Không uống thuốc đích vài ngày có làm sao không?

Trong quá trình dùng thuốc đích dài ngày của mình, thi thoảng bệnh nhân sẽ rơi vào hoàn cảnh nhỡ thuốc – điều này sẽ khiến cho việc điều trị bị gián đoạn. Giải thích cho việc bị nhỡ thuốc này có rất nhiều lý do, có thể do Viện bị nhỡ đợt thầu chưa kịp bổ sung. Có thể do rơi vào hoàn cảnh cuối năm, các hồ sơ bị dồn ứ lại, đợi làm mới cả một lượt cho sang năm kế tiếp…

Đối phó với tình trạng thiếu thuốc này, có bệnh nhân chấp nhận bỏ tiền túi mua thuốc xịn ở ngoài, nhằm đảm bảo việc điều trị bệnh được liên tục, không ngắt quãng. Có bệnh nhân kinh tế ít hơn thì mua tạm thuốc xách tay ấn độ, banglades để dùng trong những ngày thiếu thuốc xịn. Và cũng có những bệnh nhân không mua thuốc gì cả, chấp nhận nghỉ – không uống, đợi cho đến khi Viện cấp thuốc trở lại.

Ở bên các nước phát triển, việc ngắt quãng thuốc đích của bệnh nhân cũng hay xảy ra chứ không phải là không có! Và thường thì việc ngắt quãng này đến từ sự CHỦ QUAN của bác sĩ điều trị – Khi bệnh nhân kháng thuốc đang đợi để đăng ký vô một đợt thử nghiệm phác đồ mới. Nhiều bác sĩ sẽ chủ quan bảo rằng, thôi tạm nghỉ vài ngày thuốc đi, không sao đâu – trong khi việc nghỉ thuốc này là CỰC KỲ NGUY HIỂM.

Có 2 câu hỏi cần đặt ra thế này, 1. trong quá trình dùng thuốc đích đang ổn định thì việc nghỉ ngắt quãng vài ngày có làm sao không? Và 2. khi bị kháng thuốc rồi, thì trong khi đợi phác đồ mới, có nên ngưng hẳn thuốc đích đang dùng không? hay vẫn tiếp tục dùng cho tới khi có phác đồ mới?

thuốc đích

Chuyên gia nổi tiếng Geoffrey R Oxnard cùng các cộng sự của mình phát hiện ra rằng. Trong thời gian đợi phác đồ mới, những bệnh nhân kháng đích thế hệ 1 (iressa, tarceva) mà ngừng không uống thuốc đích thế hệ 1 nữa, sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên bùng phát nhanh hơn so với những bệnh nhân vẫn TIẾP TỤC DÙNG ĐÍCH THẾ HỆ 1 CHO TỚI KHI CÓ PHÁC ĐỒ MỚI. Khái niệm bùng phát bệnh ở đây được hiểu là nhập viện hoặc tử vong trong thời gian nghỉ – không dùng thuốc.

Có 14 trong tổng số 61 bệnh nhân (23%, 95% CI, 14 – 35) đã bị bùng phát bệnh. Trung vị của thời gian bùng phát bệnh là 8 ngày sau khi ngưng không sử dụng thuốc đích (phạm vị từ 3 – 21). Các yếu tố đi kèm với bùng phát bệnh bao gồm thời gian tiến triển trên thuốc đích thế hệ 1 ngắn hơn (P = 0.002), xuất hiện dấu hiệu bệnh ở màng phổi (P = 0.03) và dấu hiệu bệnh ở hệ thần kinh trung ương (P = 0.01). Không có mối liên quan giữa việc bùng phát bệnh và sự có mặt của đột biến T790M tại thời điểm kháng thuốc. Do đó, trong thời gian đợi phác đồ mới – việc ngưng sử dụng thuốc đích tarceva, iressa ở những bệnh nhân kháng thuốc sẽ khiến bệnh có nguy cơ tăng nhanh, dẫn đến ung thư bùng phát gây nguy hiểm cho người bệnh. Các thử nghiệm kháng thuốc mới cần phải giảm thiểu tối đa thời gian người bệnh ngưng thuốc cũ trong khi đợi thuốc mới.

Bài học rút ra ở đây là gì?

1. Nguyên lý của thuốc đích là HÃM sự phát triển của ung thư, chứ nó không triệt căn như phẫu thuật hay đánh vào tốc độ tăng sinh để tiêu diệt ung thư như hoá trị. Thuốc đích thường chỉ được dùng ở giai đoạn cuối – tức là với mục đích kéo dài, chung sống cùng ung thư cho tới cuối đời. Một khi bạn được kê thuốc đích, điều đó có nghĩa rằng đã hết cách để chữa khỏi hẳn cho bạn, đã hết cách làm sạch ung thư khỏi cơ thể bạn. Lúc này, việc dùng thuốc đích đồng nghĩa với việc chấp nhận sẽ sống chung cùng ung thư cho đến hết đời. Vì nguyên lý là kĩm hãm ung thư như vậy, nên buộc bạn phải dùng thuốc đích hằng ngày. Việc không sử dụng thuốc đều đặn, bị ngắt quãng sẽ khiến ung thư có thời gian nghỉ ngơi, tránh khỏi việc bị truy đuổi của thuốc. Khi ấy, ung thư sẽ có thời gian để tìm ra con đường kháng thuốc nhanh hơn. Vì lý do này, nên bằng mọi giá bạn phải giữ việc dùng thuốc sao cho thật đều đặn, KHÔNG THIẾU 1 NGÀY – CƠM CÓ THỂ KHÔNG ĂN – THUỐC KHÔNG THIẾU 1 VIÊN.

2. Mọi người hay nghĩ rằng khi kháng thuốc là thuốc đích đã vô tác dụng, lúc này có uống tiếp cũng không có giá trị gì – Nghĩ như vậy là sai, việc kháng thuốc là do xuất hiện những tế bào ung thư mới có thể tránh được việc truy đuổi của thuốc. Nhưng bên cạnh những tế bào ung thư mới này thì vẫn còn những tế bào ung thư cũ – Bởi vậy, việc tiếp tục dùng thuốc đích trong khi đợi phác đồ mới, sẽ vẫn có hiệu quả với những tế bào ung thư cũ. Chứ nếu dừng hẳn thì cũ mới cộng lại cùng bùng nổ – khi ấy sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Tiếp tục dùng thuốc đích đã kháng trong khi đợi phác đồ mới tuy không thể ngăn chặn được cái xe ung thư đang lao dốc, nhưng nó sẽ giúp cái xe lao với tốc độ chậm hơn, từ từ hơn. Người bệnh sẽ đạt được lợi ích tốt hơn, tránh khỏi việc bị bùng nổ bệnh dẫn đến tử vong hoặc cấp cứu trong thời gian đợi kê một phác đồ mới.

Chiến Thắng Ung Thư

Đọc Thư Viện Ung Thư Online

✽✽✽✽✽✽