Giới thiệu tự truyện: Sống lần thứ 2

Sách “Sống Lần Thứ 2”: Yêu Là Phải Nói

Có những yêu thương không thể nói nên lời và có những lúc lời nói không thể nào thể hiện hết được sự yêu thương, nhưng trái tim thì sẽ luôn thấu hiểu. Tuy vậy, vẫn tồn tại một sự thật là mỗi chúng ta chỉ có duy nhất một đời này, một thời tuổi trẻ này để yêu thương thì việc thể hiện, bộc lộ và nói ra những tâm tư cùng người mà ta yêu chính là chiếc chìa khóa dẫn lối cho sự cảm thông, sẻ chia và thấu hiểu. Thế nên, vì yêu, là phải nói! Và nói lời yêu thương, chính là cơ hội để ta được sống lần thứ 2 một cách thực trọn vẹn.

Một thời của chị – Một đời của em

Không giống như những quyển sách tự truyện hoặc tản văn mang màu sách cá nhân hóa thường thấy, Sống lần thứ 2 là một quyển nhật ký thật đặc biệt khi khắc họa cuộc đời và những sự kiện xoay quanh đời sống của hai chị em Thương và Tiên. Hai người phụ nữ đồng thời cũng là hai bệnh nhân – chiến binh chống lại căn bệnh ung thư vú, Thương đã mất, còn Tiên hiện vẫn đang điều hành Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (Breast Cancer Network Vietnam – BCNV) với niềm tin tiếp thêm hy vọng cho những người phụ nữ chẳng may bị ung thư gõ cửa.

Và một cách hết sức tự nhiên, Sống lần thứ 2 là quyển sách được ra đời hướng đến bàn thảo về các vấn đề, khúc mắc trong mối quan hệ nhân sinh thường nhật, cách thức giao tiếp và cách đối mặt trước căn bệnh ung thư để ta tự tìm về cho mình những xúc cảm an yên, những sự đồng điệu nhẹ nhàng mà tinh tế thông qua 3 phần:

1. Nhật ký tình yêu của Thương (Ms.Love);

2. Hành trình tiếp nối của Tiên – em gái và cũng là bạn đồng hành của Thương;

3. Những bức ảnh ký ức, những hoạt động ý nghĩa của BCNV.

Trong những giây phút từ lần đầu tiên đối mặt với tin biết mình bị bệnh, trước sự ngỡ ngàng rằng căn bệnh đã di căn vào xương để rồi sau cùng nghẹn ngào trước tình thương yêu to lớn của cả những người thân lẫn người xa lạ, …tất cả mọi khoảnh khắc, mọi ký ức đều được tích cóp, vun vén và thu gom lại trên những trang sách có thể dễ dàng lấy đi những giọt nước mắt từ người đọc khi nhìn lại quãng thời gian sống chỉ hơn ba mươi năm ngắn ngủi của Thương và một cuộc đời vẫn đang còn hoài cố gắng vì những điều tốt đẹp của Tiên. Đó không hẳn là những giọt nước mắt thương cảm, mà đó là những giọt nước mắt cảm động trước tình cảm gia đình chân thành và ấm áp, đó là sự rung động trước những điều ngọt ngào bình dị, nhỏ bé nhưng đầy uy lực lay động cả trái tim mà những con người xa lạ có thể dành cho nhau, làm cho nhau, đến bên nhau mà chẳng vì một điều gì cả!

Đọc Sống lần thứ 2, ta thấy hiện lên rất rõ những chuỗi tâm lý liên hoàn đi cùng với diễn biến nội tâm phức tạp của cả bệnh nhân và những người xung quanh. Và do con người thường hay có thói quen đổ lỗi cho định mệnh, cho số phận khi chẳng may gặp phải bất trắc nên tâm lý tự biến mình thành nạn nhân âu cũng là một điều dễ hiểu. Thế nhưng, khi càng đi sâu vào thế giới của Thương Sobey, ta thấy rằng đó dường như không phải là một người bệnh, mà ngược lại, cô là một chiến binh, một người đang ôm giấc mơ cùng những phụ nữ khác không chỉ chống lại căn bệnh quái ác bằng cách học sống cùng với nó, chấp nhận nó là một phần của mình và tiếp tục chữa trị bằng một tinh thần lạc quan và yêu đời, yêu cuộc sống.

Đó cũng chính là di sản, là món quà mà khi Thương qua đời thì Tiên, em gái cô đã lấy đó làm động lực để cùng BCNV mang đến những hy vọng và những chương trình vào tháng 10 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi chị em phụ nữ hãy hành động vì chính bản thân mình, hãy yêu thương cơ thể mình, trước khi đã quá muộn.

Động cơ, mục đích làm việc tốt của chúng ta là gì?

Khi đọc đến những trăn trở của Tiên về màn đấu tố và những nghi vấn từ cộng đồng về động cơ và mục đích của những công việc thiện nguyện, ta có thể nhận ra sự trăn trở của một người trẻ đang chênh vênh trước những ngả rẽ của lựa chọn. Chọn cho mình những bước đi tiếp nối hành trình “làm việc tốt khó lắm” của người chị đã mất hay chọn cho mình một hướng đi mới, một cuộc đời riêng, một chân trời xa lạ?

Và thật hồn nhiên, chân chất khi chính Tiên đã bộc bạch trong quyển sách của mình, Tiên làm việc tốt vì lý do hoàn toàn cá nhân, vì tình yêu thương với người chị đã ra đi và khát khao giữ cho BCNV – đứa con tinh thần của chị sẽ sống mãi. Đến đây, ta có thể thấy một sự tương đồng giữa động cơ làm những điều tốt đẹp cũng giống như những hạt mầm nảy nở của tình yêu, như nhà văn Nga I-li-a E-ren-bua đã viết: “Tình yêu nước bắt nguồn từ những điều nhỏ nhoi, khởi đầu từ tình yêu làng xóm, yêu mái nhà, yêu dòng sông, yêu tiếng gọi của cô nàng đang đùa người yêu,…”

Cần chi những mộng mị xa vời, những sứ mệnh “đao to búa lớn” hay cả những tầm nhìn vĩ mô cực viễn, có đôi khi chính những động lực bình thường đến mức dung dị và giản đơn lại chính là những cung bậc đưa đến những thành tựu làm xoay chuyển nhiều cuộc đời và mang lại những giá trị đích thực cho cả cá nhân lẫn cộng đồng.

Lần tới, khi có ai đó hỏi: Động cơ làm việc tốt của bạn là gì? Hãy tự tin trả lời, tôi làm bởi vì tôi thích thế, và tôi làm việc tốt để chính bản thân mình cảm thấy mình tốt hơn và đang có ích cho ai đó hoặc một cái gì đó trên đời.

Nỗi đau của những người được kế thừa “tài sản”

Như hòa thượng Thích Thánh Nghiêm, vị thiền sư nổi tiếng của Đài Loan từng chia sẻ: Trên đường đời dù bạn đi thế nào, chỉ cần bạn đi trên đôi chân của mình, trên con đường mình đã chọn thì con đường kia mãi là con đường của riêng bạn.

Tiên đã lựa chọn con đường của mình là bước tiếp trên con đường của chị. Thế nhưng, đó không hẳn đã là một lựa chọn dễ dàng. Thiết nghĩ, khi không ngại ngần công bố câu hỏi về việc mình đang “thừa hưởng” những “tài sản” của người chị yêu dấu đã qua đời, Tiên đã làm một việc tốt, một việc dũng cảm là dám nói thật lòng mình và cởi mở, chia sẻ suy nghĩ đó đến mọi người xung quanh.

Bởi vì dù rằng có rất nhiều người “kế thừa” như Tiên, những người thuộc thế hế hệ F2, F3 trong các gia tộc hoặc thậm chí là những người kế tục một công việc, một trách nhiệm nào đó đã được nhào nặn thành hình từ những người đi trước, những thế hệ trước thì việc bị nghi ngờ năng lực và chất vấn về việc chỉ là một nhân tố “thừa hưởng” những “tài sản” từ người khác là một nỗi đau khó tránh khỏi.

Và thật là dù những “người thừa kế” ấy có cố gắng hay nỗ lực phấn đấu đến thế nào thì cái bóng của những người sáng lập, những người khởi xướng làm tiền đề cho những bước chân đầu tiên, đặt nền móng những viên gạch nền tảng sẽ luôn còn hoài ở đó như một áp lực vô hình đè nén lên những giá trị hữu hình mà chính bản thân những người ở vị trí kế thừa đang phải ngày đêm gánh vác để duy trì tiếp nối.

Đến với câu trả lời của Tiên được nêu lên trong sách, đó chưa hẳn là một câu trả lời có thể bộc lộ hết những nỗi niềm của một người mang trên mình vai trò “kế thừa” mà có lẽ, đó đơn thuần là một lời bỏ ngỏ để những ai đang ở vị trí ấy có cơ hội được soi rọi và nhìn nhận lại chính bản thân mình. Từ đó, ta lại có thêm động lực và niềm tin để bước tiếp con đường mình đã chọn bằng một thái độ ngẩng cao đầu và một tâm thế vững vàng, mạnh mẽ đối mặt với chông gai vì cho đến cuối cùng thì “tài sản” lớn nhất, theo như Tiên đã viết, đó chính là “tình yêu thương, là tinh thần lạc quan, là lựa chọn khi đối diện với khổ đau – cách đối mặt với cái chết”.

Để đời không hối tiếc, hãy nói lời yêu thương!

Một trong những điểm sáng của quyển sách “Sống lần thứ 2” chính là ở định nghĩa mà chị Thương Sobey đưa ra về việc mà con người ta luôn có quyền lựa chọn, phải, chúng ta luôn có quyền lựa chọn và tự chịu trách nhiệm cho những lựa chọn đó của mình.

Sẽ có những người lựa chọn sống một cuộc đời không hối tiếc, hay nói chính xác hơn là thà hối hận vì những điều đã làm còn hơn hối tiếc vì những điều mình đã không làm, chưa dám thử làm trong quá khứ. Song cũng lại có những người ưa thích sự an toàn và không muốn dấn thân, ngược lại, sự an yên và ổn định có thể được xem là một món quà đáng quý rồi. Suy cho cùng, chẳng có lựa chọn nào là đúng hoặc sai, phù hợp hay không vì khi chúng ta lựa chọn, ngay thời điểm đó thì bản thân sự lựa chọn đã là điều tốt đẹp nhất cho mình.

Và với Thương Sobey, khi được thử thách bằng căn bệnh ung thư, cô đã lựa chọn “sống lần thử 2” bằng tất cả năng lượng và nguồn cảm hứng còn sót lại của mình để lan tỏa đi tinh thần mạnh mẽ, lạc quan cùng niềm hy vọng sống cho những người xung quanh đúng với quan niệm của chính cô: “Dù ngay cả khi không thể làm gì hơn được nữa, con người vẫn không bị dồn vào đường cùng, vẫn có sự lựa chọn và sự lựa chọn vẫn là một cách làm chứ không phải là “không thể”.”

Thế nên trong một số trường hợp, khi mỗi bản ngã đều có một hành trình riêng với những sự lựa chọn riêng thì chúng ta hãy biết tôn trọng và trân quý những giây phút và khoảnh khắc được sống bên cạnh nhau, ở gần nhau và cùng nhau trải nghiệm thời gian sống. Hãy nói lời yêu thương không chỉ với gia đình, bè bạn mà còn cả với những người ta có duyên được gặp gỡ trong đời. Vì có thể lần gặp gỡ kia là lần đầu tiên, cuối cùng và duy nhất mà chúng ta có được!

Cuộc đời không hối tiếc chưa hẳn đã đáng sống và đáng ước ao. Vì có chăng chính những hối tiếc trong cuộc đời mới làm cho đời này đáng nhớ, đáng day dứt và ám ảnh không nguôi. Và để giá trị cuộc sống không trở nên thật ngắn ngủi cũng không bị cố tình níu kéo thật dài ra, thì những lời yêu thương khi được nói ra sẽ giống như cầu nối giúp người với người được gần và chân thực với nhau hơn. Và như mọi ổ khóa sẽ luôn cần có chìa, món quà hiện tại sẽ được mở ra bằng việc giao tiếp và gỡ bỏ những rào cản không gian và thời gian, vì yêu, là phải nói!

Bấm Vào Đây Để Đọc Sách

✽✽✽✽✽✽