Tác dụng phụ của thuốc miễn dịch
1. Bệnh nhân trong bài trước đã được các bác sĩ Bạch Mai cứu giúp qua khỏi cơn nguy kịch, bệnh nhân đã được xuất viện Bạch Mai để trả về viện cũ – nơi điều trị ban đầu. Nhưng một vấn đề tiến thoái lưỡng nan mà những ca như bệnh nhân đó sẽ phải đối mặt là như này: “Trong thời gian bệnh nhân ngưng thuốc ung thư để điều trị tác dụng phụ gây ra do miễn dịch – đích công nhau, ung thư nó không nghỉ ngơi, nó vẫn phát triển, nó không đợi bệnh nhân điều trị tác dụng phụ xong nó mới bùng nổ, mà nó vẫn bùng nổ từng giây từng phút một trong cơ thể bệnh nhân. Sau khi điều trị tác dụng phụ xong, bệnh nhân được xuất viện thì 1 câu hỏi đặt ra lúc này là có cho bệnh nhân dùng lại thuốc đích không? và nếu dùng lại thì bao giờ dùng? Một điều chắc chắn là không thể dùng lại ngay lúc này được vì nguy cơ công nhau của đích – miễn dịch vẫn đang hiện hữu – Tức là không dùng thuốc đích thì sẽ chết vì ung thư bùng nổ, còn nếu dùng thuốc đích thì sẽ chết vì tác dụng phụ, tức là dùng cũng chết mà không dùng cũng chết – tiến thoái lưỡng nan.”
Cách xử lý cho những ca như trên là trì hoãn thời gian nghỉ thuốc càng dài càng tốt. Thời gian trì hoãn được càng lâu thì nồng độ miễn dịch trong cơ thể bệnh nhân sẽ ngày càng nhạt, từ đó khiến nguy cơ miễn dịch – đích công nhau khi sử dụng lại thuốc đích sẽ càng thấp. Con số 3 tháng là con số lý tưởng mà nhiều chuyên gia hàng đầu khuyến cáo. Dĩ nhiên, nếu dưới 3 tháng mà bệnh bùng nổ quá nặng, khi ấy sẽ buộc phải sử dụng lại thuốc và việc sống chết lúc này đành phó mặc cho sự may rủi.
2. Việc phát minh ra thuốc miễn dịch là một cuộc cách mạng trong y học. Kể từ ngày ra đời, thuốc miễn dịch đã thực sự là kẻ thay đổi cuộc chơi trong ung thư phổi nói riêng và trong ung thư nói chung. Phương pháp điều trị ung thư nào cũng có tác dụng phụ, và thuốc miễn dịch cũng không phải ngoại lệ, nó cũng có những tác dụng phụ riêng. Việc hiểu rõ từng tác dụng phụ nào có thể xảy đến trong từng bối cảnh dùng thuốc là vô cùng quan trọng. Ước tính có từ 3 đến 12% số bệnh nhân dùng thuốc miễn dịch phải ngưng sử dụng thuốc do tác dụng phụ. Khi tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra, thuốc miễn dịch sẽ bị ngưng sử dụng và thay thế vào đó là các liệu pháp điều trị toàn thân khác. Tuy vậy, một câu hỏi đặt ra là khi vấn đề tác dụng phụ được giải quyết xong thì liệu có nên quay trở lại dùng thuốc miễn dịch tiếp cho bệnh nhân không? Câu hỏi này hiện nay chưa có kết luận chính thức, đa số các bác sĩ sẽ đều chọn theo phương án an toàn là ngưng sử dụng thuốc miễn dịch VĨNH VIỄN cho bệnh nhân của mình.
3. Vào ngày 24/11/2022 Chuyên gia P. Heukels một lần nữa dấy lên câu hỏi về việc nên hay không nên DÙNG LẠI thuốc miễn dịch đối với những bệnh nhân ban đầu có đáp ứng với thuốc miễn dịch nhưng rồi phải ngưng sử dụng thuốc ngay sau đó do tác dụng phụ.
Cùng với các đồng nghiệp của mình tại Hà Lan, Chuyên gia P. Heukels đã công bố một nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1/2015 cho đến tháng 7/2021. Trong quá trình theo dõi hơn 6 năm đối với các bệnh nhân dùng miễn dịch, có tổng thể hồ sơ của 30 bệnh nhân thoả mãn tiêu chí của nghiên cứu, 30 bệnh nhân này đều cho đáp ứng kết quả tốt khi dùng thuốc miễn dịch, nhưng tất cả sau đó đã phải ngưng sử dụng thuốc do xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Sau khi ngưng sử dụng thuốc, 14 bệnh nhân (47%) vẫn giữ nguyên được tình trạng đáp ứng tốt, bệnh được kiểm soát mà không cần bất kỳ liệu pháp điều trị toàn thân nào khác trong hơn 6 tháng, 7 bệnh nhân (23%) có tiến triển cục bộ một số chỗ và đã được xử lý tốt bằng xạ trị để kiểm soát bệnh, 6 bệnh nhân (20%) gặp phải tình trạng bệnh tiến triển trong thời gian không quá 6 tháng. Đặc biệt, có 3 bệnh nhân (10%) tử vong do tác dụng phụ nghiêm trọng không thể xử lý.
Từ dữ liệu được công bố, P. Heukels chỉ ra rằng có đến 70% bệnh nhân vẫn đạt được tình trạng kiểm soát bệnh tốt trong 6 tháng sau khi ngưng sử dụng thuốc miễn dịch mà không phải dùng đến bất kỳ biện pháp can thiệp toàn thân nào (47% không cần sử dụng bất cứ biện pháp nào thêm, còn 23% là chỉ cần xạ trị cục bộ). Vì vậy, với những bệnh nhân có đáp ứng với miễn dịch và phải ngưng sử dụng miễn dịch ngay sau đó do tác dụng phụ thì trong thời gian 6 tháng tiếp, không cần có thêm chỉ định điều trị toàn thân nào mà vẫn đảm bảo được tình trạng bệnh kiểm soát tốt.
Cuối bài phát biểu, P. Heukels yêu cầu sự thận trọng trong việc DÙNG LẠI thuốc miễn dịch cho bệnh nhân. Ông nói: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng 6 tháng sau khi ngừng miễn dịch, bệnh nhân vẫn đạt được tình trạng kiểm soát bệnh tốt mà không cần dùng thêm bất kỳ biện pháp điều trị toàn thân nào. Điều này nói lên rằng người bệnh vẫn có đủ thời gian cho chúng ta chờ đợi và quan sát. Vì vậy, việc sử dụng lại thuốc miễn dịch – nếu được tính đến, cần phải rất thận trọng”.
Chiến Thắng Ung Thư
✽✽✽✽✽✽