Phương pháp miến dịch với đột biến gen EGFR
Nếu mọi người đọc trang này từ đầu và đặc biệt là những ai trao đổi thảo luận riêng thì đều biết là mình luôn bảo miễn dịch với đột biến gen EGFR, ALK được ví như nước với lửa. Nếu bạn là bệnh nhân có đột biến gen EGFR/ALK thì phác đồ miễn dịch đơn độc không bao giờ dành cho bạn, bất kể bạn có bộc lộ PD1/L1 cao bao nhiêu đi chăng nữa, kể cả là 100%! Nhiều người không nắm được điều này nên đã gây hại cho rất nhiều bệnh nhân – đưa ra lời khuyên kiểu kháng đích thì chuyển sang dùng miễn dịch. Dịch cái bần bịch, đúng kiểu thầy bói xem voi – trúng thì trúng mà không trúng thì ừ!
Việc dùng miễn dịch đơn độc đối với những bệnh nhân EGFR, ALK là không bao giờ được (lưu ý là với gen KRAS thì dùng miễn dịch lại okie. Nên cần đặc biệt thận trọng khi đi nghe lỏm câu được câu chăng ở đâu đó về gen với miễn dịch xong đi chém tùm lum). Vậy một câu hỏi đặt ra là khi đem miễn dịch ghép vô hoá trị thì bệnh nhân đột biến gen EGFR có dùng được không? Đi sâu tiếp, đem miễn dịch ghép vô hoá trị cộng ghép thêm cả kháng thể đơn dòng (đây là một phác đồ thực sự ngốn tiền) thì bệnh nhân đột biến gen EGFR có dùng được không?
Phác đồ gộp miễn dịch vô hoá trị trước nay vẫn được một số bác sĩ sử dụng để làm lựa chọn điều trị ở bước kế tiếp dành cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ biểu mô tuyến, có đột biến gen EGFR sau khi kháng đích. Nhưng cách đây vài hôm (7/2022), một nghiên cứu có độ tin cậy lớn vừa mới được Whitney E.Lewis cùng các cộng sự của mình công bố cho thấy rằng việc bổ sung miễn dịch vô hoá trị sẽ không đem lại lợi ích sống còn nào cả dù là thời gian sống không bệnh tiến triển hay thời gian sống còn toàn bộ. Tin không vui này như một phép trừ, khi mà số lựa chọn phác đồ điều trị cho bệnh nhân kháng đích vốn đã ít ỏi thì nay thậm chí còn ít ỏi hơn.
732 bệnh nhân có đột biến gen EGFR đã được tập hợp từ dữ liệu của Viện MD Anderson (Trung tâm điều trị ung thư số 1 của Mỹ và thế giới) từ tháng 3/2014 cho đến tháng 3/2021. Trong tổng số 732 bệnh nhân này thì có 178 bệnh nhân đủ điều kiện để phân tích. Toàn bộ 178 bệnh nhân đã kháng thuốc đích và được điều trị bằng liệu pháp toàn thân ngay sau đó. Có 84 bệnh nhân được điều trị bằng hoá trị, 30 bệnh nhân được điều trị bằng hoá trị gộp miễn dịch, 11 bệnh nhân được điều trị bằng hoá trị gộp kháng thể đơn dòng + miễn dịch, 31 bệnh nhân điều trị bằng hoá trị gộp kháng thể đơn dòng, và 22 bệnh nhân điều trị đơn độc bằng miễn dịch. Trung vị tuổi của bệnh nhân tại thời điểm điều trị kháng đích là 63.3 (phạm vi từ 27.4 đến 83.3) 103 bệnh nhân là nữ (chiếm 57.9%), 102 bệnh nhân là người da trắng (chiếm 57.3%). Trung vị của thời gian theo dõi là 42 tháng. Tổng số bệnh nhân tử vong vì bất kỳ lý do nào trong giai đoạn này là 127 (chiếm 71.3%).
Kết quả phân tích cho thấy việc gộp thêm miễn dịch (PD1/L1) vô phác đồ hoá trị platinum không đạt được lợi ích nào đối với những bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ biểu mô tuyến đã kháng đích EGFR. Mặc dù không nhiều – nhưng việc bổ sung kháng thể đơn dòng (VEGF) vô phác đồ gộp tỏ ra có lợi đối với những bệnh nhân kháng đích EGFR. Hiên nay, rất nhiều nghiên cứu lâm sàng đang diễn ra nhằm đánh giá đâu mới là lựa chọn tối ưu cho bệnh nhân kháng đích. Hoá trị đơn độc hoặc hoá trị gộp kháng thể đơn dòng vẫn là lựa chọn tốt cho tới thời điểm này dành cho bệnh nhân kháng đích EGFR.
BÀI HỌC RÚT RA Ở ĐÂY LÀ GÌ?
1. Miễn dịch (PD1/L1) và thuốc đích (EGFR/ALK) từ lâu đã được giới chuyên môn mặc định là như nước với lửa. Việc sở hữu đột biến gen (EGFR/ALK) gần như là một chỉ dấu cho thấy rằng miễn dịch đơn độc sẽ không phải là lựa chọn cho bệnh nhân đó. Tuy miễn dịch không thể đơn thương độc mã – một thân một mình giúp ích cho bệnh nhân đột biến gen, nhưng khi đóng vai trò là chất bổ trợ – gộp vô phác đồ hoá trị thì liệu miễn dịch sẽ đem lại lợi ích hay chỉ đem đến sự thiệt hại?
2. Vào tháng 7/2022 Whitney E.Lewis cùng các đồng nghiệp đã thực hiện một nghiên cứu hồi cứu trên 178 bệnh nhân trong 7 năm để đi đến kết luận việc bổ sung miễn dịch vô hoá trị không đem lại lợi ích nào đối với bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ biểu mô tuyến trước đó đã kháng đích EGFR. Ngược lại, trước đó vào tháng 10/2021 S. Gadgeel cùng các đồng nghiệp của mình tiến hành nghiên cứu trên 33 bệnh nhân và đi đến kết luận rằng việc bổ sung miễn dịch (pembrolizumab) vô hoá trị đã đem lại lợi ích sống không bệnh tiến triển trung vị 8.3 tháng đối với những bệnh nhân có đột biến gen kháng đích EGFR! Sự mâu thuẫn này mang đến một thông điệp cho các bác sĩ ung bướu cần đặc biệt thận trọng khi đưa ra quyết định điều trị. Tại thời điểm này, hầu hết các chuyên gia đều tỏ ra thất vọng và sẽ không đi theo con đường miễn dịch gộp hoá trị cho những bệnh nhân kháng đích EGFR nữa. Nghiên cứu của Whitney E.Lewis tuy chưa hoàn hảo nhưng so với nghiên cứu của S.Gadgeel thì nó có độ tin cậy lớn hơn nhiều và nó là dữ liệu tham khảo tốt nhất tính cho tới thời điểm tháng 7/2022. Tạm thời bỏ qua – chưa hành động là lựa chọn của nhiều chuyên gia trước khi đợi một đánh giá ở quy mô lớn hơn, có độ tin cậy cao hơn.
3. Đối với những bệnh nhân KHÔNG có đột biến gen EGFR, ALK thì phác đồ miễn dịch gộp hoá trị đã được sử dụng rộng rãi như là điều trị bước đầu. Còn với những bệnh nhân có đột biến gen EGFR và bị kháng đích thì dựa vào nghiên cứu Impower 150, phác đồ miễn dịch gộp kháng thể đơn dòng cộng hoá trị đã cho ra trung vị của thời gian sống không bệnh tiến triển vượt 10.2 tháng cùng tỷ lệ đáp ứng lên đến 71% – đây thực sự là một con số ấn tượng đối với nhóm bệnh nhân được liệt vào dạng khó điều trị như bệnh nhân kháng đích EGFR.
Các bạn cần đọc kĩ, tránh bị tẩu hoả nhập ma Để tôi tóm tắt lại bằng mấy câu ngắn thế này: miễn dịch đơn độc thì không dùng được, miễn dịch gộp hoá trị thì tạm dừng không dùng đến nữa, còn miễn dịch gộp hoá trị cộng gộp thêm cả kháng thể đơn dòng thì vẫn dùng tốt (vẫn dùng tốt nhưng yêu cầu người bệnh phải sở hữu 2 cái tốt. Đó là tiềm lực tài chính tốt – vì đây là một phác đồ ngốn tiền, và sức khoẻ của bệnh nhân điều trị cũng phải tốt vì phác đồ là sự kết hợp của những 4 thuốc điều trị!).
Chiến Thắng Ung Thư
✽✽✽✽✽✽