Sự thật về tế bào gốc chữa ung thư
Nhân đọc một bài báo viết về chữa khỏi ung thư bằng tế bào gốc làm tôi liên tưởng đến nhiều chiêu trò có thể xem là ‘Sơn Đông mãi võ’ trong y khoa. Nhưng chiêu trò này chỉ làm tốn tiền bệnh nhân và người dân một cách không cần thiết.
Mooshot
Vài năm trước ở bên Mĩ lại có một ông tỉ phú Mĩ gốc Tàu Patrick Soon-Shiong tuyên bố là ông sẽ “cure” (trị dứt) ung thư bằng “moonshot”. Cái moonshot mà ông Soon-Shiong đề cập đến là cách gia tốc hệ miễn dịch để chống lại các tế bào ung thư. Nếu thành công, trong tương lai, bệnh nhân chỉ cần tiêm vaccine được bào chế từ công nghệ di truyền. Giới báo chí gọi ông Soon-Shiong là một ‘czar’ (Sa Hoàng) về y khoa. Ông thuyết phục cả TT Trump và ông Biden.
Nhưng vấn đề là cái moonshot của ông ấy có thực sự hiệu quả điều trị ung thư? Chưa có bằng chứng khoa học nào để nói như thế cả. Chẳng hiểu sao ông này, vốn là một nhà khoa học, mà tự tin như thế. Trong quá khứ ông ấy cũng đã từng có nhiều tuyên bố rất … khó nghe. Chẳng hạn như ông nói rằng ông có một công nghệ có thể giải mã toàn bộ genome trong vòng 47 giây (trong khi đó cái máy hiện đại nhất thế giới mà Viện Garvan đang có tốn đến 1 tuần để giải mã một genome).
Cho đến nay, tức 4 năm sau tuyên bố về moonshot, thì kết quả ra sao? Kết quả là … không có kết quả. Cái moonshot đó chưa thành hiện thực. Và, tôi đoán là sẽ khó thành hiện thực, bởi vì khoa học không có liêu pháp nào mà đơn giản và nhanh như thế.
Theranos
Câu chuyện moonshot cũng chẳng khác gì câu chuyện Theranos. Therabos là tên một công ti công nghệ sinh học do Elizabeth Holmes khởi xướng vào năm 2003. Theranos tuyên bố rằng họ sáng chế ra một phương pháp thử nghiệm máu dùng công nghệ nano, chỉ cần dùng rất ít máu (1/100 lượng máu hiện nay) họ có thể xét nghiệm chẩn đoán cho hàng loạt bệnh, và chi phí rẻ hơn các xét nghiệm hiện nay. Nghe qua rất tuyệt vời. Holmes đã thuyết phục nhiều người đầu tư lên đến 10 tỉ USD.
Ngay lúc đó, nhiều người rất ngạc nhiên về tuyên bố của Theranos, bởi vì chưa có bất cứ một nghiên cứu nào từ công ti được công bố trên các tập san y khoa. Không có dữ liệu nghiên cứu thì làm sao có thể nói công nghệ của Theranos là đáng tin cậy. Không ai biết cơ chế của phương pháp Theranos ra sao, và họ làm gì. Tuy nhiên mới đây có tin rằng người trong công ti đã nghi ngờ rằng phương pháp xét nghiệm không có hiệu quả như họ hứa [2].
Những gì xảy ra sau 2003 thì không khả quan. Trên tập san JAMA, Giáo sư John Ioannidis viết bài xã luận nghi ngờ những lời hứa ‘too good to be true’ của Theranos. Hai kí giả của tờ Wall Street Journal cũng chất vấn những lời hứa của công ti là phi khoa học. Các hiệp hội y khoa Hoa Kì cũng phản đối những tuyên bố quá đáng của Theranos, họ thậm chí còn kiện công ti ra toà. Đến năm 2016, công ti vẫn chưa cho ra đời sản phẩm như đã hứa. Trong cùng thời gian, tình hình tài chánh của công ti không khả quan (thiếu nợ hơn 4 tỉ USD). Đến năm 2017 thì công ti tuyên bố phá sản, và vào thời điểm đó, Theranos đã vay hơn 100 tỉ USD từ nhiều nguồn.
Tế bào gốc
Mấy năm gần đây thì lại xuất hiện những thông tin về chữa trị ung thư bằng tế bào gốc. Phải nói tế bào gốc là một nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghiên cứu y khoa và một niềm hi vọng gần như sau cùng cho việc chữa trị các bệnh mãn tính.
Nhưng khi tôi hỏi một đồng nghiệp là giáo sư về ung thư học về triển vọng dùng tế bào gốc để điều trị ung thư, thì anh ấy chỉ … mỉm cười. Anh ấy nói là trong thực hành lâm sàng mà anh ta đang làm thì tế bào gốc không được dùng trong điều trị ung thư. Tế bào gốc chỉ mới được phê chuẩn cho điều trị bổ sung một bệnh ung thư máu hiếm ở trẻ em.
FDA đã từng cảnh báo về tình trạng lạm dụng tế bào gốc của các công ti chuyên làm lời. Các bạn có thể đọc bài “FDA Warns About Stem Cell Therapies” để biết thêm. NEJM cũng đăng bài cảnh báo về tác hại của tế bào gốc nếu dùng không đúng (https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27959704).
Ấy vậy mà ở một số nước Á châu, có nơi người ta dùng tế bào gốc để chữa trị ung thư. Không ai biết hiệu quả ra sao so với liệu pháp hiện hành. Nhưng nguời ta vẫn quảng bá tế bào gốc như là một liệu pháp cho bệnh nhân ung thư.
Đã “lăn lộn” trong chiến trường nghiên cứu y học 30 năm nay, tôi không tin được cái moonshot của ông tỉ phú Soon-Shiong, tôi cũng không dám tin hiệu quả của tế bào gốc. Là người từng làm tư vấn cho mấy công ti dược về thử nghiệm lâm sàng, tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu công trình thất bại và mấy công ti mất tiền. Kết quả nghiên cứu trên chuột có khi đầy triển vọng, nhưng khi áp dụng trên người thì thất bại thê thảm, có khi gặp rắc rối với pháp luật nữa. Những người làm nghiên cứu trên tế bào và chuột vì không thấy hết cái thực tế phức tạp trong lâm sàng nên nhiều khi có những phát biểu quá đáng, quá tự tin đến nổi khôi hài.
Nhiều người quên rằng con đường của một loại thuốc từ phòng thí nghiệm đến giường bệnh là rất dài. Thường là 20 năm, nhưng với công nghệ hiện đại ngày nay thì có thể 10 năm. Trong đoạn đường đó, phải qua 3-4 bước thử nghiệm, và cứ mỗi bước thử nghiệm thì xác suất thất bại là >90%. Những kết quả bước đầu trên tế bào, trên chuột chỉ là … bước đầu, nó không cho phép nhà khoa học nói bất cứ điều gì liên quan đến chữa trị con người cả. Quên cái nguyên tắc generalization này là rất nguy hiểm. Ngay cả khi thành công và triển khai trên người rồi, mà thất bại vẫn là một nguy cơ. Có ai còn nhớ câu chuyện HRT từ nước đái của ngựa cái?
Hồi nhỏ ở dưới quê tôi rất thích xem những màn trình diễn mà thời đó bà con gọi là Sơn Đông mãi võ. Các đoàn SĐMV thường đến các làng quê để bán thuốc. Thuốc của họ thường là thuốc tễ (mà sau này lớn lên tôi mới biết là toàn corticosteroids). Trong mỗi đoàn chỉ có vài người, và trong cái nhìn của tôi, họ rất giỏi võ. Họ dựng lên một sân khấu nhỏ ngoài chợ, một vài người ra tuyên bố buổi diễn, kéo theo là các màn múa võ, múa kiếm, ảo thuật làm tụi nhỏ tôi trợn mắt theo dõi và trầm trồ. Trong khi đó thì có người đi quanh giới thiệu “thuốc gia truyền”, thường là trị đau nhức, xổ lải, ho, sâu răng, tóm lại là các bệnh tiêu biểu dưới quê (nhưng không có bệnh ung thư). Mỗi lần như vậy họ bán được rất nhiều thuốc, và vừa mua vui cho bà con.
Những quảng bá về tế bào gốc và moonshot cho chữa trị ung thư cũng chẳng khác gì những quảng cáo của các gánh hát mãi võ Sơn Đông. Các đào kép diễn là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ. Thuốc của họ là tế bào gốc, là moonshot. Các đoàn diễn này có thể gây hiếu kì cho bà con, và thậm chí làm cho công chúng hao hụt tiền bạc một phần, nhưng sau đó thì chuyện đâu cũng vào đấy. Người bệnh thì vẫn bệnh mà còn mất tiền.
GS. Nguyễn Tuấn
✽✽✽✽✽✽