Tiêu chảy trong quá trình điều trị ung thư
BS. Nguyễn Thị Ngọc Nhân
Tiêu chảy là tình trạng đại tiện thường xuyên hơn bình thường, ra phân lỏng hoặc nước. Nếu bạn bị tiêu chảy trong quá trình điều trị ung thư, hãy nói với bác sĩ. Bác sĩ có thể đưa ra một số cách giúp bạn xử trí tình trạng này. Giảm bớt các tác dụng phụ là một phần quan trọng trong điều trị ung thư. Việc này còn được gọi là xử trí triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc xoa dịu.
Nguyên nhân gây tiêu chảy trong ung thư
Các nguyên nhân liên quan tới ung thư và phương pháp điều trị ung thư bao gồm:
– Hóa trị
– Liệu pháp miễn dịch
– Xạ trị vùng chậu
– Sau phẫu thuật cắt một phần ruột
– Ung thư ảnh hưởng tới tuyến tụy
– Bệnh mảnh ghép chống lại vật chủ (Graft-versus-host-disease), một tác dụng phụ do cấy ghép tủy xương
Các tình trạng khác không liên quan tới ung thư cũng có thể gây tiêu chảy:
– Bệnh lý ruột kích thích hoặc viêm ruột
– Nhiễm siêu vi
– Không thể tiêu hóa một số loại thức ăn nào đó.
– Dùng kháng sinh
– Nhiễm một loại vi khuẩn gây tiêu chảy gọi là Clostridium difficile
Các nguyên nhân gây tiêu chảy ở mỗi bệnh nhân ung thư rất khác nhau. nhóm chăm sóc y tế có thể tiến hành các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây tiêu chảy.
Mức độ tiêu chảy
Tiêu chảy được mô tả theo các cấp độ sau, từ nhẹ đến nặng, dựa trên phân độ của Viện Ung thư Quốc gia (Hoa Kỳ):
– Mức độ 1: Tăng số lần đại tiện nhưng ít hơn 4 lần một ngày.
– Mức độ 2: Tăng số lần đại tiện từ 4 đến 6 lần một ngày.
– Mức độ 3: Bao gồm nhiều yếu tố và bạn cần phải nằm viện để điều trị.
+ Số lần đại tiện tăng hơn 7 lần một ngày.
+ Không kiểm soát được đại tiện, ỉa són.
+ Giảm khả năng sinh hoạt và tự chăm sóc bản thân hàng ngày.
– Mức độ 4: Tình trạng đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc đặc biệt ngay.
Phòng ngừa và điều trị tiêu chảy
Mặc dù tạo nên cảm giác khó chịu, tiêu chảy nhẹ thường không gây nên vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, tiêu chảy nặng có thể dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải. Hiện tượng này xảy ra khi cơ thể mất quá nhiều nước. Nó cũng có thể gây nên những vấn đề sức khỏe khác có thể phòng tránh bằng việc phòng hoặc chữa trị tiêu chảy sớm.
Phương pháp phòng ngừa và điều trị tốt nhất phụ thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân gây tiêu chảy.
Những phương pháp sau cũng có thể giúp xử trí tiêu chảy mức độ nhẹ (Độ 1 hoặc 2):
– Tránh uống café, rượu, các chế phẩm từ sữa, thức ăn béo, nhiều xơ, nước cam, nước mận, và đồ ăn cay.
– Tránh dùng các thuốc nhuận tràng và metoclopramide (Reglan). Metoclopramide thường được dùng để ngăn ngừa nôn và buồn nôn do hóa trị.
– Ăn thành những bữa ăn nhỏ thường xuyên với những loại thức ăn dễ tiêu. Chúng bao gồm chuối, gạo, sốt táo, và khoai tây. Nếu hóa trị gây ra tiêu chảy, bác sĩ có thể đề nghị một chế độ ăn ít chất xơ. Bác sĩ cũng có thể đề nghị những thay đổi khác về chế độ ăn.
– Uống nhiều nước lọc và các loại nước khác để phòng ngừa mất nước. Những người bị mất nước nặng có thể cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
– Đối với tiêu chảy nặng do hóa trị, hãy hỏi bác sĩ về việc thay đổi lịch trình điều trị hoặc liều lượng thuốc.
– Hãy hỏi bác sĩ những loại thuốc để phòng tránh tiêu chảy… Các thuốc sau thường được dùng trong tiêu chảy do hóa trị:
+ Loperamide (Imodium)
+ Diphenoxylatevà atropine (Lomotil)
Các nhà nghiên cứu cũng đang nghiên cứu những loại thuốc ngăn ngừa tiêu chảy do xạ trị vùng chậu. Tuy nhiên, chưa có loại thuốc nào được phê duyệt để đưa ra thị trường.
✽✽✽✽✽✽