Sự thật hút thuốc lá gây ung thư phổi
Những ai đọc về ung thư phổi và thuốc lá không ai không biết đến những cái tên như Richard Doll, Richard Peto, Bradford Hill. Đó là những nhà nghiên cứu tiên phong vào thập niên 1950, họ có công chỉ ra rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi. Nhưng ít ai biết được câu chuyện đời của Bs Richard Doll, rất đáng để thế hệ sau học hỏi …
1. Xuất thân trung lưu & ham vui
Richard Shaboe Doll sinh năm 1912 tại quận Hampton vào ngày 28/10/1912. Ông qua đời năm 2005, thọ 93 tuổi. Chức vụ sau cùng là Giáo sư Y khoa thuộc Đại học Oxford. Ông để lại cho đời hành lọat nghiên cứu quan trọng; một trong những nghiên cứu đó là công trình đầu tiên trên thế giới về mối liên quan giữa hút thuốc lá và ung thư phổi qua một mô hình nghiên cứu đơn giản là “bệnh chứng” (tức case-control design như chúng ta biết đến ngày nay). Nhưng câu chuyện đằng sau khám phá đó là cả một bài học về tinh thần khoa học và giá trị nghiên cứu y học.
Ông sinh ra trong một gia đình trung lưu. Thân phụ là bác sĩ, và muốn ông theo đuổi sự nghiệp thầy thuốc. Tuy nhiên, ông thì thích học ngành toán, nhưng thi rớt. Lí do thi rớt là trong đêm trước khi thi ông uống quá nhiều bia và say xỉn, nên khi vào làm bài thì … trớt quớt. Sau đó, ông thi vào học sinh học, và từ đó dẫn ông đến học ngành y. Thời đó thi vào y khoa không quá cạnh tranh như ngày nay. Ông theo học y khoa tại Trường Y của Bệnh viện St Thomas, và tốt nghiệp vào năm 1937. Khi nhìn lại cuộc đời, ông hay nói đùa là bia hôm đó quá ngon [ý nói ông may mắn theo học y khoa mà không phải theo học toán].
2. Người “socialist”
Thời đó, [chủ nghĩa] fascism đang lên ở Đức và gieo rắc khủng bố khắp nơi, nên ông trở thành một … socialist. Nhưng ông không phải là đảng viên đảng cộng sản hay xã hội; ông chỉ tham gia Hội Socialist. Ông sáng lập St. Thomas’s Socialist Society và là thành viên của Interhospital Socialist Society. Ngay từ thời đó ông đã nhận thức rằng sinh viên y khoa cần phải có kiến thức về xã hội, phải biết các yếu tố xã hội có liên quan đến bệnh tật.
Khi chiến tranh xảy ra, ông tòng quân và giữ chức bác sĩ quân đội. Nhưng chẳng may năm 1944 ông bị lao thận (renal tuberculosis) và phải qua điều trị dài ngày. Đến năm 1945 thì ông được xuất viện. Sau khi xuất ngũ, ông quay về làm việc cho Bệnh viện St Thomas, nhưng công việc không trôi chảy như ông nghĩ. Ở St Thomas, ông không chịu nổi với thói phách lối của các đồng nghiệp trẻ tuổi, những người xem ông như là những bác sĩ quân y thiếu kiến thức y học. Ông thường hay cãi cọ với họ, những người có vị trí cao hơn ông, và thế là ông quyết định rời St Thomas.
Sau khi rời St Thomas, ông gặp Bs Joan Faulker lúc đó đang là một quan chức cao cấp trong Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Anh (MRC). (Bs Faulkner sau này trở thành phu nhân của ông). Bs Faulker tìm cho ông một công việc tại bệnh viện Central Middlesex và làm việc cùng với Bs Avery Jones lúc đó đang theo đuổi một dự án nghiên cứu về loét dạ dày. Trong thời gian làm việc, ông hay báo cáo kết quả các nghiên cứu, và qua đó ông được sự chú ý của một nhân vật lừng danh là Bradford Hill lúc đó cũng là một nhà nghiên cứu quan trọng của MRC.
3. Nghiên cứu bệnh chứng về hút thuốc lá và ung thư phổi
Bardford Hill nhận thấy Bs Richard Doll là một nhà khoa học có tiềm năng. Sau vài tháng, ông mời Doll về làm việc cho Statistical Research Unit (SRU) của MRC do Hill làm giám đốc. Kể từ đó, hai người – Hill và Doll – trở thành hai nhân vật huyền thoại trong lịch sử dịch tễ học. Năm 1961, sau khi Bradford Hill nghỉ hưu, Richard Doll trở thành Giám đốc của SRU, và dưới sự điều hành của ông SRU trở thành một trung tâm nghiên cứu với những công trình nghiên cứu liên quan đến ung thư máu, lao phổi, loét dạ dày, tim mạch, v.v. nổi tiếng thế giới.
Đó cũng là trung tâm huấn luyện cho rất nhiều chuyên gia dịch tễ học lâm sàng trên thế giới. Năm 1969, ông được bổ nhiệm chức vụ Regius Professor of Medicine thuộc Đại học Oxford, một chức vụ danh giá nhất trong hệ thống khoa bảng của Anh Quốc. Rất nhiều tên tuổi nổi tiếng trong thế giới dịch tễ học và thống kê học được đào tạo từ lò MRC dưới sự hướng dẫn của Richard Doll. Những tên tuổi nổi tiếng nhứt phải kể đến Richard Peto, Malcolm Pike, Martin Vessey, Sarah Darby, và Nicholas Wald.
Công trình nghiên cứu về ung thư phổi và hút thuốc lá diễn ra vào năm 1948. Ông và Bradford Hill thiết kế một bộ câu hỏi ngắn và nhờ các nhân viên xã hội phỏng vấn các bệnh nhân trong Bệnh viện London, những người nghi ngờ là bị ung thư phổi, gan, và ruột. Tổng cộng có 650 người. Ngoài ra, họ còn phỏng vấn các bệnh nhân không bị ung thư. Sau khi chẩn đoán đã được xác định, họ ngồi xuống phân tích, và phát hiện đa số những người trong nhóm ung thư từng hút thuốc lá! Đó là một phát hiện ngạc nhiên, bởi vì thời đó thuốc lá được xem là vô thưởng vô phạt và ung thư là do ô nhiễm không khí (giống như nhiều người Việt hiện nay nghĩ).
Cảm thấy kết quả quá quan trọng, Richard Doll và Bradford Hill bèn liên lạc các quan chức y tế để thuyết phục họ “do something” (làm cái gì đó). Các quan chức y tế lịch sự nghe họ báo cáo, nhưng họ đề nghị là nên nghiên cứu thêm cho chắc ăn. Họ về MRC và thực hiện một nghiên cứu khác trên 750 bệnh nhân ở các bệnh viện Bristol, Cambridge, Leeds, và Newcastle.
Trong khi họ làm nghiên cứu mới thì họ nghe tin rằng bên Mĩ mới công bố một bài báo cùng chủ đề. Tập san bên Mĩ công bố bài báo là JAMA (Journal of the American Medical Association) (1). Hill và Doll bèn liên lạc BMJ (British Medical Journal), lúc đó là ‘đối thủ’ nhưng được xếp hạng cao hơn JAMA, đề nghị BMJ công bố ngay kết quả đầu của họ. Tổng biên tập BMJ Hugh Clegg đồng ý cho công bố mà không qua bình duyệt. Bài báo có tựa đề khiêm tốn là “Smoking and carcinoma of the lung; preliminary report” (2), và cho đến nay đã có hơn 2000 trích dẫn (GS). Bài báo trên JAMA được trích dẫn hơn 1500 lần (GS). Các bạn theo học trong các workshop trước có lẽ để ý thấy mỗi lần nói về mô hình case-control tôi đều lấy dữ liệu của bài Doll và Hill ra làm ví dụ.
Nhưng Chánh phủ Anh vẫn chưa có hành động chống hút thuốc lá sau khi bài báo được công bố. Thật ra, lúc mới công bố kết quả đó, giới chuyên ngành chẳng ai tin. Sau đó, họ làm thêm một nghiên cứu ‘đoàn hệ’ (prospective study) theo dõi những bác sĩ có thói quen hút thuốc lá, rồi ghi nhận số ca ung thư sau đó. Sau 29 tháng theo dõi, họ ghi nhận được 36 ca ung thư phổi và bệnh tim mạch, nhưng đến năm thứ tư thì số ca lên đến 200 người. Những ca ung thư phổi toàn phát hiện ở những người hút nhiều thuốc lá. Họ công bố kết quả trên BMJ vào năm 1954 (3).
Bài báo đó đã gây sự chú ý của kĩ nghệ sản xuất thuốc lá. Ngay sau khi công bố bài báo, Tổng giám đốc và một chuyên gia thống kê của công ti Imperial Tobacco đến “thăm” Doll và Hill. Hai nhân vật của kĩ nghệ thuốc lá tranh luận về kết quả của Doll và Hill, họ cho rằng cách thiết kế nghiên cứu của Doll và Hill chưa đủ mạnh để kết luận về mối liên hệ nhân quả. Chẳng hiểu sao 5 năm sau chuyên gia thống kê của công ti từ chức, vì ông cảm thấy thuyết phục rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi. Chuyện kể rằng khi ông từ chức, ông dùng số tiền dành cho tiếp khách của công ti mời vợ chồng Bs Doll đi ăn tối.
4. Di sản dịch tễ học
Ông nhận được rất nhiều giải thưởng trong và ngoài chuyên ngành. Các giải thưởng này bao gốm các bằng cấp danh dự từ các đại học Newcastle, Belfast, Birmingham, London, Oxford, Harvard, Stony Brook. Ngoài ra, ông còn được ‘kết nạp’ thành Fellow (viện sĩ) của Royal Society, thành viên cao cấp của Viện Y Khoa Hoa Kì, Fellow ngoại quốc của Viện hàn lâm khoa học Hoa Kì. Còn giải thưởng thì nhiều vô kể, bao gồm giải thưởng của Cancer Research, Nuffield Medal (Royal Society of Medicine), General Motors Cancer Fund Charles Mott Prize for Cancer Research, Alton Ochsner Award, Erkki Saxen Medal of the Cancer Society, Shaw Prize in Life Science and Medicine, và King Faisal Award for Medicine. Ông được tấn phong “hiệp sĩ” (Sir) bởi Hoàng hậu Elizabeth Đệ Nhị. Ông được đề cử giải Nobel Y sinh học, nhưng chẳng hiểu sao ông không được trao giải. Đại học Oxford mới khánh thành một toà nhà lấy tên ông “Richard Doll Building”, chuyên tập trung vào nghiên cứu dịch tễ học với qui mô lớn.
Tính chung, ông để lại cho đời hơn 500 bài báo khoa học; trong đó có những bài làm thay đổi nhận thức về tác hại của thuốc lá, tia phóng xạ, dịch tễ học ung thư, và bệnh hen. Trong một bài xã luận, ông viết rằng “rất nhiều bệnh – nghiêm trọng hay nhẹ – có liên quan đến hút thuốc lá phải được xem là một trong những phát hiện lớn nhứt trong lịch sử y khoa của thế kỉ 20.”
Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của Bs Richard Doll chúng ta thấy tầm quan trọng của các nghiên cứu dịch tễ học. Trong quá khứ nghiên cứu dịch tễ học thường tập trung vào các vấn đề y tế công cộng, nhưng ngày nay với khả năng lưu trữ sinh phẩm và phân tích gen, các nghiên cứu dịch tễ học dần dần chuyển sang dạng “molecular epidemiology” hay “genetic epidemiology”, với sự giao thoa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng. Những nghiên cứu dạng này giúp chúng ta có những khám phá quan trọng. Chẳng hạn như nghiên cứu của Gs Barry Marshall dẫn đến khám phá H. pylori là tác nhân gây bệnh loét dạ dày và đem về ông giải Nobel.
Nghiên cứu đoàn hệ là một mô hình rất quan trọng không chỉ để có những dữ liệu quan trọng cho việc hoạch định chánh sách y tế, mà còn là một phương tiện quan trọng để khám phá các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh. Mô hình đoàn hệ còn cung cấp dữ liệu để xây dựng mô hình tiên lượng. Có thể xem nghiên cứu đoàn hệ như là một ‘biobank’ (ngân hàng sinh học), mà các sinh phẩm có thể được sử dụng trong một thời gian dài (như 50 năm). Các nghiên cứu nổi tiếng như Framingham Heart Study, Study of Osteoporotic Fracture, Nurses’ Health Study, Million Women Study, Dubbo Osteoporosis Epidemiology Study, Rotterdam Study, Rancho Bernardo Study, v.v. là những nguồn tài nguyên rất quí báu trên thế giới. Mới đây, chúng tôi cũng bắt đầu một dự án theo mô hình đoàn hệ và lấy tên là ‘Vietnam Osteoporosis Study’ (VOS). Tuy lấy tên là ‘osteoporosis’, nhưng dự án nghiên cứu này xem xét đến các bệnh lí mãn tính và không lây nhiễm khác như béo phì, tiểu đường, tim mạch, ung thư, thoái hoá khớp, v.v. Việt Nam rất cần một nghiên cứu như thế này nhưng lớn hơn (cỡ 500 ngàn đến 1 triệu người) để xác định ngưỡng chẩn đoán béo phì và phục vụ như là một biobank cho các nhà nghiên cứu của cả nước. Kết quả nghiên cứu đoàn hệ có thể làm thay đổi thế giới.
Cuộc đời và sự nghiệp của Bs Richard Doll là một tấm gương sáng cho giới trẻ (và tất cả chúng ta, những ai đang theo đuổi sự nghiệp khoa học). Bác sĩ điều trị lâm sàng có thể có nhiều tiền nhờ cứu giúp hàng ngàn người trong sự nghiệp (như Bs Victor Chang); bác sĩ lâm sàng làm nghiên cứu khoa học có thể nghèo hơn nhưng cứu giúp hàng triệu người (Bs Barry Marshall); và bác sĩ làm về dịch tễ học có lẽ là nghèo nhứt nhưng có thể cứu cả thế giới (Bs Richard Doll).
Bạn chọn sự nghiệp nào?
(1) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15415260
(2) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/14772469
(3) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2085438
Cái note này lấy thông tin từ 2 bài trên BMJ(a) và Am Epidemiol (b), hai bài các bạn có thể tham khảo có nhiều thông tin hay:
(a) https://www.bmj.com/con…/suppl/2005/07/28/331.7511.295.DC1
(b) https://academic.oup.com/aje/article/164/1/95/81165
✽✽✽✽✽✽