Ung thư phổi và những tình huống không chắc chắn
1. Buổi trưa hôm qua, trong lúc đi ăn thì mình nhận được điện thoại từ một em trai thông báo Mẹ em đã thua cuộc, chỉ biết động viên em cố gắng. Đời người ngắn ngủi mấy mươi năm, chả ai sống nổi tới trăm năm cả, chia ly chỉ là tạm thời, rồi tất cả sẽ lại đoàn tụ. Dù gì, là người ở lại – chúng ta sẽ vẫn phải sống tiếp, dù cho sự sống tiếp này nó đầy mệt mỏi và cay đắng!
2. Đến tối thì nhận được câu hỏi của 1 cô em gái thân. Em chụp ảnh tình huống của 1 bệnh nhân thông báo thua cuộc trên 1 nhóm ung thư khác. Em muốn hỏi sự đúng sai trong trường hợp này? Mình đọc và nhận ra người thông báo đó chính là cậu em trò chuyện cùng mình lúc trưa, câu chuyện mà em kể chính là về Mẹ em ấy, còn “anh bán thuốc” xuất hiện đôi lần trong câu chuyện của em chính là mình.
3. Mình sẽ nói về ca bệnh của nhà em ấy, những tình huống 50/50 khi mình và gia đình em ấy đã phải đối mặt. Như một thói quen – mình gần như không bao giờ gọi điện, hoàn toàn nhắn tin, và vì là nhắn tin nên sẽ không có bất cứ thứ gì bị bỏ lỡ, không có bất cứ thứ gì bị lãng quên. Câu chuyện luôn có thể trở lại khi chúng ta cần.
Hai anh em trao đổi lần đầu trên otofun, lúc đó Mẹ em vừa đi chụp chiếu CT + MRI, kết quả cho ra có cả u não lẫn u phổi. Mẹ em vẫn sinh hoạt bình thường, không có triệu chứng gì, em xin lời khuyên từ mình. Mình có nói rằng, giờ sẽ phải sinh thiết để kết luận xem là ung thư phổi di căn lên não hay là một loại ung thư khác nó di căn đến não và phổi? Nhưng với tuổi của Mẹ em (trên dưới 60) + giới tính nữ + chủng tộc Á Đông thì khả năng cực cao là Mẹ em bị ung thư phổi di căn não và có đột biến gen EGFR. Mình khuyên em có thể tính tới việc dùng thuốc đích luôn trong lúc chờ đợi kết quả sinh thiết, vì di căn não nó rất khó lường, nó dễ gây biến. Nếu hợp thì tốt, nếu không hợp thì với cơ địa của Mẹ em – nó cũng chả hại gì.
Đó là 1 ý kiến của mình để em tham khảo. Cuối cùng em quyết chưa dùng đích và chờ đợi kết quả sinh thiết phổi. Kết quả sinh thiết phổi cho ra âm tính – không tìm thấy tế bào ung thư. Lúc này, bác sĩ nghĩ đến phương án sinh thiết não để tìm tế bào ung thư và hẹn qua Tết sẽ phẫu thuật não! Tức là tính từ lúc Mẹ em sinh thiết phổi âm tính cho tới lịch hẹn phẫu thuật não là gần 2 tháng.
Lúc đó mình kịch liệt phản đối, mình có phân tích với em rằng:
Khối u não của Mẹ em hiện tại như bác sĩ đánh giá là nó xâm lấn chưa đủ gây ra đe doạ ghê gớm gì trong tương lai gần, và dựa vào tiên lượng đó nên bác sĩ đã hẹn Mẹ em ra sau Tết. Mẹ em hiện tại cũng chưa hề có triệu chứng gì cả. Theo quan điểm của anh, với bối cảnh hiện giờ thì nên dùng đích EGFR liều cao trong 2 hoặc 3 tuần rồi đi chụp lại MRI luôn. Nếu kết quả khối u não co ngót đáp ứng thuốc thì Mẹ em đích thực là 1 bệnh nhân ung thư phổi có đột biến gen EGFR và Mẹ em sẽ tránh được một cuộc đại phẫu. Còn giả dụ thuốc vô dụng do Mẹ em không phải 1 bệnh nhân EGFR thì sau đó vẫn phẫu thuật như ý bác sĩ thôi, không sao cả. Mình chen thêm cái ý dùng đích vô con đường thẳng mà bác sĩ vẽ ra cho nhà em để nếu trúng thì tránh được cuộc đại phẫu, còn không trúng thì chả sao cả. Con đường từ sinh thiết phổi âm tính cho tới phẫu thuật não vẫn đi thẳng một mạch!
Em và gia đình bàn tính, cuối cùng quyết không dùng đích và ăn Tết, chấp nhận qua Tết tiến hành phẫu thuật não.
4. Qua Tết, lúc đó mình còn đang bận chiến đấu với bài toán của riêng mình thì nhận được tin nhắn từ em – ca mổ thất bại – Mẹ em hôn mê và phải thở máy tại Viện. Bác sĩ gặp riêng gia đình và ra phương án trả về tỉnh, bác sĩ bảo không cứu được, để đây sớm muộn sẽ mất tại Viện thôi. Một lần nữa, mình lại khuyên gia đình:
+ Em bàn với bác sĩ làm 2 việc, việc đầu tiên là lấy cái mô não đó đem đi xét nghiệm gen, việc 2 là cho dùng đích EGFR. Thuốc đích nghiền ra, bơm qua ống xông mũi, nếu Mẹ em hợp thuốc thì sau 1 thời gian ngắn là Mẹ em sẽ tỉnh và khi ấy tự Mẹ em sẽ cai được máy thở. Đích mà hợp thì cực tốt và trong y văn đã ghi lại RẤT NHIỀU CA hôn mê đã được các bác sĩ trên thế giới họ cứu bằng cách bơm vô ống xông mũi rồi.
+ Lúc này, khi trước mặt không còn gì để mất. Em chấp nhận theo phương án mình đưa ra và thảo luận cùng bác sĩ. Bác sĩ chiều ý em đưa mô đi xét nghiệm gen và đồng ý cho đùng đích nếu kết quả trả về dương tính. Trời không phụ người có công – Mẹ em tỉnh lại sau đó, cai máy thở. Kết quả xét nghiệm gen trả về dương tính – rồi dùng đích bằng cách bơm qua ống xông mũi. Mẹ em đáp ứng thuốc cực tốt, và được xuất viện sau đó không lâu.
Mẹ em trở về nhà và sinh hoạt được gần như người bình thường, nhưng kháng thuốc sớm do một số yếu tố mà mình không đi sâu. Mọi chuyện tệ dần và kết thúc.
Bài học rút ra ở đây là gì?
1. Nếu y học đơn giản chỉ là đến lúc này thì làm cái này, đến khúc kia thì làm cái kia. Thiết nghĩ, khi ấy không cần bác sĩ làm gì, lúc ấy cử 1 thằng mù chữ hoặc 1 con vẹt đi đọc y lệnh là xong. Đầu vào nhập dữ liệu, rồi đầu ra đợi nó đọc như 1 cái máy – tất cả đều đã được thiết lập sẵn – mọi thứ đi vào chuẩn! Nhưng Y học thì KHÔNG ĐƠN GIẢN NHƯ VẬY.
Một bác sĩ giỏi là một bác sĩ phải giải quyết được những tình huống không chắc chắn, những tình huống 50/50. Y học là tương đối, nhưng một bác sĩ giỏi là một bác sĩ phải làm sao đưa được cái tương đối tiệm cận gần tới cái tuyệt đối nhất. Cơ thể là 1 sự hoàn hảo ở mức cao nhất trong tự nhiên – nó là 1 hệ kín. Vì vậy, hạn chế tối đa xâm lấn tới cơ thể mà vẫn đạt được mục tiêu chữa bệnh là nguyên tắc tối thượng.
2. Nếu bệnh nhân đã có triệu chứng do u não chèn ép + hình ảnh MRI não cho thấy u mọc hiểm, mọc nhiều và có sự ĐE DOẠ tới sống còn của bệnh nhân trong TƯƠNG LAI GẦN thì việc mổ não là BẮT BUỘC. Lúc đó, chúng ta KHÔNG có lựa chọn tốt hơn vì thời gian không cho phép. Chúng ta không thể trì hoãn thêm, buộc phải phẫu thuật não để giải phóng áp lực nội sọ, cấp cứu bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch rồi mới tính tiếp.
NHƯNG nếu bệnh nhân chưa có triệu chứng, hình ảnh MRI não chưa có đe doạ gì trong tương lai gần, thậm chí lịch mổ còn được lui đến gần 2 tháng sau đó, thêm nữa bệnh nhân là NỮ + CHỦNG TỘC Á ĐÔNG + CÓ NỐT Ở PHỔI thì việc dùng đích EGFR trong thời gian đợi lên bàn mổ là việc nên làm. Việc này nếu đúng sẽ tránh cho bệnh nhân một cuộc đại phẫu, nếu sai nó sẽ chả hại đến ai.
3. Ở các ca khó. Thiết nghĩ, nên có 1 sự hội chẩn liên ngành.
Ví dụ, bác sĩ phẫu thuật không thể có cái nhìn đủ hiểu biết về các phương pháp điều trị nội khoa kiểu dùng đích như bác sĩ ung thư được. Bác sĩ phẫu thuật sẽ không thể biết đích nó là gì và nó có thể làm được những gì trong những hoàn cảnh thế nào như bác sĩ ung thư được. Do đó, nếu có 1 sự hội chẩn đủ tâm và đủ tầm thì số bệnh nhân tránh được các cuộc đại phẫu kiểu trên sẽ nhiều hơn…
Ít nhất, với bản thân mình – đã gặp 4 ca.
4. Mình đánh giá rất cao diễn đàn otofun vì những thành viên trên đó 100% đều là những người có kiến thức và hiểu biết ngoài xã hội. Họ thừa sức đọc vị được những loại “chuyên gia cặn bã” mà chúng ta hay gặp trên Face. Đọc vị được bọn cặn bã đi nghe lỏm câu được câu không là tốt, nhưng cũng không vì thế mà tin tưởng bác sĩ 100%. Hãy tin tưởng bác sĩ 99% thôi, 1% còn lại là hoài nghi và đặt câu hỏi. Dĩ nhiên, một tờ giấy trắng thì không thể hoài nghi được. Rỗng tuếch – đã làm gì có cái gì mà hoài nghi?
Vậy thì hãy chia hành trình chữa bệnh của bạn ra làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu khi chưa biết gì thì hãy hoàn toàn nghe theo bác sĩ, giai đoạn sau khi đã có kiến thức và ngấm đủ rồi. Lúc đó hãy đặt câu hỏi. Hãy bảo bác sĩ của bạn rằng bạn hỏi không phải vì bạn nghi ngờ trình độ của bác sĩ. Bạn hỏi chỉ vì có những thời điểm hành trình điều trị sẽ đi đến giai đoạn rẽ nhánh, và quyết định chọn nhánh sẽ gần đúng hơn khi nó được xét lại lần 2 bởi câu hỏi của bạn.
Chiến Thắng Ung Thư
✽✽✽✽✽✽