Chuyện về ung thư vòm họng

Vài ngày lại nghe ai đó kêu xem hộ em xem có phải em bị ung thư vòm họng không, hỏi sao e nghĩ vậy thì nói e ho, nuốt đau rồi lấy tay chỉ vào chỗ đau là cái sụn giáp. Nên nay viết một bài về ung thư vòm hầu, bệnh ung thư phổ biến hàng đầu trong các ung thư vùng đầu cổ mà lại có nhiều đặc điểm bệnh lý và tiên lượng điều trị khác hẳn các bệnh ung thư khác ở vùng đầu cổ. Mình là bác sĩ có làm chuyên về mảng đầu cổ này nên muốn chia sẻ chút ít và trả lời mấy câu hỏi mà hay được hỏi.

Đầu tiên phải nói chuyện đơn giản nhất là Ung thư vòm hầu hay Ung thư vòm họng hay K vòm có khác nhau không? Nó không khác gì cả. Chỉ là từ ngữ của y học vùng miền thôi. Nơi gọi là hầu, nơi gọi là họng thôi. Nó cùng là một cơ quan thôi. Cơ quan này có tác dụng dẫn khí từ mũi xuống thanh quản và xuống phổi, và cũng giúp thức ăn từ miệng xuống thực quản vào dạ dày. Nên gọi là ngã ba của đường ăn và đường thở. Chính vì vậy các chất độc hại cũng tiếp xúc với vùng này gần như sớm nhất.

Vậy vòm hầu ở chỗ nào? Nhiều người cứ sợ bị ung thư vòm mà cứ lấy tay chỉ vào thanh quản. Hầu nó nằm sâu sau mũi, vị trí khoảng tương ứng với giữa mũi. Nếu đi từ lỗ mũi thì sau khi đi hết mũi sẽ thấy cái vòm hầu. Các bạn xem hình dưới. Mình đánh dấu cái vòm hầu có khối u, và vị trí của thanh quản mà mọi người hay nhầm là ung thư vòm hầu.

chuyện về ung thư vòm họng

Ung thư vòm hầu hay gặp không? Hay gặp ở các nước Châu á trong đó có Việt Nam. Ở Viêt Nam thống kê 2018 ung thư vòm hầu xếp thứ 6 trong tất cả các loại bệnh ung thư. Nên có một thực tế khá vui là các bác sĩ Việt Nam hay Tàu có kinh nghiệm điều trị ung thư vòm hầu hơn các bác sĩ Châu âu. Ngày đi học theo 1 giáo sư người Đức, hỏi thầy có kinh nghiệm nhiều về bệnh này không, thầy thật thà nói ít lắm, mỗi năm có mấy ca, thầy hỏi mỗi năm e điều trị bao nhiêu ca, nói em đếm không hết! Việc này được lý giải do các thói quen tập quán của người mình.

Nguyên nhân của ung thư vòm hầu là gì? Nhiều lắm nhưng có mấy cái yếu tố nguy cơ quan trọng được chứng minh là: Thuốc lá và khí độc hại, virut EBV, thói quen ăn các đồ muối ướp chua (dưa, kimchi, cá muối…).

Bệnh này diễn biến nhanh không? Nhanh gần như nhanh nhất trong các ung thư đầu cổ. Bạn nào đọc bài biết về Grade của mình thì sẽ dễ hiểu hơn. Vì ung thư vòm phần lớn thuộc vào type không biệt hóa và kém biệt hóa, tức độ ác cao nên diễn biến nhanh, dễ cho di căn sớm. Rất nhiều khi có biểu hiện ban đầu là sờ thấy hạch di căn rồi.

Dấu hiệu ung thư vòm hầu là gì? Như trên nói do bệnh diễn biến nhanh, vòm hầu lại bị lấp sau mũi không nhìn thấy bằng khám thường. Nên chủ yếu gặp: Đau đầu vùng sau mũi, ngạt mũi kéo dài đặc biệt là nghẹt 1 bên mũi, khạc máu hay chảy máu mũi hay vào buổi sáng lượng máu lẫn đờm, ù tai một bên nếu sớm, nếu ù 2 bên thì thường là một tai bị trước tai bị sau. Sờ thấy hạch ở cổ di căn thường gặp, đôi khi là lý do duy nhất làm cho bệnh nhân đi khám, hạch này không đau, không nóng đỏ. Bệnh nhân thường tự đi mua thuốc uống hay được điều trị viêm mũi họng thông thường. Nhưng khi viêm mũi họng thông thường có mấy điểm khác, đó là nếu ngạt mũi thường sẽ ngạt 2 mũi như nhau, kèm theo sốt. Ung thư vòm rất ít khi sốt, viêm mũi họng cũng có thể khạc chút máu nhưng không nhiều và tái diễn như ung thư vòm. Vậy nên nếu bị các triệu chứng trên nếu trên 10 ngày không hết thì phải đi khám soi tai mũi họng luôn. Không nên điều trị kiểu viêm mũi họng dài ngày hết đợt này đến đợt khác mà không soi.

Chẩn đoán ung thư vòm dễ không? Thường dễ chỉ cần soi thấy sùi ở vòm bấm 1 mẩu đi xét nghiệm là biết ngay thôi. Khi có chẩn đoán rồi thì sẽ làm các xét nghiệm xem giai đoạn thế nào để điều trị.

Điều trị khỏi được không?

May mắn là ung thư vòm hầu là loại có tiên lượng khá tốt về mặt bệnh lý, so với các ung thư khác thì Ung thư vòm thuộc nhóm đáp ứng điều trị tốt. Tuy vậy cơ hội hết bệnh phụ thuộc nhiều vào giai đoạn. Giai đoạn càng sớm khả năng điều trị hết bướu càng cao. Do ung thư vòm là dạng Carcinoma không biệt hóa và kém biệt hóa là chủ yếu, dạng này đáp ứng tốt với hóa xạ trị. Nên khi còn chưa di căn xa thì khả năng điều trị hết là rất cao (mình làm xạ trị ung thư vòm 7 năm nay, thì 100% các ca đều hết bướu tại vòm hầu, tuy nhiên có một số ca giai đoạn trễ đã di căn ra ngoài vị trí xạ trị trước khi xạ trị thì hết bướu vòm thôi, vì xạ trị chỉ có giá trị tại chỗ chiếu tia). Vậy nên phát hiện bệnh sớm khi bướu chưa di căn thì khả năng điều trị hết bướu là trên 90%.

Điều trị ung thư vòm hầu bằng cách nào?

Có thể nói đây là bệnh lý xạ trị đóng vai trò cốt lõi. Chỉ có xạ trị mới mong hết bướu. Phẫu thuật hầu như không có vai trò gì, chưa ở đâu công nhận phẫu thuật để chữa K vòm. Nếu có phẫu thì chủ yếu dành cho trường hợp sau xạ trị cái hạch nào còn sót lại thì phẫu thuật lấy cái hạch đó đi thôi. Hóa trị tuy đáp ứng tốt nhưng không thể làm hết bệnh này. Người ta thường dùng hóa trị kết hợp với xạ trị để tăng tác dụng của xạ trị. Hoặc khi di căn xa, tái phát không thể xạ trị nữa thì hóa trị để giảm bệnh, kéo dài cuộc sống. Kể cả các thuốc nhắm đích, miễn dịch đối với Ung thư vòm cũng không có vai trò điều trị hết bệnh, có cái dùng kết hợp với xạ (Nimotuzumab), còn lại chủ yếu cũng dùng cho giai đoạn trễ khi không xạ được nữa.

Xạ trị là phương pháp duy nhất có khả năng chữa khỏi, và nó sẽ có tác dụng cao nhất khi bướu giai đoạn I, II. Với giai đoạn III, IV khi chưa di căn xa khỏi vùng cổ thì vẫn có cơ hội hết nhưng thấp hơn.

Nhưng xạ trị ung thư vòm dễ không? Nói về khía cạnh bác sĩ thì nó là dạng khó, vì vùng này khó đọc film, xác định đúng và đủ chỗ cần xạ để xạ đủ liều cần phải rất tỷ mỉ cẩn thận và có kinh nghiệm. Đối với bệnh nhân thì đây là cuộc chiến khó khăn và nan giải. Khi gặp 1 bệnh nhân xạ K vòm câu đầu tiên mình nói là phải quyết tâm. Cố gắng thông thường không đủ. Và bệnh nhân phải được biết về bệnh của họ. Vì đây là bệnh có khả năng chữa trị cao, nhưng quá trình xạ rất khổ sở, nên nếu bệnh nhân biết về bệnh của họ và cơ hội chữa trị cao thì tự nhiên vất vả mấy họ cũng không bỏ cuộc. Giấu bệnh chỉ làm cho họ hoang mang và chẳng biết hy vọng của họ ở đâu và chẳng biết có nên cố gắng tiếp hay bỏ cuộc trước những đau đớn do tác dụng phụ. Nguyên nhân chính trong thất bại điều trị bệnh nhân K vòm chính là bệnh nhân bỏ không điều trị khi còn xạ được về uống thuốc nam, thứ hai là bỏ cuộc giữa chừng khi xạ trị do đau đớn không được hỗ trợ đầy đủ và không biết hy vọng của mình là như thế nào. Nếu không có sự giải thích đầy đủ và hỗ trợ bệnh nhân tốt rất hay bỏ dở giữa chừng.

Vậy xạ trị như thế nào? Thường sẽ được xạ trị 35 lần trong 7 tuần, mỗi tuần 5 lần từ thứ 2 đến thứ 6. Mỗi lần xạ chỉ 5 đến 15 phút. Khi xạ trị chẳng cảm thấy gì. Nếu giai đoạn cần truyền hóa chất kết hợp thì sẽ được truyền hóa chất hàng tuần hoặc 3 tuần một lần.

Tác dụng phụ của xạ trị ung thư vòm? Chia làm 2 loại. Cấp tính và tác dụng phụ muộn.

1. Cấp tính: nổi bật là tình trạng loét niêm mạc miệng,họng, nó thường xuất hiện từ lần xạ thứ 10 và nặng dần đều đến lần xạ thứ 30 hoặc 35. Đây là tác dụng phụ nặng nề và ảnh hưởng nhất. Vì nó làm bệnh nhân đau, ăn khó. Lúc đầu còn ăn cháo được sau này nuốt nước miếng cũng đau. Nó đau dai dẳng vì xạ trị tận 7 tuần. Và chỉ có tăng lên trong thời gian xạ trị dù thuốc thang gì cũng không thể hết. Và dẫn đến ăn uống kém, gầy sút suy mòn. Nếu gầy ốm nhiều còn làm giảm tác dụng của xạ trị. Bệnh nhân thường bỏ xạ giữa chừng do đau và ăn kém suy kiệt không còn sức để chiến đấu. Nhưng nếu bệnh nhân vượt qua được và được chăm sóc tốt thì sau xạ 1 tháng hầu hết khỏi loét và hết đau. Nên chăm sóc hỗ trợ giảm đau, chống nhiễm khuẩn nhiễm nấm, dinh dưỡng tốt là mấu chốt giúp điều trị xạ trị thành công. Còn một số tác dụng phụ như mệt mỏi, đờm, cháy da..thì so với loét miệng chỉ là chuyện vặt. Khi điều trị hết viêm loét miệng thì những cái này cũng hết. Với bệnh nhân có truyền hóa chất thì thêm tác dụng phụ của hóa chăt nên sẽ nặng hơn như nôn, thiếu máu, suy thận. Nhưng so với cái tác hại của loét miệng thì những cái này cũng không là gì. Điều trị hỗ trợ tốt được loét miệng là thành công và cả là nghệ thuật và kinh nghiệm của bác sĩ nhưng trong đó không thể thiếu quyết tâm của bệnh nhân, mỗi bên có 1 nửa công sức. Nên khi bệnh nhân xạ K vòm ra viện cảm ơn bác sĩ Luân thường được mình trả lời công sức này là của bệnh nhân và gia đình 1 nửa, bác sĩ và bệnh viện chỉ có 1 nửa thôi. Nhưng có bệnh nhân nói nếu không được bác sĩ an ủi và giải thích tôi có lẽ bỏ giữa lâu rồi.

2. Tác dụng phụ muộn thì cũng nhiều. Vì đây là bệnh có tiên lượng sống lâu dài, nên nảy sinh vấn đề các độc tính muộn của xạ trị. Nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau điều trị. Thường gặp là giảm vị giác, khô miệng, sâu răng, xạm da, xơ cơ vùng cổ… và thường không thể khắc phục.

Tuy nhiên tác dụng phụ trên mỗi bệnh nhân là khác nhau, chủ yếu do giai đoạn bệnh, bệnh càng trễ càng phải xạ rộng càng bị tác dụng phụ nhiều và nặng. Nên điều trị xạ sớm có vai trò lớn vừa tăng khả năng hết bướu vừa giảm tác dụng phụ. Nó cũng phụ thuộc máy xạ và kỹ thuật xạ. Máy hiện đại sẽ tốt hơn (câu này chắc thừa!)

Xạ trị K vòm hết nhiều tiền không? Cái này thì tùy bệnh viện và kỹ thuật. Bạn nào đọc bài tại sao giá xạ trị tại các bệnh viện khác nhau của mình sẽ hiểu. Nhưng nếu như xạ trị tại bv chỗ mình không có phụ thu gì thì nếu có BHYT 80% thì mỗi lần xạ chỉ mất 100k x 35 lần là 3.5 triệu. Bạn sẽ tốn thêm tiền cho các thuốc và dịch vụ khác. Nhưng mình thấy có BHYT thì tầm 20 triệu là đủ. Có BHYT 100% thì còn rẻ hơn. Không đắt cho 1 sinh mạng.

Cuối cùng có cách để phát hiện sớm ung thư vòm không? Có chứ, tầm soát ung thư là một cách, có những kỹ thuật và xét nghiệm đã được chứng minh là phát hiện sớm được ung thư vòm. Tuy nhiên mình không muốn mang tiếng quảng cáo nên không nói cụ thể ở đây. Cũng sợ nhất mọi người áp dụng tràn lan không hiệu quả mất thời gian lại tốn tiền. Tầm soát ung thư phải dựa vào nguy cơ của từng người.

BS.Nguyễn Thành Luân

Bấm Vào Đây Để Vào Thư Viện

✽✽✽✽✽✽