Chăm sóc răng miệng trong điều trị ung thư
BS. Nguyễn Võ Ngọc Trang
Điều trị ung thư ảnh hưởng đến tất cả bộ phận của cơ thể, trong đó có răng miệng. Ngược lại, sức khỏe răng miệng tác động đến tiến trình điều trị ung thư. Bộ răng không khỏe mạnh trong khi điều trị ung thư có thể làm gia tăng nguy cơ bị tác dụng phụ liên quan đến răng miệng và thậm chí có thể cản trở quá trình điều trị.
Nha sĩ giúp được gì cho tôi?
Bác sĩ nha khoa là một phần quan trọng trong nhóm điều trị. Họ giúp bạn bắt đầu đợt điều trị với một bộ răng khỏe mạnh và giúp loại bỏ những tác dụng phụ lên răng miệng.
Trong điều trị ung thư, những vết lở gây đau có thể phát triển trong miệng, ảnh hưởng đến việc nói năng và ăn uống. Khô miệng là một tác dụng phụ khác. Khô miệng có thể là một vấn đề vì ngoài việc gây khó chịu, nó có thể tăng nguy cơ bị sâu răng. Nước bọt làm trôi các hạt thức ăn từ trong kẽ răng, giúp giảm nguy cơ trên. Nha sĩ có thể điều trị bằng nước bọt nhân tạo, bảo vệ bộ răng và giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Ung thư và quá trình điều trị làm suy giảm hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng. Nếu nhiễm trùng đủ nghiêm trọng, bác sĩ điều trị cần phải thay đổi hoặc thậm chí ngưng quá trình điều trị cho đến khi nhiễm trùng được chữa khỏi. Vì các bệnh nhiễm trùng có xu hướng xảy ra trong thời gian này, bạn nên bắt đầu đợt điều trị với bộ răng chắc khỏe. Kiểm tra và điều trị răng miệng toàn diện trước điều trị ung thư là rất cần thiết. Nha sĩ có thể giúp loại bỏ bệnh viêm nướu, sâu răng hoặc những ổ nhiễm trùng trong miệng.
Một số liệu pháp điều trị ung thư làm tăng nguy cơ sâu răng, đặc biệt đối với bệnh nhân ung thư đầu mặt cổ. Xạ trị ung thư đầu mặt cổ dẫn đến khô miệng, tăng nguy cơ sâu răng. Để giảm thiểu nguy cơ này, nha sĩ có thể chỉ định đeo máng nhai, một loại khay đặc biệt vừa khớp với bộ răng của bạn. Loại máng này được dùng để thoa gel fluor tiếp xúc thường xuyên với răng trong suốt quá trình điều trị. Fluor giúp làm mạnh răng và bảo vệ răng khỏi bị sâu.
Tôi có thể làm gì?
Những bước giúp duy trì một bộ răng chắc khỏe bao gồm:
-Chải răng thường xuyên một ngày 2 lần bằng kem đánh răng chứa fluor.
– Làm sạch kẽ răng hằng ngày bằng chỉ nha khoa hoặc một sản phẩm chuyên dụng khác.
– Ngưng hút thuốc.
– Khi bị nôn, súc miệng ngay với một cốc nước ấm chứa 1/4 muỗng trà chứa muối nở (baking soda, natri bicarbonate).
– Tránh để miệng khô bằng cách uống nước, ngậm nước đá, nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm kẹo không đường. Tránh các loại nước súc miệng có chứa cồn. Luôn hỏi ý kiến nha sĩ trước khi sử dụng nước bọt nhân tạo.
Tìm và sử dụng những sản phẩm nha khoa có đóng dấu chứng nhận của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ. Dấu chứng nhận thường xuất hiện trên bàn chải đánh răng, kem đánh răng, nước súc miệng và những dụng cụ làm sạch kẽ răng, cũng như kẹo cao su. Dấu mộc chứng tỏ rằng sản phẩm đó đạt chuẩn an toàn và hiệu quả của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ – và chứng thực những thông tin ghi trên bao bì sản phẩm.
Trình bày với nha sĩ về những vấn đề răng miệng mà bạn đang gặp phải. Vì họ là những chuyên gia về sâu răng và bệnh nha chu, họ có thể giúp bạn hạn chế những vấn đề răng miệng có thể nảy sinh trong quá trình điều trị ung thư. Hãy để họ trở thành một phần trong nhóm điều trị của bạn bằng cách thông báo cho họ những chẩn đoán và điều trị ung thư hiện tại cũng như cung cấp tên và thông tin liên lạc của bác sĩ điều trị ung thư của bạn.
✽✽✽✽✽✽