Di căn não có nên xạ não?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi làm rõ một việc, một việc quan trọng và mang tính cách mạng, gây tranh cãi hơn, đó là liệu cứ có u não thì sẽ phải xạ não?
Tại Hội Nghị Asco 2022 chuyên gia Christopher Alvarez – Breckenridge cùng các đồng nghiệp đã bàn rất kĩ về chủ đề di căn não của bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Ước tính có tới 30% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ bị di căn não tại thời điểm chẩn đoán, và con số này tăng lên đến 45% trong thời gian điều trị. Tỷ lệ di căn não đặc biệt cao ở những bệnh nhân có đột biến gen EGFR, ALK, ROS1, BRAF, KRAS… khi mà con số này có thể lên tới 60 tới 70% trong toàn bộ vòng đời điều trị của bệnh nhân. Dĩ nhiên, sự tiến bộ của các kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh cùng những hướng dẫn điều trị lâm sàng luôn được cập nhật cũng đã dẫn đến việc làm tăng tỷ lệ này, trong đó bao gồm cả những bệnh nhân di căn não không có triệu chứng. Hồi xưa, tiên lượng cho sự sống còn của bệnh nhân di căn não là rất nghèo nàn. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay, sự sống còn của bệnh nhân di căn não đã có những thay đổi rõ rệt. Dù vậy, bất chấp những tiến bộ này, di căn não vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho bệnh nhân, và phương pháp tiếp cận đa mô thức vẫn là một yếu tố quan trọng trong việc điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn não.
Một hạn chế lớn nhất của mong muốn điều trị tối ưu ngay từ đầu cho bệnh nhân di căn não là thiếu dữ liệu – chuyện thiếu dữ liệu này bắt nguồn từ việc các nghiên cứu tuyển bệnh nhân thường loại bệnh nhân di căn não ra khỏi nghiên cứu ngay từ đầu – tiêu chí của các nghiên cứu thường không tuyển bệnh nhân di căn não. Bất chấp những hạn chế này thì các khuyến cáo gần đây đều đồng ý rằng những bệnh nhân di căn não chưa có triệu chứng mà có thể dùng thuốc đích hoặc thuốc miễn dịch thì việc XẠ NÃO NÊN ĐƯỢC TRÌ HOÃN LẠI. Một câu hỏi được đặt ra là thứ tự ưu tiên của các liệu pháp được sử dụng khi điều trị cho bệnh nhân di căn não – Đó là sử dụng thuốc đích trước rồi theo sau đó bằng xạ não nếu như não có tiến triển hay là sử dụng xạ não trước rồi mới theo sau bằng thuốc đích? Đây vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi. Mặc dù dữ liệu hồi cứu trên tập bệnh nhân dùng thế hệ 1 cho thấy việc sử dụng xạ trị trước rồi mới dùng đích sau cho lợi ích sống còn lớn hơn là dùng đích đơn độc. Nhưng các nghiên cứu và phân tích hồi cứu gần đây đã chỉ ra rằng đối với những bệnh nhân di căn não dùng đích EGFR, ALK thì việc sử dụng thuốc đích trước không ảnh hưởng tiêu cực tới đầu ra sống còn, và rằng XẠ NÃO NÊN ĐƯỢC TRÌ HOÃN LẠI. Các bác sĩ điều trị cũng cần phải nâng lên đặt xuống thật kĩ trước quyết định điều trị dùng đích song song cùng xạ não vì việc này có thể gây ra sự hoại tử ở não – Cho đến nay, đây vẫn là chủ đề gây tranh cãi và để trả lời rốt ráo cho câu hỏi này, nghiên cứu OUTRUN – NCT03497767 hiện đang được diễn ra.
BÀI HỌC RÚT RA Ở ĐÂY LÀ GÌ?
1. Não là bộ phận quan trọng nhất trên cơ thể người, nó cũng là bộ phận duy nhất mà một khi bị tổn thương sẽ là tổn thương vĩnh viễn – các tế bào não chỉ có một chiều chết đi chứ không bao giờ sinh thêm. Vì lý do này nên bất cứ can thiệp gì có tính xâm lấn vô não đều sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh, vấn đề chỉ là nó xảy ra sớm hay muộn. Hồi xưa, khi mà các phương pháp điều trị cho ung thư phổi không tế bào nhỏ chưa hiện đại, thời gian sống của bệnh nhân khi ấy còn rất ngắn, việc điều trị xâm lấn vô não như xạ trị hay phẫu thuật mặc dù để lại những tác dụng phụ nghiêm trọng thì nó cũng là lựa chọn duy nhất – không có lựa chọn tốt hơn trong việc kéo dài thêm thời gian sống cho người bệnh. Theo thời gian, với sự ra đời của thuốc đích và thuốc miễn dịch – 2 vũ khí cực mạnh có khả năng vượt qua hàng rào máu não tốt đã đem đến những chiến lược điều trị mới, những cách né cho bệnh nhân khỏi bị can thiệp xâm lấn vô não bằng xạ trị hay phẫu thuật.
2. Một logic thông thường là cứ có u não thì sẽ xạ não? Logic này đã đúng trong một thời gian dài – hồi chưa có mặt của thuốc đích và thuốc miễn dịch. Nhưng kể từ khi có sự xuất hiện của thuốc đích và thuốc miễn dịch thì một câu hỏi được đặt ra là có nên xạ não cho những bệnh nhân dùng đích và miễn dịch không? Vì thường thì nhóm bệnh nhân này khi hợp thuốc sẽ kéo theo các khối u ở não sẽ sạch banh sau một thời gian ngắn điều trị. Đây là một câu hỏi lớn và nó mang tính cá nhân hoá rất cao, nhưng với những dữ liệu gần đây thì các chuyên gia đều đồng ý rằng nếu người bệnh di căn não chưa có triệu chứng thì NÊN TRÌ HOÃN việc xạ não lại, thời gian trì hoãn này có thể là 2 tuần đến 1 tháng, trong thời gian này bệnh nhân sẽ được dùng đích (miễn dịch) và theo dõi sát sao, rồi được đánh giá lại não bằng MRI – nếu hình ảnh trên phim xác nhận sự đáp ứng và co ngót của khối u trên não thì việc điều trị hoàn toàn có thể tiếp tục mà bệnh nhân không cần xạ não, điều này sẽ đem lại lợi ích to lớn cho bệnh nhân khi mà não bộ vẫn được giữ nguyên vẹn – không bị xâm lấn.
3. Nếu bạn là bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn não, và bạn là đối tượng có thể dùng thuốc đích hoặc thuốc miễn dịch. Khi ấy hãy bàn thảo thật kĩ với bác sĩ điều trị của mình về việc xạ não. Hãy đưa ra cho bác sĩ điều trị những câu hỏi, những thắc mắc mà bạn rút ra được sau khi đọc bài viết này, để nếu có thể tránh được việc xạ não thì nên tránh. Hồi xưa, bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn não có thời gian sống thêm rất ngắn nên chất lượng sống của bệnh nhân chưa được đề cao – cũng dễ hiểu thôi, đến sống thêm được bao nhiêu ngày còn chưa biết thì nói gì đến chất lượng? Nhưng giờ khoa học phát triển, bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn não có thể sống tới chục năm thì việc xạ não cần phải rất nâng lên đặt xuống để không làm ảnh hưởng tồi tệ tới chất lượng sống những năm sau này của người bệnh. Một tác dụng phụ về lâu về dài đáng sợ nhất của xạ não là nó làm teo não, một khi bị teo não – đây sẽ là quá trình không thể đảo ngược, không thể điều trị, người bệnh sẽ dần dần bị tê liệt, mất ý thức cho đến khi tử vong. Dĩ nhiên, xạ não cũng như bất kỳ phương pháp điều trị nào khác đều có mặt lợi và hại, nhưng nếu như bạn có duyên đọc được bài viết này, thì hãy nhớ cùng bác sĩ của mình nâng lên đặt xuống thật kĩ nhé!
Nếu có thể, hãy tránh xạ não bằng mọi cách.
Chiến Thắng Ung Thư
✽✽✽✽✽✽