Kháng sinh ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả điều trị của thuốc ung thư
Ngoài báo cáo về hiệu quả của những nghiên cứu đang diễn ra thì Hội nghị ASCO năm 2022 có đề cập tới một chủ đề rất thú vị – mang tính ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả của các liệu pháp điều trị ung thư. Đó chính là THUỐC KHÁNG SINH.
Từ lâu, giới khoa học đã công nhận rằng một vài loại vi khuẩn có liên quan đến tác nhân gây ung thư. Các nghiên cứu lâm sàng và tiền lâm sàng gần đây đã chỉ ra hệ vi sinh vật đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hoá cũng như hiệu quả của nhiều loại thuốc ung thư. Kháng sinh có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, và điều này có tác dụng bất lợi đối với các liệu pháp chống ung thư.
1. Kháng sinh và thuốc miễn dịch:
Các nghiên cứu chỉ ra rằng những bệnh nhân ung thư điều trị bằng thuốc miễn dịch mà dùng kháng sinh sẽ cho đầu ra kết quả điều trị kém hơn do kháng sinh đã phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột. Việc sử dụng kháng sinh tích luỹ đã làm giảm đáng kể hiệu quả của thuốc miễn dịch ở những bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến triển. Một số loại vi khuẩn nhất định đã được xác định có tác động trực tiếp đến việc đáp ứng với thuốc miễn dịch – trong trường hợp này KỸ THUẬT CẤY GHÉP PHÂN có thể cứu vãn và khôi phục lại hệ vi sinh vật đường ruột, từ đó làm tăng trở lại đáp ứng của bệnh nhân đối với thuốc miễn dịch.
KỸ THUẬT CẤY GHÉP PHÂN được sử dụng lần đầu tiên ở Trung Quốc vào thể kỷ thứ 4, nó vẫn được nghiên cứu, phát triển và dùng rộng rãi tận cho tới ngày nay. Bạn cứ tưởng tượng, việc điều trị bệnh bằng thuốc mãn tính, kháng sinh dài ngày sẽ giết chết các lợi khuẩn có trong hệ tiêu hoá, phá huỷ hệ vi sinh vật đường ruột – điều này khiến hệ miễn dịch của bạn yếu đuối hơn, dễ nhiễm trùng hơn, gầy gò hơn… Xuất phát từ ý tưởng khôi phục lại các lợi khuẩn ở hệ tiêu hoá, các chuyên gia đã tìm cách đưa các lợi khuẩn có trong phân người khoẻ mạnh vô trở lại người bệnh – người ta gọi cách làm này là kĩ thuật cấy ghép phân. Kỹ thuật này vẫn đang được hoàn thiện trên đà để trở thành một phương pháp hoàn chỉnh, nhưng những kết quả mà nó đem lại cho đến nay là RẤT NGOẠN MỤC.
2. Kháng sinh và hoá trị
Tác dụng tiêu cực của kháng sinh cũng được nhìn thấy ở những bệnh nhân đang trải qua hoá trị – khi mà đầu ra sống còn toàn bộ, thời gian sống không bệnh tiến triển trên những bệnh nhân này là kém hơn khi so với những bệnh nhân không dùng kháng sinh. Ảnh hưởng tiêu cực này được nhận thấy lớn hơn trên những bệnh nhân đã trải qua ít nhất 2 phác đồ điều trị trước đó.
3. Kháng sinh và thuốc đích
Dữ liệu hồi cứu được phân tích trên những bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư hắc tố giai đoạn tiến triển đã điều trị bằng thuốc đích từ tháng 1/2015 cho đến tháng 4/2017 tại Bệnh viện Christie, ở thành phố Manchester, Anh. Tổng số 168 bệnh nhân, bao gồm 89 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ và 79 bệnh nhân ung thư hắc tố. 53 bệnh nhân trong tổng số 168 bệnh nhân này sẽ dùng kháng sinh trước 2 tuần cho đến 6 tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc đích – khung thời gian này được chọn nhằm đủ lớn để có khả năng thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột sau khi dùng kháng sinh (thời gian này có thể thay đổi tuỳ vào từng dòng kháng sinh khác nhau được dùng ở những nghiên cứu khác nhau). Phân tích dữ liệu cho thấy, những bệnh nhân dùng kháng sinh có thời gian sống không bệnh tiến triển ngắn hơn so với nhóm không dùng kháng sinh (208 ngày so với 357 ngày; P = 0.008) và thời gian sống còn toàn bộ ở nhóm dùng kháng sinh cũng ngắn hơn nhiều so với nhóm không dùng kháng sinh (294 ngày so với 438 ngày; P = 0.024). Tuổi cao, chỉ số toàn trạng ECOG > = 2 và định lượng LDH cao sẽ đi kèm với thời gian sống không bệnh tiến triển và sống còn toàn bộ kém hơn.
BÀI HỌC RÚT RA:
+ VỀ KHÁNG SINH: Có rất nhiều câu chuyện khóc không thành tiếng thế này. Một bệnh nhân mắc bệnh và đến gặp bác sĩ, bác sĩ bảo bệnh của bạn chưa cần phải dùng kháng sinh, tôi sẽ kê một số loại thuốc này – thời gian điều trị sẽ dài ra một chút, bạn sẽ khó chịu và mệt mỏi vì phải chữa trị dai dẳng hơn, nhưng điều này sẽ tốt cho bạn so với việc phải dùng kháng sinh. Bệnh nhân về dùng thuốc và cả tuần chả khỏi, mệt mỏi cộng thêm chán chường, người bệnh bắt máy gọi ngay cho 1 tay dược sĩ hỏi thuốc và được tay dược sĩ này sau khi đi copy đơn của MỘT BÁC SĨ KHÁC ĐANG ĐIỀU TRỊ CHO MỘT BỆNH NHÂN KHÁC, liền về hướng dẫn bệnh nhân đi mua 1 lô kháng sinh. Kết quả, bệnh nhân khỏi hẳn bệnh sau vài ngày. Tay dược sĩ nghiễm nhiên trở thành vị cứu tinh và vị bác sĩ ban đầu trở thành câu chuyện đàm tiếu về sự kém cỏi, tắc trách, kê thuốc dài ngày để ăn tiền của bệnh nhân!
Sự thật trong câu chuyện trên là thế nào? Vị bác sĩ kia hoàn toàn có thể kê ngay kháng sinh cho bệnh nhân của mình để khỏi sớm, nhưng vì lợi ích lâu dài của bệnh nhân, bác sĩ ĐÃ KHÔNG LÀM THẾ. Bệnh cảnh chưa đến mức dùng kháng sinh, việc dùng các thuốc nhẹ sẽ coi như giúp hệ miễn dịch phải tự tập dượt, tự vượt qua để về lâu về dài cơ thể sẽ có một hệ miễn dịch khoẻ mạnh, có thể tự chiến đấu mà không cần thuốc. Lạm dụng kháng sinh ở những bệnh cảnh lẽ ra có thể tránh, tuy khiến cả bác sĩ lẫn bệnh nhân nhàn hạ, rút ngắn thời gian chữa bệnh, nhưng về lâu về dài sẽ để lại một mối nguy hại khôn lường không những cho cả bệnh nhân mà còn cho cả thế hệ sau – Đó là vì lạm dụng kháng sinh mà sẽ sản sinh ra những con siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh, khi ấy cái kết tử vong là điều chắc chắn.
+ VỀ KHÁNG SINH VÀ UNG THƯ: Hậu quả của dùng kháng sinh cùng với thuốc ung thư đã gây ra những tác động tiêu cực tới thời gian sống không bệnh tiến triển cũng như thời gian sống còn toàn bộ của bệnh nhân. Bệnh ung thư là bệnh mãn tính, người bệnh phải dùng thuốc nhiều tháng nhiều năm – điều này dẫn đến cơ thể ốm yếu và dễ mắc các bệnh lý hơn bình thường. Khi ấy, việc kê thuốc để giúp bệnh nhân trở lại cuộc chiến ung thư là điều bắt buộc phải làm, NHƯNG nếu bệnh cảnh chưa đến mức phải dùng kháng sinh thì không nên kê kháng sinh cho bệnh nhân, hãy tìm một giải pháp khác, dù có thể mất thời gian hơn, mệt mỏi hơn, nhưng về đại cục nó sẽ đem lại lợi ích tuyệt đối cho bệnh nhân – từ cả góc nhìn tránh kháng kháng sinh lẫn góc nhìn sống thêm của người bệnh.
Chiến Thắng Ung Thư
✽✽✽✽✽✽