Giới thiệu tự truyện: Ung thư không phải là chết
Tâm sự của vị bác sĩ hai lần chiến thắng bệnh ung thư
Tự truyện Ung thư không phải là chết ghi lại cuộc chiến đầy quả cảm kéo dài hơn 10 năm với bệnh ung thư gan của Đại tá, Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Lê. Trong cuộc chiến thầm lặng và không kém phần cam go ấy, sự lạc quan là liều thuốc quan trọng nhất với anh.
Mới ngoài 40 tuổi, con đường tương lai đang rộng mở với nhiều dự định còn dang dở. Thế nhưng, vào một ngày bình thường như bao ngày làm việc khác, bác sĩ Nguyễn Lê tình cờ biết mình bị ung thư.
Sau những phút giây đầy hoảng loạn và sợ hãi, anh nhận ra rằng mình không được gục ngã. Trong y học, vẫn tồn tại những điều diệu kỳ được gọi là phép màu. Vậy tại sao một bác sĩ lại cho phép mình bỏ cuộc khi còn chưa bắt đầu cuộc chiến với căn bệnh hiểm nghèo mà loài người kiếp sợ?
Tình cờ biết thần chết đã ghé thăm
Năm 2008, trong lần đưa bố của người bạn đi khám, bác sĩ Nguyễn Lê chợt nảy ra ý định siêu âm, vì lâu rồi anh chưa kiểm tra sức khỏe định kỳ. Lúc đó, người đồng nghiệp chợt phát hiện ra một khối u đang nằm trong gan của anh, với kích thước không hề nhỏ. Linh cảm nghề nghiệp của một bác sĩ cho anh biết rằng phải làm những xét nghiệm liên quan đến ung thư để loại trừ trường hợp xấu nhất.
Tự truyện “Ung thư không phải là chết” là trải nghiệm của chính tác giả trong hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư gan
Không phải mọi khối u đều là ung thư, ban đầu bác sĩ Nguyễn Lê vẫn tự nhủ như vậy. Nhưng khi chỉ số điểm ung thư gan (AFP) lớn hơn 1.000, anh biết số phận vừa mới giao cho mình một bài toán khó.
Là một bác sĩ chuyên về gan mật, tác giả biết rằng: Ung thư gan là một trong những loại ung thư ác tính và khó điều trị nhất. Đã đồng hành cùng nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh này, anh biết phần lớn họ cầm cự được không quá một năm dù đã được chữa trị tận tình. Nó giống như sát thù tìm đến con người ta với một tốc độ không tưởng.
“Tại sao mình lại bị ung thư gan?”. Câu hỏi này đã xuất hiện cả ngàn lần trong đầu bác sĩ Nguyễn Lê. Trước đó không lâu, ở bệnh viện 103 nơi anh công tác đã có 2 bác sĩ khác qua đời vì ung thư gan. Trong đó, một đồng nghiệp của anh ra đi sau hơn một tháng biết mình mắc căn bệnh hiểm nghèo. Liệu đó có phải là “cái kết” đang đợi anh phía trước?
Một đồng nghiệp đã khuyên anh tạm gác lại công việc để chuyên tâm điều trị, vì khối u của anh không phải là nhỏ. Nhưng bác sĩ Nguyễn Lê chia sẻ mình cần có thời gian để sắp xếp ổn thỏa mọi việc. Không chỉ có vậy, anh cần một khoảng lặng để bình tâm lại.
Hãy lựa chọn không bao giờ từ bỏ
Khi biết mình mắc ung thư gan, cậu con trai thứ hai của anh còn chưa đầy tuổi. Ngoài vợ con, trên anh còn có bố mẹ già, nếu anh gục ngã, họ sẽ ra sao? Để trở thành một bác sĩ, một quân nhân, anh đã phải cố gắng rất nhiều, nỗ lực không ngừng nghỉ suốt tuổi thanh xuân. Anh không đành lòng buông xuôi mọi thứ…
Sau khi nghiên cứu các tài liệu chuyên ngành và tham khảo ý kiến của nhiều đồng nghiệp, anh biết trường hợp của mình vẫn còn hy vọng. Dù cho không còn gì, bác sĩ Nguyễn Lê biết rằng: mình vẫn phải chiến đấu đến cùng vì gia đình và những hoài bão còn giang dở. Đã bao lần, anh động viên bệnh nhân dũng cảm vượt qua, nên trong giờ phút này, người thầy thuốc ấy không cho phép mình yếu đuối.
Trải qua một ca mổ dài, khi tỉnh dậy anh biết mình đã “ghi bàn” trước thần chết. Sau nhiều ngày nằm trong phòng bệnh, anh có thể ra ngoài và nhìn ngắm bầu trời xanh trước mặt. Anh thấy, mọi thứ sáng rõ và đẹp lạ lùng.Từ ngày hôm ấy, bác sĩ Nguyễn Lê biết mình sẽ phải sống một cuộc đời khác, mãnh liệt, tha thiết và giàu yêu thương hơn.
Ngoài công tác chuyên môn và việc giảng dạy ở Học viện Quân y, anh còn tham gia tư vấn, trò chuyện với nhiều bệnh nhân ung thư. Không chỉ tư vấn như một bác sĩ, anh chia sẻ với họ dưới góc nhìn của một người mắc ung thư và đã chiến đấu dũng cảm để dành phần thắng. Ngay cả khi tế bào ung thư có dấu hiệu quay lại sau gần 10 năm “đình chiến” anh vẫn bình thản đối mặt.
Bệnh tật và những khó khăn trước mắt dạy cho chúng ta biết trân quý cuộc sống. Đôi khi, phải chờ đến những “khúc cua của định mệnh” chúng ta mới nhận ra điều đó. Bác sĩ Nguyễn Lê đã tâm sự: “Khi ta biết đối mặt và chiến đấu kiên cường, ung thư sẽ không phải gắn liền với cái chết mà có thể mở ra một cuộc sống mới tuyệt vời hơn bình thường”.
Với bệnh nhân ung thư gan, hay bất kỳ căn bệnh hiểm nghèo nào, sự lạc quan luôn là “thần dược”. Đôi khi nó còn hữu hiệu hơn những tua hóa trị, xạ trị và những ca phẫu thuật. Chính hành trình quả cảm của bác sĩ Nguyễn Lê trong cuốn sách “Ung thư không phải là chết” đã chứng minh điều đó.
✽✽✽✽✽✽