Tăng cường liều vắc xin COVID-19 thứ 3 trên bệnh nhân ung thư: Hướng dẫn của Mạng lưới Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCCN)

Hướng dẫn của Mạng lưới Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCCN) về tiêm phòng vắc xin COVID-19 trên bệnh nhân ung thư chỉ ra rằng nhóm bệnh nhân này nên được ưu tiên tiêm liều thứ 3.

NCCN đã công bố một bản cập nhật quan trọng khuyến cáo sử dụng vắc-xin COVID-19, bao gồm việc sử dụng liều tăng cường thứ 3 ở bệnh nhân ung thư.

Khuyến cáo chỉ ra rằng một số nhóm bệnh nhân đủ điều kiện để tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ 3, bao gồm bệnh nhân có khối u rắn mới được chẩn đoán hoặc tái phát trong vòng 1 năm kể từ liều vắc-xin ban đầu bất kể đang điều trị với liệu pháp nào, cũng như bệnh nhân ung thư máu ác tính hoạt động. Bệnh nhân đã được ghép tế bào gốc (SCT) hoặc liệu pháp tế bào được thiết kế như liệu pháp tế bào CAR-T trong vòng 2 năm cũng đủ điều kiện, cũng như trên bệnh nhân tiếng hành SCT khi điều trị với liệu pháp ức chế miễn dịch hoặc có tiền sử bệnh ghép chống chủ bất kể thời gian cấy ghép trước đó.

Robert W. Carlson – Giám đốc điều hành của NCCN, cho biết: “COVID-19 có thể rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với bệnh nhân ung thư, đó là lý do tại sao chúng tôi rất biết ơn các loại vắc-xin an toàn và hiệu quả đang cứu sống nhiều người. Tổ chức của chúng tôi cải thiện cuộc sống của bệnh nhân ung thư; và có bề dày thành tích trong việc đưa ra các khuyến cáo nhằm cải thiện chất lượng và tuổi thọ. Chúng tôi muốn bệnh nhân của mình sống lâu nhất và tốt nhất có thể, có nghĩa là tiêm chủng và đeo khẩu trang dựa trên các bằng chứng khoa học”.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư và phòng chống bệnh truyền nhiễm tại Seattle Cancer Care Alliance, đồng thời là đồng lãnh đạo của Ủy ban Tư vấn Tiêm chủng NCCN COVID-19, cho biết. “Ngay cả sau liều vắc-xin thứ ba, chúng tôi vẫn khuyến cáo những người bị suy giảm miễn dịch – ví dụ bệnh nhân đang điều trị ung thư – tiếp tục thận trọng, đeo khẩu trang và tránh tụ tập, đặc biệt là xung quanh những người chưa được tiêm chủng”.

Các khuyến cáo bổ sung đề xuất rằng tất cả những người đủ điều kiện chăm sóc và tiếp xúc gần với bệnh nhân ung thư nên được tiêm chủng sớm nhất. Sử dụng tất cả các loại vắc-xin đã được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp (Pfizer/BioNTech, Moderna, Janssen) được khuyến cáo trên bệnh nhân đủ điều kiện.

Bệnh nhân đang điều trị bằng tế bào T tự thân/hoặc dị ghép hoặc với liệu pháp CAR-T phải chờ ít nhất 3 tháng sau khi điều trị để tiêm vắc-xin. Bệnh nhân ung thư máu ác tính, gồm cả bệnh nhân đang hóa trị liệu với cytarabin và phác đồ dựa trên anthracyclin đối với bệnh bạch cầu cấp dòng tủy cần trì hoãn việc tiêm chủng cho đến khi số lượng bạch cầu trung tính hồi phục tuyệt đối. Bệnh nhân bị suy tủy do bệnh lý sẵn có và/hoặc dự kiến ​​sẽ tủy xương chỉ phục hồi 1 phần hoặc không hồi phục sau điều trị cũng như trên bệnh nhân đang được điều trị duy trì lâu dài có thể tiêm vắc-xin.

Với bệnh nhân ung thư dạng khối u rắn, có thể được tiêm một liều vắc xin sẵn có cho bệnh nhân đang điều trị bằng hóa trị liệu, liệu pháp đích, thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch và liệu pháp miễn dịch hoặc xạ trị. Những người đang trải qua cuộc phẫu thuật lớn cần đợi một vài ngày sau phẫu thuật trước khi tiêm vắc-xin.

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) hiện khuyến cáo tiêm liều thứ 3 của vắc xin mRNA COVID-19 cho những người bị suy giảm miễn dịch từ trung bình đến nặng, bao gồm:

1- Đang điều trị ung thư máu ác tính hoặc khối u ác tính

2- Bệnh nhân ghép tạng đang sử thuốc thuốc ức chế miễn dịch

3- Bệnh nhân ghép tế bào gốc trong vòng 2 năm hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch

4- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch nguyên phát trung bình đến nặng, bao gồm các bệnh như hội chứng DiGeorge hoặc hội chứng Wiskott-Aldrich

5- Nhiễm vi rút gây suy giảm miễn dịch nặng hoặc không được điều trị

6- Đang điều trị với corticoid liều cao hoặc các liệu pháp điều trị khác có thể dẫn đến ức chế miễn dịch

CDC khuyến cáo rằng nên tiêm liều vắc-xin mRNA COVID-19 thứ 3 ít nhất 4 tuần sau liều thứ hai của vắc-xin Moderna hoặc Pfizer. Đáng chú ý, mặc dù dữ liệu sơ bộ chỉ ra rằng liều thứ ba có thể làm tăng hiệu giá kháng thể trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch, tuy nhiên bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tiếp tục có nguy cơ nhiễm COVID-19 và các biến chứng liên quan đến COVID-19 cao hơn. Ngay cả với liều bổ sung, lây nhiễm vẫn có thể xảy ra, nghĩa là các biện pháp phòng ngừa như tránh tụ tập và đeo khẩu trang được khuyến cáo.

http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/2021/Tang-cuong-lieu-vaccin-COVID-19-thu-3-tren-benh-nhan-ung-thu-Huong-dan-cua-NCCN.htm