Những sự thật về chụp PET-CT trong điều trị ung thư

Chụp PET-CT mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng 15 năm, với nhiều người dân thậm chí Bác sĩ còn thấy là hiện đại và xa xỉ. Mà hiện đại thật, hiện tại đối với Ung thư nó vẫn là công cụ chẩn đoán hàng đầu rất có giá trị. Tiếc là ở Việt Nam chưa phổ biến, nên ngoài số không nhiều các thầy thuốc biết lợi hại của nó thì có 2 xu hướng cho rằng không cần thiết (thường là do nơi đó không có máy), hoặc đối ngược là thần thánh nó. Đặt kì vọng quá nhiều.

Đầu tiên nói sơ về chụp PET-CT là gì. Cái này nói sơ thôi vì trên internet viết đầy ra rồi. Đây là kĩ thuật ghi hình phóng xạ. Nguyên lý của nó là gắn một hoạt chất phóng xạ vào phân tử đường Glucose. Sau đó tiêm chất này vào cơ thể. Cơ quan nào sử dụng nhiều đường thì chất đó sẽ tập trung ở đó nhiều hơn. Và các vị trí trên cơ thể sẽ phát ra tia phóng xạ nhiều ít khác nhau dựa vào cơ quan đó hấp thu glucose nhiều hay ít. Dựa vào đó máy ghi sẽ ghi lại bản đồ mức hấp thu phóng xạ và kết hợp với hình ảnh chụp cắt lớp giải phẫu song song sẽ trả lời các cơ quan nào hấp thụ phóng xạ (gắn với đường) nhiều hay ít.

Đến đây thì chúng ta sẽ nhận ra 1 điều. Cứ cơ quan nào hấp thu phóng xạ (gắn với glucose) sẽ được ghi lại. Và có một sự thật, nhiều cơ quan bình thường không bệnh hoặc bệnh lý khác nhau (trong đó có khối ung thư) đều có hiện tượng này.

1. Các cơ quan bình thường cũng ăn đầy rẫy đường (glucose) như: não, tim, bể thận,niệu quản, bàng quang, ruột đang co bóp, cơ đang vận động… (nên thực ra PET-CT còn có thể dùng để chẩn đoán chức năng của cơ tim không phải chỉ ung thư). Nên khi chụp PET-CT ở chỗ mấy cơ quan này không thể biết rõ đâu là ung thư đâu là bình thường.

2. Ung thư: dĩ nhiên rồi, dùng để chẩn đoán ung thư số 1 hiện nay mà. Vì khối u thường tăng sinh đẻ, mà tăng sinh đẻ phải xài nhiều đồ ăn là đường. Nên phóng xạ cũng tập trung ở đây. Và dù khối u có di căn đến các nơi đều tham ăn đường. Nên PET có thể tìm ra các (hầu hết) vị trí di căn của ung thư là vì vậy. Do đó chụp PET-CT là công cụ chẩn đoán rất tốt giai đoạn của bệnh ung thư bướu vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu để ra quyết định điều trị (tất nhiên là không phải chính xác tuyệt đối, nhưng chụp PET-CT và PET/MRI được coi là phương tiện chẩn đoán giai đoạn tốt nhất trước khi mổ).

3. Một số bệnh lý rất đáng ghét với bác sĩ Ung thư và bác sĩ PET-CT cũng hấp thu phóng xạ, ví dụ như viêm do mọi nguyên nhân. Viêm do vi khuẩn, viêm do virut, lao, chấn thương đều tạo ra hình ảnh hấp thu phóng xạ vì các tổn thương này đều hấp thu nhiều đường! Với các bác sĩ có kinh nghiệm thì họ có thể phân biệt một cách khá chính xác viêm với ung thư dựa vào mức độ hấp thu phóng xạ và hình ảnh CT đi kèm. Tuy vậy một số trường hợp thực sự ngồi túm 5 tụm 7 vào cũng không thể phân định cho rõ ràng. Sau khi chụp PET-CT vẫn không khẳng định được.

Vì vậy hạn chế của chụp PET-CT tóm lại sẽ gồm:

1. Không phải có thể chụp cho mọi bệnh ung thư. Ví dụ U não cho chụp PET-CT thông thường sẽ chẳng thấy được gì hơn so với MRI rẻ hơn cả chục lần (trừ khi sử dụng 11C, hoạt chất này ở Việt Nam không có nơi nào làm. Hoặc phải là PET.MRI mới rõ ràng). Hay ung thư bàng quang chụp lên có đọc cũng chẳng được. Ung thư thận cũng không rõ ràng. Ung thư không tạo khối đặc như ung thư máu cũng bó tay.

2. Dù là ung thư không phải loại trên nhưng chụp cũng không chính xác 100% hoặc không rõ ràng. Ví dụ khi ổ di căn còn nhỏ ít tế bào, hấp thu phóng xạ chưa tăng có ý nghĩa thì cũng không phát hiện được (độ nhạy không phải là 100%) nên có số ít ca khi chụp PET-CT chưa thấy di căn. Vài tháng sau khối u đủ lớn thì thấy di căn đầy rẫy. Hoặc một số bướu tiển triển chậm, tức sinh đẻ chậm, thì cũng chẳng hấp thu đường nhiều nên PET-CT cũng không ghi nhận được thông tin gì thêm (hay gặp các Sarcom loại diễn biến chậm).

3. Không phân biệt được chính xác viêm và ung thư trong nhiều trường hợp. Cái này thì có một số biện pháp để hạn chế và loại trừ. Ví dụ trước khi chụp PET-CT nên xem có viêm nhiễm gì thì điều trị viêm hết hãy chụp. Viêm amidal, viêm họng thanh quản, viêm dạ dày, đại tràng… đều có thể cho hình ảnh giả ung thư. Đôi khi bệnh nhân nói nhiều khàn tiếng chụp lên còn có hình ảnh giả ung thư dây thanh… tuy nhiên với bác sĩ nhiều kinh nghiệm họ có thể phân biệt khá khá trường hợp. Nhưng có một số ca phải tiến hành khảo sát bằng soi hay sinh thiết để phân biệt. Và có những trường hợp chẳng thể làm gì để phân biệt có phải ung thư hay chỉ viêm, lao… phân biệt mấy tổn thương lao ở vị trí hiểm là “khúc xương” không có mùi thịt cho các bác sĩ!

Chụp PET-CT trong điều trị ung thư

Và cuối cùng ai là người được lợi bởi PET-CT? Bệnh nhân chứ ai. Bệnh nhân ung thư nào có chỉ định chụp PET-CT cũng được chụp PET-CT thì tốt quá. Thậm chí là chụp trước điều trị, đánh giá đáp ứng điều trị, kết quả điều trị, tái phát…

Vậy ai là người lãnh đủ. Là bác sĩ và cuối cùng vẫn là bệnh nhân chứ ai. Khi nào phải lãnh đủ?

1. Khi bệnh đó không có chỉ định chụp (rơi vào các nguyên nhân trên) mà cứ chụp (do bác sĩ không nắm được chỉ định hoặc bệnh nhân thấy quảng cáo PET-CT tốt nhất hiện đại nhất cứ tìm mọi cách chụp) rồi lại đặt trọn niềm tin vào xét nghiệm đó. Ví dụ muốn xem có tái phát u não không lại cho chụp PET-CT, kết quả bảo chẳng thấy gì bất thường. Nhưng thực ra là tái phát rồi chỉ chụp MRI đã thấy. Ung thư máu cũng vậy chụp PET-CT cũng vô ích..

2. Khi tầm soát ung thư bằng cách chụp PET-CT. Do nghe nói quét toàn thân từ đầu đến chân tìm ung thư (Thực ra việc có nên làm cái này hay không đang có tranh cãi nên tôi không bàn đúng sai). Chỉ có điều kết quả bệnh mà thấy một chỗ nào đó hấp thu nhè nhẹ phóng xạ. Lúc đó thì lãnh đủ. Vì nhè nhẹ nên không khẳng định là ung thư. Mà muốn biết chính xác là ung thư không phải sinh thiết. Mà sinh thiết thì có cái dễ, có cái khó khăn đôi khi phải mổ ra. Bạn sẽ đau đầu khi phải ra quyết định có nên gây mê mổ cắt 1 phần phổi chứa khối mà PET-CT nghi ngờ để xem có bị ung thư không. Có thì bạn hẳn dũng cảm lắm, nếu mổ ra ung thư thật thì mĩ mãn quá, giai đoạn cực sớm. Nhưng hầu hết mọi người không dám mổ với cái chẩn đoán chưa biết là lành hay ác đó. Và sẽ được theo dõi tháng ngày trong nỗi sợ hãi ung thư. Vì vậy nếu có nhiều tiền để chụp PET-CT để tầm soát ung thư bạn hãy tìm hiểu kĩ những lợi hại trước hãy làm. Và hãy xác định tâm thế không hoảng loạn chạy ngược chạy xuôi nếu không may rơi vào hoàn cảnh trớ trêu trên.

3. Bác sĩ cũng lãnh đủ khi: cứ nghĩ chụp PET sẽ ra bệnh. Ai dè chẳng ra được lại có khi rối hơn. Giải thích bệnh nhân thế nào với số tiền họ bỏ ra, xử trí sao với những tình huống éo le trên nếu gặp phải. Có khi tìm câu giải thích cho câu hỏi của bệnh nhân tại sao như vậy cũng đau đầu.

Tóm lại để quyết định chụp PET-CT hay không hãy tìm hiểu kĩ xem lợi hại thế nào. Lắng nghe lời khuyên của bác sĩ có nên làm và mức độ cần thiết thế nào. Đừng tự chỉ định mà hại thân!

Và tất nhiên vị bác sĩ khuyên bạn phải là người có hiểu biết về chụp PET-CT!

BS. Nguyễn Thành Luân

Bấm Vào Đây Để Vào Thư Viện

✽✽✽✽✽✽