngày còn lại trên đời thành những ngày nhẹ nhàng cho cả mình, cho cả người thân? Làm cách nào để chuyện ra đi mãi mãi (dù trước hạn) không có gì phải vật vã?… Ðó là nội dung cuốn sách mà chị viết lại sau đó. Cuốn “Người Bệnh Ung Thư Ði Tìm Ý Nghĩa Cuộc Sống” (NXB Trẻ – 1999)
Sách viết rất hay. Vừa tình cảm (bởi vì tác giả – người bệnh rút ruột ra viết), lại thực tế, cũng bởi vì do chính tác giả – người bệnh viết, sau khi đã loay hoay thử mọi phương cách để tự trấn an mình. Nhưng cái hay nhất của sách là không phải chỉ áp dụng nó cho những người mắc bệnh ung thư, mà nó có thể dùng được cho tất cả mọi người, cho mọi hoàn cảnh khó khăn, từ chán đời, thất bại, thất tình… Ðó là thường chúng ta, vào những lúc khó khăn, đau yếu, thì hay xấu tính; và ai ở cạnh ta nhất, quen ta nhất, thì hay bị “ăn đòn” nhất. Cuốn sách này dạy thêm cho những ai đang gặp khó khăn (tinh thần hay thể chất) biết cách biến những lúc khó khăn đó (dù là dịp khó khăn cuối cùng trong đời) thành những dịp để biết thêm cuộc đời, để sửa hết những gì mình làm không đúng trước đó, để trong mắt người thân mình không phải là gánh nặng.
“Trời đất ký thác cho ta hình thể, dùng sinh mệnh làm ta mệt nhọc, dùng già lão khiến ta an dật, dùng cái chết giúp ta nghỉ ngơi.” (Trang Tử)
Ðã có nhiều sách dạy cách sinh, cách sống, cách hưởng tuổi già, nhưng chưa có nhiều sách dạy cách chết. Thì đây là một cuốn, mà đọc xong rồi lại thấy yêu cuộc đời này hơn, bởi vì sống hay chết gì cũng thuộc về nó. Vả lại, “Chết là một kinh nghiệm hay, tiếc là có mỗi một lần.”
Mà có lẽ, phải biết cách chết sao cho ra chết trước đã, thì họa chăng sống mới ra hồn.
Sống với chết
(Trần Nhuận Minh, Bốn Mùa)
Sống ao ước muốn mong mọi thứ
Chết một đồng một chữ không theo
Thế gian cái sướng, cái nghèo
Cái danh, cái lợi là điều mộng mơ
Sống được những phút giây thoải mái
Kiếp con người được lãi thế thôi
Bao nhiêu những phút vui cười
Ấy là phần thưởng mà trời ban cho
Sống với những buồn lo ngày tháng
Sống nhọc nhằn với sáng hôm mai
Nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn chơi
Thật là cuộc sống phí hoài biết bao
Cái chết kia, ai nào đã thoát
Số mệnh, trời định đoạt, ai hay
Được vui, hãy biết hôm nay
Vì đời những cái rủi, may bất thường
Phúc với họa, đôi đường ai biết
Tạo điều vui, tiêu diệt ngàn sầu
Chẳng nên mong quá sang giàu
Tháng ngày mải miết đâm đầu đổ đuôi
Cho mệt xác để rồi cũng chết
Lãi trên đời là biết sống vui
Nghèo mà lòng dạ thảnh thơi
Còn hơn giàu có suốt đời lo toan
Chỉ tại bởi lòng tham ra cả
Thành cuộc đời vất vả quanh năm
Óc đầu suy nghĩ chăm chăm
Đôi tay chỉ muốn quắp năm, vơ mười
Sao không nghĩ kiếp người là mấy
Gương thế gian trông thấy rõ ràng
Sống thời tay trắng không mang được gì
Còn được sống, tiêu đi là lãi
Chết thiệt thòi, vừa dại, vừa ngu
Bản thân chỉ biết có thu
Chi ra lại sợ không bù được ngay
Thành cuộc sống tháng ngày đầy đọa
Miệng có thèm cũng chẳng dám ăn
Lòng còn đo đắn băn khoăn
Những cân nhắc chán lại dằn xuống thôi
Sao chả biết con người là quý
Sống coi tiền như vị thần linh
Để tiền sai khiến được mình
Thật là hèn hạ đáng khinh, đáng cười
Trong vạn vật con người là quý
Của làm ra còn mất như chơi
Chỉ duy có một con người
Tan ra là hết muôn đời còn đâu?
✽✽✽✽✽✽
Hãy gieo hạt giống tình yêu
Nếu chẳng may, làm sao chúng ta có thể “chung sống” với bệnh ung thư ? Hãy đọc tác phẩm Người bệnh ung thư đi tìm ý nghĩa cuộc sống của chị Phạm Thị Oanh và hãy nghe chị tâm tình về cái chết, sự sống, khổ đau và hạnh phúc…
Nhà Xuất bản Trẻ tiết lộ, cuốn sách Người bệnh ung thư đi tìm ý nghĩa cuộc sống do chị viết vừa được tái bản lần thứ nhất, ngày càng được đông đảo người tìm đọc. Hiện nay, một tuần hai buổi, chị đều đặn có mặt tại Trung tâm Tư vấn tâm lý giáo dục tình yêu – hôn nhân – gia đình (thuộc Hội Tâm lý giáo dục TPHCM), số 37 Nguyễn Thông (Q.3 – TPHCM), bên cạnh công việc chính trong tu viện là giáo dục và hướng dẫn các nữ tu trẻ. Vì là một nữ tu Thiên Chúa giáo (Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp), vốn lấy đức khiêm nhường làm trọng, chị Phạm Thị Oanh rất ngại xuất hiện trên các cơ quan truyền thông, song trước nhu cầu của đông đảo bạn đọc, chị đã dành cho Báo Người Lao Động một cuộc trò chuyện ngắn. Phóng viên: Thưa chị, nhiều người chưa có trong tay cuốn sách Người bệnh ung thư đi tìm ý nghĩa cuộc sống rất muốn biết chị đã chống chọi với căn bệnh ung thư thế nào và sức khỏe của chị hiện nay ra sao? – Chuyên viên tư vấn Phạm Thị Oanh: Vào giữa năm 1996, khi tình cờ đọc được bài viết của GS-BS Nguyễn Chấn Hùng về phương pháp tự khám ung thư trên một tờ báo, tôi phát hiện bên vú trái của tôi có một hạch nhỏ cứng như hạt đậu xanh, lặn chìm bên trong di động qua lại. Tôi quyết định đi khám ở Trung tâm Ung Bướu và sau khi sinh thiết, bác sĩ cho biết tôi bị khối u ác tính phải nhập viện để mổ ngay. “Tôi đã bị ung thư ư?”. Nghĩ tới đó, con tim tôi như ngừng đập. Tôi bàng hoàng sợ hãi. Tôi đứng chết lặng một lúc lâu và ngồi xuống ghế để tịnh tâm lại. Tôi không nghĩ gì đến giờ chết nhưng tôi thực sự nuối tiếc khi phải bỏ lại những chương trình và kế hoạch mà mình đang hứng thú và được sự tín nhiệm. Chân trời tương lai đã sụp đổ ngay dưới chân tôi. Tôi cố gắng tự chủ im lặng ở chỗ đông người nhưng trên đường đạp xe về nhà, những giọt nước mắt của tôi thi nhau rơi xuống. Nhưng bỗng nhiên, châm ngôn sống của tôi vang lên: “Sự thật sẽ giải phóng ta khỏi sợ hãi” và tôi đã đi tìm bình an trong sự thật. Tôi ý thức rằng: Chính căn bệnh là một trách nhiệm mà tôi phải hoàn thành cho cuộc đời tôi. Tôi cố gắng sống từng giây phút hiện tại cho ý nghĩa, vì vậy tôi tích cực thiết lập những tương quan lành mạnh để chiến đấu với xu hướng muốn sống cô lập và buồn tủi. Tôi tự nhủ tại sao mình phải buồn rầu nghĩ về một tương lai chưa tới, trong khi hiện tại tôi vẫn có thể làm được những điều tốt đẹp ngay trong tầm tay như gặp gỡ, chia sẻ, tạo bầu không khí cảm thông giữa các bệnh nhân…
Tôi nhận thấy đời tôi chưa phải là vô dụng; tôi vẫn là một con người có giá trị và có ý nghĩa cho người khác. Từ đó, tôi tìm lại được niềm vui. Tôi đã bước vào ca mổ trong an bình và ở thời kỳ hậu phẫu, chưa bao giờ tôi cảm nhận mình được yêu thương nhiều đến thế. Đó chính là một loại thuốc đề kháng có hiệu quả cao không thể mua được bằng tiền, mà chỉ có được bằng tình người. Tôi là một bệnh nhân ung thư mới qua giai đoạn phát hiện và giai đoạn phẫu trị. Kinh qua đau khổ, tôi mới nhận ra căn bệnh ung thư đã cho tôi cơ hội để đi tìm ý nghĩa cuộc sống, giúp tôi khắc phục, điều chỉnh những khủng hoảng nội tâm và những lệch lạc nhân cách của mình. Tôi mổ đến nay đã tròn tám năm. Sau khi mổ một tháng, tôi đã trở lại công việc học hành và cuốn sách Người bệnh ung thư đi tìm ý nghĩa cuộc sống chính là hai phần ba nội dung luận văn ra trường của tôi. (Khi ấy tôi đang học Khoa Phụ nữ học ĐH Mở – Bán công TPHCM). Từ ngày đó đến nay, tôi vẫn khỏe mạnh, liên tục thực hiện những nhiệm vụ được giao phó. Vàâ cũng từ đó, những bệnh nhân của Trung tâm Ung Bướu trở thành người thân của tôi và tôi đến thăm họ mỗi khi rảnh rỗi. Chị thường khuyên họ điều gì?
– Tôi khuyên họ bốn điều cơ bản: Một là đừng hoảng sợ vì ung thư, nếu phát hiện sớm có thể chữa khỏi, nên tìm sách đọc để hiểu cặn kẽ hơn. Hai là, hãy bình an để điều trị, bởi khi tâm hồn bình an mới khôn ngoan, có khôn ngoan mới điều trị hiệu quả. Khi mình bình an thì những người chăm sóc mình cũng thấy yên tâm. Ba là, cần chân quý sự sống với lòng biết ơn. Biết ơn vì mình đã có từng giây phút sống có ý nghĩa, biết ơn bác sĩ, y tá, những người thân, bạn bè… Nếu mình khỏe mạnh, khó mà nhận được lời thăm hỏi cũng như những cử chỉ chăm sóc đó. Bốn là hãy nhận ra hạnh phúc trong tầm tay vì khi bệnh, ta mới có thì giờ nghỉ ngơi, nghe nhạc, đọc sách. Người vợ nhận ra hạnh phúc khi được chồng cắt móng tay, làm vệ sinh, mà lúc bình thường khỏe mạnh, người chồng thường tìm thú vui riêng, chẳng quan tâm. Trong khi làm nhiệm vụ tư vấn, tôi đã biết khá nhiều trường hợp người vợ trẻ đẹp, thành đạt mà vẫn đau khổ vì chồng ngoại tình. Bốn điều kiện này tương tác lẫn nhau, đem lại cho bệnh nhân sức mạnh để vượt qua nỗi đau tinh thần này tương tác lẫn nhau, đem lại cho bệnh nhân sức mạnh để vượt qua nỗi đau tinh thần. Và thái độ tiếp nhận của người bệnh đối với những lời khuyên ấy ra sao? – Khi họ đang đau, có thể họ không tin. Họ hoảng hốt sợ hãi khi nghĩ mình là “tên tội phạm bị truy lùng”, nhưng mặt khác, vì nhu cầu sống, họ lại muốn nghe. Đặc biệt là khi họ biết tôi vừa là bệnh nhân ung thư được chữa khỏi vừa là một chuyên viên tư vấn thì họ dễ chấp nhận. Tôi thường giúp các bậc cha mẹ tin rằng ngay khi bệnh, họ vẫn có thể để lại cho con cái những viên ngọc trai quý giá thông qua thái độ vui sống an bình cùng bệnh tật. Như khi hạt cát lọt vào con trai, nước mắt của nó tiết ra ôm lấy hạt cát, lâu dần hình thành viên ngọc trai. Cũng vậy, trải qua bao sóng gió cuộc đời, người bệnh biết mình đau đớn nhưng luôn mỉm cười, biết kiên nhẫn chịu đựng, khiêm tốn, hy sinh,…
Con cái học được những đức tính đó sẽ dễ thành công trên đường đời. Vì có được mối tương quan giữa người và người còn giá trị hơn học vị, tiền bạc và quyền lực. Niềm vui đích thực giúp họ nhận được giấy thông hành để đi đến nơi bình an và tự do của tâm hồn. Có người bi quan quyết định tuyệt thực chết để chồng con khỏi mất tiền, nghe tôi động viên, họ chịu vô hóa chất và kết quả là được khỏe lại. Có người biết mình không qua khỏi, đã xin về với thái độ bình an, đón nhận. Chính sự lo âu, suy sụp dẫn đến cái chết nhanh hơn thực tại của căn bệnh. Là chuyên viên tư vấn, chị thường “tư vấn” như thế nào cho người khỏe mạnh, nhưng không hài lòng với cuộc sống? – Ở phòng tư vấn, tôi gặp nhiều người khỏe mạnh, có học vị, có vật chất dư thừa nhưng lại chán sống. Theo tôi vì họ chưa cảm nhận được một tình yêu đích thực trong cuộc đời và chính họ cũng chưa thể hiện tình yêu đích thực cho ai. Tôi khuyên họ cứ sống yêu thương sẽ cảm hóa được người khác. Tình yêu đích thực không đi tìm hạnh phúc cho riêng mình, mà làm cho người mình yêu được hạnh phúc. Cứ hãy gieo hạt giống tình yêu. Hạt giống này được gieo vào đời sẽ đơm hoa kết trái yêu thương. Không cứ gì người bệnh ung thư mà con người ta rồi ai cũng phải chết, chết bằng nhiều nguyên nhân. Sống đúng ý nghĩa yêu thương, người ta sẽ cảm thấy bình an trước cái chết, xem đó là trở về với tổ tiên.
✽✽✽✽✽✽