Tại sao khám bệnh định kỳ vẫn không phát hiện sớm được ung thư
Câu hỏi:
Người nhà mình mắc bệnh và có tâm lý buồn chán, trách cứ bệnh viện vì đã không tìm ra bệnh sớm mặc dù có đi khám định kỳ đều đặn. Bạn có quan điểm thế nào trong chuyện này?
Trả lời:
1. Cuộc sống là con đường đi từ khả năng đến mong muốn. Lương bạn 30 triệu/tháng, nhưng bạn thèm muốn cuộc sống của những người lương 80 triệu/tháng. Bạn là nam, cao 1m53, nặng 72 ký, mặt gẫy, trán zô, răng vổ nhưng lại muốn lấy vợ cao 1m72 – da trắng, số đo 3 vòng ngọc trinh, mặt xinh, học đại học và thông thạo ít nhất 2 ngoại ngữ? Không ai đánh thuế ước mơ cả, ai cũng có thể mơ và nỗ lực để đạt đến giấc mơ đó. Nhưng cuộc sống mà, đạt đến một mốc rồi lại nhìn lên mốc cao hơn và cứ thế cứ thế – cuộc đời khi ấy sẽ là khoảng giữa của mong muốn với khả năng. Y học cũng không nằm ngoài quy luật này, bệnh nhân nào cũng muốn phải chẩn đoán được bệnh của mình từ giai đoạn sớm – từ lúc tế bào ung thư còn đang manh nha hình thành. Nhưng không, y học cũng có những hạn chế của riêng nó.
2. Nhiều người lầm tưởng làm theo lời khuyên khám định kỳ thì nếu có bệnh cũng sẽ phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm nhất. Nhưng không phải vậy, việc khám định kỳ chỉ giúp bạn tăng cơ hội phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, chứ không đảm bảo chắc chắn 100% bạn sẽ phát hiện bệnh được ở giai đoạn sớm. Giải thích cho điều này có 2 lý do:
+ Thứ nhất, giả sử tại thời điểm bạn chụp chiếu, cơ thể bạn chưa có ung thư, nhưng ngay buổi tối hôm đó khi bạn đi từ viện về nhà – ung thư bắt đầu xuất hiện… và trong thời gian 6 tháng kể từ hôm đó cho tới lần khám định kỳ kế tiếp là đã quá đủ cho ung thư tiến triển thành giai đoạn cuối rồi.
+ Thứ hai, các thiết bị chụp chiếu để chẩn đoán cho bạn đã không đủ hiện đại để phát hiện ra bệnh tại thời điểm đó – mặc dù bệnh đã tồn tại trong cơ thể bạn. Giả sử phải chụp CT256 dãy mới phát hiện ra bệnh, nhưng bạn chỉ chụp xquang nên không thể phát hiện ra được. Vậy một câu hỏi đặt ra là hãy chụp cho bạn bằng CT256 dãy hoặc bất cứ máy nào hiện đại nhất ở mỗi lần tái khám để giúp bạn phát hiện ra bệnh sớm nhất nhé? Câu trả lời là KHÔNG! việc chụp chiếu bằng máy nào hoàn toàn là do chuyên môn của bác sĩ, bác sĩ phải cân nhắc thiệt hơn giữa mặt lợi và mặt hại để quyết định chụp chiếu bằng thiết bị nào cho bạn. Đừng quên rằng, máy CT càng hiện đại, càng nhiều dãy thì người chụp càng bị nhiễm xạ nhiều, càng có hại cho sức khoẻ, và có hẳn nghiên cứu chứng tỏ việc chụp CT cũng gia tăng khả năng mắc bệnh ung thư! Việc chụp CT256 dãy cho bạn thay vì chụp xquang là câu chuyện nói theo kiểu biết trước, tức là giả sử biết trước bạn bị ung thư ròi thì mới giả sử như vậy, còn tại thời điểm khám thì bạn cũng như bất kỳ ai khác – đều là người chưa có bệnh. Có câu chuyện hài thế này, một bệnh nhân bị chẩn đoán ung thư phổi, sau khi được chụp chiéu MRI và CT128 dãy, xác định bệnh đã di căn não, gan, thận. Bác sĩ lên phác đồ điều trị, bệnh nhân đi nghe ngóng ở đâu về cứ đòi nặng nặc bác sĩ cho chụp PET-CT. Bảo PET-CT là hiện đại nhất có thể chụp từ chân đến đầu, bác sĩ chụp cho tôi với, hãy dùng những thứ tốt nhất để điều trị cho tôi. Kể cả bác sĩ không đồng ý cũng bằng mọi cách dùng quan hệ và chạy chọt để được chụp! Rất khổ!… Bạn phải hiểu là PET-CT cực kỳ độc hại, nó sinh ra để giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh ở một số trường hợp cụ thể, chứ không phải ai cũng nên đi chụp PET-CT. Nếu chụp PET-CT mà không thay đổi đến quyết định điều trị thì chụp làm gì? tức là không chụp PET-CT thì bạn cũng được điều trị như thế, mà có chụp PET-CT xong thì cũng điều trị như thế thì chụp làm gì? vừa tốn kém vừa cực kỳ độc hại cho cơ thể bạn… Cân nhắc giữa lợi và hại rồi từ đó ra quyết định là yếu tố chuyên môn của từng bác sĩ áp dụng trên từng bệnh nhân. Không ai giống ai.
BÀI HỌC RÚT RA Ở ĐÂY LÀ GÌ?
1. Nếu bạn là bệnh nhân ung thư và đang điều trị rồi, thì hãy tuân theo lịch khám của bác sĩ. Ở mỗi lần tái khám, việc chụp cho bạn bằng thiết bị gì là chuyên môn của bác sĩ, đừng đi nghe đồn ở trên mạng rồi về xin bác sĩ làm theo ý mình. Có bác sĩ sẽ dành thời gian ra để giải thích cho bạn hiểu rằng không nên, nhưng cũng có những bác sĩ rất bận và không muốn căng thẳng với bệnh nhân nên đồng ý làm luôn theo Ý THÍCH của bạn – khi ấy người thiệt là bạn thôi. Bác sĩ cũng là con người, họ chữa bệnh nhưng họ cũng không thích căng thẳng. Nếu thấy bệnh nhân quá hùng hổ và nằng nặc đòi chụp cái này cái kia, thì ừ – thuận theo ý bệnh nhân vậy! Bởi thế mới nói, nếu bạn hiểu đủ và hiểu đúng về một vấn đề, lúc đó hãy tham gia và thảo luận cùng bác sĩ, còn nếu bạn chưa hiểu mà chỉ đi nghe đồn thôi, thì đừng tham gia vô chuyên môn của bác sĩ, hãy để họ làm đúng chuyên môn của họ.
2. Nếu bạn không phải bệnh nhân ung thư, mà là một người bình thường đi khám định kỳ để theo dõi sức khoẻ thì hãy tuân theo chu trình chuẩn của Bộ Y tế trong việc hướng dẫn khám chữa bệnh. Nếu có bất kỳ bất thường gì về sức khoẻ thì hãy nói thật kĩ và chi tiết với bác sĩ để bằng cái nhìn chuyên môn của họ, họ sẽ cho bạn thêm một vài xét nghiệm chụp chiếu, nhằm tìm tòi câu trả lời thoả đáng cho sự khó chịu trong cơ thể mà bạn đang phải chịu đựng.
3. Có câu chuyện bác sĩ cầm một ly nước lọc rồi nói dối một bệnh nhân đang đau nặng rằng đây là cốc nước pha viên thuốc đặc trị. Bác uống đi, bệnh sẽ đỡ đấy. Bệnh nhân cầm cốc nước uống, bác sĩ hỏi bác thấy thế nào? À ừ, đỡ một chút rồi bác sĩ ạ, tôi thấy nhẹ nhõm hơn rồi… Trong quá trình nghiên cứu thuốc cũng vậy, ngoài một nhánh bệnh nhân dùng thuốc thật thì song song với đó, luôn có một nhánh bệnh nhân được kê giả dược hay còn gọi là thuốc bột – tức là về bề ngoài hình dáng 2 viên giống hệt nhau, nhưng 1 viên là thuốc, còn 1 viên là bột, hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh gì cả. Thiết kế này nhằm loại bỏ sai số nhiễu từ việc người bệnh tự khỏi, tự đỡ mà không cần thuốc. Câu chuyện ly nước, câu chuyện giả dược, và câu chuyện thuốc lỗi – uống nhưng vẫn đỡ (mà tôi đã từng đề cập) để nói lên rằng cơ thể con người là một bộ máy kỳ diệu, y học ngày nay phát triển tột bậc nhưng chưa thể làm chủ được cỗ máy kỳ diệu đó. Hai điểm yếu chí mạng của y học hiện đại là: 1. nó được xây dựng dựa trên đám đông chứ không phải cá thể hoá, và 2. Các thiết bị chụp chiếu chưa thể tinh vi đến mức thoả mãn mong muốn của con người được, mọi quyết định y lệnh được đưa ra đều dựa trên việc cân đo giữa lợi và hại, giữa tính mạng của những người đi trước đã nằm xuống nhằm giúp bác sĩ tránh phạm phải những sai lầm cũ.
Chúng ta có quyền hi vọng vào tốc độ phát triển của y học, nhưng bên cạnh đó cũng cần nắm rõ việc y học không hoàn hảo. Y học cũng như bạn, như tôi và như bất cứ ai trên đời này – đều có những khuyết điểm của riêng mình.
Chiến Thắng Ung Thư
✽✽✽✽✽✽