Đột biến gen egfr – exon20 và thuốc miễn dịch

1. Ở nhiều bài trước mình đã nói về đột biến gen exon20 – những cách tiếp cận và các kỳ vọng trong tương lai khi điều trị đột biến này. Ở bài này, mình sẽ 1 lần nữa nói về mối quan hệ ÍT KHI êm đẹp giữa miễn dịch và đột biến gen EGFR, mà cụ thể là Egfr – exon20.

2. Cách đây chừng 1 năm, chuyên gia Sara Baglivo cùng các đồng nghiệp đã công bố 1 nghiên cứu cho đầu ra sống còn RẤT KÉM khi sử dụng thuốc miễn dịch điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen EGFR – EXON20. Nghiên cứu được thực hiện trong thời gian 12 năm từ tháng 8/2008 cho đến tháng 10/2020. Có 30 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ sở hữu đột biến gen EGFR – EXON20 được tuyển chọn từ 5 bệnh viện và trung tâm điều trị ung thư trên toàn nước Ý đủ điều kiện bước vô nghiên cứu. Trung vị tuổi của bệnh nhân là 59, trên 50% bệnh nhân chưa bao giờ hút thuốc, xấp xỉ 34% bệnh nhân có bộc lộ  PD-L1 > = 1%. Có 15 trong tổng số 30 bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc miễn dịch – trong đó, 12 bệnh nhân (chiếm 80%) điều trị bằng thuốc miễn dịch trị PD-1 hoặc  PD-L1, 2 bệnh nhân có bộc lộ  PD-L1 25% và  PD-L1 < 1% được điều trị bằng phác đồ gộp thuốc miễn dịch Pembrolizumab với hoá trị platinum, 1 bệnh nhân được điều trị bằng thuốc miễn dịch trị CTLA-4. Có 6 bệnh nhân (chiếm 40%) nhận điều trị bằng thuốc miễn dịch là điều trị bước đầu.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ đáp ứng chỉ được quan sát thấy ở 1 bệnh nhân (6.7%). Trung vị của thời gian sống không bệnh tiến triển là 2 tháng và trung vị của thời gian sống còn toàn bộ là 5.3 tháng. Trung vị của thời gian sống không bệnh tiến triển và sống còn toàn bộ ở những bệnh nhân nhận thuốc miễn dịch làm điều trị bước đầu tỏ ra KÉM HƠN so với những bệnh nhân nhận thuốc miễn dịch ở điều trị bước 2 khi các con số lần lượt là 1,6 tháng so với 2.7 tháng (p = 0.16) và 2.0 tháng so với 8.1 tháng (p = 0.09). Tính từ thời điểm chẩn đoán, thời gian sống còn toàn bộ của bệnh nhân điều trị bằng thuốc miễn dịch KÉM HƠN so với bệnh nhân KHÔNG điều trị bằng thuốc miễn dịch khi các con số lần lượt là 12.9 tháng so với 25.2 tháng (p = 0.08).

3. Thay mặt cho nhóm nghiên cứu, chuyên gia Sara Baglivo phát biểu: “Bệnh nhân sở hữu đột biến gen EGFR – EXON20 khi điều trị bằng thuốc miễn dịch cho kết quả đầu ra sống còn RẤT KÉM, đặc biệt là đối với các bệnh nhân nhận thuốc miễn dịch làm điều trị bước đầu. Thuốc miễn dịch nên là lựa chọn ÍT ĐƯỢC XEM XÉT NHẤT ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen EGFR – EXON20. Nếu được chọn, thuốc miễn dịch chỉ nên là lựa chọn sau khi bệnh nhân đã trải qua phác đồ điều trị tiêu chuẩn hoá trị platinum”.

Chiến Thắng Ung Thư

Đọc Thư Viện Ung Thư Online

✽✽✽✽✽✽