Khi nào nên chữa ung thư bằng thuốc nam
Uống thuốc nam là một cụm từ khá đặc biệt, chỉ có ở Việt Nam. Uống thuốc nam, là uống đủ thứ… trừ thuốc tây. Khi bệnh nhân còn khỏe, các bác sĩ thường nhăn mặt khi bệnh nhân hỏi về thuốc nam và biểu lộ sự không tin tưởng, xem thường. Ở một thái cực khác, khi bác sĩ đã bó tay với căn bệnh – ung thư chẳng hạn – thuốc nam được nhắc đến thay cho kết luận phủ phàng, thôi đừng uống gì cả – sắp chấm dứt rồi. Thử hỏi, khi bạn nghe đề nghị về uống thuốc nam, bạn sẽ làm gì?…
Thuốc nam chẳng phải là tên một loại thuốc, mà chỉ là một khái niệm chung chung để chỉ những cách điều trị với thành phần không rõ là gì, liều lượng không được xác minh và hiệu quả thì không ai biết. Uống thuốc nam, chỉ để mà uống, nhiều khi chẳng vì cái gì cả vì nếu không có nó, chúng ta sẽ cảm thấy áy náy và đau lòng. Uống thuốc nam ở Việt Nam, cũng bằng nằm yên chờ cái chết.
Thật ra, khi một bác sĩ chịu thua, bệnh nhân có thể có vài lựa chọn:
1. Đi tìm ý kiến thứ hai.
Bác sĩ không phải ông trời, và vẫn có thể sai lầm. Ngay cả khi không sai lầm, có thể trình độ hạn chế hay chậm cập nhật có thể làm cho một nhận định không đúng hoặc không phù hợp. Bạn đã nghe câu chuyện tếu về một người bệnh đang hấp hối, bác sĩ hỏi anh ta còn có nguyện vọng cuối cùng? Câu trả lời hơi mích lòng: làm ơn tìm giùm tôi một bác sĩ khác. Đó là một chuyện vui, nhưng có một phần sự thật trong đó!
2. Tìm thử nghiệm lâm sàng
Bệnh ung thư, bất kể những tiến bộ về chẩn đoán và điều trị, vẫn là một bệnh nan y với tỷ lệ tử vong và thương tật cao ngất. Dù đã có những phác đồ, những hướng dẫn nhưng mỗi ngày đều có thêm những nghiên cứu mới, những thuốc hay y cụ mới để cải thiện kết quả điều trị hay để giải quyết những ca khó đang bị bế tắc.
Ở Mỹ chẳng hạn, khi một bác sĩ nói hết thuốc rồi, có nghĩa là những biện pháp điều trị kinh điển, các điều trị được FDA thông qua, các điều trị được bảo hiểm chi trả … đã không dùng được nữa. Nhưng đó không hẳn là thực sự hết thuốc, mà có thể còn những thuốc dùng “off label” (dùng theo kinh nghiệm hay theo vài nghiên cứu mới – hiệu quả chưa rõ ràng, chưa được FDA công nhận, bảo hiểm có thể không chi trả), hoặc có những thuốc còn đang nghiên cứu có thể có tác dụng.
Thử nghiệm lâm sàng (TNLS: clinical trials) là một quá trình từ lý thuyết ra thực tế, từ lab ra thị trường. TNLS có 4 pha, nói ngắn gọn: pha 1 để đảm bảo thuốc an toàn, pha 2 để ước tính hiệu quả, pha 3 để xác lập chắc chắn hiệu quả, liều dùng, tác dụng phụ v.v… và pha 4 là theo dõi lâu dài sau khi thuốc đưa ra thị trường.
Vì vậy, khi bác sĩ xác định hết thuốc, điều đó không bao gồm những thuốc đang nghiên cứu (pha 1 và 2) hay những thuốc sắp đưa ra thị trường (pha 3). Nước Mỹ có vô số TNLS cho mọi bệnh ở các giai đoạn khác nhau. Họ có thể nhận bệnh nhân nước ngoài hoặc đôi khi có những nhánh phụ do hợp tác với các bác sĩ bản địa. Do đó, nếu bạn vẫn không bỏ cuộc, vẫn mong vào một phép lạ, hãy thử tìm kiếm các TNLS phù hợp và đăng ký. Điều này sẽ rất khó và sẽ tốn kém, ít nhất cũng vì vé máy bay đi lại sinh hoạt v.v… nhưng các chi phí y tế thường là được tài trợ. Cần biết là chỉ có khoảng 10% các thuốc tham gia TNLS thành công đưa ra thị trường. 90% còn lại, hoặc không chứng minh được hiệu quả, hoặc xác nhận là không an toàn …phải hủy bỏ. Do đó, cũng không nên đặt kỳ vọng quá lớn. Nên tìm các TNLS pha 3, thì hy vọng của bạn sẽ lớn hơn một chút. Ngoài ra, dù là thành công hay thất bại, bản thân việc đăng ký tham gia TNLS đã là một sự đóng góp đáng kể vào sự tiến bộ của y học. Biết đâu nhờ bạn mà một phương pháp điều trị mới ra đời, hiệu quả và an toàn hơn? Đó cũng chính là một trong những lý do việc nghiên cứu các thuốc mới và các phương pháp điều trị mới luôn luôn có đột phá ở Mỹ. Nói chung, tìm được một TNLS phù hợp rất khó nhưng có người đã làm được.
Ở Việt Nam, TNLS còn có một ý nghĩa khá đặc biệt đối với những người được đề nghị uống thuốc nam chỉ vì không có tiền …uống thuốc tây. Thật vậy, không thiếu những trường hợp bệnh nan y bất ngờ, điều kiện kinh tế không thể theo nổi quá trình điều trị. Các TNLS tốt có cấp thuốc miễn phí có thể là một giải pháp tốt.
Cũng cần nhấn mạnh, không phải mọi TNLS đều dùng những thuốc chưa được cấp phép (pha 1,2,3). Rất nhiều TNLS dùng các thuốc đã được duyệt, nhưng thay đổi phác đồ, thay chỉ định hay liều lượng để tìm hiệu quả tối ưu. Những TNLS dạng này có độ an toàn và hiệu quả tương đối cao hơn. Các hãng dược thường là người đứng sau để hổ trợ thuốc và chi phí cho bệnh nhân.
3. Đi uống thuốc nam theo đề nghị.
Thật ra, rất nhiều thuốc tây là trích xuất từ cây cỏ và rất có thể trong những bài thuốc nam ấy, có một vài hoạt chất chống ung thư mà chúng ta chưa xác định được.
Vấn đề của thuốc nam là ta không thể xác định được quan hệ nhân quả của thuốc với kết quả điều trị. Thậm chí không cần trị khỏi bệnh, chỉ cần một bài thuốc chứng minh được là nó kéo dài cuộc sống bệnh nhân hơn vài tháng, là đã đủ cho nó có một chỗ đứng trong y học thế giới.
Rất tiếc là không có. Cái mà chúng ta thường có và thường nói về thuốc nam là nghe đồn có bệnh nhân đó uống bài thuốc kia thì khỏi bệnh. Không ai xác minh được bệnh nhân, căn bệnh, quá trình điều trị một cách chi tiết để chúng ta có thể lập lại cho một bệnh nhân khác.
Những bài thuốc ở các viện y học mà các bạn hay nghe nói đến, phần lớn là nâng tổng trạng, giảm triễu chứng, tăng cường miễn dịch v.v… Còn nói là điều trị khỏi ung thư, lang băm thì hay nói vậy chứ các bác sĩ y học cổ truyền có bằng cấp thì không mạnh miệng như thế đâu. Bởi vậy, nếu chọn đi uống thuốc nam, nên tránh xa những người ăn to nói lớn, khẳng định sẽ trị hết vì phần nhiều là họ nói khoác đấy.
4. Chấp nhận điều trị giảm nhẹ
Ở các nước phát triển, các chương trình điều trị giảm nhẹ giúp ích rất nhiều vì nó cung cấp mọi vật tư cần thiết cho chăm sóc bệnh nhân, từ tả cho đến xe lăn hay giường bệnh và các thiết bị y tế thiết yếu khác. Các nhân viên đến nhà để khám và cho thuốc hoặc giúp làm vệ sinh. Tuy nhiên, các thuốc đặc trị sẽ bị loại ra khỏi danh mục thuốc được cấp. Ở Việt Nam, bảo hiểm chưa xây dựng được những chương trình như thế.
Nguồn: BS Quang Vo
✽✽✽✽✽✽