Câu chuyện truyền hóa chất cho bệnh nhân ung thư

Truyền hóa chất là một trong những vũ khí chính để điều trị bệnh ung thư cùng với phẫu thuật, xạ trị, nội tiết, miễn dịch, sinh học… Chỉ định hóa chất phụ thuộc vào loại bệnh lý ung thư, giai đoạn bệnh, mục đích điều trị… Dưới đây là một số nội dung cơ bản để mọi người có thêm thông tin về truyền hóa chất trong điều trị ung thư.

1. Truyền hóa chất là gì?

Truyền hóa chất là một trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất, đây là cách điều trị ung thư sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Khi truyền hóa chất các bác sĩ sử dụng một số loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn chúng phát triển và di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể người bệnh.

Hóa chất được sử dụng bằng cách tiêm truyền hoặc thuốc uống. Bệnh nhân ung thư thường được tiêm truyền thuốc thông qua ven (tĩnh mạch) tại phòng khám ngoại trú hoặc trong bệnh viện. Các loại thuốc hóa chất dạng uống thường được phát để bệnh nhân có thể tự uống tại nhà.

Thuốc để truyền thường được sử dụng trong 1 ngày và nghỉ 2 đến 3 tuần để giữ được sức khỏe và giúp các tế bào lành có thời gian hồi phục. Tuy nhiên, cách sử dụng thuốc phụ thuộc vào loại ung thư bạn mắc phải và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Tại sao lại phải truyền hóa chất sau khi mổ cắt bỏ đi khối bướu? Thực tế, ngay cả sau khi phẫu thuật để cắt bỏ một khối u, cơ thể vẫn có thể còn sót lại các tế bào ung thư. Những tế bào này như hạt giống, có thể phát triển khối u mới hoặc di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể. Truyền hóa chất giúp tiêu diệt, thu nhỏ hoặc kiểm soát các tế bào đó.

Trường hợp ung thư đã lan tràn ở giai đoạn muộn, hóa chất giúp giảm nhỏ khối bướu, làm giảm đau, giảm khó thở và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Một số trường hợp không thể mổ cắt bỏ được, nhưng sau khi truyền hóa chất giúp thu nhỏ khối u thì có thể phẫu thuật được thuận lợi.

2. Mục tiêu của truyền hóa chất

Khi được bác sĩ khuyến nghị thực hiện hóa chất để điều trị ung thư, bệnh nhân cần phải hiểu được các mục tiêu điều trị trước khi đưa ra quyết định. Đối với liệu pháp hóa chất sẽ có ba mục tiêu chính.

Mục tiêu đầu tiên là chữa tận gốc ung thư với một số trường hợp hiếm gặp. Hóa chất có thể tiêu diệt hoàn toàn các tế bào gây ung thư đang phát triển mạnh mẽ trong cơ thể. Các khối u ác tính có thể biến mất vĩnh viễn và không tái phát trở lại. Tuy nhiên, mục tiêu này thường rất khó khăn để đạt được.

Để đạt được hiệu quả điều trị cao, bệnh nhân cần phải tuân thủ phác đồ hóa chất của bác sĩ.

Mục tiêu thứ hai là kiểm soát bệnh ung thư. Khi ung thư không thể được chữa khỏi hoàn toàn, mục tiêu tiếp theo của liệu pháp hóa chất là kiểm soát bệnh. Các loại hóa chất được sử dụng trong điều trị có thể giúp thu nhỏ các khối u hoặc ngăn chặn ung thư phát triển và lan rộng; từ đó giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn và kéo dài được tuổi thọ. Trong một số trường hợp nhất định, mặc dù ung thư không biến mất nhưng nó được kiểm soát như một căn bệnh mãn tính, giống như bệnh tim hoặc tiểu đường. Cũng có trường hợp ung thư đã biến mất trong một thời gian, nhưng nó có thể tái phát trở lại. Lúc này, hóa chất có thể được thực hiện một lần nữa.

Hóa chất cũng được thực hiện để giảm nhẹ các triệu chứng do ung thư. Khi ung thư bước sang giai đoạn tiến triển, lúc này nó không được kiểm soát và đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Mục tiêu chính khi sử dụng liệu pháp hóa chất trong thời điểm này là cải thiện chất lượng cuộc sống và giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn.

Đôi khi, hóa chất được lựa chọn là phương pháp duy nhất để điều trị ung thư. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện truyền hóa chất phối hợp với các phương pháp khác, bao gồm phẫu thuật, xạ trị hoặc các liệu pháp sinh học để việc điều trị đạt được kết quả cao.

3. Hóa chất hoạt động như thế nào?

Có nhiều thuốc dùng đề truyền với các tác động khác nhau như:

– Tiêu diệt cả tế bào ung thư và tế bào lành

– Chỉ kiềm chế các tế bào ung thư

– Ngăn cản việc hình thành mạch máu đi tới nuôi khối bướu

– Tấn công các gen để các tế bào ung thư tự chết

Hóa chất thường tác động vào các tế bào đang sinh sôi nhanh chóng vì đây là điểm đặc trưng của tế bào ung thư. Không giống như phóng xạ hoặc phẫu thuật chỉ tác động vào một vùng trên cơ thể, hóa chất có thể theo máu đến tác động trên khắp cơ thể. Vì thế nó có thể ảnh hưởng đến một số tế bào khỏe mạnh phát triển nhanh như: tế bào da, tóc, ruột và tủy xương. Do đó gây nên những tác dụng phụ ở da, rụng tóc, tiêu chảy, và giảm tạo máu ở xương.

Tùy thuộc vào loại ung thư và tình trạng của bệnh, mà hóa chất có những tác dụng khác nhau:

– Chữa khỏi bệnh: Trong một số trường hợp, việc điều trị có thể tiêu diệt hết các tế bào ung thư. Thường áp dụng trong các loại ung thư máu.

– Kiểm soát bệnh ổn định: Trong đa số trường hợp, hóa chất chỉ có thể ngăn ung thư lan sang các bộ phận khác trong cơ thể hoặc làm chậm sự phát triển của khối ung thư.

Trong một số trường hợp giai đoạn muộn, hóa chất chỉ giúp giảm nhẹ triệu chứng đau hoặc chèn ép do ung thư gây ra. Những khối u này thường tiếp tục phát triển trở lại.

Truyền hóa chất thường được sử dụng kết hợp với: phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp sinh học. Điều này gọi là phối hợp đa mô thức, giúp tăng cơ hội trị khỏi bệnh và khắc phục các yếu điểm của riêng từng phương pháp.

truyền hóa chất ung thư

Hóa chất có thể được sử dụng để:

– Thu nhỏ khối u trước khi xạ trị hoặc phẫu thuật – được gọi là hóa trị tân hỗ trợ

– Tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật hoặc xạ trị – được gọi là hóa trị bổ trợ

– Làm cho các liệu pháp khác (sinh học hoặc phóng xạ) hiệu quả hơn.

– Kiểm soát các tế bào ung thư tái phát hoặc lan sang các bộ phận khác trong cơ thể bạn.

– Thời gian người bệnh sử dụng hóa trị phụ thuộc vào loại ung thư, tình trạng bệnh và mục tiêu điều trị như: chữa khỏi bệnh, kiểm soát bệnh hoặc chỉ giúp giảm đau.

Có rất nhiều loại thuốc hóa chất được chia thành các nhóm thuốc dựa trên cách thuốc đó tác động. Mỗi nhóm thuốc phá hủy hoặc thu nhỏ tế bào ung thư theo một cách khác nhau.

4. Các cách dùng hóa chất

a. Thuốc dùng theo đường uống

Là những thuốc có thể hấp thu ở dạ dày hoặc dưới lưỡi. Chúng được bảo vệ bằng một lớp màng để rồi sẽ bị phá vỡ bởi dịch tiêu hóa trong dạ dày.

Có một số thuốc được bao bọc bởi một chất liệu đặc biệt giúp việc giải phóng thuốc diễn ra từ từ, nhằm đạt được hiệu quả kéo dài, cho phép khoảng cách giữa hai lần uống thuốc cách xa nhau.

Các thuốc chống nôn hay được sử dụng theo cách này và nhờ đó tránh được tình trạng mất thuốc khi bệnh nhân bị nôn.

Một số thuốc khác vừa có thể dùng đường uống, vừa có thể dùng đường tiêm tĩnh mạch.

b. Thuốc dùng theo đường tiêm dưới da

Dùng loại kim tiêm ngắn giống như khi tiêm insulin cho bệnh tiểu đường. Với loại kim tiêm này, sau khi tiêm thuốc được đưa vào khoảng giữa da và cơ mà không đi quá sâu vào lớp cơ. Cách dùng này thường được sử dụng cho các thuốc dạng sản phẩm sinh học. Đối với bệnh nhân có số lượng tiểu cầu thấp, cách tiêm này sẽ giúp người bệnh ít bị chảy máu hơn so với cách tiêm bắp.

c. Thuốc dùng theo đường tiêm bắp

Thuốc được đưa sâu vào lớp cơ với kim tiêm có kích thước lớn hơn đường dưới da giúp thuốc thấm sâu vào tổ chức cơ.

Đường dùng này giúp thuốc được hấp thụ nhanh hơn đường uống nhưng chậm hơn đường dưới da, dưới lưỡi và đường tiêm tĩnh mạch.

Chỉ định cho các thuốc chống nôn.

Hầu hết các thuốc hóa chất lại không dùng đường này bởi vì thành phần hóa học của thuốc không cho phép.

Đường dùng này nên tránh những bệnh nhân bị hạ tiểu cầu vì dễ có biến chứng chảy máu.

d. Thuốc dùng theo đường tĩnh mạch

Cho phép thuốc được hấp thu rất nhanh vào tuần hoàn máu và đi vào khắp cơ thể.

Đây là đường dùng phổ biến nhất cho các thuốc hóa chất bởi vì hầu hết các thuốc hóa chất đều dễ dàng được hấp thu vào máu.

Thuốc có thể được truyền tĩnh mạch kéo dài trong vài giờ, vài ngày, thậm chí vài tuần.

Có thể dùng các “túi” đựng thuốc với một chiếc van đặc biệt giúp kiểm soát lượng thuốc nhỏ đi vào cơ thể, được đưa trực tiếp vào cơ thể qua tĩnh mạch hoặc qua các catheter luồn vào tĩnh mạch, những catheter này có thể lưu giữ ven từ vài phút đến vài giờ, thậm chí vài tuần.

“Buồng tiêm truyền” được chế tạo bằng những chất liệu đặc biệt, được luồn vào tĩnh mạch và đặt dưới da và có thể lưu giữ trong nhiều năm.

e. Các đường dùng hóa chất khác

– Tủy sống: để thuốc vào được tới dịch não tủy.

– Màng bụng: dẫn thuốc vào khoang bụng, vùng xung quanh các cơ quan nội tạng nhưng lại không vào trong lòng dạ dày hay bất kỳ một cơ quan nào khác. Hiệu quả tại chỗ cao và đỡ độc cho cơ thể

– Bàng quang: Nên khuyên người bệnh thay đổi tư thế khi làm kỹ thuật này để thuốc có thể láng đều các phía và nhịn đi tiểu ít nhất là 2 giờ. Áp dụng cho ung thư bàng quang giai đoạn bề mặt, thể nông sau khi khối u đã được cắt bỏ

– Màng phổi: được đưa vào màng phổi, khoang giữa phổi nhằm kiểm soát dịch màng phổi ác tính trong trường hợp dịch màng phổi quá nhiều gây chèn ép, khó thở. Kỹ thuật này có thể giúp màng phổi bị xơ hóa hoặc viêm dính, mang tính chất điều trị triệu chứng.

– Thuốc được dùng tại chỗ: như dạng kem bôi trực tiếp vào vùng tổn thương trong bệnh ung thư da. Tuy vậy hiệu quả của phương pháp này còn hạn chế.

– Thuốc được đưa vào qua động mạch: lựa chọn các động mạch nuôi dưỡng khối u để đưa thuốc trực tiếp vào đó.

– Dùng hóa chất điều trị ung thư da

– Dùng hóa chất trực tiếp vào vùng tổn thương trong bệnh ung thư da

5. Những yếu tố làm cơ sở để bác sĩ chọn phác đồ điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân

– Dựa vào tỷ lệ đáp ứng của từng phác đồ hứa hẹn mang lại kết quả điều trị cao nhất qua các nghiên cứu. Thí dụ một bệnh ung thư ở vào GD III khi được điều trị bằng phác đồ A sẽ cho tỷ lệ đáp ứng là 70%. Điều đó có nghĩa là cứ 100 bệnh nhân điều trị sẽ có 70 người đạt được lùi bệnh và 30 người không đạt được lùi bệnh hoặc đạt rất ít.

– Ngoài ra còn dựa vào khoảng thời gian bệnh ổn định từ lần điều trị trước (thí dụ lần này vào vì bệnh tái phát hay di căn sau 1 năm, 2 năm…). Có thể tại thời điểm này, phác đồ đã chọn là tốt nhất nhưng về sau nó lại không còn phù hợp với bệnh nhân đó nữa,

– Dựa vào sức khỏe bệnh nhân: Hóa chất có nhiều độc tính nên sức khỏe của mỗi bệnh nhân cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định.

– Một số phác đồ mạnh không thích hợp cho những bệnh nhân tuổi cao, có nhiều bệnh đi kèm.

– Luôn phải cân nhắc giữa cái lợi của việc điều trị bệnh ung thư với cái hại mà hóa chất có thể gây ra cho người bệnh.

– Đôi khi chỉ có thể chỉ định đơn trị liệu thay cho các phác đồ đa hóa chất. Đặt chất lượng sống của bệnh nhân lên hàng đầu.

6. Làm thế nào để biết truyền hóa chất có hiệu quả?

– Đối với trường hợp truyền hóa chất bổ trợ sau khi khối u đã được cắt bỏ thì hiệu quả của hóa chất chính là khoảng thời gian bệnh ổn định, bệnh không tái phát.

– Đáp ứng hoàn toàn: tất cả các tổn thương đều biến mất, không còn dấu hiệu gì của bệnh. Chỉ số sinh học trong giới hạn bình thường (nếu trước đó có tăng cao).

– Đáp ứng một phần: khối u nhỏ lại một phần (thường trên 50% kích thước ban đầu). Các chỉ điểm sinh học (nếu có) có thể xuống thấp nhưng bệnh vẫn còn tồn tại.

– Bệnh ổn định: khối u không thoái lui nhưng cũng không phát triển thêm, bệnh ổn định. Chỉ điểm sinh học (nếu có) thường không tăng, giữ nguyên hoặc giảm không đáng kể.

– Bệnh tiến triển: Khối u tăng lên về kích thước hoặc xuất hiện thêm khối u ở vị trí khác. Chỉ điểm sinh học (nếu có) tăng cao.

Bấm Vào Đây Để Vào Thư Viện

✽✽✽✽✽✽