Ung thư có nên tiêm vaccine Covid-19?

Nhận thông báo tiêm vaccine Covid-19 vào đầu tháng 8, ông Nam, 66 tuổi, ở Hà Nội, đắn đo “nửa muốn đi nửa không”.

Ông mắc U lympho ác tính không Hodgkin 14 năm, đã từng xạ trị và hóa trị, đang uống thuốc điều trị đích.

Đại dịch khiến việc thăm khám định kỳ của ông gặp nhiều khó khăn. Ông thường xuyên gọi điện để bác sĩ tư vấn từ xa và lấy thuốc từ hai đến ba tháng, sinh hoạt khoa học để kiểm soát bệnh. “Nếu nhiễm Covid-19, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng”, ông Nam nói.

Giống như ông Nam, chị Lan, 39 tuổi cũng lo lắng khi số ca nhiễm tiếp tục tăng. Chị điều trị ung thư vú từ tháng 11/2020, giai đoạn 3a nên rất dè chừng, hạn chế ra ngoài. Chị đang truyền đích, tiêm bất hoạt buồng trứng, uống nội tiết nên muốn chọn vaccine để tiêm. “Đọc báo thấy nhiều rủi ro sau tiêm như sốc phản vệ, đông máu, mình lại có bệnh nền nên khá hoang mang”, chị nói.

PGS. TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đây là hai trong nhiều trường hợp gọi điện xin tư vấn và lời khuyên để đi tiêm vaccine khi mắc bệnh nền. Câu hỏi chung là “có nên tiêm hay không”, “đang xạ trị có phải dừng tiêm” và “có nên chọn vaccine và loại vaccine nào tốt nhất”… Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư là đối tượng nhạy cảm với Covid-19 do có hệ miễn dịch yếu, cần ưu tiên tiêm chủng sớm, kể cả người đang xạ trị hoặc hóa trị.

Về lựa chọn vaccine cho bệnh nhân ung thư, theo bác sĩ Phương là không cần thiết. Tất cả vaccine hiện đang được cấp phép tại Việt Nam đều có thể tiêm chủng được. Mỗi loại đều có hiệu lực bảo vệ và phản ứng phụ có thể xảy ra và không có nghiên cứu nào cho thấy ở bệnh nhân ung thư thì phải chọn dùng vaccine loại nào cũng như không thấy tỉ lệ phản ứng phụ cao hơn.

“Do đó bạn hoàn toàn yên tâm khi được mời đi tiêm chủng, không cần chọn. Có loại vaccine nào bạn dùng loại đó cho mũi một cũng như mũi hai theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, bác sĩ nói.

Các phản ứng sau tiêm vaccine ở bệnh nhân ung thư cũng giống như các đối tượng khác như đau tại nơi tiêm, sốt, mẩn đỏ tại vùng tiêm, sưng tấy tại vùng tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa trên da, phát ban… Điều này có thể làm chậm chu kỳ hóa trị tiếp theo khoảng vài ngày nhưng “không làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị bệnh”.

Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Đơn nguyên Cấp cứu và Chăm sóc giảm nhẹ, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết các nghiên cứu trên thế giới cho tới thời điểm này chưa thấy sự khác biệt về hiệu quả giữa các loại vaccine phòng Covid-19. Hệ thống tiêm chủng tại Việt Nam cũng chưa cho phép người được tiêm chủng được tự lựa chọn loại vaccine. Tất cả khuyến cáo trên thế giới đều đề nghị bệnh nhân ung thư nên được tiêm phòng ngay khi có thể nếu không có chống chỉ định, giúp giảm nhẹ triệu chứng hoặc mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh. Vì vậy bệnh nhân ung thư cũng giống như mọi người, sẽ được tiêm chủng theo sự phân phối vaccine của chính phủ.

Theo bác sĩ, các vaccine phòng Covid-19 đã được chứng minh tính an toàn và hiệu quả trên dân số chung, nhưng các dữ liệu trên bệnh nhân ung thư vẫn chưa đầy đủ. Đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về việc tăng các tác dụng phụ của vaccine khi tiêm trên bệnh nhân ung thư.

“Các vaccine hiện có ở Việt Nam không chứa virus sống hoặc chứa vector virus đã được biến đổi nên không gây ra các nguy hiểm tức thì cho người suy giảm miễn dịch như bệnh nhân ung thư”, bác sĩ phân tích.

Bệnh nhân ung thư cũng không cần trì hoãn quá trình xạ trị nếu hiện tại không có tác dụng phụ gì nghiêm trọng của xạ trị. Để yên tâm hơn, bạn có thể trao đổi với bác sĩ điều trị để có thời điểm tiêm chủng phù hợp nhất.

Để tiêm chủng an toàn, bệnh nhân cần nắm rõ các phương pháp điều trị hiện tại mà mình đang tiếp nhận và trao đổi với bác sĩ để lựa chọn thời điểm tiêm chủng thích hợp. Sau tiêm, người bệnh cần được theo dõi sát sao để phát hiện và xử lý kịp thời các tác dụng phụ, nếu có. Người thân hoặc người chăm sóc bệnh nhân ung thư cũng cần được tiêm chủng, đồng thời nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K và khuyến cáo phòng tránh dịch bệnh để bảo vệ bản thân và người nhà.

Được bác sĩ tư vấn, ông Nam và chị Lan yên tâm hơn, đến bệnh viện và tiêm chủng theo lịch. Sau tiêm, chị Lan đau mỏi người và sốt cao từ 38,5 trong một ngày. Hiện, sức khỏe hoàn toàn ổn định.

Còn ông Nam sau tiêm chỉ đau nhức chỗ tiêm, không sốt, không có phản ứng bất thường. Hiện, ông tham gia vào tổ Covid cộng đồng, giám sát tại chốt kiểm soát ở địa phương, tuyên truyền mọi người chống dịch.

“Mình có sức khỏe, có hiểu biết, có thời gian, đã tiêm vaccine, thì không có lý do gì tôi đứng ngoài cuộc chiến này”.

https://vnexpress.net/ung-thu-co-nen-tiem-vaccine-covid-19-4344080.html