Thuốc gốc và thuốc generic trong điều trị ung thư

Mấy ngày nay chuyện thiếu thuốc ung thư tại bệnh viện K làm rối hết cộng đồng đặc biệt là bệnh nhân ung thư. Nhưng thực ra chuyện này gặp khá phổ biến ở hầu hết các bệnh viện. Không chỉ khổ cho bệnh nhân mà các bác sĩ cũng khổ không kém. Có lúc phải trốn gặp bệnh nhân vì không trả lời được câu hỏi bao giờ có thuốc, vì người trực tiếp nói với bệnh nhân và nhận được sự phản ứng “đa dạng” của họ chính là bác sĩ! Chỉ có điều là lần này thuốc bị thiếu là thuốc Generic, chứ không phải thuốc gốc. Vậy 2 thuốc này khác nhau ở đâu. Mình nghĩ các bệnh nhân ung thư nên nắm được khái niệm này. Nên nay mình xin giải thích một số khái niệm và vấn đề xung quanh việc này.

Để hình dung dễ bạn hãy hình dung 1 cái xe máy. Công dụng bắt buộc của nó là phải chạy được, các cái khác thì có thể là tiêu chuẩn không bắt buộc. Nên ví dụ cái xe máy Honda ban đầu do người Nhật nghĩ ra và đặt tên là Dream. Thì cái xe Dream đó là bản chính hãng, sau này có Dream thái, Dream Trung quốc. Về các tiêu chuẩn quan trọng cơ bản thì cả 3 đều đạt được, tuy vậy tiêu chuẩn của Nhật, Thái, Trung quốc cũng có chút khác nhau, và nếu hỏi người Việt Nam mua xe Thái hay xe Tàu tốt hơn thì hẳn là hầu hết đều trả lời như nhau là xe…

Thuốc cũng vậy, dù bên trong viên thuốc chứa cùng 1 loại hoạt chất (là chất hóa học có hoạt tính chữa bệnh giống nhau) nhưng có rất nhiều hãng dược sản xuất ra với nhiều tên gọi (biệt dược) khác nhau, có hoạt chất có cả mấy trăm biệt dược khác nhau bởi tên thương mại, nhưng đều được chia làm 2 nhóm cơ bản:

1. Thuốc biệt dược gốc hay Brand name.

Đây thường là thuốc được nghiên cứu và sản xuất ra đầu tiên. Có thể gọi nôm na là thuốc chính hãng. Thuốc này có giá thường là cao nhất do họ mất nhiều công sức và tiền bạc đầu tư từ khâu nghĩ ra đến khâu bán ra. Để phát triển 1 loại thuốc này phải qua giai đoạn đầu là nghĩ ra, phát minh ra, tìm ra… hoạt chất đó có cơ chế tác dụng có thể chữa một bệnh nào đó. Khâu này là quan trọng nhất và sẽ liên quan đến bản quyền. Sau đó họ phải trải qua rất nhiều giai đoạn để chứng minh thuốc đó đúng là có tác dụng trên người bệnh. Thường giai đoạn đầu là phòng thí nghiệm sau đó là thử nghiệm lâm sàng (thử trên người xem có tác dụng không) 3 đến 4 bước. Bước đầu chủ yếu đánh giá an toàn trên số ít người, bước 2 đánh giá an toàn và hiệu quả trên nhóm bệnh nhân nhiều hơn chút. Bước 3 là bước quan trọng nhất đánh giá hiệu quả thuốc trên quy mô nhiều bệnh nhân. Và nếu qua được bước 3 này và chứng minh được an toàn và hiệu quả thì mới được phê duyệt cho sử dụng rộng rãi, có khi là cả chục năm (đây là quy trình thông thường, có một số đặc biệt nhưng vì bài này không phải nói về vấn đề này nên mình nói vậy thôi cho dễ hiểu). Do quá trình phát minh nghiên cứu, sản xuất lâu và tốn kém như vậy nên giá cả của thuốc cao, vì không ai cho không công sức của họ cả (xem tây du kí thầy trò đường tăng để lấy được chân kinh phải hy sinh cái bát vàng dâng cho phật tổ mà!). Và thông thường thuốc đó sẽ được đăng kí bảo hộ độc quyền khoảng 15 năm để họ thu lại lợi nhuận, tức là trong thời gian đó không công ty nào được sản xuất thuốc đó nữa (trừ khi chủ thể sở hữu cho phép).

2. Thuốc Generic.

Từ này khó dịch sao cho hợp với tiếng việt mình. Nên dịch ra sợ hiểu lầm, có người bảo là thuốc nhái, nhưng có lẽ từ “thuốc có hoạt chất tương đương sinh học” là đúng nhất. Nhưng dài quá nên thường được ngành y gọi là Generic và nhân dân thường không hiểu là gì. Thuốc này thường được sản xuất khi hết thời gian bảo hộ của thuốc gốc. Và quá trình của thuốc này nhanh và dễ dàng hơn nhiều. Thường họ sản xuất ra chất hóa học có công thức hóa học giống thuốc gốc, và trải qua một số giai đoạn, thường là chưa làm đến giai đoạn quan trọng nhất là bước thử thuốc trên số lớn bệnh nhân. Họ chỉ cần chứng minh hoạt chất họ làm có tính chất sinh học tương đương với thuốc gốc là được (số rất ít cũng được làm qua pha 3 nhưng không đáng kể). Do đó chi phí sản xuất đỡ tốn kém hơn, giá thành rẻ hơn. Nhưng xin nhắc lại là thuốc generic khi mang bán ra thị trường chưa cần phải trải qua bước thử nghiệm trên số đông bệnh nhân.

thuốc gốc và thuốc generic trong điều trị ung thư

Thuốc gốc thường do các nước phát triển cao sản xuất, và thuốc generic được sản xuất ở mọi nơi trên thế giới, tiêu chuẩn mỗi nước có khó dễ khác nhau, thậm chí có khi khác xa nhau. Như thực phẩm ở Việt Nam được kiểm định bảo ăn tốt, xuất khẩu qua mĩ họ bảo không đạt tiêu chuẩn của họ!.

Vậy thuốc gốc hay thuốc Generic tốt hơn? Câu trả lời thì tưởng dễ mà khó với bác sĩ. Theo cá nhân tôi thì đương nhiên là thuốc gốc, vì đơn giản thì tôi tin vào quá trình phát minh, nghiên cứu, sản xuất của thuốc gốc hơn. Thuốc generic về lý thuyết có cùng hoạt chất tác dụng nhưng chưa qua quá trình thử nghiệm trên số đông, nên bằng chứng khoa học không cao, chính bộ y tế, cơ quan bhyt khi đấu thầu thuốc thì thuốc gốc được xếp riêng vào nhóm 1, trong khi thuốc generic thường xếp vào nhóm 2.

Tuy vậy thuốc gốc thường quá đắt, kinh phí bhyt chắc không thể đảm bảo 100% thuốc gốc, thậm chí chính bệnh nhân cũng không trả nổi phần cùng chi trả (như ở bệnh viện K hiện nay). Nên khi đấu thầu các nơi đều cơ cấu tỷ lệ thuốc phù hợp cho có đủ loại và hợp lý giữa chỉ định và chi phí. Và đôi lúc cơ cấu đó không phải là hợp lý, đôi khi không như kế hoạch. Dẫn đến thừa thuốc này thiếu thuốc kia là khá phổ biến. Đôi khi cần thuốc gốc thì không có và ngược lại. Bệnh nhân ở bệnh viện K đang không có thuốc generic, nếu họ chuyển qua thuốc gốc thì tôi nghĩ về chuyên môn sẽ tốt chứ, chỉ là bệnh nhân không đủ tiền trả phần của mình. Ngoài ra hay gặp trường hợp ngược lại, bệnh nhân có tiền muốn dùng thuốc gốc bệnh viện lại hết.

Vậy nên khi bệnh nhân hỏi bác sĩ thuốc nào tốt hơn rất khó trả lời. Theo nguyên tắc thì tương đương nhau nên thường là có thuốc nào tại bệnh viện lúc đó sẽ được bác sĩ chỉ định thuốc đó, đôi khi có 2 thứ thì khá cảm tính theo bác sĩ theo gói “chi phí trần” mà các bệnh viện đang áp dụng. Và phụ thuộc vào kinh tế của bệnh nhân. (Nên mình thấy mấy bệnh nhân có BHYT 100% như người có bảo hiểm hộ nghèo rất có lợi, vì đắt cũng đâu phải trả 20% như các đối tượng thông thường, đôi khi nghèo lại có lợi là vậy!. Nói vui thôi chứ người nghèo thì được vậy là tốt và nhân văn rồi)

Vậy nên câu trả lời thuốc nào tốt hơn thường khó trả lời, hoặc được trả lời kiểu thuốc nào cũng tốt, vì theo nguyên tắc thuốc đó đã được đạt tiêu chuẩn rồi mới được đấu thầu chứ, vậy nên không bác sĩ nào dám trả lời là thuốc nào không tốt. (vậy mà vẫn có ngoại lệ là thuốc của VN pharma đó, qua đủ các khâu mà cuối cùng lại là thuốc giả). Cũng do đó người bệnh thường có suy nghĩ điều trị dịch vụ thuốc tốt hơn thuốc bảo hiểm. Cái này không đúng tuyệt đối, vì thuốc bảo hiểm cũng có đủ loại mà. Khi kê thuốc dịch vụ mà bệnh nhân có tiền thường kê cho thuốc gốc cho an tâm. Người nghèo điều trị dịch vụ thì vẫn phải kê thuốc nào hợp với bệnh và túi tiền cho họ.

Vậy trên cương vị bệnh nhân nên dùng thuốc nào. Thuốc gốc hay generic. Cái này nhiều người bảo dùng hết thuốc gốc. Nhưng cũng không đúng hoàn toàn. Nếu tiền nhiều không phải quan tâm thì đúng. Nếu là có cần tính toán đến kinh phí thì nên cân nhắc. Vì một bệnh có thể dùng nhiều thuốc cùng lúc, trong đó sẽ có thuốc có tác dụng chủ lực, thuốc phối hợp, thuốc hỗ trợ… thì có thuốc nên là thuốc gốc, có thuốc không cần nhất thiết. Và cụ thể thì bác sĩ kê thuốc mới biết và trả lời bạn được!

Vì vậy bệnh nhân nên nắm sơ hai thuốc đó, để nếu có nhu cầu và điều kiện kinh tế khác nhau khi trao đổi với bác sĩ có thể đề cập để cho lời khuyên phù hợp với bệnh lý và kinh tế. Đừng chỉ nói 1 câu trăm sự nhờ bác hay cho em thuốc nào tốt, vì thuốc nào cũng tốt! Kể cả bác sĩ đó là người quen của bạn, khi bệnh viện chỉ có 1 trong 2 loại thuốc thì vẫn thường là chỉ còn cách kê thuốc bệnh viện đang có.

Có một số nói thuốc gốc ít tác dụng phụ hơn. Điều này cũng chưa chắc đúng trong mọi trường hợp. Và làm sao để biết đâu là thuốc gốc đâu là generic, thì nên hỏi bác sĩ dược sĩ, vì có một số thuốc có kí hiệu trên vỏ hộp là gốc nhưng có khi không, và một số thuốc phổ biến thông thường có mặt lâu đời, đôi khi hãng dược sản xuất đầu tiên họ không sản xuất nữa nên không còn thuốc gốc nữa!

Nhân đây xin nói thêm 1 việc gọi là có liên quan. Về vấn đề thuốc nam điều trị ung thư. Thực tế rất nhiều cây cỏ có chứa các hoạt chất giống như thuốc hóa chất ung thư. Nên có thể rất may mắn ai đó uống đc đúng cái cây có hoạt chất phù hợp thì giảm bệnh một thời gian. Nhưng mọi người cũng nên biết các hoạt chất ung thư trong thuốc tây y hầu hết cũng được phát minh từ cây cỏ!. Sau đó mới sản xuất công nghiệp. Như đã nói ở trên thuốc hóa chất hay gọi là tây y được nghiên cứu rất nghiêm ngặt như bên trên, đánh giá trên từng bệnh nhân, từng loại bệnh ung thư, từng giai đoạn, từng thể bệnh, tính an toàn, liều tính theo từng miligram… nên có bằng chứng khoa học chính thức. Chứ không phải là một loại lá cây chữa bách bệnh, uống 5 lá hay 3 lạng, chứa bao nhiêu hoạt chất cũng không ai biết, nên nói ai may mắn hiểm hoi lắm mới uống trúng được cái lá có hoạt chất phù hơp bệnh ung thư đang mắc, giai đoạn bệnh, liều lượng… thì giảm bệnh. Nhưng thường đó là việc làm “chuột bạch” tự hại mình nhiều hơn. Vì các cây lá mà tôi thấy bệnh nhân hay xui nhau uống toàn các loại có độc tính, tôi đã gặp rất nhiều người tự uống lá đu đủ… và vào viện khi chảy máu dạ dày ồ ạt tử vong, người uống cây abc nào đó rồi suy gan thận… Vì trong cây nhựa của đu đủ và một số cây có thành phần làm tiêu hủy protein, các bạn vẫn thấy nếu nấu món gì muốn nhừ thì mang hầm với đu đủ xanh đó, vậy nên khi uống thứ này vào không biết có đến được khối u hay không nhưng ngay đầu tiên nó sẽ tấn công cái dạ dày của bạn, làm viêm loét và chảy máu. Ngay cả nhiều người bình thường ăn quả đu đủ xanh, quả dứa chưa chín hẳn, hay quả su su cũng thấy cồn cào khó chịu là do chất này. Tất nhiên tùy nồng độ chất đó bạn uống vào sẽ gây tác dụng phụ nhẹ hay nặng, nhanh hay chậm, mà với kiểu uống 3 lá hay 4 lá thì liều lượng có trời mới biết, rồi mấy bệnh nhân nghĩ là càng uống được nhiều càng tốt thì càng nhanh có biến chứng. Chảy máu dạ dày nếu ồ ạt còn biết đi cấp cứu may mắn còn qua được, chứ nó cứ chảy rỉ rả qua phân nhiều khi không biết mà đi chữa, rồi chết dần mòn.

Tôi thấy mấy thầy thuốc đông y chân chính ngày nay cũng bào chế nhiều thuốc đông y theo hướng rất khoa học, thậm chí có thuốc đông y còn có thể chế thành dạng truyền tĩnh mạch! Tuy nhiên với lĩnh vực ung thư tôi chưa thấy thầy thuốc đông y có học hành khoa học nào vỗ ngực chữa bách bệnh như trên mạng rêu rao hay truyền miệng.

PS: Hình minh họa 2 thuốc có chung hoạt chất là Pemetrexed. Lọ có tên là Alimta là thuốc gốc có giá tầm trên dưới 24.5 triệu. Lọ Allipem là thuốc Generic có giá tầm trên dưới 7 triệu. Hai thuốc này đều tốt cả.

BS. Nguyễn Thành Luân

Bấm Vào Đây Để Vào Thư Viện

✽✽✽✽✽✽