Xét nghiệm máu xem còn tế bào ung thư không?

Sáng nay có 1 bệnh nhân đến mang kết quả tái khám nhờ tôi tư vấn vì hôm đi tái khám không gặp được. Bệnh nhân cũ bị Ung thư vòm đã được hóa xạ trị đồng thời 4 năm. Lần này được cho làm xét nghiệm máu, siêu âm, xquang tim phổi, soi tai mũi họng và cho về hẹn tái khám sau 6 tháng. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu bệnh nhân không hỏi một câu bác sĩ xem hộ em xem trong máu của em còn tế bào ung thư không? Mà mấy nay trên facebook cũng thấy mấy người bàn tán xôn xao về cái này, cũng có người nói khá đúng, cũng có người nói sai bét. Mình xin có một số lý giải về vấn đề này.

1. Thế rốt cuộc xét nghiệm máu có thể biết còn tế bào ung thư hay không?

Có thể có nhưng thường là không.

– Có thể thấy khi bệnh ung thư đó là ung thư của máu (như bệnh bạch cầu). Một số bệnh bạch cầu có thể xét nghiệm máu ngoại vi để tìm xem có tế bào máu bất thường không. Xét nghiệm máu này thường gọi là huyết đồ, người ta đọc bằng mắt để nhìn hình thái tế bào. Tuy vậy dù là các bệnh về ung thư máu thì khi tìm không thấy tế bào ung thư trong máu thì cũng không phải là tiêu chí đánh giá hết bệnh. Nên xin phép từ phần sau bài này khi nói đến ung thư chỉ đề cập đến các khối u đặc (gan, phổi, vòm, vú, đại trực tràng…) mà không có ý nghĩa với ung thư hệ tạo máu (bạch cầu cấp, bạch cầu mạn…).

– Thường sẽ là không thể. Trong quá trình phát triển của ung thư nói chung cũng có các tế bào ung thư đi vào máu. Tuy nhiên đó thường là giai đoạn muộn và đó là cơ chế di căn xa hay gặp. Tế bào ung thư đi theo máu đến cơ quan khác, khi đủ điều kiện sẽ phát triển tại đó và cho ra tình trạng di căn. Nhưng khi xét nghiệm máu thông thường chúng ta hay làm (thường là tổng phân tích tế bào máu ngoại vi bằng máy) thì không thể phát hiện ra các tế bào ung thư này. Đơn giản là vì máy nó đếm, mà máy thì không tìm ra được tế bào ung thư. Hiện cũng thấy trong các nghiên cứu thử nghiệm này nọ người ta cũng cố tìm ADN của tế bào ung thư trong máu, nhưng chưa thấy cái nào có hiệu quả và áp dụng phổ biến ra thực hành hàng ngày, tương lai thì chưa biết. Nên hiện tại thì đừng bao giờ nghĩ là xét nghiệm máu xem được còn tế bào ung thư hay không đi nhé.

Xét nghiệm máu xem có tế bào ung thư không

2. Vậy khi điều trị hay đi tái khám ung thư tại sao thường cho làm xét nghiệm máu làm gì?

Để trả lời câu hỏi này thì trước hết nên hiểu xét nghiệm máu là gì. Thực tế đó là câu nói chung chung. Cứ lấy máu đi làm xét nghiệm là xét nghiệm máu. Nhưng trong máu đó họ có cả ngàn chỉ tiêu để đánh giá. Tùy các bệnh mà người ta đánh giá cái gì thôi. Vậy nên có bệnh nhân cần làm thông số này, bệnh nhân kia làm thông số khác. Do tình trạng bệnh thôi. Khi điều trị bác sĩ sẽ xét nghiệm các chỉ số liên quan đến ung thư, và các chỉ số liên quan đến quyết định điều trị. Khi tái khám thì xét nghiệm máu có loại bệnh cần làm mỗi lần, có bệnh thì mấy lần tái khám mới cần xét nghiệm. Và khi tái khám xét nghiệm máu thường nhằm:

– Theo dõi tái phát, tiến triển ung thư. Tuy xét nghiệm máu không thấy tế bào ung thư nhưng với một số khối ung thư nó có thể tiết ra một số chất vào máu gọi là Marker ung thư. Nên khi thấy chất này tăng cao đến mức có ý nghĩa thì là 1 yếu tố nghi ngờ bệnh tái phát tiến triển. Tuy vậy không phải u nào cũng có chất tiết đặc hiệu (hiện chỉ có một số marker có ý nghĩa gợi ý như AFP với K gan, PSA với tuyến tiền liệt, CEA với các ung thư biểu mô tuyến, CA125 với buồng trứng, CA153 với vú, NSE, CA72.4 với ung thư dạ dày, Cyfra 21.1 trong ung thư phổi, CA19.9 trong ung thư đường mật tụy, EBV DNA trong K vòm, Thyroglobulin trong K giáp… tuy nhiên giá trị thực sự thế nào thì hiện tại cũng tranh cãi trong giới y khoa, người ủng hộ, người bác bỏ). Với mình thì mình coi marker là một yếu tố dự báo, và cân nhắc làm cho từng trường hợp, khi nó tăng thì mình sẽ có ý thức khám xét thêm đi tìm xem khối u tái phát di căn thế nào. Chứ không dùng nó để khẳng định là tái phát hay cũng không tặc lưỡi bảo là chẳng có ý nghĩa gì rồi cho qua. Còn lại rất nhiều bướu thì chẳng có chất chỉ điểm nào trong máu để làm.

– Xét nghiệm đánh giá các yếu tố nguyên nhân ung thư, cái này chủ yếu là cho ung thư Gan do virut B, C. Để xem xét quá trình điều trị virut kết hợp thôi.

– Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, men gan, chức năng thận… mấy cái này không trực tiếp nói lên có tái phát ung thư hay không, nhưng rất hay đc làm. Thứ nhất nó đc coi như xét nghiệm nền tảng để đánh giá tổng trạng bệnh nhân và điều trị bất cứ bệnh gì. Nên như là làm thường quy tại các bệnh viện. Cũng có một số ý nghĩa khi ung thư nó tiến triển làm ảnh hưởng đến các chỉ số này. Nên có thể coi như gián tiếp gợi ý, ví dụ ung thư di căn xương có thể gây ra thiếu máu, tăng canxi máu. Vậy nên dù không trực tiếp phát hiện ung thư nhưng với tùy bệnh nhân vẫn được làm các xét nghiệm máu này.

3. Vậy có bác sĩ nào nói xét nghiệm máu thấy hết ung thư rồi không?

Rõ ràng là nói thế là sai, nhưng cũng thực là có bác sĩ nói vậy. Vì sao?

-Thường là khi làm hết các xét nghiệm gồm cả siêu âm, CT, soi… . mà thấy bệnh không tiến triển. Thấy marker chỉ điểm ung thư không tăng thì bác sĩ nói không thấy chất chỉ điểm ung thư tăng trong máu thì bệnh nhân lại hiểu là không có tế bào ung thư trong máu. Mình đã gặp vậy mà. Vừa bảo bệnh nhân là hiện chụp CT thấy bướu đã hết trên film, xét nghiệm marker trong máu thấy giảm về bình thường. Lát ra cửa nghe thấy bệnh nhân nói với thân nhân: bác sĩ bảo xét nghiệm máu thấy hết tế bào ung thư rồi. Thấy rõ là đã bị hiểu sai, mà thấy họ đang vui quá lại bận nên thôi chẳng giải thích lại nữa.

-Có một số bác sĩ thấy bệnh nhân không có hiểu biết, khó hiểu được những giải thích phức tạp, nên khi bệnh nhân hỏi mà thấy bệnh không tái phát cứ nói thế cho họ dễ hiểu.

Lần sau sẽ chia sẻ thêm với các bạn về thiếu máu trong điều trị ung thư. Thấy mọi người hỏi nhau vả mách nhau nhiều quá mà thực tế không hiểu thiếu máu là gì.

BS. Nguyễn Thành Luân

Bấm Vào Đây Để Vào Thư Viện

✽✽✽✽✽✽