Thuốc đích thế hệ 2 và ung thư phổi biểu mô tế bào vảy
Câu hỏi: Mẹ em bị ung thư phổi không tế bào nhỏ biểu mô tế bào vảy, đã truyền hoá chất nhưng không đáp ứng. Hiện bệnh đã di căn sang não, gan và xương. Bác sĩ bảo gia đình em là hết cách rồi và trả Mẹ em về tỉnh. Em có đọc bài anh viết về thuốc đích thế hệ 2. Trong đó anh có nhắc đến thuốc đích thế hệ 2 đã được FDA thông qua dùng cho tế bào vảy. Vậy tại sao bác sĩ không kê cho nhà em dùng hả anh? Mong anh trả lời em. Em cám ơn anh ạ!
Trả lời: Trong trường hợp này bác sĩ KHÔNG SAI em ạ! Nếu đọc kĩ lại bài 44, em sẽ thấy tuy được FDA thông qua, nhưng afatinib vẫn KHÔNG được giới chuyên gia chào đón NHƯ MỘT ĐIỀU TRỊ TIÊU CHUẨN trong điều trị bước 2 dành cho những bệnh nhân ung thư phổi biểu mô tế bào vảy. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi làm rõ sự LỆCH PHA đó giữa FDA với cộng đồng chuyên gia. Qua đó, em sẽ hiểu hơn về cách thức hoạt động của việc áp dụng các phác đồ điều trị trên cơ thể người.
1. Trong tất cả các loại ung thư phổi không tế bào nhỏ thì ung thư phổi biểu mô tế bào vảy chiếm 20% và thường đi kèm với tiên lượng sống còn RẤT kém. Chỉ có chưa đầy 5% số bệnh nhân mắc ung thư phổi biểu mô tế bào vảy sống sót qua mốc thời gian 5 năm.
Hiệu quả điều trị khi áp dụng liệu pháp đích lên ung thư phổi biểu mô tế bào vảy vẫn còn RẤT hạn chế do xét theo mặt phân tử, ung thư phổi biểu mô tế bào vảy là loại ung thư có tính không đồng nhất rất cao. Ngoài ra, bản chất của các đột biến gen trong ung thư phổi biểu mô tế bào vảy KHÁC với các đột biến gen trong ung thư phổi biểu mô tuyến – dẫn đến sự khác biệt đáng kể về hiệu quả khi cùng áp dụng 1 liệu pháp điều trị đích.
Đột biến gen phổ biến nhất trong ung thư phổi biểu mô tuyến là EGFR cũng bắt gặp trong ung thư phổi biểu mô tế bào vảy, NHƯNG tỷ lệ xuất hiện thấp đến mức gần như KHÔNG ĐƯỢC LÀM trong các khuyến cáo xét nghiệm gen. Điều này giải thích tại sao đối với ung thư phổi biểu mô tế bào vảy thì thường các bác sĩ sẽ không yêu cầu bệnh nhân xét nghiệm đột biến gen là vậy!
2. Vào năm 2016,, FDA đã thông qua Thuốc đích thế hệ 2 Afatinib dành cho những bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ biểu mô tế bào vảy giai đoạn tiến triển trước đó đã trải qua phác đồ hoá trị platinum.
Việc thông qua này dựa theo kết quả công bố từ phase3 của nghiên cứu LUX – LUNG8. Tại nghiên cứu này, afatinib cho ra thời gian sống còn toàn bộ là 7.9 tháng và thời gian sống không bệnh tiến triển là 2.4 tháng. Điều rất đáng lưu ý là bệnh nhân trong nghiên cứu đều dùng afatinib liều 40mg và có tới gần 60% trong số này gặp phải tác dụng phụ từ cấp độ 3 trở lên. Tiêu chảy cấp độ 3,4 cũng xuất hiện ở 10% bệnh nhân. Tiêu chảy cấp độ 3 thì cần bù nước, còn cấp độ 4 thì nguy hiểm đến tính mạng – điều này có nghĩa là cứ 10 bệnh nhân thì có 1 bệnh nhân cần được theo dõi và hỗ trợ về tình trạng tiêu hoá.
Các chuyên gia đã gọi chiến thắng được FDA thông qua này của afatinib là một CHIẾN THẮNG TAN NÁT. Một chiến thắng mà người thắng cuộc cũng sứt đầu mẻ trán không khác gì người thua cuộc!
3. Như mình đã từng nói, FDA thông qua là một chuyện, còn từ đó cho đến việc thay đổi hẳn điều trị trong lâm sàng là chuyện không hề đơn giản. Nó như câu chuyện thuốc covid mà mình đã từng đề cập – tuy được FDA thông qua nhưng số phiếu chống cũng gần bằng số phiếu thuận. Một bác sĩ giỏi là một bác sĩ cần có cái nhìn đủ, từ cả góc độ ủng hộ lẫn góc độ phản biện nhằm đem lại cho bệnh nhân của mình lợi ích sống còn cao nhất. Chứ cứ dựa vào góc nhìn 1 chiều từ việc FDA thông qua thì thiết nghĩ không cần đến chuyên gia làm gì. Khi ấy, phát cho bệnh nhân mỗi người 1 tờ giấy in khuyến cáo của FDA rồi tự chữa cho nhau!
Cũng giống như 1 kỳ thi, thí sinh tuyển thẳng sẽ khác hoàn toàn với thí sinh phải thi, và trong số những thí sinh phải thi thì thí sinh đậu thủ khoa cũng khác hoàn toàn với thí sinh vừa khít điểm đỗ. Nếu coi việc được FDA thông qua như 1 kỳ thi thì afatinib là 1 thí sinh vừa khít điểm đậu.
Chưa kể việc đỗ vớt này là việc đỗ với liều dùng afatinib 40mg! Trong thực tế, CỰC KỲ HIẾM bệnh nhân chịu nổi liều 40mg của afatinib. Đại đa số phải hạ liều về 30mg. Và khi hạ liều về 30mg, liệu chiến thắng tan nát – kết quả vừa đủ điểm đậu của afatinib trong bối cảnh ung thư biểu mô tế bào vảy có còn được giữ nguyên không? Hay từ 1 thí sinh đỗ vớt sẽ trở thành 1 thí sinh thi trượt?
4. Vào thời điểm năm 2016 – thời điểm afatinib được thông qua, các lựa chọn điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi biểu mô tế bào vảy còn rất hạn chế, đặc biệt đối với những bệnh nhân tiến triển sau hoá trị platinum ở điều trị bước đầu. Theo thời gian, khoa học tiến bộ và phát triển hơn, những thuốc khác đã xuất hiện và đem lại một chiến thắng rõ ràng hơn khi so sánh với afatinib trong cùng một bước điều trị. Có thể kế đến các cái tên như Thuốc miễn dịch Nivolumab hay thuốc kháng thể đơn dòng Ramucirumab… Những thay thế này đã khiến afatinib KHÔNG CÒN là lựa chọn điều trị trong thực tế lâm sàng của cộng đồng chuyên gia. Afatinib đem lại lợi ích quá ít so với lượng độc tố nặng mà nó gây ra trên bệnh nhân.
Bài học rút ra ở đây là gì?
1. Nếu bạn là một bệnh nhân ung thư phổi biểu mô tế bào vảy và đã kháng hoá trị ở điều trị bước đầu. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ về việc xét nghiệm đột biến gen. Tỷ lệ đột biến gen trong ung thư phổi biểu mô tế bào vảy THẤP đến mức không thành khuyến cáo, nhưng biết đâu đấy, có thể bạn là 1 trong số những người ít ỏi đó thì sao?
2. Nếu bạn là một bệnh nhân ung thư phổi biểu mô tế bào vảy và đã kháng hoá trị ở điều trị bước đầu, và bạn cũng đã xét nghiệm đột biến gen rồi nhưng âm tính. Khi ấy, dựa vào kinh tế của gia đình, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn điều trị kế tiếp… Giữa các lựa chọn ấy, lựa chọn uống afatinib là một lựa chọn tan nát – như mình đã phân tích ở trên. Trong thực tế điều trị, gần như không bác sĩ nào kê afatinib cả.
3. Toàn bộ bài viết này được viết trong bối cảnh ung thư phổ không tế bào nhỏ biểu mô tế bào vảy. Còn trong bối cảnh biểu mô tuyến cũng như những bối cảnh khác, thuốc đích thế hệ 2 afatinib vẫn là một vũ khí tuyệt vời trong cuộc chiến đương đầu với ung thư phổi.
Chiến Thắng Ung Thư
✽✽✽✽✽✽