Xử trí khô miệng do hóa trị và xạ trị trong điều trị ung thư
Phạm Nguyên Quân
Khô miệng xảy ra khi các tuyến nước bọt không sản xuất đủ nước bọt để giữ ẩm trong miệng. Khô miệng có thể gây khó nhai, khó nuốt, giảm vị giác và khó nói chuyện vì nước bọt cần cho các hoạt động này.
Những dấu hiệu và triệu chứng khô miệng
Các dấu hiệu và triệu chứng của khô miệng bao gồm:
– Cảm giác dính, khô trong miệng;
– Nước bọt quánh, đặc;
– Đau hoặc cảm giác nóng bỏng trong miệng hoặc trên lưỡi;
– Các vết nứt ở môi hoặc góc miệng;
– Lưỡi khô, cứng;
– Khó nhai, khó nuốt và giảm vị giác;
– Khó nói chuyện.
Khô miệng cũng thường gây ra các vấn đề về răng. Nước bọt giúp duy trì sự cân bằng lành mạnh của hệ vi khuẩn trong miệng. Nếu không đủ nước bọt, vi khuẩn và các loại sinh vật khác trong miệng sẽ phát triển quá nhanh. Điều này có thể gây ra các vết loét và nhiễm trùng miệng, bao gồm cả nấm miệng. Nước bọt cũng rửa trôi axit và các mẩu thức ăn còn lại trong miệng sau khi ăn. Thiếu nước bọt có thể gây ra bệnh nướu răng và sâu răng. Khô miệng cũng có thể gây khó khăn khi mang hàm giả.
Những nguyên nhân khô miệng
Hóa trị và xạ trị làm tổn thương tuyến nước bọt và gây khô miệng. Hoá trị gây khô miệng bằng cách làm nước bọt đặc hơn, nhưng đây thường là triệu chứng tạm thời và sẽ biến mất khoảng 2-8 tuần sau khi kết thúc điều trị.
Xạ trị ở đầu, mặt hoặc cổ cũng có thể gây khô miệng, nhưng có thể mất 6 tháng hoặc lâu hơn để các tuyến nước bọt bắt đầu tái sản xuất nước bọt sau khi kết thúc điều trị. Một số người nhận thấy khô miệng cải thiện trong năm đầu tiên sau khi xạ trị. Tuy nhiên, đa số sẽ tiếp tục gặp vấn đề khô miệng kéo dài ở các mức độ khác nhau. Tác dụng phụ này dễ xảy ra hơn nếu xạ trị tác động trực tiếp lên tuyến nước bọt.
Khô miệng cũng có thể do:
– Bệnh mô ghép-chống-chủ (Graft-versus-host disease), trong đó tế bào được cấy từ người cho nhận ra cơ thể của bệnh nhân là ngoại lai và tấn công thông qua cơ chế miễn dịch;
– Thuốc chống trầm cảm;
– Thuốc lợi tiểu (làm tăng tiểu tiện);
– Một số thuốc giảm đau;
– Nhiễm trùng miệng;
– Mất nước.
Xử trí với khô miệng
Giảm các tác dụng phụ là một phần quan trọng trong việc chăm sóc và điều trị bệnh ung thư. Lĩnh vực này được gọi là kiểm soát triệu chứng hoặc chăm sóc giảm nhẹ/xoa dịu. Hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khoẻ của bạn về bất kỳ triệu chứng nào mà bạn gặp phải, bao gồm các triệu chứng mới xuất hiện và cả sự thay đổi theo thời gian.
Mặc dù không thể ngăn ngừa được khô miệng, một số phương pháp sau có thể giúp ích:
– Thuốc ngăn ngừa hoặc làm giảm các phản ứng phụ của xạ trị, như amifostine (Ethyol).
– Chất thay thế nước bọt và nước súc miệng với hyetellose, hyprolose, hoặc carmellose.
– Thuốc kích thích tuyến nước bọt, như pilocarpine (Salagen) hoặc cevimeline (Evoxac).
– Một số cách kích thích tuyến nước bọt khác, như ngậm kẹo không đường hoặc nhai kẹo cao su không đường.
– Châm cứu có thể giảm khô miệng theo một số nghiên cứu.
Những lời khuyên sau đây có thể giúp bạn kiểm soát khô miệng và ngăn ngừa các vấn đề nha khoa:
– Kiểm tra sức khoẻ răng miệng trước khi bắt đầu xạ trị hoặc hóa trị. Lập kế hoạch này càng sớm càng tốt. Nếu cần nhổ răng, bạn cần phải làm ít nhất 3 tuần trước khi xạ trị, hóa trị để vết thương có thể lành.
– Đánh răng sau mỗi bữa ăn và trước giờ đi ngủ bằng bàn chải đánh răng và kem đánh răng có fluoride. Ngâm bàn chải trong nước ấm để lông bàn chải mềm hơn.
– Dùng chỉ nha khoa nhẹ nhàng mỗi ngày một lần.
– Súc miệng 4-6 lần một ngày, đặc biệt là sau bữa ăn, với muối và muối nở (baking soda). Hãy thử pha nửa muỗng cà phê muối và nửa muỗng cà phê muối nở trong 1 cốc nước ấm.
– Khi bắt đầu điều trị xạ trị, hãy sử dụng nước súc miệng và gel có fluoride. Đây là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ trong điều trị ung thư.
– Uống nước từng ngụm trong ngày và dùng nước bọt nhân tạo để làm ẩm miệng.
– Tránh nước súc miệng và các sản phẩm nha khoa khác có chứa cồn. Bạn có thể dùng các sản phẩm dành cho người bị khô miệng mà không cần đơn thuốc có trên thị trường.
– Sử dụng máy tạo ẩm phun sương mát mẻ, đặc biệt vào ban đêm.
Một số nha sĩ cũng có thể kê đơn thuốc để tăng lượng nước bọt hoặc nước súc miệng để điều trị nhiễm trùng trong miệng.
Những lời khuyên sau đây có thể giúp cải thiện việc ăn uống khi bị khô miệng
– Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày. Tuy nhiên, thật ra việc uống 8 ly một ngày rất khó thực hiện và có thể gây buồn nôn. Vì mục đích uống là để làm ướt miệng và chống mất nước, có thể uống các loại đồ uống sao cho miệng đừng khô và đi tiểu ngày 4-5 lần, mỗi lần ít nhất 250mL (1 xị). Việc mang theo một chai nước có thể giúp bạn uống đủ nước.
– Tránh uống rượu, đồ uống có caffein (như cà phê, trà và cola) và nước trái cây có vị chua.
– Ăn các thức ăn mềm, ẩm đã để nguội hoặc được làm mát.
– Làm ẩm thực phẩm khô với nước dùng, nước sốt, bơ hoặc sữa.
– Tránh thức ăn khô, thô, hoặc cứng.
– Tránh thức ăn chua (có tính axit) hoặc cay có thể làm nóng, bỏng miệng.
– Không hút hoặc nhai thuốc lá.
– Tránh thức ăn hoặc thức uống đặc quánh và có đường.
✽✽✽✽✽✽