Giới thiệu sách Chữa ung thư bằng dưỡng sinh
Chữa ung thư bằng dưỡng sinh
Tác giả: Jo Ki Yong
GIỚI THIỆU SÁCH
Tất cả mọi bệnh đều phải chữa trị theo nguyên tắc chữa trị tổng hợp
“Thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc các bệnh nan y, bệnh không có thuốc chữa đang tăng ngày một nhanh. Tại sao những căn bệnh đó lại xuất hiện và chúng ta phải làm gì mới có thể chữa trị được chúng?
Tại phòng khám Đông y, khi tiếp xúc với bệnh nhân, chúng tôi coi trọng việc điều hòa toàn bộ cơ thể bệnh nhân chứ không chỉ riêng một bộ phận bị thương, bị bệnh nào đó. Bởi cơ thể con người giống như một vũ trụ thu nhỏ nên nếu sự hài hòa bị phá vỡ thì những dị thường sẽ xuất hiện và gây ra bệnh tật.
Chính vì vậy, chỉ có tìm ra nguyên nhân làm phá vỡ sự hài hòa và khắc phục nó, chúng ta mới có thể chữa trị bệnh tật cũng như giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Do đó, thông qua cuốn sách Chữa ung thư bằng dưỡng sinh này, tôi muốn thử đưa ra những phương pháp chữa bệnh cụ thể theo cách tiếp cận nói trên.
Trong quá trình cho ra đời cuốn sách Chữa ung thư bằng dưỡng sinh, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người. Xin gửi lời cảm ơn chân thành tới những bệnh nhân đã tìm đến phòng khám, các nhân viên, các bạn đồng nghiệp, các bác sĩ về răng hàm mặt đã hợp tác cùng tôi, giám đốc Lee Yong Gil cũng như các nhân viên của Moabooks. Những lời động viên, khích lệ và cổ vũ của các bạn đã trở thành nguồn sức mạnh cho tôi.
Đặc biệt, tôi xin gửi lời cảm ơn và thể hiện lòng tôn kính đến giáo sư Shin Min Kyo – người thầy đã chỉ dạy tôi cách chữa trị bằng phương pháp đắp thuốc, giáo sư Jeong Woo Yeol – người đã luôn cổ vũ và hướng dẫn tôi, tiến sĩ Lee Sang Duk – người đã đem những kiến thức về khớp thái dương hàm phổ cập tại Hàn Quốc và giám đốc Bang Byeong Kwan – người chịu trách nhiệm chuyên môn về các vấn đề răng hàm mặt đang hợp tác cùng tôi. Tôi cũng muốn gửi lời yêu thương tới những người thân của mình, tới mẹ tôi, vợ tôi, tới Ah Ra, Ik Hyun và Bo Gyeong. Suốt mấy năm liền, gần như ngày nghỉ lễ nào tôi cũng không ở bên gia đình với lý do không thể để phòng khám thiếu người trực, ngay cả thời gian dành cho gia đình vào những ngày cuối tuần cũng rất ít ỏi vì phần lớn thời gian tôi đều ở phòng khám.
Mặc dù vậy, gia đình vẫn luôn yêu thương và là chốn yên bình cho tôi được nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt mỏi. Tất cả mọi người trong gia đình đều là những báu vật quý giá của tôi. Và tôi hi vọng rằng, bạn đọc cũng như người thân của các bạn sẽ luôn khỏe mạnh và hạnh phúc bên nhau.
Ba bước chuẩn bị tinh thần cho việc điều trị
Chắc nhiều người cũng biết điều này: Điều trị không đơn thuần chỉ là loại bỏ các triệu chứng. Điều trị ở đây phải gồm chữa trị từ gốc rễ của bệnh, đưa những bộ phận bị hỏng hóc của cơ thể trở về trạng thái hoạt động bình thường và duy trì được trạng thái bình thường của các bộ phận đó. Ngoài ra, một cơ thể được sinh ra khỏe mạnh nếu gặp vấn đề ở một bộ phận nào đó trong một khoảng thời gian thì sẽ cần một khoảng thời gian dài tương đương như vậy để có thể đưa cơ thể trở về trạng thái khỏe mạnh như lúc đầu. Đặc biệt với những bệnh như ung thư, căn bệnh có mối liên hệ rất lớn với thói quen sinh hoạt, điều này lại càng đúng hơn.
Do đó, nhiều người gọi việc chiến đấu với căn bệnh ung thư là một chuyến đi biển dài ngày hoặc một cuộc chạy đua đường trường.
Bước 1: Không gấp gáp, nóng vội
Những phát triển vượt bậc của Tây y hiện đại từng một thời được tin tưởng sẽ mang đến cho nhân loại một hy vọng “không có bệnh gì mà con người không thể chữa được”. Thực tế thì y học phương Tây đã mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên có thể chữa trị được phần lớn những bệnh mà trước đây không thể chữa được. Nhưng thời gian gần đây, khi những bệnh mạn tính, bệnh nan y ngày càng hoành hành rộng khắp, phương pháp chữa bệnh hiện đại lạm dụng thuốc kháng sinh hay các cuộc phẫu thuật cắt bỏ những bộ phận gặp vấn đề một cách máy móc lại đang bị xã hội nghi ngờ. Trọng tâm của y học phương Tây là phương pháp cục bộ. Tức là chữa trị bệnh của một bộ phận để loại trừ đi các triệu chứng của toàn cơ thể. Nhưng hiện nay, ung thư và nhiều loại bệnh mạn tính mà chúng ta đang phải chịu đựng không những không thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng cách chữa trị cục bộ mà thậm chí trong nhiều trường hợp, tình trạng bệnh còn trở nên nghiêm trọng hơn.
Do đó, những phương pháp chữa bệnh tự nhiên dưới nhiều hình thái khác nhau, được gọi chung là chữa bệnh triệt để, đang nhận được sự chú ý đặc biệt. Khác với nền y học phương Tây, chữa bệnh triệt để không coi bệnh của cơ thể chỉ ở một bộ phận riêng rẽ mà coi đó là bệnh của toàn bộ cơ thể. Vì vậy, phương pháp chữa bệnh cũng nhắm tới đối tượng là toàn bộ cơ thể. Phương pháp này được kỳ vọng sẽ giúp cơ thể lấy lại được sự cân bằng vốn có và tự chữa trị cho chính nó. Việc chữa ung thư cũng giống như vậy. Nếu chỉ được chữa trị bằng phương pháp xạ trị đơn thuần hoặc loại trừ tế bào ung thư bằng phẫu thuật cắt bỏ, sức khỏe bệnh nhân khó có thể phục hồi nguyên vẹn. Điều quan trọng là phải làm rõ được nguyên nhân gây ra ung thư và bản chất của nó, rồi bằng cái nhìn trực quan, tổng thể, đưa ra phương pháp sửa chữa những nguyên nhân này. Theo đó, bước đầu tiên của việc chữa ung thư là không được gấp gáp, nóng vội, mong muốn bệnh nhanh chóng thuyên giảm. Thay vào đó, chúng ta phải hít thật sâu, lấy lại bình tĩnh và vạch ra một lộ trình cụ thể để vực lại sức khỏe của bản thân. Việc này cũng giống như phương pháp thở của một vận động viên chạy đường trường phải khác với phương pháp thở của vận động viên chạy cự ly ngắn.
Bước 2: Tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng về căn bệnh của bản thân
Các bác sĩ y học phương Tây và y học phương Đông đều có một điểm chung. Họ là những người đã vùi mình vào việc học trong một khoảng thời gian rất dài. Vì vậy, chúng ta coi họ là những “chuyên gia” và rất nhiều bệnh nhân tìm tới họ để xin được tư vấn. Tuy nhiên, dân gian có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Câu nói này cũng đúng trong trường hợp chúng ta phải đối đầu với bệnh tật. Giống như dù cùng uống một loại thuốc nhưng có người thì hợp có người lại không thấy có tác dụng, tình trạng cơ thể và nguyên nhân gây bệnh của mỗi người có thể có những khác biệt nên bản thân bệnh nhân phải là người hiểu rõ nhất, đồng thời cũng phải là người có thể đưa ra phương hướng, lộ trình cho bản thân. Trên thực tế, khi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, tôi thấy rằng có không ít người sau khi bị ung thư đã trở thành những nhà nhà thông thái về căn bệnh mình mắc phải. Họ đọc rất nhiều sách, sử dụng những kênh phương tiện truyền thông khác nhau để tìm hiểu về căn bệnh của bản thân mà bấy lâu họ không biết. Từ những kiến thức và thông tin tìm hiểu được, họ dần hình thành và tích lũy cho mình những phương pháp có thể giúp họ giành được thắng lợi trong cuộc chiến với bệnh tật.
Câu nói “Hiểu biết chính là sức mạnh” cũng đúng với việc chữa bệnh. Có biết bao phương tiện có thể giúp chúng ta trở thành những nhà thông thái có kiến thức sâu rộng về bệnh tật, chẳng hạn như các tài liệu liên quan đến bệnh tật, các tạp chí y học, các buổi diễn thuyết với nội dung đa dạng, kết quả của các thí nghiệm lâm sàng, rồi các chuyên mục về sức khỏe trên báo chí, v.v.. Lẽ dĩ nhiên, những người biết cách tận dụng linh hoạt những nguồn tri thức này sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến với bệnh tật.
Bước 3: Xây dựng và bám sát kế hoạch đề ra
Khi nhìn vào những người đã chiến thắng ung thư, chúng ta có thể liên tưởng tới câu nói “Khắc kỷ phục lễ” (Tự khắc chế những tham vọng của bản thân và tuân theo luật lệ). Không phải việc khắc phục tình trạng cơ thể mà chính quá trình hoàn thiện bản thân để trở thành một con người tốt đẹp hơn mới đúng là quá trình chiến đấu với ung thư. Chính vì vậy, trong cuộc chiến với ung thư, chúng ta bắt buộc phải thực hiện triệt để và chỉ có bản thân chúng ta mới làm được. Thời học sinh, có lẽ bạn cũng từng lập thời gian biểu học tập mỗi ngày nhằm chuẩn bị cho kỳ thi đại học đang cận kề. Hoặc khi bắt đầu đi làm, chắc hẳn bạn cũng lên kế hoạch thực hiện công việc mình phụ trách.
Giám đốc Phòng khám Đông y Souju Jo Ki Yong
✽✽✽✽✽✽