Giới thiệu tự truyện: Megan muốn về nhà và mẹ cũng thế

– Nhà văn Di Li trong buổi ra mắt cuốn sách “Megan muốn về nhà và mẹ cũng thế” chia sẻ: “Chẳng có ai sống trọn một cuộc đời mà không gặp một biến cố nào”.

Và đó không phải kinh nghiệm cá nhân của nữ nhà văn số 1 về truyện trinh thám ở Việt Nam. Mẹ chị, một người sắp bước vào tuổi 80 của cuộc đời đã nói với con gái mình như vậy. Câu chuyện được Bạch Thái Hà kể trong cuốn sách gần 300 trang chính là biến cố mà cô và các thành viên khác trong gia đình đã trải qua.

Là mẹ của 3 con, cuộc sống của Thái Hà trước biến cố là chuỗi ngày hạnh phúc như vô tận với những chuyến phiêu lưu đến những miền đất lạ. Có cảm giác gia đình nhỏ của cô là một nhóm cư dân du mục, ưa khám phá, chinh phục: “Trong xe ô tô của mình, tôi chất đống thực phẩm đóng gói, các loại đồ ăn vặt và nước uống, cả thùng đựng đá giữ lạnh đồ uống, ca kho quần áo khô… có những chuyến phượt qua nhiều bang của Mỹ…

Hành trình được kẻ vẽ từ nửa năm trước trên một tấm bản đồ dán ngoài phòng khách… có những chặng đi tôi cho các con sống trong những ngày cổ tích, chỉ có ngủ và chơi giữa các công viên giải trí, bơi cùng cá heo, cá đuối, công viên đại dương, công viên nước…”.

Cô con gái nhỏ được phát hiện ra căn bệnh ung thư máu từ những bác sĩ ở Singapore. Chỉ định đưa con qua khám và rồi trở về, Thái Hà không thể hình dung ngay thời điểm bác sĩ đọc kết quả, con phải nhập viện và truyền hoá chất với mục tiêu “tiêu diệt được hết tế bào bệnh trong cơ thể”.

Những con người phóng khoáng, ưa xê dịch bỗng chốc bị “nhốt” trong ô cửa bệnh viện với thuốc, tiêm, truyền. Một chuỗi cảm xúc được Thái Hà mô tả chân xác đến đớn đau. Cô đã dằn vặt bản thân khi nhớ lại những dấu hiệu đầu tiên về bệnh của con, tự xỉ vả mình đã bỏ qua những biểu hiện bất thường. Chi tiết về chiếc khăn giấy các bác sĩ trong hội đồng hội chẩn đưa cho cô nhanh chóng bị vón cục và nhão nhoét vì nước mắt hay ngã vật xuống khóc giữa bệnh viện xa lạ đã chạm vào sâu, rất sâu cảm xúc những người làm cha, làm mẹ.

Và trước biến cố, thay đổi toàn bộ cuộc sống gia đình, người ta sẽ làm gì? Chiến đấu hay buông xuôi? Hà đã trả lời một cách rành mạch: “Gia đình tôi như những người lính mới nhập ngũ”.

Mọi người cùng nhau gỡ từng mối rối, cùng tìm ra và thống nhất phương án tối ưu. Đọc từ chương 9 đến chương 14, độc giả sẽ có được những chỉ dẫn chi tiết nhất về quy trình điều trị ung thư ở nước ngoài bao gồm cả việc thuê nhà, chăm sóc bệnh nhân, sử dụng dịch vụ y tế, di chuyển, mua bảo hiểm khám chữa bệnh ở nước ngoài…

Nhưng tất cả không phải theo cách thức liệt kê, kể lể mà được viết bằng sự trải nghiệm, chắt lọc và sẻ chia để nếu ai đó không may bị đẩy vào hoàn cảnh tương tự có thêm một cẩm nang để bấu víu và tìm được phương hướng cho bản thân.

Và điều may mắn nhất trong suốt hành trình điều trị bệnh cho bé Megan là tấm lòng của những bác, những cô, những người họ hàng, bè bạn. Lắng nghe một cuộc điện thoại, coi sóc đám trẻ, đem đến một nụ cười…từng chút từng chút một mẹ con Thái Hà cảm nhận được trong hành trình 1 năm xa nhà trị bệnh.

Viết sách, thực ra nằm ngoài dự kiến của người mẹ này, chỉ là những dòng tâm trạng ghi lại cung bậc cảm xúc từ đau khổ đến những niềm vui nho nhỏ từ những biến chuyển của con gái mình, là học tập từng chút, từng chút để vượt lên số phận.

Là người tình cờ biết câu chuyện này, chị Phương Liên, Giám đốc công ty cổ phần Văn hóa và truyền thông Liên Việt đã quyết định xuất bản cuốn sách này với mong muốn “đem những thông tin hữu ích về hành trình cùng con vượt qua bệnh hiểm nghèo.

Bấm Vào Đây Để Đọc Sách

✽✽✽✽✽✽