Nhật Ký Điều Trị Ung Thư
MỤC LỤC
✽✽✽✽✽✽
Tôi vốn là người không thích viết nhật ký. Từ bé, tôi đã nghĩ rằng viết nhật ký để làm gì? Để cho ai đọc? Nếu để tôi đọc lại, chắc tôi nghĩ tôi chẳng có nhiều thời gian để hồi tưởng, để mỉm cười với những kỷ niệm nho nhỏ. Còn những gì lớn lao đối với tôi, hoặc những bài học quan trọng, không cần ghi, tôi cũng không quên.
Nhưng, cuộc sống thay đổi hàng ngày, vạn vật, con người cũng thay đổi. Giờ đây, khi số phận đặt gia đình tôi vào một thử thách nghiệt ngã, tôi bỗng cảm thấy một sự thôi thúc được viết lại, được ghi lại những gì chúng tôi đang trải nghiệm. Tất nhiên là với một hy vọng sẽ mang lại một điều gì đó cho bạn, người đang đọc những dòng tự sự này của tôi.
Nếu bạn cũng đang phải trải nghiệm những điều tương tự như tôi đang gặp, rất mong rằng những dòng nhật ký của tôi sẽ giúp bạn có thêm một chút sức mạnh để đương đầu với cuộc sống nghiệt ngã mà chúng ta không còn đường nào khác để vòng tránh hoặc rút lui…
Ở ĐÂU CÓ SỰ SỐNG – NƠI ĐÓ ĐẦY HY VỌNG
Đó là câu châm ngôn của một vị bác sỹ chuyên về ung thư ở Singapore. Ông chú vợ của tôi tìm cho tôi tấm card của ông bác sỹ đó, phòng khi vợ tôi không còn đường chữa trị ở trong nước…
Vợ tôi mắc một căn bệnh nan y: Ung thư phổi. Và ở tuổi 28! Bác sỹ nói trường hợp mắc bệnh ở tuổi này rất hiếm. Chỉ có thể quy về cho số phận…
Tôi biết được chính xác về bệnh tật của vợ tôi mới được khoảng hơn 1 tháng rưỡi trước đây, khoảng mồng 9 Tết Ất Dậu, 2005. Mới một tháng rưỡi, mà đối với tôi, là một khoảng thời gian dài bất tận. Dĩ nhiên là tôi có choáng váng khi nghe tin. Nhưng chỉ là một thoáng thôi. Còn lập tức sau khi biết tin, tôi biết mình bắt đầu phải vào một cuộc chiến mới. Có thể nói là cuộc chiến hoàn toàn không cân sức. Tôi không phải là bác sỹ. Và kể tôi có là bác sỹ đi nữa, thì căn bệnh này nói chung vẫn là vô vọng.
Vậy nhưng tôi đã bắt đầu chiến đấu. Tôi vẫn đang chiến đấu và sẽ còn chiến đấu tiếp. Sát Tết, tôi đưa vợ tôi về. Bác sỹ hẹn ra Tết nhập viện lại, nhưng vợ chồng tôi quyết định tự điều trị tại nhà. Vợ tôi thì chưa biết chuyện, nhưng quá sợ bệnh viện rồi. Đành phải nói dối thôi. Và riêng ở đây, chắc mọi người không ai cho rằng nói dối là tội lỗi nữa. Tôi thì biết nhập viện nữa cũng vô ích, nên quyết định sẽ tự mình xoay sở.
Chưa biết tôi có thể cứu được vợ hay không? Chưa biết số phận sẽ còn thử thách chúng tôi đến đâu đi nữa… Nhưng chắc chắn tôi sẽ không thể đầu hàng một cách đơn giản. Bác sỹ tiên lượng vợ tôi chỉ còn sống được chừng 3 đến 6 tháng nữa. Kể cả áp dụng các phương pháp “tiên tiến” như xạ trị cũng chỉ có thể kéo dài cuộc sống của vợ tôi ra chừng tổng cộng 1 năm. Hóa trị thì không áp dụng được cho trường hợp của vợ tôi. Mổ cũng không được. Không ai dám nhận vì khối u của vợ tôi nắm sát cuống tim. Tóm lại là nền y học tiên tiến của chúng ta tuyên bố bất lực trong trường hợp này! Tôi không trách các bác sỹ. Họ không phải là thánh thần. Những gì họ làm được cho nhân loại đã là những thành quả vĩ đại. Chắc chắn cũng có những việc họ chưa làm được…
Chỉ mới một tháng rưỡi, tôi đã kịp đọc, thu thập khá nhiều thông tin về căn bệnh ung thư quái ác này. Tôi đã kịp đặt mua một số thuốc đặc trị (Paw Paw, Escozul, một số thuốc đông y, vv…) và hy vọng rằng vợ tôi đang có những dấu hiệu tiến triển tốt. Và tôi quyết định sẽ chia sẻ với mọi người câu chuyện của vợ chồng tôi, chia sẻ với mọi người những gì tôi biết về căn bệnh này.
Biết đâu, bạn cũng đang ở hoàn cảnh tương tự như tôi? Biết đâu bạn cũng đang đau khổ khi phải nhìn người thân của mình đau đớn vật vã, giống như tôi đã, và đang đau khổ? Nếu vậy, tôi mong rằng những thông tin tôi viết ở đây sẽ mang lại cho bạn một số kiến thức cơ bản. Hy vọng rằng bạn sẽ được chia sẻ nỗi đau, và bạn sẽ bình tĩnh hơn để đối mặt với thử thách. Và quan trọng nhất, tôi mong có thể mang lại cho bạn một tia hy vọng nào đó. Vì có lẽ, tôi vẫn sống và chiến đấu được đến tận giờ, chỉ vì tôi chưa bao giờ mất hết hy vọng. Và bởi vì…
Bởi vì: Ở ĐÂU CÒN SỰ SỐNG – Ở ĐÓ CÓ HY VỌNG
✽✽✽✽✽✽
Hà Nội, Ngày 25 Tháng 03 Năm 2005
Sáng dậy sớm, không ngủ được. Tôi bắt đầu bằng mấy dòng đầu tiên của cuốn nhật kí online này. Muốn viết nhiều, nói nhiều, nhưng tôi chưa biết thời gian sẽ cho phép ḿnh viết kỹ đến đâu… Thôi thì tôi sẽ cố, viết được đến đâu thì biết đến đấy vậy.
✽✽✽✽✽✽
Hà Nội, Ngày 29 Tháng 03 Năm 2005
Hôm qua, tôi phải dùng tới thuốc giảm đau Fentanyl cho vợ. Nó được thể hiện dưới dạng lá cao dán DUROGESIC. Lúc đầu cũng định để dành, phòng trường hợp đau quá nặng. Tuy nhiên, tính ra, vợ tôi chịu đau cũng tới trên dưới 8 tháng trời rồi. Vợ tôi khẳng định là cường độ đau không tăng, nhưng vì đau lâu quá, nên rất mệt mỏi và khó chịu. Sau khi nghiên cứu, tôi quyết định cứ dùng thử cho vợ xem sao.
Sáng dậy, vợ tôi kêu buồn ngủ. Tối qua ngủ có ngon hơn, không biết có phải do thuốc giảm đau mới không. Chắc không phải, vì thuốc này chỉ có công hiệu sau 12 tiếng đồng hồ thôi. Tôi khuyên vợ tôi đi ngủ, rồi tôi thì đi làm.
Gần trưa, cỡ khoảng 11 giờ sáng, vợ tôi gọi điện, nói rằng mệt lắm, và nhịp tim lên tới 125. Tôi vội vàng tắt máy tính, chạy về ngay. Về đến nơi mới nhớ ra là mất điện từ sáng. Và về vội quá, nên tôi cũng chưa kịp tìm hiểu kỹ lại về tác dụng phụ của DUROGESIC nữa, mặc dù trước đó đã đọc, và nhớ rằng không có tác dụng phụ nguy hiềm.
Lại phải chạy vào Bán đảo Linh đàm, tìm một hàng Cafe Internet. Đọc kỹ ra thì thấy Fentanyl có khi còn làm chậm nhịp tim, chứ không phải tăng. Nhưng có thể làm suy hô hấp. Mà vợ tôi vốn đang rất yếu về phổi.
Quay về, định dùng một số phương pháp hỗ trợ hô hấp, thì vợ tôi đã kịp chuẩn bị và bắt đầu dùng bình oxy để thở. May mà trước đó, tôi cứ quyết mua bình oxy để đề phòng trường hợp con ốm. Lúc này, mạch vợ tôi lên tới 133.
Được một lúc, nhịp tim có chậm lại. Vợ tôi mệt quá thiếp đi. Dậy có uống được một cốc sữa, vài viên thuốc. Có vẻ vẫn mệt, và buồn ngủ nữa. Không biết có phải do Fentanyl không.
Giờ cô ấy vẫn đang nằm ngủ, nhịp thở có vẻ vẫn hơi nhanh. Nhịp tim chắc vẫn khoảng 120-125 gì đó…
✽✽✽✽✽✽
Hà Nội, Ngày 30 Tháng 03 Năm 2005
Bây giờ đã gần 2 giờ sáng. Không ngủ được, tôi dậy, ngồi vào máy tính, và nhận được ba lá thư điện tử gửi tới chia sẻ với tôi. Tôi thực sự cảm động. Dĩ nhiên là cuộc sống bản chất là tươi đẹp. Nhưng tránh sao khỏi những khoảnh khắc nghiệt ngã. Tôi cũng đã từng va vấp nhiều với người đời, để nhiều khi cảm thấy bơ vơ, lạc lõng giữa rừng người, nhìn đâu cũng thấy xấu xa và bẩn thỉu. Và để đến khi đọc những dòng thư an ủi của những người chưa từng quen biết hoặc hầu như chưa quen biết, quả thực tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều. Để tôi thấy cuộc đời còn nhiều người có thể cảm thông với mình. Mà thực ra tôi cũng có thông báo địa chỉ cái website mới tinh này cho có mấy người thôi. Vậy mà gần như ngay lập tức, tôi đã kịp nhận được những lời chia sẻ của các bạn. Cũng mới mấy hôm trước, một người bạn trước kia là nhân viên công ty tôi, giờ sống ở Singapore, cũng có liên lạc và đề nghị giúp đỡ bất cứ lúc nào thấy cần thiết. Nếu kể ra hết, chắc còn nhiều người bạn của tôi đã giúp tôi trực tiếp nhiều điều, vẫn đang theo dõi và sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi trong tương lai nữa.
CẢM ƠN tất cả các bạn.
Hôm qua, tức là mấy tiếng trước đây thôi, tôi đã phải gỡ bỏ miếng dán DUROGESIC. Có lẽ nó là thủ phạm gây nên tình trạng sốc nhẹ mà vợ tôi phải chịu. Nói chung là sau khi gỡ bỏ miếng dán, tình hình vợ tôi có vẻ khá lên. Thực ra mấy ngày hôm nay thời tiết rất khó chịu. Tôi đoán rằng một trong những tác dụng phụ của hoạt chất Fentanyl là gây suy hô hấp nhẹ. Cộng với hai lá phổi vốn đã bị tổn thương nặng của vợ tôi, cùng với thời tiết quái ác đã làm cho vợ tôi lịm đi hơn một ngày. Nhưng bây giờ có vẻ khá hơn. Tuy nhiên, nhịp tim hãy còn nhanh lắm. Vẫn cỡ khoảng 125-130 lần một phút.
Hồi đầu mới bắt tay vào chữa trị cho vợ, tôi nóng ruột lắm. Muốn khỏi ngay. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, căn bệnh này mà khỏi ngay được thì chắc phải có phép tiên. Thành ra, bây giờ tôi đã có thể bình tĩnh hơn, lỳ lợm hơn một chút.
Bố vợ tôi thì ngược lại. Hồi đầu, ông bình tĩnh hơn tôi nhiều. Nhưng bây giờ bắt đầu thấy sốt ruột. Cụ giục tôi liên lạc với ông bác sỹ bên Singapore. Tôi cũng nghĩ cứ phải chuẩn bị phương án dự phòng ngay. Bởi cụ thấy nhịp tim tăng dần, không phải chỉ vụ sốc hôm qua không. Và tình trạng nghẹn càng ngày càng tăng. Tôi cũng biết thế. Tuy nhiên, không hiểu sao tôi vẫn tin rằng mấy thứ thuốc thảo dược tôi đang cho vợ uống sẽ giúp vợ tôi khá lên. Bây giờ thì vợ tôi đang ngủ. Có vẻ tim đập vẫn nhanh. Nhưng chắc mai sẽ khá hơn. Ngày hôm nay, quả thực là vợ tôi có tỉnh táo hơn nhiều, đã ngồi dậy được, thậm chí bắt đầu đi lại trong nhà.
Mai tôi sẽ cho vợ tôi đi chụp lại phim X-quang. Hy vọng rằng kết quả sẽ là tốt.
✽✽✽✽✽✽
Hà Nội, Ngày 31 Tháng 03 Năm 2005
Hôm nay là một ngày kinh khủng đối với chúng tôi. Sáng dậy, lọ mọ đo nhịp tim cho vợ, thấy có giảm được tý ty, nghĩa là còn 120 nhịp một phút. Chưa có gì sáng sủa. Nhưng cũng có vẻ đỡ. Tuy nhiên, vợ tôi vẫn có vẻ mệt, dù đã tươi tỉnh hơn hôm qua rất nhiều.
Tôi và vợ tôi quyết định sẽ đi chụp lại phổi vào khoảng cuối giờ sáng. Khi nhận tấm phim X-quang, tôi lặng người đi, còn vợ tôi kêu lên thảng thốt và hốt hoảng. Trên phim, một nửa tấm phim hiện lên trắng phớ. Vợ tôi đã MẤT NGUYÊN MỘT BÊN PHỔI. Tôi quay xe đi thẳng về nhà. Vợ tôi lặng đi, không nói được thêm một lời nào nữa. Vậy đó! Mới chỉ được khoảng 1 tháng từ lần chụp phim trước. Và bây giờ, khối u từ một nửa lá phổi đã ăn lan ra hết cả một lá! BẤT CHẤP BA BỐN LOẠI THUỐC tôi đang cho vợ tôi uống! THẤT VỌNG. Còn gì để nói nữa đây?
Gần đến nhà, tôi mới an ủi vợ tôi được một câu. Có lẽ vợ tôi cũng chẳng để ý nghe được tôi nói gì nữa. Giờ thì tôi cũng chẳng nhớ tôi đã kịp nói gì với vợ tôi.
Về đến nhà, bố vợ tôi nhìn thấy vẻ mặt chúng tôi và tái mặt. Cụ không nói không rằng, rút tấm phim ra xem và cũng bàng hoàng ngồi thịch xuống xalon! Không ai nói được gì. Một lúc, tôi nói với cụ: “Con sẽ khởi động ngay”.
Đại loại là khởi động ở đây là khởi động phương án dự phòng. Tôi có bàn qua với cụ trước đó mấy ngày. Và bây giờ, phải bắt đầu hành động. Việc đầu tiên, tôi gọi điện cho một anh bác sỹ quen ở viện K. Anh lập tức hẹn tôi đầu giờ chiều lên gặp. Trong tình huống khẩn cấp, tôi nghĩ ngay đến việc phải đưa vợ tới viện K để xạ trị, sớm ngày nào hay ngày ấy, dù trước đây tôi không muốn làm điều này. Rồi lập tức, tôi cầm máy điện thoại gọi thẳng sang Singapore. Với tôi, viện K chỉ là phương án tạm thời để lấp chỗ trống trong khi tôi chờ tới lúc có thể bay sang Singapore. Rất may, người ta cho tôi gặp ngay người tôi cần: Dr. Ang Peng Tiam. Tôi lập bập nói bằng tiếng Anh với bác sỹ về bệnh tình của vợ. Ông nhẹ nhàng giải thích qua một số điểm, và đề nghị tôi xác nhận khi nào tôi có thể tới Singapore được. Tôi cũng mô tả qua tình hình, và nói sẽ cố gắng cuối tuần sau bay sang. Tôi chẳng dám nói thực là theo một số thông tin tôi biết, giá chữa bệnh ở Singapore là rất cao so với mức sống của người Việt nam, và tôi cần một số thời gian để huy động tiền bạc. Vị bác sỹ nói với tôi khi nào sẵn sàng, gọi điện trước cho ông và ông sẽ cho tôi một cái lịch hẹn. Thế là bước đầu cũng tạm gọi là may mắn, may trong cái rủi, trong một số quyết định sai lầm của tôi. Tiếp sau đó là một loạt các cú điện thoại đến bạn bè để huy động tiền bạc. Với đa số người Việt chúng ta, tổng chi phí cho đợt chữa bệnh này ở Singapore là quá lớn, nói chung là khó có thể lo được. Tôi ước tính có lẽ phải lên tới khoảng 40 ngàn USD. Nhưng còn nước còn tát, tôi phải cố hết sức thôi. Bạn bè đều trả lời sẵn lòng, kẻ ít người nhiều. Chắc đầu tuần tới tôi cũng sẽ được bạn bè giúp cho một phần quan trọng về tài chính.
Đầu giờ chiều lên viện K, anh bạn bác sỹ mắng tôi một chập. Làm thế nào được anh? Một lựa chọn của tôi có thể đúng, cũng có thể sai. Tôi cũng đã cố gắng hết sức rồi. Tôi lên một mình. Lần trước, anh đã giúp tôi để tôi có thể đăng ký vào viện ngoại trú mà không cần có mặt bệnh nhân. Tôi nói với anh tôi không muốn cho vợ tôi biết, chỉ muốn nếu cần xạ trị thì tôi đưa vợ tôi lên, xạ chừng 15 phút, rồi lại chở về ngay. Rồi tôi lại ngần ngừ và rút hồ sơ, không cho vợ tôi vào xạ. Lần này, anh nói nặng rồi, bắt buộc phải có bệnh nhân mới được. Và anh nói không nên giấu vợ tôi nữa. Thế là tôi lại phải hẹn lại anh sáng sớm mai đưa vợ tôi vào.
Quay về công ty, giải quyết một số việc, tôi sực nhớ ra một người bà con ở viện Lao, người đã từng chữa bệnh cho tôi. Lại lọ mọ lái xe lên viện, mang theo phim phổi của vợ. Mãi mới gặp được cô. Sau khi xem, cô giải thích cho tôi rất nhiều điều. Và, các bạn biết không: Chưa chắc đã phải là khối u ăn lan ra toàn bộ lá phổi. Khối u vốn có gốc sát với gốc khí quản. Chỉ cần nó lớn lên một chút, là có thể bít mất gốc phế quản của lá phổi rồi! Và một khí gốc phế quản bị bít, lá phổi sẽ bị xẹp xuống, rồi nhanh chóng thành lá phổi sẽ bị dính vào nhau. Lập tức, phim phổi bị trắng. Vậy nghĩa là, tôi lại có HY VỌNG rồi! Đúng hay sai, chưa biết, nhưng như thế là còn hy vọng. Tôi ra về vơi đi bao nhiêu gánh nặng. Áo phông dần dần khô lại sau suốt mấy tiếng đồng hồ ướt nhẹp, do tôi căng thẳng toát mồ hôi liên tục.
Tối về, tôi liên lạc với những người đã được bác sỹ Tiam chữa trị. Có những người khá là nặng. Tỷ như người bình thường có độ đo ung thư ở mức 5, thì một bác người Việt mình, khi sang với ông Tiam, có chỉ số bệnh lên tới 500! Rất cao. Bác cũng bị ung thư phổi, trắng một lá phổi trái như của vợ tôi. Nhưng còn nặng hơn nhiều. Đã bị di căn xuống gan và háng. Hạch háng sưng vù, không đi nổi. Khi các con bác đưa bác sang Singapore, người ta phải khiêng bác đi. Và sau 7 lộ trình chữa bệnh bằng hóa trị, bác đã đi lại được. Chỉ số bệnh còn 11! Một chỉ số ĐẦY HY VỌNG…
Và tôi tiếp tục tìm kiếm thông tin về bác sỹ Peng Tiam. Rất nhiều thông tin hay. Bác sỹ Tiam dùng hóa trị là chủ yếu, nhưng điểm đặc biệt là bệnh nhân không đau, không bị rụng tóc! Có vẻ kỳ diệu đấy chứ? Câu châm ngôn mà tôi sử dụng ở đây, chính là của bác sỹ Tiam đấy.
Tóm lại, tôi đã thất vọng, và lại tràn đầy hy vọng. Tôi quyết định sẽ đưa vợ tôi sang Singapore bằng được! Bạn có thể sẽ hỏi tôi, vậy tôi đã thất vọng và từ bỏ những bài thuốc thảo dược? Không đâu! Chỉ có điều, tôi biết rằng mình đã sai lầm khi không cho vợ tôi chữa bệnh song song theo cả hai phương pháp. Tôi vẫn tin rằng thảo dược sẽ giúp vợ tôi trừ bỏ tận gốc rễ căn nguyên của căn bệnh quái ác. Chỉ có điều, trong một số trường hợp, mà cụ thể là trường hợp của vợ tôi, tốc độ chạy đua với căn bệnh của thảo dược chắc là chậm hơn khá nhiều. Hãy thử tưởng tượng bạn đang đánh trận. Bạn chỉ có bộ binh, cực kỳ thiện chiến, nhưng quân địch lại có cả xe tăng? Làm thế nào bây giờ? Nếu địch chỉ toàn bộ binh thì ta chắc thắng. Nhưng nếu có xe tăng, thì chắc ta phải tăng cường bằng máy bay thôi! Chừng nào máy bay bắn phá tan tành trận địa xe tăng của địch, thì bộ binh ta sẽ tràn vào xóa sổ nốt những gì còn lại.
Tôi HY VỌNG rằng Singapore sẽ cung cấp cho tôi lực lượng không quân cần thiết.
Tôi HY VỌNG rằng sau khi lực lượng không quân Singapore hoàn tất công việc, tôi sẽ tiếp tục dùng bộ binh – thảo dược để giải quyết nốt trận địa.
Và chắc chắn rằng, Ở ĐÂU CÓ SỰ SỐNG, NƠI ĐÓ CÒN HY VỌNG, phải không các bạn.
✽✽✽✽✽✽
Hà Nội, Ngày 02 Tháng 04 Năm 2005
Hôm qua là một ngày bận rộn của tôi với đủ thứ việc.
Bắt đầu là việc đi gia hạn hộ chiếu. Vì việc này, tôi phải ở nhà. Lẽ ra, theo lịch hẹn, tôi sẽ lên núi đón ông thầy lang Niêm về chơi. Song, vì quyết định phải sang Singapore gấp, nên tôi phải gia hạn ngay cuốn hộ chiếu, và còn lo bao nhiêu việc chuẩn bị khác. Bố vợ tôi thay tôi lên núi đón ông lang. Lại có cái may trong cái rủi. Đúng trước khi tôi chuẩn bị lên Cục xuất nhập cảnh, một người bạn gọi điện. Tôi nói vắn tắt tình hình và thế là bạn tôi giới thiệu cho một người khác có thể giúp tôi hoàn tất nhanh hơn thủ tục gia hạn. Tôi liên lạc và họ nói sẽ cố gắng hoàn thành trong một ngày làm việc. Nghĩa là chiều thứ 2 sẽ có. Dẫu sao, tôi cũng phải trực tiếp lên nộp đơn. Và thế là sau gần 2 tiếng chờ đợi trên Cục quản lý xuất nhập cảnh, tôi cũng nộp xong đơn xin gia hạn hộ chiếu.
Sau đó tôi về thẳng viện Lao, một là để hỏi lại vấn đề thuốc giảm đau cho vợ, hai là để nhờ bà cô tôi xem xét lại chuyện hút dịch trong phổi. Cô tôi khuyên là chưa nên hút dịch. Chỉ khi nào rất khó thở hãy hút. Cô nói, nếu thứ 3 định bay thì có thể chiều thứ 2 lên viện, cô sẽ hút bớt một ít để vợ tôi thoải mái hơn khi bay.
Trưa về tới công ty, vợ tôi gọi điện. Thuốc giảm đau Codein ở nhà đã hết. Tôi rẽ qua hiệu thuốc và mua loại thuốc mới, Idarac, theo chỉ dẫn của cô tôi. Về nhà, vợ tôi đau đến mức độ mặt tái mét. Tôi vội vàng nghiền nát hai viên thuốc hòa tan vào nước và cho vợ tôi uống. Lúc đó là vào khoảng 13:15. Vợ tôi tiếp tục đau tới gần ba giờ chiều mà không hề thuyên giảm. Đau thực sự, đau vật vã. Tôi cho rằng, đến giờ, những cơn ĐAU thực sự của căn bệnh quái ác này mới bắt đầu.
Vậy là tôi đội mưa chạy đi mua thêm Codein. Có vẻ như Idarac là không hợp. Về cho vợ tôi uống thêm một viên Codein, rồi xoa bóp mãi, vợ tôi cũng dịu đi được một chút.
Khuya, bố vợ tôi mới về. Thầy lang Niêm không xuống được. Tôi hỏi tại sao, bố nói rằng thầy lang gặp điềm gở nên không xuống. Đương không, thầy bị đứt tay, rồi tự nhiên lại thấy đau đầu gối. Ông thấy sợ, nên không xuống. Tôi ngẫm nghĩ, xét về mặt tâm linh, chắc vậy là có điềm gở rồi. Phải chăng vợ chồng tôi đã hết duyên với thầy? Nên vì thế, bệnh nặng lên? Trước thì tôi không tin vào thánh thần ma quỷ. Nhưng tôi tôn trọng, không phỉ báng. Giờ bạn có hỏi tôi rằng tôi có tin vào thần linh không, tôi cũng chẳng biết nữa. Nhưng tôi thật sự THÀNH TÂM. Tôi thành tâm mong cho vợ tôi khỏi bệnh, dù là sự giúp đỡ của thánh thần hay của y dược. Và nếu duyên của chúng tôi với thầy Niêm đã hết, tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm những đường nhân duyên mới, cho đến khi gặp thầy, gặp thuốc thì mới thôi.
Khi bình tĩnh lại, tôi cho rằng hiện tượng bít mất ống phế quản của vợ tôi chắc mới xẩy ra cách đây độ một tuần, khi vợ tôi bắt đầu cảm thấy xuống sức. Bạn thử nghĩ xem, nếu đột nhiên, một lá phổi hoàn toàn không hoạt động nữa, thì xuống sức là điều hiển nhiên. Có lẽ, theo cách nói của y học, mất một lá phổi chắc chắn làm suy hô hấp của người bệnh.
Hôm nay công việc cũng đỡ hơn. Vợ tôi trông khỏe hẳn lên, tươi tỉnh. Có lẽ do thời tiết hôm nay không khắc nghiệt như hôm qua nữa. Khách đến chơi với vợ chồng tôi liên tục từ sáng. Bạn bè, họ hàng, những người biết vợ chồng tôi sắp sang Singapore chữa bệnh đều cố gắng qua thăm. Trưa, tôi kịp mua hai vé máy bay cho ngày thứ ba tuần tới, 05 Tháng 04 Năm 2005. Kế hoạch đã được lên đầy đủ. Chỉ còn chờ hộ chiếu của tôi hoàn tất, còn vợ chồng tôi gần như đã sẵn sàng lên đường. Bác sỹ Tiam đã viết thư trả lời, sẵn sàng đón vợ chồng tôi nhập viện. Bạn bè tôi bên Singapore đã bắt đầu khởi động tìm thuê nhà, đề phòng trường hợp vợ chồng tôi phải ở lại dài hạn bên đó.
Ngày hôm nay, tôi cũng nhận thêm được nhiều lá thư chia sẻ của bạn bè. Có lẽ, phải ở trong hoàn cảnh trầm trọng như của tôi mới có thể dễ dàng thấy hết được ý nghĩa dù là của vài dòng chữ ngắn ngủi, chia sẻ của những người xung quanh ta. Tôi xin cảm ơn tất cả các bạn.
Và thế là chúng tôi lại bình tĩnh chờ đợi để bước vào giai đoạn mới…
✽✽✽✽✽✽
Chuyện về cây đu đủ… Mỹ
Độ một tuần sau khi biết bệnh của vợ tôi, bố vợ tôi mang lên cho tôi một tập tài liệu photocopy. Trong đó, cụ sưu tầm các bài báo về sức khỏe, và các bài thuốc. Trong tài liệu đó, có một vài bài nói về bệnh ung thư. Đặc biệt, cụ nói tôi lưu ý tới bài báo về ung thư phổi. Bài báo đó, tôi đồ rằng là của một người Việt kiều, thấy thông tin hay thì dịch ra cho mọi người tham khảo. Trong đó, bài báo (in bằng tiếng việt) kể về một cụ già người Úc có tên là Stan Sheldon, người đã được thổ dân bày cho cách lấy lá đu đủ đun lên uống và chữa khỏi bệnh ung thư phổi. Tôi cũng hơi nghi ngờ.
Nhưng cụ đã đưa tài liệu, thì tôi sẽ thử. Và nhìn qua cái tên, cũng như địa danh nơi cụ Stan Sheldon sống là nước Úc, tôi chắc chắn đây là một bài báo dịch. Vậy việc đầu tiên tôi thử tìm bài báo nguyên bản tiếng Anh. Tôi bèn vào Net và tìm thử cụm từ “Stan Sheldon” và thêm vào từ khóa cancer. Ra ngay. Ra rất nhiều kết quả. Tôi đọc mấy bài và tìm ngay ra nguyên bản bài báo tiếng Anh. Tôi phải tìm tên cụ già, và chữ cancer (tiếng Anh nghĩa là ung thư) bởi vì đơn giản tôi không biết từ “đu đủ” tiếng Anh nghĩa là gì. Và sau khi đọc những bài báo tiếng anh đó, tôi mới biết từ đu đủ tiếng Anh có hai từ: Từ “papaya” được dùng một cách chính thống, nhưng dân dã, thổ dân thì người ta gọi là “paw paw”.
Tới đây, tôi giật mình. Vì mới hôm trước, trong khi tìm kiếm thông tin về bệnh ung thư, tôi có nhìn thấy từ PAW PAW trong một trang web chuyên về ung thư. Từ nay trông hơi lạ nên tôi nhớ lắm. Và thế là tôi lục lại các trang web tôi xem hôm trước, và đọc kỹ hơn về cái cây paw paw – đu đủ thần diệu này.
Càng đọc càng mừng. Vì hóa ra bên Mỹ, Viện Ung thư quốc gia (NCI) đã từng tài trợ một dự án khá lớn cho một ông GSTS Dược ở trường đại học dược Purdue, tên là Jerry McLaughlin, một khoản tiền khá lớn là 5 triệu đô la. Jerry và nhóm của ông đã dung tiền này nghiên cứu trong gần 20 năm về 350 loại cây khác nhau mà dân gian đồn là có thể chữa được ung thư. Kết quả là Jerry chỉ xác nhận được một số hoạt chất của cây đu đủ – paw paw là có khả năng, thậm chí có một số khả năng xuất sắc trong việc tiêu diệt tế bào ung thư. Thông tin kỹ hơn về loại cây này và cơ chế tiêu diệt tế bào ung thư, xin các bạn tìm ở mục “Xem thêm… ” phía trên. Còn để tôi kể nốt câu chuyện đu đủ… Mỹ.
Tóm lại, đọc xong thông tin, tôi thấy mừng quá. Tôi tiếp tục tìm, tiếp tục đọc. Ra rất nhiều thông tin hay. Jerry đã đăng một loạt các kết quả trên một số các tạp chí y dược. Chẳng hiểu vì lý do gì đó, mà dự án nghiên cứu kia bị đình lại. Jerry chuyển về làm cho một hãng dược chuyên về thảo dược ở Mỹ. Ở đây, ông tiếp tục nghiên cứu và đưa ra công thức chiết xuất chuẩn hóa cho loại thảo dược paw paw này. Tôi mải mê đọc thông tin tới 2 giờ đêm. Nhưng càng đọc càng mừng, mà vẫn thấy có vấn đề gì đó không ổn! Tôi suy nghĩ mãi, về sau mới giật mình. Hóa ra vấn đề là ở mấy cái ảnh.
Các bạn thử xem tấm ảnh ở đây xem. Đu đủ gì mà giống quả xoài xanh? Và quan trọng nhất là đây lại là loài cây thân… gỗ! Trong khi đu đủ Việt nam là loại cây thân mềm, nếu như tôi không nhớ nhầm. Tôi dụi mắt, xem đi xem lại thật kỹ. Tìm tiếp hàng loạt website nữa, và rút ra kết luận chính xác: Đúng là những bài báo viết về cây đu đủ. Nhưng là cây ĐU ĐỦ… MỸ.
Cây đu đủ – paw paw được nói tới trong những nghiên cứu ở đây là một loài cây sinh trưởng rất nhiều ở miền Tây nước Mỹ, đặc biệt là bang Ohio. Là một loài cây ăn quả, và quả của nó ăn ngon, ngọt, và mềm, có lẽ tựa như quả đu đủ của chúng ta. Ở miền Tây nước Mỹ, loài cây này được trồng thành vườn cây, căn hàng, thẳng lối, đều tặm tắp như vườn nhãn, vườn vải của chúng ta vậy. Và hoạt chất của cây, chính là ở vỏ. Ngay sau đó, tôi tìm ra hãng thảo dược có sản xuất hoạt chất của cây Đu đủ Mỹ này, và nhờ một người bạn của tôi bên Canada đặt mua giùm.
Hiện tại, vợ tôi vẫn đang uống đều một ngày 4 viên Paw Paw. Dù có một số thuộc tính khá đặc biệt trong chữa trị ung thư, theo một số thử nghiệm Jerry đã làm, cơ hội lành bệnh hoàn toàn của Paw Paw có lẽ chỉ đạt mức 50-50. Nhưng như thế đã là tốt lắm rồi. Liệu tôi và vợ tôi còn gì để mất? Thông tin chi tiết hơn về Paw Paw, tôi sẽ dịch, và đưa dần lên website này. Nếu nó có hiệu quả thực sự cho vợ tôi, tôi cũng sẽ rất mừng nếu như chia sẻ được thông tin này giúp cho bạn.
✽✽✽✽✽✽
Thầy lang Niêm
Sau khi tôi biết chính xác vợ tôi bị ung thư độ 1 tuần, thì bố vợ tôi đoán được. Phía gia đình tôi thì biết trước, do em gái tôi là người nhận kết quả sinh thiết của vợ tôi đầu tiên. Cụ thấy tôi mua thuốc toán loạn, và thấy gia đình bên nội có vẻ căng thẳng, cuối cùng thì cụ cũng truy ra được. Và thế là cụ thông báo cho gia đình vợ tôi, trừ mẹ vợ và trừ chính vợ tôi thôi. Chú út (chú Bảo) của Lan Anh (vợ tôi) liền lập tức vào cuộc, và cho tôi hai thông tin theo chú là tiềm năng nhất. Một là thông tin về BS Peng Tiam ở Singapore, và một về một ông thầy lang ở Thanh hóa. Lúc đầu tôi cũng không biết tên thầy lang. Chỉ sau lần tìm lên tận nơi, tôi mới biết tên ông là Niêm, và tôi quả thực sơ suất, đến giờ cũng chưa biết họ của ông. Chú nói sẽ quyết tâm lên tìm ông lang Niêm bằng được. Lý do là ở chỗ chú, đã có hai trường hợp chữa khỏi được ung thư. Một trường hợp ung thư não, đã mổ ra, rồi lại đậy lại. Tới ông lang Niêm, ông cắt thuốc cho sau có 3 ngày bệnh đã chuyển, và sau khoảng 18 tháng, thì khỏi hòan toàn. Ông bố Sơn, bố của bệnh nhân Lâm 14 tuổi đó, là lính của chú tôi. Chuyện ông Sơn và Lâm, chú tôi là người chứng kiến, theo dõi tận nơi, không thể nhầm lẫn được. Về sau, ông Sơn mách thêm cho một chị khác cùng cơ quan, bố chị bị ung thư phổi trầm trọng. Bệnh viện trả về. Nhà thì đã mua sẵn áo quan. Sau thì thôi được thì được, mà chả được thì cũng chả có gì để mất, chị quyết định theo chỉ dẫn của ông Sơn đi lấy thuốc ở thầy lang Niêm. Và bố chị khỏi hẳn. Bạn có tin không? Tôi thì tin chú tôi. Chả có lý do gì để không tin cả.
Vì nhiều lý do, tôi quyết định tìm gặp thầy lang Niêm cùng chú tôi trước. Singapore thì có nhiều vấn đề mà lúc đó tôi, bố vợ tôi, và cả chú Bảo đều quyết định để xuống hàng thứ hai. Vậy là hai chú cháu chọn một ngày chú tôi đỡ việc, lên đường đi tìm thầy lang Niêm để xin thuốc…
Lên tới được chân núi chỗ ông thầy Niêm ở đã là 6 giờ tối. Chúng tôi đi từ sáng sớm, tuy nhiên, phải qua Thanh Hóa để nhờ người dẫn đường. Tìm mãi, người biết đường thì bận xây nhà, rồi họ nhờ một người khác dẫn đường. Loanh quanh mãi cũng gần 1 giờ chiều chúng tôi mới rời Thanh Hóa lên đường tới nhà thầy Niêm. Nhà thầy ở huyện Quan Hóa, xã Nam động. Người dẫn đường thế nào hóa ra lại… không biết đường. Chúng tôi theo chỉ dẫn của người dẫn đường đi cùng chúng tôi và lạc tít lên tận Co Lương, Mai Châu, Hòa Bình. Mãi mới liên lạc lại được với Thanh Hóa (ở đó đâu có sóng di động đâu…), và chúng tôi phải quay ngược lại, thành ra mãi 6 giờ tối mới lên tới nơi.
Tới nơi nghĩa là mới tới chân núi. May mà đường mới được làm tới sát tận chân núi. Trước kia là ô tô không vào tới tận nơi được. Phải đi xe ôm khoảng 30-40 cây mới tới nhà thầy. Chúng tôi thậm chí đã chuẩn bị chăn màn để đề phòng trường hợp phải ngủ lại trên núi. Hỏi ra mới biết thầy Niêm ở bản Bất, xã Nam Động. Dưới chân núi cũng có một bản nhỏ, với khoàng trên dưới chục nóc nhà. Chúng tôi tìm vào bản để thuê một chuyến xe ôm lên nhà thầy. Nhưng phải cái trời đã xẩm tối, đường lại khó đi, không ai chịu nhận đi cả. Mãi rồi cũng nhờ được một anh bạn trẻ người Kinh lên lấy vợ trên đó.
Anh chàng này đòi chúng tôi… 200 ngàn mới chịu chở tôi lên đó. Chú tôi sốt ruột, gật đầu luôn. Thế là tôi nai nịt để lên đường.
Trên đường đi từ Hà nội vào Thanh hóa, tôi định không lên thầy Niêm, mà để chú tôi lên, vì nghe thủ tục có vẻ duy tâm lắm. Mà tôi vốn là người vô thần. Chưa có một vị thầy bói nào xem được cho tôi cả. Nói theo duy tâm, chắc là cái vía của tôi nó nặng, át mất vía thầy bói. Nói theo kiểu khoa học, chắc trường sinh học của tôi mạnh, làm nhiễu sóng của các thầy bói, các nhà tâm linh. Vì thế nên tôi lúc đầu định để chú tôi lên núi. Nhưng đến khi tới chân núi rồi, tôi quyết định tự mình phải đi thôi. Vô thần hay có thần không còn quan trọng nữa. Quan trọng là tôi thành tâm… Tôi thiết tha mong cho vợ tôi khỏe lại. Và tôi cho rằng đó là điều quan trọng nhất… Nếu quả thực trên trời có thần linh, hẳn các vị sẽ thấy rằng tôi thực sự thành tâm và chắc tôi và vợ tôi sẽ được phù hộ…
Nai nịt gọn gàng, với khoảng 3-4 lớp áo ấm (sợ trên núi lạnh), chúng tôi trèo lên chiếc xe Minsk trông như sắp nát và thẳng tiến. Tôi ngạc nhiên vì cậu lái xe gầy còm, nặng chắc không quá 45kg mà mặc có mỗi một chiếc sơ mi phong phanh quá. Chỉ sau một chốc, tôi hiểu ngay tại sao. 100 mét đường đầu tiên thì không có vấn đề gì, tôi thấy ổn. 50 mét tiếp theo sau, tôi toát mồ hôi, và bắt đầu cởi mũ len, phanh áo khoác. 50 mét tiếp sau, tôi cởi bớt một áo, và cứ 50 mét, tôi lại cởi một thứ. Một lúc sau thì tôi chỉ còn có cái áo khoác gilê mỏng, và một cái áo phông cộc tay. Vì… các bạn cứ hình dung ra cảnh tượng đua mô tô địa hình trên tivi ta hay xem ở bên Tây họ đua thì các bạn sẽ hình dung ra đoạn đường tôi phải đi. Nó gần như vậy. Thiếu mỗi mấy đoạn dốc 90 độ hụt một cái xuống cả mét mà thôi… Nói chung, ở Hà nội, chúng ta không gọi đó là đường. Khi thì chúng tôi phải trèo qua một bãi đá kiểu tai mèo, khi thì chúng tôi đi qua những bãi đá cục lổn nhổn với đường kính ít nhất là 40cm chứ chả chơi. Có lúc, chúng tôi phi thẳng xe qua suối, lòng suối toàn đá tảng, mà tôi nghĩ đi bộ qua cũng đã là khó. Chả hiểu chiếc xe Minsk nát đến thế nào, mà chúng tôi cứ lao thẳng qua các hòn đá băng băng, lao qua các hố, rãnh với vách thẳng đứng và độ sâu cỡ 30-40 cm, mà không sao cả. Xe cọt két liên tục, giảm xóc luôn luôn ở trong tình trạng hết nhún kịch kim lại dãn ra đến hết cỡ. Nói chung là kinh khủng. Tổng cộng quãng đường có 8 km, mà chúng tôi đi hết hơn 1 tiếng, với 5-6 lần tôi xuống đi bộ để mặc anh tài vật lộn với cái xe. Chúng tôi cũng “đo đường” không dưới 4 lần. Lúc đi thì lên dốc, mệt bở hơi tai. Lúc về xuống dốc cũng đâu có kém phần long trọng. Quả là 200 ngàn cũng đáng… Tuy nhiên, sau khi đi về, cậu lái xe ôm biết được chuyện của tôi, và thế là những lần sau lên lấy thuốc, cậu tình nguyện chở tôi đi mà nhất định không lấy tiền. Lại còn làm cơm đãi chúng tôi nữa, mặc dù nhà cậu ta thực sự nghèo. Thêm một tấm lòng vàng tôi được gặp…
✽✽✽✽✽✽
✽✽✽✽✽✽