Thiếu hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu khi truyền hóa chất ung thư

Mình xin đề cập đến những độc tính tủy xương hay gặp khi truyền hóa chất tức là giảm các dòng tế bào máu.

Đầu tiên phải hiểu sơ chút về máu. Theo định nghĩa thì máu gồm phần tế bào sống là hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Và phần dịch thể gồm nước, các chất điện giải, dinh dưỡng, kháng thể… Với bài này mình đề cập đến phần 3 dòng tế bào máu thôi.

Các tế bào máu này chủ yếu được sinh ra từ tủy đỏ của xương xốp. Các xương như xương chậu, xương cột sống… là nơi chủ yếu sinh ra các tế bào này. Bạn nào đã từng luộc con gà mà bị sống khi chặt cái đùi ra đỏ au, đó chính là phần sinh ra máu cho chúng ta.

Tùy tờ kết quả xét nghiệm loại máy nào sẽ viết thứ tự và kí hiệu hơi khác nhau. Ngoài các máy viết tiếng việt thì khỏi bàn. Các máy viết tiếng anh thì thường là:

Bạch cầu = WBC

Hổng cầu = RBC

Huyết sắc tố hồng cầu = HGB

Tiểu cầu = PTL

Thiếu máu có thể có nhiều nguyên nhân, do thiếu chất tạo máu do ăn uống thiếu dinh dưỡng, sắt, folic, vitamin B12…, hoặc do ăn đủ mà không hấp thu được, hoặc hấp thu được nguyên liệu mà bị bệnh lý về cơ quan tạo máu không sản xuất được ra máu thành phẩm, hoặc sản xuất rồi mà bị mất đi, mất đi có thể do bên trong mạch máu, cũng có thể mất do chảy máu ra ngoài.

Bệnh nhân ung thư thì thiếu máu có thể do nhiều cơ chế nói trên. Nhưng phần bài này mình đề cập đến do truyền hóa chất. Thì hóa chất chủ yếu là chất độc gây độc tính lên các tế bào sinh sôi này nở, tủy xương chính là nơi phải sinh sôi nảy nở các tế bào máu để bù đắp các tế bào đã chết theo tuổi. Nên tủy xương là một trong những cơ quan chịu độc tính của hóa chất nhiều nhất. Tuy nhiên không phải hóa chất nào cũng gây độc tính tủy như nhau. Có sự khác biệt giữa các hóa chất, có hóa chất bị nặng, có loại nhẹ thậm chí không thấy đáng kể. Kể cả cùng loại hóa chất thì liều thuốc cũng có vai trò quan trọng, nên liều lượng khi truyền hóa trị thuốc nào phải cân nhắc theo nhiều độc tính chủ yếu của nó. Và có phụ thuộc cơ địa bệnh nhân, có người liều nhẹ cũng bị độc tính nặng, có người liều cao mà không sao và thể trạng tốt là 1 điểm cộng tốt cho bệnh nhân hóa trị. Và có khi phụ thuộc vào sự tuân thủ các phác đồ của bác sĩ và bệnh nhân, có những hóa chất khi dùng người ta đã có sẵn chỉ định phải sự phòng các độc tính tủy xương mà không tuân thủ thì cũng bị nặng.

Mức độ nặng của độc tính tủy xương không đồng nhất, tức là hay gặp bị giảm cả 3 loại, nhưng cũng có khi chỉ thiếu 1 dòng trong 3 dòng tế bào trên. Có những ca độc tính này có thể tự hồi phục hoặc sau can thiệp, tức sau đó tủy xương có thể trở về bình thường. Nhưng có tỷ lệ rất ít ca nặng có thể bị suy tủy, ung thư máu tức thêm 1 bệnh nặng khác ngoài ung thư.

Thiếu hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu khi truyền hóa chất ung thư

Việc thiếu các dòng tế bào có khác nhau nên mình đề cập riêng từng loại.

1. Thiếu hồng cầu.

Trên thực tế khi người ta bị thiếu hồng cầu thì sẽ được gọi là bị thiếu máu. Hồng cầu là tế bào có màu đỏ chiếm số lượng đông đảo nhất. Nó có tác dụng vận chuyển oxy và co2. Từ phổi đến các nơi sử dụng. Không có hồng cầu chở oxy thì mọi hoạt động trong các tế bào đều ngừng lại sớm thì chỉ sau vài phút hay muộn cũng mấy giờ. Nên thiếu hồng cầu sẽ gây ra đủ thứ:gây ra suy tim, khó thở, mệt mỏi, chóng mặt,… Người ta còn thấy nếu thiếu máu sẽ làm giảm tác dụng khi xạ trị hay hóa trị. Nên khi thiếu máu ở mức độ nào đó sẽ phải dừng điều trị bệnh để đợi đủ máu hoặc điều trị cho đủ máu mới tiếp tục chiến đấu với ung thư được. Với bệnh nhân truyền hóa chất thì khi thấy thiếu máu cần can thiệp thường là khi Huyết sắc tố HGB dưới 10g/dL thì người ta phải cân nhắc điều trị.

Điều trị thì người ta sẽ cho xét nghiệm xem có thiếu nguyên liệu tạo máu không để bổ xung, ví như thiếu sắt, folic, vitamin B12. Nếu đã thấy đủ nguyên liệu mà thiếu máu thì nếu mức độ thiếu máu cần can thiệp thì tiêm thuốc kích thích sinh hồng cầu. Còn nếu gấp, thiếu nặng quá thì cách nhanh nhất là truyền máu. Trong những cách trên thì cách chỉ bổ xung nguyên liệu là nhẹ nhàng nhất. Tuy vậy tùy trường hợp mà chọn cách nào. Nhiều người hay xin truyền máu cho nhanh, nhưng thực tế truyền máu có nhiều nguy cơ và hiện tình trạng thiếu máu ở các bệnh viện là phổ biến đặc biệt là nhóm máu hiếm, nên cân nhắc khi nào cần mới truyền. Nên tóm lại bệnh nhân muốn có đủ máu thì bản thân phải ăn uống hợp lý đủ chất. Có những người từ khi bị ung thư không ăn thịt đỏ là hay bị thiếu máu thiếu sắt nhất. Lên bệnh viện lại bị xin mời về chờ máu lên. Lúc đó lại cuống lên ăn gì cho khỏi thiếu máu đây mọi người ơi.

2. Thiếu Bạch cầu.

Bạch cầu có nhiều loại. Nhưng khi hóa trị chủ yếu là thiếu bạch cầu hạt. Đây là loại bạch cầu chiểm tỷ lệ áp đảo nhất. Tác dụng chính của Bạch cầu này là giúp cơ thể chống nhiễm trùng. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thì bạch cầu này sẽ tiên phong tiêu diệt vi khuẩn. Nên khi thiếu hụt khả năng bảo vệ bị giảm sút, bà con hiểu tạm là giảm sức đề kháng. Khi đó có những vi trùng mà bình thường không làm gì được mình thì nay có khả năng gây bệnh, thậm chí có bọn hàng ngày vẫn ăn nhờ ở đậu ở cơ thể nay nó cũng gây bệnh được như vi khuẩn ở răng miệng, ruột, tiết niệu sinh dục… bọn cơ hội này hay gây ra tình trạng nhiễm trùng do giảm bạch cầu, hay gặp là bị viêm phổi, viêm tiết niệu… và nặng thì nó nhiễm trùng máu luôn. Và nhiễm trùng ở bệnh nhân giảm bạch cầu rất nặng mà biểu hiện ban đầu nhiều ca không rầm rộ quá nên khi phát hiện thường rất nặng hay có biến chứng shock rồi. Do đó giảm bạch cầu là độc tính hay gặp và là điều bác sĩ hóa trị rất quan tâm.

Khi dùng hóa chất có nguy cơ tác dụng giảm bạch cầu nặng bác sĩ thường cho tiêm thuốc kích thích bạch cầu dự phòng trước. Sau khi truyền hóa chất bạch cầu thường giảm ngay và nặng dần đến lúc giảm mạnh nhất thường rơi vào ngày thứ 10 đến 14 sau truyền. Sau đó nếu cơ thể bình thường thì bạch cầu sẽ hồi phục trở lại vào ngày 20. Đây cũng là 1 lý do mà các đợt hóa trị thường cách nhau 3 tuần. Khi giảm bạch cầu thì làm gì? Bà con vẫn cứ hỏi ăn gì cho không giảm bạch cầu hay ăn gì cho tăng. Nhưng thực tế ăn chẳng ảnh hưởng mấy, tất nhiên vẫn ăn uống đầy đủ là lời khuyên chung rồi, nên xúi ăn cái này cái kia cho bạch cầu lên chẳng có tác dụng. Đa phần là bạch cầu nó sẽ tự tăng lên theo quy luật thông thường vừa nêu, các bạn hay gặp là đến bệnh viện xét nghiệm bác sĩ bảo thiếu cho về tuần sau lên xn lại, về ai xúi ăn gì tuần sau lên thấy nó lên đủ thế là quy cho nhờ ăn nó lên, thực tế là chính cơ thể bạn nó làm, tự nó lên theo thời gian. Hầu hết về chẳng ăn gì thì vẫn lên mà ăn thì cũng vậy, mà ăn được đồ ngon thì cũng tốt nên ai hỏi tôi có ăn không mà thấy đồ ngon không phải tính đến tiền thì ủng hộ ngay.

Khi bạch cầu giảm sẽ có các nguy cơ bên trên. Tuy nhiên đó chỉ là nguy cơ, không phải ai giảm bạch cầu cũng nhiễm trùng rồi chết. Nó phụ thuộc mức độ giảm bạch cầu, sự giữ gìn chống nhiễm trùng của bệnh nhân. Nên có những ca tiên lượng giảm mạnh bác sĩ phải cho cách ly vô trùng và chế độ ăn uống sinh hoạt chống nhiễm trùng tối đa. Tuy nhiên những bệnh nhân cần làm vậy rất ít, chủ yếu khi điều trị diệt tủy thôi. Còn với bệnh nhân thông thường khi chưa giảm hoặc giảm bạch cầu việc của bạn là giữ vệ sinh ăn uông, răng miêng, thân thể tốt, mang khẩu trang khi tiếp xúc nói chuyện chỗ đông người. Còn việc của bác sĩ thì nếu giảm bạch cầu kèm theo triệu chứng nhiễm trùng thì phải điều trị kháng sinh…, nếu giảm mức độ nặng mà chưa có nhiễm trùng có thể cân nhắc tiêm thuốc kích thích bạch cầu. Nếu giảm nhẹ nguy cơ thấp thì có thể chỉ cho theo dõi hoặc muốn tăng lên cũng có thể tiêm kích thích bạch cầu lên. Tuy nhiên thuôc kích bạch cầu chủ yếu để phòng ngừa, khi giảm rồi mà có triệu chứng nhiễm trùng thì điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh mới là quyết định, tiêm thuốc kích thích khi đó có thể làm nhưng không để điều trị nhiễm trùng. Tiếc là hiện tại ở Việt Nam những nơi tôi biết thì không có biện pháp truyền bạch cầu như truyền hồng cầu. Và việc làm đó nếu có thì theo mình thà tiêm kích bạch cầu lên đơn giản hơn nhiều. Hiện khi hóa trị thường bạch cầu tổng dưới 3.0 G/l và/hoặc bạch cầu hạt dưới 1.5 Gl thì khuyến cáo nên hoãn truyền hóa chất.

3. Thiếu tiểu cầu.

Tiểu cầu là tế bào tham gia vào quá trình đông máu, khi thiếu nó sẽ dễ bị chảy máu, xuất huyết. Xuất huyết có thể ở nhiều nơi và khi xuất huyết các tạng quan trọng thì rất nguy hiểm như não, phổi… tuy vậy đó cũng chỉ là nguy cơ, không phải ai giảm cũng bị xuấy huyết. Vì ngoài tiểu cầu còn có một số yếu tố khác tham gia vào quá trình này. Và tùy theo mức độ giảm thì nguy cơ sẽ cao hay thấp. Thường khi giảm dưới 100 G.l thì hay hoãn các phác đồ truyền hóa chất.

Tuy nhiên can thiệp vào giảm tiểu cầu hay kệ đợi nó lên là vấn đề khó nhất. Vì so với 2 loại kia tiểu cầu không có sẵn thuốc kích thích đặc hiệu, các thuốc kích tiểu cầu khó tìm và thực tế là mình chưa thấy ở đâu bán ở Việt Nam. Thứ hai là tiểu cầu tăng giảm khá đỏng đảnh, có thể nay giảm sâu mai đã thấy lên cao. Thứ 3 có truyền tiểu cầu nhưng số lượng tiểu cầu luôn khan hiếm, khi hiến máu chủ yếu là lấy được hồng cầu chứ tiểu cầu có chút xíu, một lít máu lấy được gần nửa là hổng cầu thì được vài phần trăm là tiểu cầu. Nên luôn khan hiếm, khi truyền phải cân nhắc lắm xem ai cần hơn ai để chia. Nhiều lúc trong nhiều bệnh viện không có tiểu cầu. Thứ nữa là tiểu cầu có tuổi thọ có mấy ngày, 8 ngày thì phải. Nên khi lấy ra khỏi cơ thể người này rồi truyền vào người kia có khi đã chết gần hết, không thì vài ba ngày sau cũng chết hết. Vậy nên truyền tiểu cầu vào mà tăng lên được để đủ tiêu chuẩn hóa trị là hiếm thấy. Do đó chỉ truyền khi tiểu cầu giảm quá sâu, và hoặc có chảy máu để cải thiện tình trạng cấp tính thôi. Việc ăn gì cho tăng tiểu cầu cũng vậy chẳng có tác dụng gì.

Nên máu thì chủ yếu truyền hồng cầu do nó tuổi thọ sống được khoảng 4 tháng. Chứ tiểu cầu phải cân nhắc kĩ lưỡng và luôn thiếu. Và với lý do này chúng ta nên đi hiến máu định kì nhé.

Điều cuối cùng lại là chuyện cây cỏ, mình vừa tiếp nhận 1 anh bệnh nhân VIP. Khi anh bị bệnh thì có khoảng 15 loại thuốc lá, nấm, TPCN đã được gửi đến biếu, và còn cả chục lời chỉ đi đây đi đó chữa, điều trị hỗ trợ. Anh ấy phải mời mình đến để tư vấn từng loại. Thấy có những thứ nên uống cũng không hại gì, có những thứ mình biết là độc hại gan thận. Mà nguyên những thứ không độc hại nếu uống hết cũng khỏi ăn cơm. Đang loay hoay nói sao cho bệnh nhân hiểu, dù anh ấy rất hợp tác nhưng với bao cám dỗ hứa hẹn thì tinh thần cũng xiêu vẹo. May mà có giáo cụ trực quan. Khi anh vừa đưa vừa đọc từng loại anh có. Chưa cần mình nói đã có 2 chú VIP giai đoạn nặng đang nằm ngồi phắt dậy mắng, nào là nấm xxx tôi đã uống vào lần nào vào hóa cũng thiếu máu, men gan cao, suy thận bị đuổi về không truyền hóa chất được cứ hoãn đi hoãn lại mới thành ra không theo được hóa chất bỏ dở nay tái phát hối hận. Này là tôi cũng đã uống lá cây loại người ta cũng cho ông rồi bị chảy máu dạ này nôn ra một chậu máu ngay tại cái phòng này 1 năm trước rồi bỏ dở xạ đi chữa thủng dạ dày về thì bệnh di căn. Thái độ 2 ông chú làm thấy ghê, chắc lúc đó ai mang biếu những cái đó mà có ở đó cũng thấy quê mặt. Bác sĩ không cần nói thêm, lựa cho vài loại thấy cũng không hại gì bảo uống cho động viên tinh thần là chính, chỉ tay ra ngoài cho anh nhìn 1 ông cụ bị ung thư phổi giai đoạn cuối 3 năm nay vẫn đang khỏe dù bệnh lúc giảm lúc tăng, nhưng vì ông bị bệnh tâm thần phân liệt đang được nuôi dưỡng cứu trợ, chẳng có thân nhân mà thuốc bổ thuốc bắc, cũng chỉ có thuốc bảo hiểm chứ chẳng có gì cao cấp, ông chẳng biết gì nên cứ vui cười suốt, bảo ăn cơm là ăn cơm, bảo uống thuốc là uống thuốc, chỉ có 1 nhu cầu là mỗi lần thấy tôi là phải ôm một cái. Chính nụ cười lạc quan do bệnh tâm thần vô tình đã giúp ông cụ chứ chẳng phải mình.

Note: Do bài viết này chỉ là những hiểu biết hiện tại và chủ yếu dành cho người bênh nên một số chỉ định điều trị cụ thể thì có thể sẽ được thay đổi cập nhật theo thời gian. Nên nếu gặp các vấn đề trên để biết mức độ và có cần điều trị hay không mọi người hãy tham khảo bác sĩ điều trị của mình nhé.

BS.Nguyễn Thành Luân

Bấm Vào Đây Để Vào Thư Viện

✽✽✽✽✽✽