Sinh thiết ung thư: Tại sao và khi nào

Sinh thiết là gì?

Sinh thiết (Biopsy) là thủ thuật lấy một mẫu mô nhỏ từ một phần của cơ thể. Các mẫu mô sau đó được khảo sát dưới kính hiển vi để tìm tế bào bất thường. Đôi khi mẫu mô được khảo sát theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, nó có thể được thử nghiệm với thuốc thử hóa học để giúp xác định các hóa chất bất thường trong mẫu mô. Đôi khi các xét nghiệm được thực hiện trên mẫu mô để tìm vi khuẩn hoặc các mầm bệnh khác.

Tại sao phải làm sinh thiết?

Khi người bệnh có triệu chứng nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán. Các phương pháp như chụp CT, X-quang, siêu âm, v.v. có thể giúp xác định các bất thường như khối u, vị trí và kích thước khối u, nhưng không thể phân biệt được giữa u lành tính và ác tính. Do đó, sinh thiết được chỉ định nhằm loại bỏ một số mô tại khu vực nghi ngờ và quan sát dưới kính hiển vi, để kết luận xem có tế bào ung thư hay không.

Ví dụ, nếu một người phụ nữ có khối u ở vú, chụp X-quang vú sẽ xác định được khối u, nhưng sinh thiết là cách duy nhất để xác định xem đó là ung thư vú hay 1 tình trạng khác không phải ung thư, chẳng hạn như xơ hóa, hay u nang…

Các loại sinh thiết

Có nhiều loại sinh thiết khác nhau, tùy theo mỗi tình trạng và diện tích của vùng nghi ngờ mà bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp phù hợp. Đối với hầu hết các loại sinh thiết, người bệnh sẽ được gây tê để giảm đau.

– Sinh thiết tủy xương

Nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh có vấn đề về máu, chẳng hạn như bệnh bạch cầu, thiếu máu, nhiễm trùng, ung thư hạch bạch huyết… người bệnh sẽ cần làm sinh thiết tủy xương. Xét nghiệm này cũng được sử dụng để kiểm tra xem các tế bào ung thư xuất phát từ nơi khác trong cơ thể đã di căn tới xương hay chưa.

– Sinh thiết nội soi

Nội soi là dùng ống nội soi (endoscope) nhỏ để “nhìn” vào các phần khác nhau của cơ thể. Sinh thiết thường được thực hiện trong các thủ thuật nội soi. Ví dụ, trong nội soi dạ dày (ống nội soi được đưa qua miệng và vào dạ dày), bác sĩ có thể lấy sinh thiết niêm mạc dạ dày.

– Sinh thiết bằng kim

Được sử dụng để lấy mẫu da, hoặc bất kỳ mô nào dễ tiếp cận dưới da. Các loại sinh thiết kim khác nhau bao gồm:

+ Sinh thiết kim lõi: sử dụng kim cỡ trung bình để chiết ra một cột mô.

+ Sinh thiết kim nhỏ: sử dụng một kim nhỏ gắn vào một ống tiêm, cho phép lấy chất lỏng và tế bào ra.

+ Sinh thiết dưới hướng dẫn của các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT… cho phép bác sĩ có thể tiếp cận các khu vực cụ thể, chẳng hạn như phổi, gan, hoặc các cơ quan khác.

+ Sinh thiết hỗ trợ hút chân không sử dụng hút chân không để thu thập tế bào.

Sinh thiết kim.

– Sinh thiết da

Nếu bạn có phát ban hoặc tổn thương trên da, đã điều trị nhưng không đáp ứng điều trị, và không tìm ra nguyên nhân chính xác, bác sĩ cũng yêu cầu sinh thiết vùng da này. Trước khi thực hiện, người bệnh được gây tê, sau đó bác sĩ sẽ loại bỏ 1 phần nhỏ của da để gửi tới phòng thí nghiệm, để xác định các nguyên nhân như nhiễm trùng, ung thư, viêm các cấu trúc da…

– Sinh thiết phẫu thuật

Đôi khi, bạn đang được phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật có thể lấy một mẫu mô nhỏ đem khảo sát trong vòng vài phút. Điều này có thể giúp các bác sĩ phẫu thuật xác định nguyên nhân của khối u, và quyết định tiến hành phẫu thuật thế nào.

– Sinh thiết cắt bỏ

Sinh thiết cắt bỏ có nghĩa toàn bộ khối u được lấy ra để để tìm tế bào bất thường. Sinh thiết cắt bỏ có thể được thực hiện dưới gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân, tùy thuộc vào vị trí của khối u. Ví dụ, loại sinh thiết này có thể được thực hiện cho khối u ở vú.

– Sinh thiết lỏng

Kỹ thuật này không xâm lấn các cơ quan của cơ thể. Các bác sĩ chỉ lấy một ít dịch lỏng như nước tiểu, máu hoặc dịch từ khối u để chẩn đoán bệnh. Phương pháp này ít rủi ro và không tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên, độ chính xác lại không cao. Vì thế, nó chỉ dùng để sàng lọc bệnh ung thư trong giai đoạn đầu

Sinh thiết có rủi ro nào không?

Bất kỳ quy trình y khoa nào liên quan đến việc xâm nhập vào da đều có nguy cơ nhiễm trùng hoặc chảy máu.

Theo các chuyên gia thì xét nghiệm thường không gây nguy hiểm. Đây được coi là thủ thuật nhỏ, ít xảy ra rủi ro với khả năng nhiễm trùng thấp mà lại cho ra kết quả chính xác cao hơn các biện pháp khác.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp thì xét nghiệm sinh thiết có thể ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận, ví dụ như tổn thương ruột như thực hiện sinh thiết vùng bụng. Ngoài ra, xét nghiệm này cũng có thể dẫn đến chảy máu, xét nghiệm sai vị trí, không lấy đủ mẫu xét nghiệm dẫn đến chẩn đoán sai lệch kết quả và phải lấy mẫu lại gây khó chịu, tốn thời gian cho bệnh nhân. Theo như nghiên cứu, các trường hợp xảy ra biến chứng chỉ chiếm hơn 5% sau khi xét nghiệm. Vì vậy đây vẫn là kỹ thuật an toàn.

Quy trình thực hiện sinh thiết

Thông thường, quy trình thực hiện xét nghiệm sinh thiết bao gồm:

Chuẩn bị

Vài ngày trước khi thực hiện xét nghiệm sinh thiết, bệnh nhân cần phải kiêng một số loại thực phẩm cụ thể hoặc các loại thuốc đang sử dụng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần kiêng ăn và uống trong vài tiếng trước khi làm xét nghiệm. Người bệnh sẽ được làm xét nghiệm máu và đánh giá khả năng dị ứng với một số chất liên quan.

Trong khi sinh thiết

Nếu thực hiện phương pháp sinh thiết kim hoặc bấm thì bệnh nhân sẽ được bác sĩ gây tê ngoài da tại chỗ đâm kim để làm giảm đau đớn. Đối với bệnh nhân thực hiện sinh thiết cắt bỏ hay nội soi thì cần phải gây tê cục bộ hoặc toàn thân. Quá trình xét nghiệm sinh thiết thường diễn ra trong vòng vài phút tới vài giờ.

Sau khi sinh thiết

Người bệnh sẽ ở lại bệnh viện khoảng vài giờ để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe và được cho uống thuốc giảm đau. Nhằm đảm bảo không xảy ra tình trạng chảy máu kín ở các cơ quan nội tạng bị can thiệp, xét nghiệm lượng máu có thể được thực hiện. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm một vài xét nghiệm khác như tia X, chẩn đoán hình ảnh. Sau vài giờ, bệnh nhân có thể về nhà và sinh hoạt được như bình thường.

Phân tích mẫu sinh thiết

Sau khi lấy ra một mẫu mô từ cơ thể của người bệnh, mẫu mô này sẽ được gửi tới phòng thí nghiệm bệnh lý học. Mô được tách ra thành các lát mỏng, sau đó đặt một phần mô vào một phiến kính và kiểm tra dưới kính hiển vi, phần mô còn lại sẽ được lưu trữ để sử dụng cho các nghiên cứu sau. Thông qua kính hiển vi, bác sĩ có thể tìm ra được các bất thường trong cấu trúc tế bào, từ đó chẩn đoán được tình trạng bệnh. Khâu phân tích này thường mất vài giờ, thậm chí vài ngày tùy thuộc vào mức độ phức tạp.

Sinh thiết được sử dụng trên các bộ phận cơ thể nào?

Mẫu sinh thiết có thể được lấy ra từ bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Phổ biến nhất là:

Xương: Sinh thiết lấy mẫu xương để kiểm tra ung thư, nhiễm trùng hoặc các tế bào bất thường có hiện diện không. Sinh thiết xương nên được thực hiện sau khi tất cả các phương pháp chụp ảnh đã được thực hiện.

Tủy xương: Vì các tế bào máu hình thành từ tủy xương nên sinh thiết tủy xương được sử dụng nhằm:

Chẩn đoán các bất thường của các tế bào máu (mà không thể được thực hiện trên máu).

Phân tích u ác tính của tế bào máu, ví dụ như bệnh bạch cầu và ung thư hạch.

Phổi: Sinh thiết màng phổi là phổ biến nhất.

Hệ tiêu hoá: Có thể thực hiện nhiều loại sinh thiết trên hệ tiêu hóa thông qua việc nội soi, ví dụ như sinh thiết thực quản, dạ dày, tá tràng qua miệng; và sinh thiết trực tràng, đại tràng qua hậu môn. Sinh thiết ruột non còn rất khó khăn do sự phức tạp về hình dạng của ruột non.

Gan: Sinh thiết gan được thực hiện để phát hiện ung thư hoặc các bệnh gây rối loạn men gan.

Sinh thiết gan còn được dùng để:

Đánh giá sự phản ứng của cơ thể đối với các liệu pháp chữa trị đối với bệnh viêm gan (không được sử dụng để chẩn đoán).

Đánh giá định lượng nồng độ đồng trong gan đối với bệnh Wilson.

Tuyến tiền liệt: Bao gồm sinh thiết theo hướng trực tràng, đáy chậu và ống tiểu.

Hệ thần kinh: Bao gồm sinh thiết não, màng não và dây thần kinh.

Hệ niệu sinh dục: Bao gồm sinh thiết thận, nội mạc tử cung và cổ tử cung.

Các cơ quan khác: Bao gồm sinh thiết vú, hạch bạch huyết, cơ bắp và da.

Vậy kết quả sinh thiết có chính xác không?

Sinh thiết là phương pháp được đánh giá có độ chính xác cao, nhằm xác định nguyên nhân và mức độ tổn thương tại các vị trí trên cơ thể. Có nhiều người lo lắng không biết kết quả sinh thiết có chính xác không? Với vấn đề này, bạn không nên quá lo lắng vì nhìn chung các kết quả sinh thiết có tỉ lệ chuẩn xác khá cao. Tiến hành sinh thiết cũng là một phương pháp khá an toàn và có tỉ lệ thành công cao giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý và đánh giá được mức độ thương tổn của tế bào.

Tuy nhiên một vài trường hợp sinh thiết có thể cho kết quả “dương tính giả” với ung thư, nhưng xác xuất này chiếm tỷ lệ rất nhỏ, thường được liệt kê vào một trong các sai sót y khoa có tỷ lệ thấp. Để đảm bảo kết quả sinh thiết được chính xác, bạn nên lựa chọn cho mình một địa chỉ uy tín để tiến hành xét nghiệm sinh thiết.

Bấm Vào Đây Để Vào Thư Viện

✽✽✽✽✽✽