Dùng bổ trợ thuốc đích sau mổ trong ung thư phổi
Câu hỏi 1: Chào anh! Mẹ em là bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 1B, vừa mổ xong, xét nghiệm có đột biến gen EGFR. Hiện giờ em đang được bác sĩ tư vấn là dùng bổ trợ bằng thuốc đích thế hệ 3. Thuốc đích thế hệ 3 chính hãng rất đắt, bác sĩ bảo nếu gia đình không cố được có thể dùng thuốc thế hệ 3 nhái. Nếu không muốn dùng thuốc nhái thì có thể dùng thuốc thế hệ 2 chính hãng – giá cũng phải chăng. Em đang băn khoăn không biết nên theo phương án nào, anh có thể tư vấn giúp em được không?
Câu hỏi 2: Chào anh! Mẹ em là bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 2A, vừa mổ xong, xét nghiệm có đột biến gen EGFR. Em được bác sĩ tư vấn là dùng bổ trợ bằng thuốc đích thế hệ 3 trong vòng 3 năm. Em có hỏi bác sĩ là sau 3 năm có dùng nữa không thì bác sĩ bảo tuỳ gia đình. Em đi tham khảo trên mạng thấy 1 số bệnh nhân còn dùng hoá trị bổ trợ sau mổ, em bảo bác sĩ là Mẹ em có hoá trị được không thì bác sĩ bảo KHÔNG. Giả sử Mẹ em dùng đích thế hệ 3 mà bị kháng thì còn phương pháp điều trị nào sau đó không hả anh? Em lo lắm, mong anh giải thích giúp em. Gia đình em cám ơn anh!
Trả lời:
1. Nghiên cứu dùng bổ trợ thuốc đích sau mổ CHỈ được thông qua cho đích thế hệ 3, CHƯA được thông qua dùng cho đích thế hệ 1 hay thế hệ 2. Không phải vì đích thế hệ 2 cùng diệt gen EGFR như đích thế hệ 3 mà khi đích thế hệ 3 được thông qua dùng bổ trợ sau mổ thì đích thế hệ 2 cũng được dùng bổ trợ sau mổ. Đích thế hệ 3 đã chứng tỏ được sống còn dài hơn khi dùng làm bổ trợ sau mổ, nhưng điều đó chắc gì đã đúng với thế hệ 2?
Đây là kiểu đánh đồng rất liều và nguy hiểm.
Nếu dùng bổ trợ đích sau mổ. Hiện nhà em CHỈ có một lựa chọn là thế hệ 3, nhà em KHÔNG thể lựa chọn thế hệ 2 hay kể cả thế hệ 1.
2. Nghiên cứu hiện nay chỉ khuyến cáo dùng bổ trợ lên đến 3 năm. Còn sau 3 năm liệu có dùng tiếp cho đến 5 năm hay dùng mãi mãi thì hiện CHƯA có câu trả lời thoả đáng. Nghi vấn này đã được các chuyên gia đặt ra và hiện đang đi tìm câu trả lời.
3. Những bệnh nhân trong nghiên cứu mà FDA dùng để phê duyệt việc dùng bổ trợ đích thế hệ 3 đều có thể hoá trị bổ trợ hoặc KHÔNG hoá trị bổ trợ trước khi đăng ký vào nghiên cứu. Vì vậy, về mặt nguyên tắc thì Mẹ em sau khi mổ có thể hoá trị bổ trợ xong mới dùng đích hoặc KHÔNG hoá trị bổ trợ mà dùng đích luôn đều được. Việc có hoá trị bổ trợ hay không trước khi dùng đích là quan điểm của bác sĩ điều trị và gia đình em. Quyết định này dựa trên bệnh cảnh của cá nhân Mẹ em mà bác sĩ sẽ quyết định, anh không rõ bệnh cảnh của Mẹ em nên không thể đi sâu vào việc nên với không nên được – Còn về mặt nguyên tắc thì hoá trị bổ trợ hay không hoá trị bổ trợ đều ok.
4. Nếu Mẹ em kháng thế hệ 3 thì Mẹ em là 1 bệnh nhân dùng bổ trợ và kháng thuốc chứ Mẹ em KHÔNG phải 1 bệnh nhân giai đoạn cuối dùng đích và kháng thuốc. Hai bối cảnh khác nhau nên cách tiếp cận và hướng điều trị cũng khác nhau. Dựa vào bệnh cảnh TẠI thời điểm kháng thuốc của Mẹ em mà sẽ có những phương án xử lý sao cho phù hợp.
Chiến Thắng Ung Thư
✽✽✽✽✽✽