Có nên tham gia chương trình tài trợ thuốc đích trong ung thư phổi

CÂU HỎI:

Chào bạn! Ba mình ung thư phổi giai đoạn 1A (u 20×17 mm). Theo bác sĩ điều trị thì chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ khối u là được. Không cần dùng thêm thuốc gì.

Tuy nhiên có bác sĩ khác mời Bố mình tham gia chương trình dùng thuốc sau mổ – nếu xét nghiệm có gen phù hợp. Đây là nghiên cứu toàn cầu nhằm đánh giá hiệu quả và tính an toàn của thuốc đích thế hệ 3 Osimertinib khi dùng làm điều trị bổ trợ sau mổ. Chương trình tài trợ thuốc 3 năm hoàn toàn miễn phí. Với ưu tiên sức khoẻ của Bố mình là số 1, thì theo bạn mình nên nghe theo bác sĩ nào? Và tại sao cùng 1 vấn đề lại có 2 quan điểm khác nhau như thế? Đâu là lý do dẫn đến quan điểm điều trị khác nhau này?

TRẢ LỜI:

Một câu hỏi rất hay, chúng ta sẽ cùng đi làm rõ lý lẽ đứng đằng sau mỗi quyết định điều trị này.

Vào ngày 18/12/2020 FDA đã thông qua thuốc đích thế hệ 3 Osimertinib làm điều trị bổ trợ sau mổ đối với những bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ dạng không tế bào vảy giai đoạn 1B – 3A có đột biến gen exon19, exon21 L858R.

Như mình đã từng nói, một cái tin thông báo phê duyệt từ fda thì không phải tri thức, nó chỉ là tin tức thôi. Trước và sau cái tin phê duyệt đó, bức tranh điều trị KHÔNG hề đơn giản. Chúng ta sẽ cùng xem các chuyên gia hàng đầu, cho tới giờ – nhìn nhận về việc dùng bổ trợ này như thế nào?

ung thư phổi

1. Dữ liệu cập nhật mới nhất công bố đầu tháng 2/2023 từ nghiên cứu ADAURA vẫn chưa tiết lộ lợi ích của thời gian sống còn toàn bộ khi dùng Osimertinib làm bổ trợ sau mổ? Một điều thú vị là tỷ lệ di căn não đã bắt đầu TĂNG sau 3 năm dùng bổ trợ Osimertinib ở những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 2 – 3A. Trong khi đó, tỷ lệ di căn não ở nhánh kiểm soát vẫn dừng ở mức xấp xỉ 10%. Điều này liệu có nói lên rằng dùng bổ trợ Osimertinib hoá ra KHÔNG chữa được bệnh như mục tiêu đặt ra ngay từ đầu của việc phẫu thuật, mà việc dùng bổ trợ Osimertinib chỉ là trì hoãn bệnh tái phát thôi ư? Chúng ta có cần lên kế hoạch chụp MRI não cho bệnh nhân không?

2. Tôi nghĩ 2 câu hỏi cần được đặt ra tại thời điểm này là Thời gian dùng bổ trợ Osimertinib – liệu có chỉ nên dừng lại ở 3 năm không? và chúng ta nên nhìn nhận thế nào về các tế bào ung thư ngủ đông, biện pháp gì có thể tiêu diệt chúng? Còn vụ di căn não, có ai ở đây nghĩ đến xạ não dự phòng không? Riêng bản thân tôi, tôi sẽ KHÔNG chọn xạ não dự phòng trong bối cảnh này.

3. Tại sao đến giờ vẫn chưa có dữ liệu về sống còn toàn bộ? Phải chăng dữ liệu về sống còn toàn bộ vẫn là không khác biệt giữa việc dùng Osimertinib so với việc không dùng? Điều này đã khiến nhóm nghiên cứu trì hoãn việc công bố?

4. Nhìn vào mô hình nghiên cứu được thiết kế, có thể giải thích rằng nhóm bệnh nhân được DỰ ĐOÁN tái phát bệnh sẽ trì hoãn được việc tái phát bằng cách dùng Osimertinib. NHƯNG nếu thế, CÓ THỂ Osimertinib hóa ra KHÔNG chữa được bệnh đúng như với mục tiêu ban đầu của phẫu thuật ở giai đoạn sớm! Và một câu hỏi nữa, liệu rằng những bệnh nhân ung thư phổi tái phát bệnh mà dùng Osimertinib tại thời điểm tái phát thì liệu có được lợi ích gì về sống còn toàn bộ không? Cho đến giờ, Chúng ta chưa có câu trả lời!

5. Tôi đồng ý với lời giải thích của bạn thông qua mô hình thiết kế nghiên cứu! Vậy chúng ta có thể đảm bảo được việc bệnh nhân dùng Osimertinib tại đúng thời điểm tái phát hay không? KHÔNG chắc đúng không? Vậy từ sự KHÔNG chắc chắn đó mà dùng bổ trợ Osimertinib lên đến 3 năm cho tất cả bệnh nhân thì có NÊN không? Tôi nghĩ cái giá 250.000 usd cho mỗi năm mà xã hội phải trả cho việc dùng bổ trợ Osimertinib thì lợi ích về mặt sống còn toàn bộ nên được yêu cầu. Việc dùng bổ trợ phải xứng đáng với số tiền mà nó được chi.

6. Hoàn toàn đồng ý với quan điểm của bạn. Trong các nghiên cứu được triển khai tại trung tâm của chúng tôi, sống còn toàn bộ luôn phải là mục tiêu cuối cùng. Nên nhớ rằng, có nhiều bệnh nhân đã được chữa bệnh với số thuốc NHIỀU hơn mà họ cần. Tập đoàn Astrazeneca là một tập đoàn dược phẩm, mục tiêu của họ là bán thuốc và lợi nhuận, họ sẽ kiếm được hàng tỷ đô nếu chỉ dùng thời gian sống thêm không bệnh làm mục tiêu thay vì sống còn toàn bộ. Bởi vậy, vì lợi ích của người bệnh, chúng ta cần nghiêm ngặt hơn trong việc nhìn nhận nghiên cứu và kê thuốc.

Bài học rút ra ở đây là gì?

1. Cả 2 bác sĩ đưa ra lời khuyên cho bạn đều là những bác sĩ tốt. Bác sĩ đầu tiên thì rất thận trọng với các nghiên cứu chưa thành hình rõ rệt, bác sĩ không muốn Bố bạn chịu thêm độc tố từ thuốc mà lợi ích sống còn toàn bộ chưa có. Bác sĩ thứ 2 thì mặc dù chưa có dữ liệu về sống còn toàn bộ, nhưng bác sĩ muốn Bố bạn hưởng lợi luôn từ thời gian sống thêm không bệnh nên khuyên bạn cho Bố dùng luôn. Hai bác sĩ với 2 góc nhìn và lý lẽ sau mỗi góc nhìn đã được mình trình bày rõ ở trên.

2. Bạn hỏi câu rất hay, chứng tỏ bạn là người có kiến thức và biết hỏi. Mong cho bệnh nhân nào cũng như bạn thì môi trường chiến đấu với ung thư sẽ thật trong sạch, các loại rác rưởi “chuyên gia cặn bã” trên mạng sẽ từ đó mà ít đi. Khi đi tìm lời khuyên trên mạng, hãy hỏi theo kiểu hỏi xoáy hỏi sâu, hỏi khó! Đứng trước những câu hỏi này, tụi cặn bã sẽ nói theo kiểu “an toàn” là tuỳ quan điểm của từng bác sĩ điều trị, nhưng khi bạn hỏi xoáy thêm 1 câu là “Tại sao các bác sĩ lại có quan điểm khác nhau? Cái lý nào đứng sau mỗi quan điểm?” thì tụi này sẽ đơ, và lộ nguyên hình là cặn bã đi nghe lỏm, câu được câu không!

Hãy biết bảo vệ bản thân mình bằng kiến thức và hỏi!

Chiến Thắng Ung Thư

Đọc Thư Viện Ung Thư Online

✽✽✽✽✽✽