Âm tính giả trong xét nghiệm đột biến gen ung thư phổi

Ca lâm sàng 1: Bệnh nhân nữ 81 tuổi, không hút thuốc lá, đến khám vì khó thở. Chụp cắt lớp ngực thấy u phổi trái kích thước 2,8 x 2,3cm, nhiều nốt di căn lan tràn 2 phổi kèm dịch màng phổi phải. Bệnh nhân được chọc dịch màng phổi phải làm cell block, kết quả: Ung thư biểu mô tuyến di căn. Vì bệnh nhân khó thở nhiều cần can thiệp khẩn cấp, bệnh nhân vừa được điều trị thuốc kháng EGFR thế hệ 3 (osimertinib) vừa được xét nghiệm giải trình tự gen thế hệ mới (NGS). Sau 7 ngày bệnh nhân hết khó thở, bỏ được oxi, đỡ ho. Tuy nhiên kết quả NGS: Không phát hiện đột biến gen. Vì lâm sàng cải thiện, bệnh nhân vẫn tiếp tục uống thuốc đích. Chụp cắt lớp vi tính phổi sau 3 tháng: Bệnh nhân đáp ứng gần hoàn toàn (u phổi trái kích thước 5mm, tổn thương di căn phổi 2 bên biến mất hoàn toàn, hết dịch màng phổi phải). Hiện tại bệnh nhân đang điều trị tháng thứ 8.

Ca lâm sàng 2: Bệnh nhân nữ 54 tuổi, không hút thuốc lá, nhập viện khó thở nhiều. Bệnh nhân được khám tại bệnh viện lớn ở hà nội, chọc dịch màng phổi xét nghiệm cho thấy: Ung thư biểu mô tuyến di căn. Xét nghiệm đột biến gen âm tính, bệnh nhân được điều trị giảm nhẹ tại nhà. Bệnh nhân liên hệ với bác sĩ xin tư vấn. Vì thể trạng rất kém, phải thở oxi liên tục, bệnh nhân không thể điều trị được hóa chất. Bệnh nhân được chỉ định điều trị oismertinib sau khi giải thích cho gia đình. Hiện tại tháng thứ 6, bệnh nhân hoạt động bình thường, dịch màng phổi trái hết trên phim cắt lớp lồng ngực.

Nguyên nhân vì sao xét nghiệm đột biến EGFR ( – ) mà bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc EGFR TKIs (OSIMERTINIB)?

Ở ca lâm sàng 1, sau khi nhận kết quả NGS âm tính với đột biến gen trái ngược với sự cải thiện triệu chứng ngoạn mục, bác sĩ hội chẩn tiêu bản với bác sĩ giải phẫu bệnh. Không ngoài dự đoán, tỷ lệ tế bào ung thư trên mẫu dịch màng phổi khá ít < 20%, đây có thể là nguyên nhân gây nên xét nghiệm “Âm tính giả” (thực chất bệnh nhân có đột biến gen nhưng kết quả là âm tính). Theo nghiên cứu, khi nhận kết quả NGS “Âm tính”, bác sĩ có thể dựa vào tỷ lệ tế bào ác tính trong mẫu thử để dự đoán đó là “Âm tính thật” hay “Âm tính giả”

đột biến gen

+ Tỷ lệ tế bào ác tính vẫn đủ xét nghiệm NGS nhưng < 20%: Kết quả âm tính không có nghĩa là bệnh nhân không có đột biến gen, có thể đó là âm tính giả.

+ Tỷ lệ tế bào ác tính trong mẫu > 50%: Khả năng cao là âm tính thật (Thật sự bệnh nhân không có đột biến).

– Thực tế bác sỹ cũng gặp trường hợp xét nghiệm đột biến gen “Âm tính giả” ở mẫu bệnh phẩm u phổi qua sinh thiết kim hay sinh thiết phẫu thuật. Một số u phổi có hiện tượng hoại tử u, phần hoại tử này không chứa tế bào ung thư. Nếu lấy phần hoại tử xét nghiệm đột biến gen rất dễ gây Âm tính giả. Để khắc phục, bác sĩ giải phẫu bệnh có thể đánh dấu vị trí nhiều tế bào ác tính tạo điều kiện cho bộ phận xét nghiệm đột biến gen lấy được phần mẫu mô tốt nhất.

Kết luận: Trong thực hành lâm sàng, ước tính tỷ lệ tế bào ác tính của khối u trên kính hiển vi rất có ích để loại bảo mẫu không đủ để phân tích, cũng như lưu ý cho bác sĩ lâm sàng trong trường hợp tỷ lệ tế bào ác tính thấp. Bác sĩ lâm sàng cần chú ý “Âm tính giả” của xét nghiệm để không bỏ lỡ cơ hội điều trị phương pháp điều trị đích của bệnh nhân.

BS.Trịnh Thế Cường

Đọc Thư Viện Ung Thư Online

✽✽✽✽✽✽