Giới thiệu tự truyện: Khi hơi thở hóa thinh không

Khi hơi thở hóa thinh không – Chết thì có gì đáng sợ

Khi hơi thở hóa thinh không là cuốn tự truyện dở dang của bác sĩ phẫu thuật thần kinh Paul Kalanithi, người bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi ở tuổi 36, thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của anh.

Chết có gì đáng sợ, dũng cảm đối mặt & chiến đấu với cái chết đó mới là thứ cao đẹp mà không nhiều người làm được. Với Khi hơi thở hóa thinh không, Paul Kalanithi đã cho cả thế giới thấy một cái nhìn đầy chân thực về tình cảnh của một con người văn minh lúc cận kề cái chết. Đủ mọi cung bậc cảm xúc hỷ nộ ái ố, từ hy vọng tới tuyệt vọng, từ buồn đau tới sung sướng, và trên tất cả, là một sự nuối tiếc cho một sự nghiệp sắp tới đỉnh cao biểu hiện rõ nhất bằng việc khi anh lìa đời thì đây là một cuốn sách vẫn chỉ còn là bản thảo.

Cũng như nhiều tài năng trẻ khác, Paul vẫn có nhiều ước ao và dự định khi anh trở thành một bác sĩ. Điều ước giản đơn như xây dựng tổ ấm, có một công việc ổn định hay thậm chí là viết một cuốn sách để đời. Tất cả đều là những ước mơ không hiếm gặp. Tôi & bạn, đều đã từng có những giấc mơ như thế.

Với một người bình thường, một tuổi trẻ tràn trề năng lượng chắc hẳn sẽ tuyệt vọng biết chừng nào khi biết mình mắc bệnh. Còn với cương vị là một bác sĩ, hiểu rõ chắc chắn nhất về sự chết và căn bệnh ung thư, thì sự tuyệt vọng còn đến nhanh và quyết liệt hơn. Điều này thể hiện ở chỗ, kể từ lúc bị chẩn đoán mắc bệnh, Paul đã liên tục hỏi bác sĩ của mình về đồ thị đường cong chết chóc

Nhưng khác với nhiều người lựa chọn buông bỏ, sống một cuộc sống không ngày mai, Paul chọn cách đối mặt dũng cảm hơn. Anh thử nghiệm phương án chữa trị mới, không cần đến xạ hóa trị. Anh quay về với cuộc sống thường ngày của một bác sĩ. Anh bàn với vợ về vấn đề sinh con. Anh chiến đấu với tử thần trong một nỗ lực tột cùng để níu kéo lấy sự sống. Đó không đơn giản chỉ là một sự lựa chọn, đó là thứ ánh sáng hy vọng cho những người cùng cảnh ngộ như anh!

Chiến đấu hay buông bỏ – Lựa chọn nào tốt hơn?

Paul qua đời không lâu sau đó (2 năm) và chúng ta đều biết rằng, với những người mắc bệnh hiểm nghèo, bác sĩ thường đưa ra một con số, chẳng hạn như “Anh còn 18 tháng”…

Tâm lý bình thường của con người, khi chẳng còn gì để mất, chúng ta sẽ dành trọn thời gian còn lại bên cạnh những người thân yêu.

Có những người họ từ chối chữa trị, nằm trên giường bệnh trong đau đớn. Họ chọn cách ra đi trong bình yên, vì phần lớn không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình.

Có những người níu kéo chút hy vọng bằng xạ trị, sử dụng hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư, chiến đấu cho tới hơi thở cuối cùng.

Lựa chọn nào trong 2 lựa chọn nêu trên, cũng đều là những quyết định dũng cảm. Paul đơn giản anh còn làm tốt hơn thế. Anh tiếp tục nỗ lực trở về làm một bác sĩ, tăng ca hơn 16 tiếng mỗi ngày ở phòng bệnh với vai trò của một bác sĩ phẫu thuật thần kinh. Và thậm chí khi bệnh chuyển biến nặng hơn, anh hoàn thành nốt sứ mệnh của cuộc đời mình qua cuốn hồi ký Khi hơi thở hóa thinh không này.

Chương cuối cùng của cuốn sách, vợ anh đã thay anh hoàn thành nốt, bởi chúng ta đều biết, anh đã ra đi thanh thản bên những người thân yêu, một cái kết dang dở, nhưng đẹp & hùng vĩ.

Tại sao cuốn sách này lại vĩ đại?

Với Paul, đây chỉ đơn giản là công việc cuối cùng của anh, và cũng là một ước mơ giản dị thời tuổi trẻ. Viết lách!

Nhưng anh không kể bằng giọng văn não nề, than thở ỉ ôi về sự bất hạnh của chính mình.

Nuối tiếc, có. Nhưng than thở bi kịch thì không

Và mặc dù là hồi ký kể về căn bệnh ung thư của chính mình, song bác sĩ Paul dành hẳn phần lớn cuốn sách để viết về những suy tư trăn trở của một bác sĩ, nói về cái chết. Lạnh lùng, nhưng đầy ám ảnh.

Anh kể về những lần thất bại của mình, chứng kiến rất nhiều sự ra đi của bệnh nhân trong nước mắt của người chứng kiến

Anh cũng kể về sự lạnh lùng của khoa học, nói lên chính kiến của bản thân về nghề bác sĩ. Dao thầy thuốc, đó là một trách nhiệm đầy thiêng liêng!

Và nói về sự chết, là nói về những triết lý nhân sinh quan, khoa học & tôn giáo hòa quyện. Ở đó, qua lời văn của tác giả, không mượt mà nhưng không đến mức khô cứng, vừa đủ để độc giả hình dung, suy tư, trăn trở. Như cách anh đã từng!

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở

Paul ra đi nhưng sách của anh thì còn mãi với cuộc sống này. Liên tục nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất (best-seller), những bài học & triết lý sống của anh sẽ liên tục được truyền đạt tới các bạn trẻ, vốn cũng đang trăn trở về đường đi cho sự nghiệp của chính họ.

Và trên hết, không chỉ riêng người trẻ, mà bản thân mỗi chúng ta rồi sẽ đều hiểu được rằng, đã sống là phải sống miệt mài, chiến đấu không hối tiếc. Cho đến hơi thở cuối cùng. Đến khi hơi thở hóa thinh không…thì thôi!

Review từ độc giả Ngọc Anh: Khi hơi thở hóa thinh không – Lúc cái chết là câu trả lời cho sự sống

“When breath becomes air” – “ có một khoảnh khắc, một điểm lùi, khi tổng hợp của tất cả trải nghiệm thu gom lại đều héo mòn đi bởi những vụn vặt đời thường. Chúng ta không bao giờ thông thái được như khi chúng ta sống trong khoảnh khắc này…” Lật mặt trước và mặt sau của quyển sách, như chính cái nghĩ đen của nó, tôi đã thấy một sự ngậm ngùi, xót xa, buồn bã, day dứt, âm ỉ, và vấn vương một điều gì đó quá rõ ràng nơi từng câu chữ. Để đến lúc đọc xong, yên lặng nhìn lại tổng thể, lần đầu tiên không thèm lên goodreads để viết cảm nhận, không muốn gì và cũng chẳng muốn nhìn thẳng rằng đằng sau tấm lưng ấy thật sự là gương mặt của một người ra sao. Tất cả đế đó, đã là một câu chuyện đau lòng.

Như con chim trước khi chết, lao vào bụi gai và cất lên tiếng hát vĩnh biệt, tiếng hát đẹp nhất mà nó từng hát. Câu chuyện này cũng là bài ca của một người sắp ra đi…

Khi tôi phải chết, tôi vẫn sống cho tới lúc thực sự ra đi

“Khi hơi thở hóa thinh không” là một quyển sách đặc biệt. Sự đặc biệt của nó không chỉ nằm ở nội dung cao cả mà nó biểu đạt, mà nằm ngay câu chuyện đằng sau của tác giả Paul Kalanithi. Một tác phẩm văn học có chiều sâu là tác phẩm ẩn chứa một thông điệp sâu sắc, người nghệ sĩ lấy chất liệu từ hiện thực đời sống khách quan, dưới lăng kính của bản thân mà thổi hồn vào tác phẩm, đem cái triết lý được trải nghiệm suốt cả cuộc đời để tìm kiếm những con người đồng điệu. Dưới lớp vỏ của ngôn từ, người đọc có thể cảm nhận sâu sắc triết lý của cuộc đời, của sự sống và cái chết. “Ai dạy cho con người cách chết sẽ đồng thời dạy họ cách sống”, triết lý của tác phẩm không phải giáo điều cũ kĩ, không phải bài diễn văn về triết lý nhân sinh, mà từ câu chuyện của một người mà làm triệu người rơi nước mắt. Những câu chuyện về người làm ngành y cố gắng cứu chữa bệnh nhân, cách các tác giả đấu tranh với thần chết để níu trọn sự sống cho người bệnh đã là một câu chuyện cũ, ở đây, vẫn đề này được tiếp nhận một cách mới mẻ và thực tế hơn. Chính tác giả cũng là một bác sĩ, ở tuổi 35, chính anh cũng nhiều lần trải nghiệm sự giao thoa giữa sự sống và cái chết, vì vậy, cái cách trần thuật trong tác phẩm cũng gần gũi và “trần trụi” hơn nhiều. Trong tác phẩm, anh vừa là bác sĩ, bất ngờ hơn, đau đớn hơn, anh cũng là một bệnh nhân, một bệnh nhân hiểu rõ trọn vẹn quá trình “héo mòn” của mình, một người “giúp theo đuổi cái chết: nắm lấy nó, lột mặt nạ của nó và nhìn thẳng vào nó, không chớp mắt”.

Bằng cách đảo ngược dòng trần thuật, từ việc mô tả cảm xúc khi nhận được xét nghiệm “Là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh bước vào năm cuối của chương trình nội trú, trong suốt sau năm qua, tôi đã nghiên cứu vô số bản chụp cắt lớp kiểu này, với hy vọng có thể làm được điều gì đó cho bệnh nhân. Nhưng lần này thật khác biêt: ảnh chụp là của… chính tôi.” rồi hồi tưởng cái khoảng thời gian ngày xưa ấy, cái khoảng thời gian thơ ấu khi tác giả được mẹ mình, thông qua những tác phẩm kinh điển, mà gieo vào những hạt mầm của triết lý, của đạo đức, về cuộc sống về cuộc đời. Đến lúc, hoang mang giữa một ngã tư đường trở thành một nhà văn hay theo nghiệp y nối tiếp truyền thống gia đình, tới thời điểm trở thành một trong những bác sỹ phẫu thuật thần kinh vượt trội và cuối cùng là kết thúc trên giường bệnh của một bệnh nhân mà sự sống chỉ kéo dài một vài năm. Dòng trần thuật này cũng là một điểm cộng trong cách hành văn của tác giả. Không theo dòng thời gian đơn thuần, sự việc nào xảy ra trước được kể trước, cách hành văn này khiến tác giả gây ấn tượng hơn trước chuỗi sự kiện xảy ra trong cuộc đời của tác giả, góp phần giúp người đọc hiểu rõ hơn về cuộc đời của Paul cũng như khiến những triết lý trong tác phẩm có một cơ sở rõ ràng, chứ không đơn thuần là sự “ngộ nhận” hay trải nghiệm suông.

Cái chết không phải là sự kết thúc của một cuộc đời, nó chính là kết thúc của một khởi đầu.

Tôi, đi theo hành trình của tác giả, là đi theo chuỗi những ngày dài đấu tranh với cái chết. Cái chết, ung thư, có đáng sợ? Cái chết liệu có phải sự kết thúc? Hay đơn giản, cái chết chính là kết thúc của một khởi đầu.Cái chết trong tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất . Mặc dù trong tác phẩm, xuất hiện rất nhiều từ ngữ chuyên ngành y học, tuy nhiên bằng ngòi bút văn chương của bản thân, tác giả đã đưa ra một cách nhìn đơn giản nhất nhưng cũng triết lý nhất về cái chết. Là một bác sĩ, tác giả nhận thức mình đã và đang mang trên mình một cái ách nặng nề về trách nhiệm trọng đại, về cái sự cao cả của một chiến binh chiến đấu hết mình dẫu biết phải hy sinh trên chiến trường đầy ác liệt. Chính tác giả cũng hiểu được một cái đạo lý vốn không công bằng của cuộc đời “Cho dù bạn có hoàn hảo, nhưng nhân gian thì không.” ,như một lẽ tự nhiên, cái chết sẽ luôn chiến thắng hả hê trước bao nỗ lực níu giữ chân người bệnh.Dù biết rằng cuộc sống vốn dĩ ăn gian, tất cả sẽ thua cuộc trước bánh xe của cuộc đời nhưng điều đó không cho phép tác giả buông tay, hay ngừng nghỉ chiến đấu. Sẽ chẳng có ai đạt đến được sự hoàn hảo, nhưng “ bạn có thể tin vào đường tiệm cạn của những gì mình không ngừng hướng tới.”

Khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác lại mở ra. Paul đối mặt với cái chết, “cái tương lai mà tôi đã tưởng tượng, cái mà tôi sắp sửa đạt được, đỉnh cao nhất sau bao thập kỉ tranh đấu cho nó, đã hoàn toàn bay hơi.” có lẽ đôi tay cầm dao mổ đã hóa thinh không , nhưng chính anh cũng mở ra một cánh cửa mới về văn chương – một phần con người anh. Paul chọn văn học để làm cuộc sống của mình thêm ý nghĩa, dựa vào những câu chữ mà viết nên một triết lý nhân sinh.“Tôi cần chữ nghĩa để tiến lên phía trước. Văn chương đã mang tôi trở lại với cuộc đời trong suốt thời gian đó. Ngay cả khi tôi phải chết, tôi vẫn sống cho tới lúc thực sự ra đi. Bạn sẽ làm gì khi con đường phía trước không biết là còn dài bao nhiêu? Sẽ sống từng ngày đó như thế nào?” Giữa sự sống và cái chết, Paul như một chiến binh sừng sững, giữa chiến trường an nguy mà không sờn, anh hũng như một vị thần dũng mãnh. Bởi, chính anh hiểu trọn vẹn được rằng, sự sống không đo bằng tháng năm mà bằng những khoảnh khắc mình đang sống. Song hành cùng tác phẩm của mình, Paul đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ về cái chết. Văn học đem đến cho người đọc nhiều điều hơn là câu chữ, một tình cảm ta chưa có, một cảm xúc ta đã có. Văn học là một khối cầu nhiều màu sắc của cuộc đời, qua những ánh sáng phản quang mà kiến tạo một cuộc sống muôn hình vạn trạng. Nếu như Paul nhìn cuộc đời bằng một ánh nhìn bình thường, cái chết khiến Paul gục ngã, chính bản thân anh trầm mình vào những đau thương của một linh hồn dần bị cái chết dẫn dắt thì “Khi hơi thở hóa thinh không” đã không làm thổn thức bao tâm hồn giữa dòng đời chênh vênh. Trong sự chòng chành của cuộc đời, Paul đã nương mình theo một điểm tựa, sống là để cống hiến, sống sao cho lòng không hối hận, dù ngay cái chết đã cận kề sau từng ngưỡng cửa, vẫn vươn mình đón những ánh nắng sớm mai. Tác phẩm viết vể cái chết, nhưng không làm người đọc cảm thấy sợ hãi. Tác phẩm viết về cái chết mà làm lòng người thổn thức. Nó đặt ra những suy nghĩ trong lòng người đọc. “Khi hơi thở hóa thinh không” đã làm trọn vẹn thiên chức của một tác phẩm văn học, nó nhìn về cái bi lụy của cái chết để tìm ra cái ánh sáng của sự sống. Cái chết đóng lại cuộc đời của một người bác sĩ, nhưng cái tuổi 35 ấy lại sống trọn giữa thế thái nhân sinh, để trái tim của cuộc đời người bác sĩ tài hoa ấy vẫn ngàn năm còn đập những nhịp đập rung rinh trước cuộc đời. Tác phẩm lấy một đề tài về cái chết, viết về cái chết nhưng lại giúp tác giả níu trọn sự sống, cái sự sống khi tìm ra ý nghĩa cuộc đời.

Phải chăng, chỉ khi con người giả từ sự sống để hòa vào vòng tay cõi chết thì chúng ta mới đứng tại làn ranh đó để nhận ra ý nghĩa cuộc đời, mới vứt bỏ mọi phù phiếm, đi sâu vào nội tâm mình và sống trọn vẹn khi còn có thể. Paul không thuyết giáo, không hô hào, mà chỉ dung đôi dòng tâm sự. Tựa như bầy tôi của khoa học những cũng là đứa con của văn chương, tác giả đã lựa chọn chân thành với người đọc khi đối diện với cái chết của chính mình, để người đọc sống cùng anh trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời dù thời gian của chính anh đã sắp ngừng trôi, để khi câu chuyện qua đi, trong lòng người vẫn còn dư ba súc tích.Paul nhận ra rằng: “Hầu hết chúng ta đang sống với sự nhận biết thụ động về cái chết – đó là điều xảy ra với bạn và những người xung quanh bạn. Nhưng chúng tôi (các bác sĩ) được đào tạo để chủ động giao chiến với cái chết, vật lộn với nó – và trong lúc làm điều đó, trực diện với câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời”.

Tình yêu là thứ tình cảm chân thành nhất, cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa

Trong tác phẩm, chúng ta không chỉ cảm thấy ngưỡng mộ một trái tim mạnh mẽ của Paul, mà còn trân trọng những người cùng anh đi suốt những khó khăn của cuộc đời. Câu chuyện không chỉ là bài ca của sự dũng cảm, của nghị lực mà còn là một khúc tình ca về tình yêu, tình nghĩa vợ chồng, về thứ tình cảm gia đình không thể xóa nhòa. Dù mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn, dù con người dần trở nên bất lực trước sự trớ trêu của cuộc đời, không đồng nghĩa người ta chỉ cô độc một mình. Paul có được sự mạnh mẽ ấy vì bên anh còn có một gia đình, một tình yêu giúp anh vững bước trên con đường níu giữ sự sống. Tình yêu khiến con người ta trở nên mạnh mẽ, trở nên dũng cảm, và trở nên tham lam, tham lam vì sự sống, tham lam vì những người mình yêu. Lucy, vợ của Paul, đã trải lòng mình trong đoạn viết tưởng nhớ những ngày cuối cùng bên chồng, đó là: “Chúng tôi hiểu rằng, bí kíp để kiểm soát một căn bệnh thập tử nhất sinh lại chính là yêu thương – để có thể bị tổn thương, để có lòng tử tế, để bao dung và để biết ơn”. Chính Paul cũng đã thì thầm với đứa con gái chưa biết gọi tiếng cha của mình: “Khi đến một trong những khoảnh khắc mà con phải nói về bản thân mình trong cuộc sống, về việc con từng là ai, những gì con đã làm và con có nghĩa thế nào với cuộc đời, cha nguyện cầu con sẽ không quên rằng, con đã từng lấp đầy tháng ngày của một người đàn ông đang chết bằng một niềm vui chan chứa, một niềm vui cha chưa từng biết đến trong suốt những năm trước đây, một niềm vui không khiến cha khao khát thèm thuồng hơn nữa mà là thỏa mãn, bình an. Tại thời điểm này, ngay lúc này, đó là một điều vĩ đại.”

Tiêu đề của quyển sách khiến tôi trằn trọc, rồi suy nghĩ mãi. Một tác phẩm hay là một tác phẩm gợi mở nhiều điều để người đọc tiếp nhận, nó là một tiếng gọi cho lòng người chứ không phải một bài diễn văn về giá trị của cuộc sống. “Khi hơi thở hóa thinh không” là một nhan đề đầy gợi mở, chỉ bảy chữ mà khiến lòng người bai dư ba bão táp. Nó như một lời đề từ cho cả tác phẩm, giúp người đọc một phần đoán ra giá trị mà tác phẩm muốn thể hiện. Quả thật, khi cầm quyển sách trên tay, đọc cái tiêu đề trên nền xanh ấy, chính bản thân cũng nhói lên một nhịp. Không phải vì cái hình ảnh người bác sĩ, không phải từ cái câu chữ in trên bìa sách, mà là vì cuộc đời của người bác sĩ tài hoa Paul Sudhir Arul Kalanithi.

Phải chăng, cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào. Hãy sống như thể, ngày mai bạn phải chết?. Như Paul đã nói, “Even if i dying, until i actually die, im still living”.

“Khi còn sống ai cũng như nhau, thế nhưng có những cái chết đau đớn hơn tất cả” – Bill Gate ông đã nhận định như thế. Bill Gates tiếp lời: “Tôi không biết bằng cách nào mà Kalanithi đã có sức mạnh để viết nên cuốn sách này khi sức khoẻ cậu ta rất yếu. Thế nhưng, tôi mừng vì cậu ta đã làm được. Suốt cả cuộc đời, Kalanithi đã cống hiến cho y tế, khoa học cùng việc viết sách. Đọc cuốn hồi kí kia, tôi mừng vì được chứng kiến một phần nhỏ câu chuyện đời của Kalanithi”.

Đấy là mấy ý nghĩ mà tôi nhận ra được từ cuốn sách. Nếu ghi rành mạch rõ ràng quá, thì đâm thô vụng. Nên tôi viết những điều mình suy nghĩ ra, còn cốt lõi đọc sẽ thấy ngay mà. Tôi tin, đọc quyển sách, bạn sẽ khóc.

Vì vậy, hãy sẵn sàng. Ngồi xuống. Bỏ điện thoại sang một bên. Để xem dũng khí là thế nào. Để ngừng lại, chuẩn bị lắng nghe và trải nghiệm cuộc đối thoại của một tâm hồn đặc biệt.

3 điều rút ra được từ Khi hơi thở hóa thinh không

Hế lô anh em. Mình vừa đọc xong một cuốn sách phải nói là rất rất hay, đó là cuốn Khi hơi thở hóa thinh không. Và hôm nay mình sẽ điểm lại một số điều rút ra được từ cuốn này, cùng chia sẻ với anh em.

Khi hơi thở hóa thinh không là một cuốn sách đặc biệt. Nó là lời tự sự của Paul Kalanithi, một bác sỹ phẫu thuật. Cuốn sách kể về cuộc đời anh, một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ để trở thành một bác sỹ phẫu thuật chuyên nghiệp.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Paul đã tiến hành phẫu thuật và cứu sống biết bao nhiêu người. Nhưng câu chuyện lần này lại khác, một ca phẫu thuật khác biệt, bệnh nhân lại chính là anh.

Tôi lướt qua ảnh chụp CT, chuẩn đoán đã rõ ràng: hai phổi mờ mịt vô số khối u, xương sống biến dạng, một thùy gan bị phá sạch. Là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh bước vào năm cuối chương trình nội trú, trong suốt sáu năm qua, tôi đã nghiên cứu vô số bản chụp cắt lớp kiểu này, với hy vọng có thể làm được điều gì đó cho bệnh nhân. Nhưng lần này thật khác biệt: ảnh chụp là của… chính tôi.

(Trích đoạn trong sách)

Từ vị trí một bác sỹ, đem lại hi vọng về sự sống cho bệnh nhân. Nay mọi thứ hoàn toàn đảo ngược. Paul là bệnh nhân, và đang từng ngày hi vọng sự sống vào những đồng nghiệp bác sỹ của mình.

Câu chuyện này mang đến rất nhiều điều hay ho cho mỗi người đọc. Và dưới đây là 3 điều mình tâm đắc nhất rút ra được từ cuốn sách thú vị này.

1. Muốn làm gì, thì hãy cứ làm, ít nhất một lần trong đời

Paul là người có hứng thú rất lớn với Văn học, Lịch sử và Y khoa. Anh mong mỏi tìm được điểm chung giữa 3 lĩnh vực này.

Một điểm đặc biệt là anh rất thích viết, và viết rất nhiều.

Tôi đã dần coi ngôn ngữ như một năng lực gần như siêu nhiên tồn tại giữa người với người, mang bộ não được bóc kín trong vỏ sọ dày cả centiment của chúng ta đi tới chỗ giao tiếp được.

(Trích đoạn trong sách)

Mặc dù đã theo học chương trình Lịch Sử và Triết Học tại ĐH Cambridge, nhưng Paul chừng từng một lần theo đuổi khát khao trở thành nhà văn chuyên nghiệp của mình. Và sau đó, anh dành cả đời cho Y Khoa.

Tuy vậy vào khoảnh khắc cuối đời, với nghị lực phi thường Paul đã dành hết sức lực để chia sẻ câu chuyện của mình ngay trong cuốn sách này.

Xin nhắc lại là ảnh bị ung thư phổi, phải uống Tarceva, và cứ 3 tuần phải tiến hành hóa trị một lần.

Cuốn sách chỉ có 2 chương, với kết thúc khá… tiếc nuối. Cảm giác như anh em đang đọc, và cảm nhận ngay được rằng: tác giả đã dừng bút và không còn đủ sức lực để viết tiếp câu chuyện của mình.

Đọc những phần cuối cuốn sách, mình tin rằng anh em sẽ có nhiều cảm nhận khác nhau. Nhưng với mình, mãnh liệt hơn cả là ý chí của tác giả đặt trong quyển sách này.

Một người bị ung thư ác tính giai đoạn cuối như Paul vẫn đủ sức để hoàn thành những việc dang dở mà anh muốn. Hoặc nói đúng hơn là khát khao được trở thành nhà văn của anh, khát khao được cho ra đời những tác phẩm do chính mình viết.

Những phút cuối đời, anh vẫn đấu tranh mãnh liệt để biến những khát khao đó thành hiện thực. Vậy thì không có lý do gì một người khỏe mạnh bình thường như mình lại để mọi việc dang dở như thế mãi được.

Ai cũng có khát khao, ước mơ, và không phải ai cũng sống mãi cả. Nếu ngày mai có điều gì đó không hay xảy đến, thì tại sao không bắt tay vào làm những điều đó ngay bây giờ chứ.

Đọc Khi hơi thở hóa thinh không, mình cảm nhận rõ được niềm yêu thích văn chương cực kỳ mãnh liệt của tác giả. Và thật tự hào, với những gì mình muốn, Paul đã hiện thực hóa được nó, ngay cả khi cơ thể dần trút những hơi thở cuối cùng.

Đây là điểm cực kỳ hay của cuốn sách. Và nó càng được củng cố thêm ở một tình tiết: Paul và vợ Lucy của anh chưa có con.

Và một quyết định những ngày tháng cuối đời được đưa ra, Paul và Lucy muốn có con ngay trước khi Paul từ giã cuộc đời! Họ đã thụ tinh ống nghiệm để có thai thật nhanh.

Chín tháng sau đó, bé Cady chào đời, ngay trong quãng thời gian Paul vật vã với sự sống, với lưỡi cưa thần chết lúc nào cũng nhăm nhe đưa anh về với cõi chết.

Nhưng sau cùng, anh đã được làm bố.

Đoạn Lucy sinh con, Paul nằm cạnh vợ mình trên chiếc giường bệnh gần đó, người anh xương xẩu run lên bần bật vì lạnh chắc chắn sẽ không khỏi khiến anh em xúc động.

Tôi nắm tay Lucy trong suốt khoảnh khắc cuối của việc chuyển dạ. Và sau đó, với cú rặn cuối cùng, con gái chúng tôi chào đời, vào 2 giờ 11 phút, sáng ngày Quốc Khánh […].

“Chúng tôi có thể đặt cô bé lên ngực anh được không papa?” Y tá hỏi tôi.

“Không, tôi quá l-l-lạnh,” tôi nói, răng đánh lập cập. “Nhưng tôi muốn được ôm con bé”.

Họ cuốn bé trong chăn và chuyển cho tôi. Cảm nhận sức nặng của con gái trong một tay, và cầm chặt bàn tay Lucy ở tay còn lại, mọi khả năng về cuộc đời đều hiện ra trước chúng tôi. Những tế bào ung thư có thể tiếp tục chết, hoặc bắt đầu phát triển lại.

Nhìn về dải đất mở rộng phía trước, cái tôi nhìn thấy không phải là một mảnh đất hoang trống rỗng, mà là thứ gì đó đơn giản hơn: Một trang giấy trắng tôi cần phải tiếp tục viết.

(Trích đoạn trong sách)

2. Cái chết đôi khi chưa phải là cái kết tệ nhất

Mình tạm chia Khi hơi thở hóa thinh không thành 3 phần: phần mở đầu – khoảng 20%, phần giữa – khoảng 70% và phần kết thúc – 10%.

20% đầu bài là phần mở đầu cực kỳ hay, và cực kỳ lôi cuốn.

70% tiếp theo tác giả tập trung chia sẻ câu chuyện của mình như: công việc hằng ngày của một bác sỹ phẫu thuật, đối mặt với sự sống cái chết ra sao, áp lực công việc, cũng như những suy nghĩ của chính tác giả với vai trò một người mang lại sự sống cho người khác.

Sure với anh em một điều, đọc cuốn này xong, chắc chắn anh em sẽ biết thêm rất nhiều thứ hay ho về bác sỹ, về y khoa, và cả về ngành phẫu thuật, mổ xẻ.

Nhưng trên hết, anh em sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về… cái chết.

Đôi khi, sức nặng của cái chết trở nên thật rõ ràng như sờ thấy được. Nó ở trong không khí, sự căng thẳng và đau đớn. Đôi khi, bạn hít thở mà không nhận ra. Nhưng khi khác, giống như những ngày trời nồm ẩm ướt, nó có sức nặng riêng đến ngạt thở.

Đôi khi ở bệnh viện, tôi cảm thấy như mắc kẹt trong một mùa hè ở chốn rừng hoang vô tận, người sũng mồ hôi, những cơn mưa nước mắt của các gia đình có người thân bỏ mạng đang ào ào rơi xuống…

(Trích đoạn trong sách)

Paul kể lại, một hôm ở nhà ăn thì được thông báo chuẩn bị có một ca chấn thương nghiêm trọng, và được thuật lại rằng: “Nam, hai mươi hai tuổi, tai nạn xe máy, bốn mươi dặm một giờ, có thể não đã chui ra theo đường mũi…”

Và sau đó là 30 phút miệt mài của Paul và các bác sỹ.

Kiểm tra các chức năng sống, kê khay thông khí quản, kiểm tra mặt, đồng tử giãn rộng, bơm mannitol giảm sưng phù não, soi cắt lớp cho thấy hộp sọ vỡ nát, xuất nặng trên diện rộng. Bên cạnh đó là huyết áp giảm đột ngột.

Tiếp theo đó, như Paul nói: “một cơn lốc những nỗ lực vây quanh cậu”: ống thông tĩnh mạch được nhét sâu trong ngực, thuốc được đẩy vào ven tĩnh mạch và những nắm đấm thúc mạnh vào trái tim để giữ cho dòng máu thông chảy.

30 phút sau, Paul và các bác sỹ đành phải… để cậu ra đi.

Sau ba mươi phút, chúng tôi để cậu ra đi. Với dạng chấn thương đầu thế này, chúng tôi thầm thì nhất trí rằng: cái chết là hơn cả.

(Trích đoạn trong sách)

Paul cũng như các bác sỹ khác, không phải là đối thủ của cái chết, mà theo anh, bác sỹ chính là đại sứ của cái chết.

Tôi phải giúp những gia đình đó hiểu rằng, con người mà họ đã biết – con người độc lập và đầy sự sống đó – giờ chỉ còn trong quá khứ.

Và rằng, tôi cần họ ra quyết định để tôi hiểu được anh ấy/ chị ấy muốn một kiểu tương lai như thế nào: một cái chết nhẹ nhàng hay một tương lai bị chằng buộc giữa những túi dung dịch đi vào đi ra trong cơ thể, để bám trụ cuộc sống ngay cả khi đã mất khả năng chiến đấu.

(Trích đoạn trong sách)

Anh em thấy đó, cái chết là ghê gớm, là thứ mà ai cũng sợ.

Nhưng đôi khi nó lại là giải pháp phù hợp trong một số tình cảnh nhất định.

Đọc Khi hơi thở hóa thinh không là đọc về cuộc đời của một bác sỹ phẫu thuật, đọc về ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Sẽ rất nhiều lần, cái chết, sự sống, chết kiểu này, chết kiểu kia được nhắc đến, sẽ khiến anh em không khỏi sợ hãi và ám ảnh về cuộc sống hiện tại của chính mình.

Và nó dẫn tới cảm xúc thứ ba, một cảm xúc rất quan trọng mà mình nghĩ ai cũng sẽ cảm nhận được sau khi đọc xong quyển này.

3. Hiểu và biết quý trọng bản thân

Mình đọc sách chủ yếu vào buổi tối, trước khi ngủ, và cuốn này cũng không ngoại lệ.

Nhưng như mình có nói, “chết chóc” là thứ được nhắc đến khá nhiều trong cuốn sách, nên đâu đó, đọc cuốn này vào buổi tới sẽ hơi creepy một chút.

Run run là cảm giác đầu tiên của mình khi đọc tới những đoạn mô tả… một ngàn lẻ một cách tử vong của bệnh nhân. Kết hợp giữa trời tối lạnh, nằm ở nhà một mình, gió thổi nhè nhẹ làm đung đưa rèm cửa sổ, mình chuyển sang giai đoạn hai là hơi tái tái.

Nhưng may quá, những đoạn creepy đó qua khá nhanh, bởi ngay sau đó là những lời tự thuật của Paul.

Đó là suy nghĩ của anh về cái chết, về cơ thể người bệnh đang dần chết mòn, và hơn hết là về chính cái chết của anh.

Không giống các bệnh nhân thông thường, “bệnh nhân Paul” biết rõ căn bệnh của mình. Anh biết rõ từng bộ phận trên cơ thể đang dần bị hủy hoại ra sao.

Và dĩ nhiên khi phát hiện ra bệnh, anh hoàn toàn không tin vào điều đó. Vì anh chính là một bác sỹ phẫu thuật, đang trong đà phát triển sự nghiệp, và bi kịch này không thể nào xảy ra với anh được.

Hành trình của tôi từ một sinh viên y khoa vươn tới vị trí giáo sư về phẫu thuật thần kinh đã đến hồi kết: sau 15 năm tu luyện miệt mài, tôi quyết tâm phải kiên trì nốt trong 15 tháng tới đến khi chương trình nội trú kết thúc.

Tôi giành được sự tín nhiệm của những người đi trước, đạt được nhiều giải thưởng quốc gia danh giá và đang cân nhắc đề nghị làm việc từ vài trường đại học lớn .

Giám đốc chương trình học của tôi ở Stanford gần đây đã gặp tôi và nói: “Paul, tôi nghĩ anh sẽ là ứng cử viên hàng đầu cho bất kỳ công việc nào mà anh lựa chọn. Thông tin cho hay: chúng tôi đang bắt đầu tìm kiếm một người như anh cho vị trí trong khoa”. […]

Ở tuổi 36, tôi đã gần leo đến đỉnh núi; tôi có thể nhìn thấy Vùng Đất Hứa, từ Gilead, Jericho cho tới Địa Trung Hải. Tôi có thể thấy trên biển đó chiếc tàu xinh đẹp mà Lucy, những đứa con và tôi vẫn đi nghỉ cuối tuần trên đó. […]

(Trích đoạn trong sách)

Ở tuổi 35, nếu nhận thấy mình có những dấu hiệu sụt cân đột ngột, những cơn đau lưng bộc phát, là một bác sỹ, sẽ không ai không nghĩ đó là ung thư. Nhưng vấn đề là mình chấp nhận nó như thế nào. Những chuyển biến tâm lý của tác giả chắc chắc sẽ làm anh em không khỏi xúc động.

Cái hay là tác giả dẫn dắt và cho chúng ta thấy được sự thay đổi góc nhìn của chính tác giả qua các giai đoạn ra sao.

Trong căn phòng này, tôi đã từng ngồi với bệnh nhân và giải thích cho họ kết quả chuẩn đoán cuối cùng cũng như các phẫu thuật phức tạp; trong căn phòng này tôi chúc mừng bệnh nhân vì được chữa khỏi và chứng kiến niềm hạnh phúc của họ khi được trở về với cuộc sống; cũng trong căn phòng này, tôi tuyên bố những bệnh nhân tử vong. […]

Mà giờ tôi nằm đây, hoàn toàn tỉnh táo.

Một y tá trẻ tôi chưa từng gặp ngó đầu vào: “Bác sĩ sẽ tới ngay”.

Vậy là cái tương lai mà tôi đã tưởng tượng, cái mà tôi sắp sửa đạt được, đỉnh cao nhất sau bao thập kỷ tranh đấu cho nó, đã hoàn toàn bay hơi.

(Trích đoạn trong sách)

Đọc một cuốn sách hay, nói về sự sống và cái chết, một mình, ngay giữa đêm khuya sẽ không khỏi khiến anh em ngừng suy nghĩ về bản thân mình.

Đọc về Paul, mình biết thêm về một con người mới, với những khát khao, mong muốn mãnh liệt, rõ ràng và không ngừng theo đuổi nó, đến khi gần như trút những hơi thở cuối cùng.

Nó khiến mình phải tự nhìn nhận và đối chiếu lại bản thân, thực sự mình đã hiểu rõ chính mình, biết quan tâm đến sức khỏe và cuộc sống cá nhân của mình hay chưa?

Tất cả những gì Paul kể, tự mỗi người trong chúng ta sẽ rút ra được những bài học cho riêng mình. Và đó là một câu chuyện đẹp, truyền cảm hứng và mãi là như vậy.

Lời tự sự của Lucy, vợ Paul.

Hai ngày sau khi Paul mất, tôi viết một trang nhật ký gửi tới con gái Cady của chúng tôi:

“Khi một ai đó ra đi, mọi người thường có xu hướng nói những điều tốt đẹp về người đó. Con hãy nhớ rằng tất cả những gì tuyệt vời mà mọi người đang nói về cha con là thực. Cha con thật sự tốt đẹp và dũng cảm.”

(Trích đoạn trong sách)

Trên là những chiêm nghiệm của mình về cuốn Khi hơi thở hóa thinh không. Thực sự đây là một quyển rất hay, đỉnh của đỉnh thuộc thể loại tự sự. Rất đáng để đọc.

Hi vọng nãy giờ mình không spoil gì nhiều :v Những trích đoạn là những ví dụ điển hình mà mình muốn dẫn chứng, nếu nó hay 10, thì cả cuốn sách hay 100. Vậy nên cứ mua sách về đọc, và thưởng thức đi nhé anh em.

Đây là cuốn hiếm hoi trong top Bestseller mà mình thấy hay thực sự. Mình tin rằng nếu anh em đọc, chắc chắn sẽ nhận ra được nhiều điều thú vị.

KHI HƠI THỞ HÓA THINH KHÔNG – PAUL KALANITHI

“Khi hơi thở hóa thinh không” là hồi kí của một bác sĩ khoa thần kinh phát hiện bản thân bị ung thư phổi vào giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp, với một câu hỏi luôn đau đáu trong lòng: Cái gì làm nên ý nghĩa? Anh có chút hoang mang nhưng rồi anh đã tìm được cách bước tiếp trên con đường mình đã chọn. Những câu hỏi được đặt ra, điều gì làm cho cuộc sống đáng sống khi đối mặt với cái chết? bạn sẽ làm gì trong tương lai khi không còn mục tiêu phấn đấu? Câu trả lời là những trải nghiệm, những ghi chép trong từng hơi thở cuối cùng của Paul Kalanithi, tác phẩm là luồng khí mới thúc đẩy sự trân trọng cuộc sống khi bạn còn được sống.

THẾ NÀO LÀ “SỰ CHẾT”?

Khi nào con người ta thực sự buông bỏ mọi thứ và trở về với cát bụi an yên? – Đó là: “Khi hơi thở hóa thinh không”.

Tôi đã nghe rất nhiều về cuốn sách này, nhưng bây giờ tôi mới có thể đọc xong và giờ tôi thực sự muốn viết vài dòng về nó. Tất nhiên, tôi không thể hiểu hết được ý nghĩa của những câu chuyện và sự nỗ lực trong đó, nhưng tôi biết rằng để có được dũng cảm đối mặt với “sự chết” cần rất nhiều, rất rất nhiều tế bào dũng cảm, không phải ở thể xác, mà là ở tâm hồn.

Xuyên suốt cuốn sách, có một số thứ mà tôi có thể thấy rõ ràng ở đây là ngay cả khi “đầu óc chỉ đủ để nhận thức được thế giới nhưng con người thì héo tàn”, chúng ta vẫn phải “tìm ra điều quan trọng với mình và sau đó tiếp tục tìm kiếm”. Và ngay cả khi cơ thể kiệt quệ, chúng ta vẫn có thể làm gì đó, nhiều hơn là chỉ ngồi và chờ đợi “vị khách không mời” đến và đưa chúng ta đi, thật xa và không trở về.

Trên đời này, đối với bất kỳ thứ gì, mẹ tạo hóa cũng đã sắp đặt sẵn quy luật cho nó, dù chúng ta có làm gì, gặp phải chuyện gì đi chăng nữa, thì sau một ngày chúng ta cũng chỉ có thể thở dài một cái và “trái đất vẫn quay về phía mặt trời”, sự vật tiếp tục sinh sôi và mọi việc tiếp tục diễn ra như cái cách nó vẫn luôn vận hành, mặc kệ bạn có ra sao, trái đất, nó vẫn tròn. Và chúng ta “cho dù là một con cá vàng hay một đứa cháu nội, đều chết”, mà cái chết là điều duy nhất không thể tránh khỏi, nó như là cái đích cuối cùng ai cũng phải bước đến mặc dù chẳng ai muốn dù chỉ là chạm vào. Cho nên mọi thứ trên đời này, ngoài vấn đề sinh tử ra, tất đều có thể giải quyết. Hãy sống đi.

Nhưng mà cho dù cuộc đời này có thật nghiệt ngã và thật không công bằng, con người chúng ta lại nhỏ bé mà cuộc đời này thì thật to. Chúng ta ở trên đời này mà được thành thật, được sống theo cách mình muốn thôi, nó cũng đã là một kỳ tích rồi. Đừng để sự “cô đơn trong cái bao la vô tình của vũ trụ” chiếm hữu con người bạn, làm bạn nhỏ bé và yếu ớt đi, mọi sự chúng ta đều có thể quyết định, thậm chí là đối mặt với cái chết. Hãy nhìn Paul.

Qua cuốn sách này, tôi đã được thấy một Paul sống thật trọn vẹn, thật đẹp đẽ trong cả công việc và cuộc sống rồi cuối cùng ra đi trong sự bình thản, một sự bình thản tôi nghĩ ai cũng ước ao được mang đi lúc rời xa thế giới này. Anh đi chỉ để lại đôi chút tiếc nuối vì bản thảo sách chưa hoàn thành, nhưng đâu đó trong cơ thể đã bị tổn thương nhiều ấy, chắc chắn Paul vẫn yên tâm vì anh còn những người ở lại để có thể giúp mình trọn vẹn nốt thứ duy nhất còn lại dang dở đó. Để giờ đây rất nhiều người và cả tôi nữa được đọc, được hiểu và được cảm nhận chút gì đó còn sót lại của một con người cuối đời rất “mong manh nhưng không bao giờ yếu đuối” ấy.

Tôi đã đọc đâu đó một câu rằng: “Hãy sống để khi bạn bước đến thế giới này với nụ cười của mọi người và ra đi trong nước mắt của họ”. Paul đã làm được điều đó, ra đi và để lại vô vàn tiếc nuối. Trích đoạn trong cảnh lễ tang của Paul khiến tôi thực sự thấy có gì đó gợn gợn trong lòng: “Anh thành hình trong dáng người vợ hiền và cô con gái nhỏ, trong dáng bậc sinh thành và người thân đau đớn khôn nguôi, trong khuôn mặt của vô số bạn bè đồng nghiệp và những bệnh nhân cũ đang làm đầy không gian ấy. Anh nằm đó trong buổi lễ đưa tang tổ chức sau đó ngoài trời trong khung cảnh tất cả mọi người xích lại bên nhau…”

Trong bài viết của tôi có nhiều trích đoạn được mở ngoặc kép, đó là những câu văn đã xuất hiện trong cuốn sách này- cuốn sách của Paul. Tôi muốn dùng những câu văn và từ ngữ mang hơi thở văn phong của Paul, đương nhiên có qua cách hành văn người dịch, đến với các bạn, để cả những bạn dù chưa từng đọc qua cuốn sách cũng có thể cảm nhận được phần nào một con người đẹp đẽ đã sống trọn một cuộc đời đẹp đẽ là như thế nào. Bạn cũng thấy nó rất tuyệt như tôi đã thấy phải không?

Và cuối cùng thì tôi đã hiểu “khi hơi thở hóa thinh không” là gì, đó là vào lúc “9 giờ tối, đôi môi anh tách ra và mắt nhắm lại, Paul hít vào và thở ra hơi thở cuối cùng, thật sâu” và rồi “hơi thở hóa thinh không”.

Chia sẻ của Thao Nguyen

”WHEN THE BREATH BECOMES AIR” VÀ TÌNH YÊU CÒN LẠI…

Thật hiếm khi đọc tác phẩm thể loại tự truyện từ đầu tới cuối chỉ trong một buổi và chiều hôm nay như là ngoại lệ với “when the breath becomes air – khi hơi thở hoá thinh không” của Paul Kalanithi.

Với nội dung kể về cuộc đời của chính tác giả – bác sĩ giải phẫu thần kinh Paul Kalanithi và cuộc chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Ở đây ta thấy có phảng phất hình ảnh của Naoe trong tác phẩm Đèn không hắt bóng – Watanabe nhưng Paul có cái nhìn lạc quan và tinh thần chiến đấu tích cực hơn rất nhiều khi so với cách lựa chọn cái chết của Naoe đầy bế tắc và có phần duy mỹ.

Với ngòi bút giản dị mà sâu sắc, lối tự sự nhẹ nhàng pha chút màu sắc của triết học hiện sinh, Paul đã thức tỉnh lòng trắc ẩn và lấy nhiều nước mắt của người đọc khi gợi lên những hoài nghi, nỗi sợ hãi và tự tìm ra câu trả lời cho mình và cho tất cả chúng ta v‎ề sự sống và cái chết, về hành vi và đạo đức, về lời thề hay những tụng ca:

“Đứng trước lựa chọn, nỗi thống khổ mà người thân thường cảm nhận rõ nét hơn là chính nạn nhân. Họ thấy quá khứ, những ký ức đẹp đẽ, lòng cảm thương mới nhen…còn tôi thấy những khả năng tương lai là máy thở, ống thông, tiềm năng phục hồi hoặc đôi khi có thể sẽ ko có sự trở lại nào cả”

“Là một bác sĩ, lý tưởng cao nhất của tôi không phải là cứu lấy mạng sống – ai rồi cũng sẽ chết – mà là dẫn dắt để người thân có được sự thấu hiểu về cái chết và bệnh tật…Khi không có chỗ cho con dao mổ thì lời nói chính là công cụ duy nhất của bác sĩ phẫu thuật.”‎

“Trong khoảnh khắc đó tôi không phải là đối thủ của cái chết – như thường vẫn thế – mà như một đại sứ của nó.”‎

Cả niềm hạnh phúc lẫn khổ đau đến mức giằng xé tâm hồn anh đến cùng cực khi cái chết cận kề, Paul cho ta biết thêm: “Có một đứa con thật tuyệt vời nhưng như thế có phải làm cho cái chết thêm vật vã đớn đau hay sự nhọc nhằn vì Lucy sẽ phải vất vả chăm sóc con và một bệnh nhân”, rồi Paul đã nhận ra đâu là hạnh phúc thực sự để đưa ra lựa chọn.

Paul được yêu cầu nghỉ ngơi để chữa bệnh nhưng có điều gì đó thôi thúc anh trở lại phòng mổ để tiếp tục được làm việc, hoàn thành mục tiêu nghiên cứu và hơn hết cứu chữa cho những người bệnh xấu số. Với anh như thế mới cảm thấy mình được sống và hạnh phúc cho tới khi căn bệnh đánh gục Paul. ‎

Đối diện với cái chết, không theo motif bi tráng, đẹp đẽ, cao cả mà đầy day dứt, buồn bã và cũng chất chứa tiếc nuối những thương yêu. Mỗi ngày còn lại, giữa cảm giác chờ đợi cái chết là sự cố gắng miệt mài trên từng trang viết, chơi đùa với con gái, trò chuyện cùng người thân và từ chối gặp bạn bè với lời nhắn “dù sao anh vẫn luôn yêu quý họ”.

Xuyên suốt tác phẩm có rất nhiều chú thích, chi tiết liên quan tới tôn giáo có thể thấy ở thời điểm cuối, Paul trở nên mộ đạo và giàu đức tin cho dù anh là một nhà giải phẫu thần kinh, luôn có khuynh hướng tư duy biện chứng duy vật. Phải chăng khi con người yếu đuối, lạc lõng và dễ gục ngã nhất thì tôn giáo là một cứu cánh đưa tinh thần họ thoát ra khỏi những bế tắc và sợ hãi.

Và lúc cận kề cái chết, sự chia lìa thì con người mới thực sự nhận ra đâu là giá trị để họ sống và theo đuổi. Câu chuyện như một sự mặc khải của các con chiên Thiên chúa, sự ngộ pháp của các Phật tử hay đức tin của các tín đồ tôn giáo khác về cuộc sống và tình yêu mà Đấng tối cao đã răn dạy, dẫn dắt họ bước qua cuộc đời đầy khổ đau nhưng cũng thật nhiều niềm vui và hạnh phúc này.

Thông điệp cũng khiến cho ta nhớ đến đoạn trích trong tác phẩm Quy luật của muôn đời – N. Dumbatze rằng “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến mức một người không thể‎ mang nổi. Bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống phải ra sức giúp đỡ nhau, gắng làm cho tâm hồn trở nên bất tử…sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tình trạng cô đơn, tuyệt vọng.”

Vì thế hãy một lần đọc “Khi hơi thở hoá hư không” để ta thấy thêm yêu cuộc sống này, để trân quý hơn những điều tưởng như đơn giản mà vì vô tình mỗi chúng ta lãng quên và bỏ rơi bên đường đời vội vã.

Chia sẻ của Uyênn PT‎ (Hoinhieuchu)

Tôi bước ra khỏi nhà sách lúc 20:28’, sau khoảng gần 3h đồng hồ với cuốn “Khi hơi thở hóa thinh không”. Cuốn sách chỉ dày 234 trang, là cuốn hồi ký về một cuộc đời-phải dừng lại ở tuổi 36 – ở đỉnh cao của sự nghiệp và của hạnh phúc gia đình.

Paul Kalanithi là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh nay phải kiêm luôn vai trò là một bệnh nhân với căn bệnh ung thư quái ác. Anh đã chứng kiến biết bao cảnh sinh ly từ biệt, nhưng vẫn chưa thể thấu cảm được cái chết. Có lẽ căn bệnh ung thư ấy đến với anh như một định mệnh để anh hiểu thật sâu về cái chết, về khát khao mãnh liệt được sống, về hạnh phúc ngắn ngủi của đời người.

“Khi hơi thở hóa thinh không” không chỉ viết về cuộc đời, căn bệnh ung thư hay cái chết, mà còn viết về tình cảm gia đình, tình bạn bè, ngoài ra còn diễn tả một cách vô cùng chân thực các ca phẫu thuật, các “nhận định, phán đoán bắt buộc phải chọn của các bác sỹ” cũng như niềm đam mê và lòng tận tụy trong ngành y của Paul nói riêng và các y bác sỹ nói chung.

Cuộc hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ có chút xung đột và đang trên bờ vực chia tay, thì căn bệnh đã kéo họ lại với tình yêu của mình. Nhờ căn bệnh mà đôi vợ chồng đã hàn gắn yêu thương, đã cùng nhau kết trái tình yêu bằng một cô con gái xinh xắn mang tên Cady. Dù cho cha của Cady qua đời khi bé mới được 8 tháng tuổi, nhưng tình yêu thương vô bờ của Anh vẫn ôm ấp cô con gái bé bỏng đến những giây phút cuối cùng hấp hối trên giường bệnh.

Sự mạnh mẽ của Paul cũng được tiếp sức nhờ cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp và cả cô Bác sĩ phụ trách vô cùng tận tâm và dễ thương. Điều này cũng được Paul nhắc đến một cách trân trọng và đầy biết ơn.

Dù là những lời văn được viết giữa những cơn đau trong những ngày tháng cuối đời, giọng văn của Anh vẫn rất bình thản và pha chút hóm hỉnh. Anh kể về quãng thời gian anh làm Bác sĩ nội trú, với những sớm ra khỏi nhà khi chưa đến 6h sáng và về tới nhà lúc tối muộn chẳng biết giờ giấc sau mỗi ca mổ. Anh kể về những bệnh nhân đã chết, những bệnh nhân được cứu sống. Anh kể về người bạn đồng nghiệp đã vì cảm giác tội lỗi trong nghề, mặc dù rất tận tâm và yêu nghề, vẫn chọn tự kết liễu cuộc đời để giải thoát khỏi những ám ảnh. Và rồi anh kể về quãng thời gian anh vật lộn với bệnh tật. Lời văn đưa người đọc đến mọi cung bậc cảm xúc, khi lên cao trào, khi rơi xuống hư không, khi mừng rỡ phát hiện khối u dần biến mất, khi hoang mang thấy nó di căn đến não… Nhưng rồi với sự lạc quan và bản lĩnh, Anh đã vượt qua những cơn đau, viết lên câu chuyện đời mình cùng những cảm nhận về sự sống và cái chết một cách sâu sắc nhất.

Anh đã thiết kế cuộc đời mình bằng một nửa cho phẫu thuật thần kinh, một nửa là nhà văn. Và khi bác sĩ phụ trách điều trị cho anh ngỏ ý muốn anh trở lại với vai trò là bác sĩ, anh đã cười và bảo nếu tôi sống được thêm 10 năm, tôi sẽ tiếp tục làm bác sĩ, nhưng nếu chỉ được 2 năm, tôi sẽ là một nhà văn. Vậy là sau cùng, anh cũng chẳng sống được 2 năm, nhưng trong thời gian đó, anh vẫn trở lại là bác sĩ phẫu thuật não, đồng thời cũng là một nhà văn khi giờ đây cuốn hồi ký anh viết đã được xuất bản và dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Thật cảm phục!

Và, ở một đoạn gần cuối nào đó, anh có nhắc tới niềm tin vào Chúa, rằng anh sinh ra trong một gia đình gốc đạo Thiên Chúa, nhưng từ thời điểm sinh viên, anh tỏ ra hời hợt với Chúa và có phần nghiêng về tư tưởng khoa học nhiều hơn. Nhưng rồi cuối cùng, anh nhận ra chẳng khoa học nào có thể chứng minh được mọi sự thật trong cuộc sống (đoạn này dịch giả dịch mà với tôi khá khó hiểu) và rằng không bao giờ đạt được sự hoàn hảo, tuy nhiên tiệm cận của nó thì hoàn toàn có thể đạt được. Và lẽ đương nhiên, ở những giây phút cuối đời, anh vẫn cùng gia đình đón nhận một mùa chay sốt sắng, anh cũng qua đời vào đúng mùa chay, ngày 09/03/2015.

Cuốn sách có quá nhiều điều để viết, quá nhiều bài học để rút ra. Hy vọng những ai đang tuyệt vọng trong cuộc sống, có thể nhờ “khi hơi thở hóa thinh không” mà vươn lên sống trọn vẹn từng ngày, vì cuộc đời, quả thật, quá ư ngắn ngủi!

Chia sẻ của Cục Cơm Chấm Tương

Xuyên suốt cuốn sách là khát khao tìm ý nghĩa cuộc sống và sự tự khẳng định bản thân của Paul Kalanithi. Anh là một con người đã sống và làm việc hết mình, trọn vẹn trong khoảng thời gian ngắn ngủi của anh với cuộc đời.

Tác giả được sinh ra trong một gia đình tri thức cao, được lớn lên giữa thiên nhiên muôn màu, đó là nền tảng vững chắc để anh có thể theo đuổi khát vọng của mình. Ban đầu, anh tìm ý nghĩa cuộc sống từ văn học và triết học, nhưng những lý thuyết trừu tượng không thể thoả mãn được anh. Rồi anh tìm đến y học, sự hoạt động của não bộ, rồi trở thành một bác sĩ phẩu thuật thần kinh. Những trách nhiệm của một bác sĩ phẩu thuật thần kinh buộc anh phải chất vấn lại bản thân và tự phát triển những khả năng của mình. Bởi vì, bộ não là phần quan trọng nhất trong cơ thể của một người, và khi họ phải đối diện với một ca phẫu thuật não có nghĩa họ đang đứng trước những sự lựa chọn khó khăn nhất trong đời họ, và nó còn ảnh hưởng đến cả những người thân của họ. Điều đó bắt buộc một bác sĩ phẫu thuật thần kinh phải giỏi trong nhiều lĩnh vực, phải thuần thục những kỹ năng của đôi tay, trí não, cặp mắt…để có thể mổ trong nhiều giờ, thậm chí phải có cái nhìn sâu sắc cả về mặt đạo đức, ý nghĩa cuộc sống và cái chết để có thể đồng hành cùng bệnh nhân.

Paul đang trên đường gặt hái những thành công thì anh phát hiện mình bị ung thư phổi, đó cũng là một bản án tử hình treo dành cho anh. Ban đầu, anh chối bỏ nó, rồi anh chấp nhận và đối mặt. Khi anh chọn đối mặt với nó, cũng là lúc anh khám phá được điều gì là quan trọng với mình, anh khẳng định được nhân diện của mình, anh muốn làm gì và anh có thể làm gì. Chính cái chết đã giúp anh hiểu thế nào là ý nghĩa cuộc sống.

Từ cương vị một bác sĩ phẫu thuật – người giành giật sự sống từ tạo hoá, đến cương vị một bệnh nhân – người nằm dưới lưỡi hái tử thần, anh đã có cơ hội để trải nghiệm và thuấu hiểu hết tất cả những khái niệm trừu tượng của kiếp nhân sinh như tình yêu, lòng nhân ái, đạo đức, sự hy sinh, sợ hãi, sự hy vọng, thù hận, sự can đảm, tội lỗi…

Cuốn tự truyện này của anh sẽ không có ý nghĩa và sẽ không chạm đến trái tim người đọc nếu thiếu đi cái chết của anh. Nên mình nghĩ, đây là một cái chết tròn đầy. Và có vẻ, anh đã dùng cuộc đời và cái chết của mình để khẳng định rằng mục đích quan trọng nhất của đời người là đi tìm ý nghĩa cuộc sống, xác định bản thân mình trong cuộc sống đó, và cuối cùng là cống hiến những khả năng của mình cho cuộc sống.

Đây là một cuốn sách đáng đọc, không chỉ bởi những trải nghiệm phong phú của tác giả trong nhiều vai trò, vị trí khác nhau, những kiến thức sâu rộng của tác giả trong nhiều lĩnh vực, mà còn là những câu chữ gần gũi mượt mà. Mình cực kỳ cực kỳ cực kỳ thích cuốn này. Một cuốn sách mỏng nhưng mình phải dành rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm nó.

“Tôi cảm thấy như thể những mạch đơn lẻ về sinh học, đạo đức, cuộc sống và cái chết cuối cùng đã bắt đầu đang quyện vào nhau, nếu không phải thành một hệ thống đạo đức hoàn hảo thì cũng là một thế giới quan rõ ràng mạch lạc, và tôi cảm nhận được vị trí của mình trong đó. Bác sĩ làm việc trong những lĩnh vực đòi hỏi trách nhiệm cao gặp gỡ bệnh nhân tại các khoảnh khắc cong vênh, những khoảnh khắc chân thật nhất, nơi sự sống và nhân diện bị đe doạ, nhiệm vụ của họ bao gồm việc hiểu được điều gì khiến cuộc đời của một bệnh nhân nào đó đáng sống, và có kế hoạch cứu giữ những điều đó nếu có thể – hoặc nếu không thể thì chấp nhận một cái chết bình an. Quyền lực đó đòi hỏi một trách nhiệm sâu sắc, đi kèm với tội lỗi và sự cáo buộc.”

Chia sẻ của Vương Hoàng Phụng

HỌC CÁCH ĐỂ CHẾT

Chẳng ai muốn chết dù là kẻ muốn được lên thiên đường!

Cái chết – có lẽ là một điều thiêng liêng của đời người và cũng là sáng kiến tuyệt vời của tạo thế. Một lẽ công bằng khi mà thánh nhân cho đến phàm phu tục tử, dẫu bậc đế vương hay dân đen tiểu tốt, kẻ quân tử hay hạng tiểu nhân… ai cũng chỉ có một lần để chết. Khác chăng là chết lúc nào và chết ra sao.

Trong hồi ký “Khi hơi thở hóa thinh không”, người đọc sẽ được nhìn và phần nào “cảm nhận” về cái chết, cái chết của Paul – một Bác sỹ Thần kinh học, một nhà khoa học chỉ mới 36 tuổi và đang ở gần đỉnh cao của sự nghiệp. Trong suốt sự nghiệp, Paul đã quá quen với cái chết nhưng lần này, cái chết gõ cửa anh một cách vội vã. Và như bao con người bình thường bằng da bằng thịt khác, mọi thứ như sụp đổ trước mắt Paul.

Nhưng rồi, bằng một tinh thần và nghị lực thép, Paul đã vượt qua, không phải cái chết mà chính là sự sợ hãi, sự sụp đổ cả cuộc đời còn lại trước mắt. Anh tiếp tục sống, thậm chí còn mạnh mẽ và cuồng nhiệt hơn, đó không phải là sự bùng lên của ngọn lửa đèn dầu leo lét sắp cạn mà đó là sự trân quý tột cùng những khoảnh khắc còn lại trên cõi đời. Anh tiếp tục hoàn thành chương trình bác sỹ nội trú đại học Yale, bắt tay vào đam mê viết lách mà đây chính là di sản anh để lại vào những tháng cuối đời nhọc nhằn chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Bill Gates chia sẻ rằng ông đã rơi nước mắt khi đọc hồi kỳ của Paul, cả Michelle và con gái ông cũng vậy. Có lẽ đó là một cái chết thật đẹp, đáng để ta chiêm ngưỡng. Một hành trình tái định nghĩa về sự sống và giá trị của nó trong Paul.

Chia sẻ của Đông Hải

Thấm thía những diều mà chúng ta nên nhận ra khi còn sống

Thật sự nhẹ nhõm đến lạ kỳ khi được trải nghiệm cảm xúc đối mặt với bệnh nan y và cái chết chân thực nhất đến tận hơi thở cuối cùng mà không phải chết!

Đó là cảm xúc của tôi sau khi gập lại cuốn sách “Khi hơi thở hoá khing thông” của tác giả Paul Kalanithi, một cuốn sách đặc biệt khác hẳn với các cuôn sách tôi vẫn thường đọc và cũng đem lại cho tôi những giá trị khác biệt mà tôi thường có.

Trong suốt quá trình đọc cuốn sách, tôi được trải qua quá nhiều giai đoạn cuộc sống “Khởi đầu từ sức khoẻ hoàn hảo” đến khi “Không dừng cho tới chết” qua góc nhìn uyên bác của tác giả trong cả lĩnh vực về văn học, y học và đạo đức. Một bác sĩ đã tiến tới rất gần trái ngọt thành công sau bao nhiêu năm chăm chỉ tận tuỵ với nghiên cứu và công việc, mà chưa kịp hưởng thụ dù chỉ một ngày vì căn bệnh hiểm nghèo đến quá sớm, quá đột ngột, quá âm thầm và cũng quá lặng lẽ. Tôi tự hỏi nếu bản thân cũng gặp bất hạnh giống như tác giả thì tôi sẽ như thế nào? Tôi chưa từng nghĩ tới và cũng không bao giờ mong muốn phải nghĩ tới.

Vậy mà tác giả phải chịu đựng vì trò đùa của số phận, phải đối mặt với cái chết và buộc phải rời xa những người thân yêu, tôi cảm nhận được điều đó mà trong suốt quá trình đọc những gì anh viết thật kỳ lạ tôi không rơi một giọt nước mắt nào, không phải vì tôi mạnh mẽ mà là vì sự mạnh mẽ của tác giả, anh không thể hiện góc yếu đuối ấy. Tôi biết những đau đớn thực tế anh phải gánh chịu và những giày vò tranh đấu trong nội tâm chắc hẳn phải khốc liệt hơn rất rất nhiều ngôn từ có thể diễn tả nổi. Tôi chỉ thật sự khóc khi đọc tới những dòng văn của vợ anh, khóc trong đám tang của anh, và khóc trong vai một người yêu quý và ngưỡng mộ anh.

Chia sẻ của Bùi Thu Hằng

Tạm biệt một chàng trai trẻ luôn khát vọng tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, một người thực sự đa tài từ một thạc sĩ ngôn ngữ Anh tốt nghiệp Standford chuyển sang là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh xuất sắc và còn là nhà khoa học và ơn chúa bao người như tôi có cơ hội biết đến anh và câu chuyện của anh vì anh cũng là một nhà văn tuyệt vời. Thật khó mà một nhà văn có thể tả chi tiết về những việc quá phức tạp như mở hộp sọ tới những phần cơ bản của một bộ não hiện lên ”lấp lánh” trần trụi đến mức khó tin, thật khó mà những kiến thức y học vốn thật sự quá phức tạp và uyên bác mà lại trở nên gần gũi thú vị đến vậy với bất kỳ một kẻ ngoại đạo nào giống như tôi thông qua ngòi bút của Paul.

Cuối cùng có một điều mà Paul luôn mong muốn được biết từ lúc phát hiện bệnh đến lúc ra đi, một thứ rất cơ bản trong y học mà người bác sĩ điều trị cho anh từ chối nhắc tới đến tận giây phút cuối cùng đó là “ Đường tỉ lệ sống Kaplan- Meier” vẫn là một ẩn số. Khi tôi bị bệnh tôi đã từng cảm thấy bản thân thật sự bất lực khi thời gian và sức khoẻ của mình không nằm trong tay mình mà nằm trong tay của bác sĩ. Sau khi đọc cuốn sách hoá ra sự thật phũ phàng là thời gian và sức khoẻ của một con người cũng không hề nằm trong tay bác sĩ, không ở trong tay bác sĩ Paul, không ở trong tay bác sĩ điều trị của tôi. Nếu tôi theo đạo thiên chúa thật dễ dàng có thể trả lời đó là nằm trong tay “Chúa”, nhưng vấn đề với một người không theo đạo như tôi câu hỏi này vẫn phải bỏ ngỏ: “Nằm trong tay ai?”

P/S: Hằng đã đọc cuốn sách này và viết bài này trong một lần nằm viện cách đây hơn một năm rùi cả nhà ạ.

Trước đây mình luôn nghĩ mình còn trẻ còn khoẻ nên chỉ biết tập trung vào công việc khiến cho cơ thể suy nhược và bị bệnh. Sau biến cố này mình đã chăm sóc sức khoẻ tốt hơn và giờ thì hoàn toàn khoẻ mạnh rồi mọi người ạ!

Bấm Vào Đây Để Đọc Sách

✽✽✽✽✽✽